Long An: Chỉ nuôi 4 vụ tôm công nghệ cao, lão nông có bí quyết gì mà bỏ túi 2 tỷ đồng?

Trần Đáng Thứ hai, ngày 08/03/2021 06:10 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nông dân vùng hạ - vùng chủ lực nuôi tôm của tỉnh Long An, đang dốc tiền xây dựng “thủ phủ” tôm, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nhưng nông dân xã Phước Vĩnh Tây (huyện Tân  Trụ) vẫn tiếp tục sản xuất tôm, nhất là đầu tư sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao.

Long An: Nông dân vùng hạ dốc tiền xây dựng “thủ phủ” tôm ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều nông dân ở Long An đầu tư.

Theo Phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc, hiện có 12 hộ đang thả nuôi 4,5ha tôm ứng dụng công nghệ cao.

Ông Vũ Hồng Hải (xã Phước Vĩnh Tây), là một trong những hộ nuôi tôm 2 giai đoạn ở huyện Cần Giuộc cho biết, hiện ông đang nuôi với diện tích ao ương là 135m2 và ao nuôi là 2.000m2.

"Sau 87 ngày thả nuôi, tôm sẽ có trọng lượng 35 con/kg, sản lượng 4 tấn. Tôm nuôi trong mô hình này được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm", ông Hải chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Văn Đê (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) là một trong những nông dân đi tiên phong trong việc đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của địa phương.

Hiện, ông đầu tư hệ thống ao nuôi tôm 2 giai đoạn, với 10 ao nổi và 2 ao nuôi. Lắp tấm pin năng lượng mặt trời nhằm duy trì nguồn điện cho việc nuôi tôm.

Cuối năm 2020, sau 4 vụ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, ông Đê thu lãi hơn 2 tỉ đồng.

Long An: Nông dân vùng hạ dốc tiền xây dựng “thủ phủ” tôm ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 2.

Ông Đê (giữa) kiểm tra tôm giống trong ao ương của mô hình nuôi tôm ứng dựng công nghệ cao.

Theo ông Đê, sau nhiều năm nuôi tôm ở vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông, ông đã tích lũy nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nuôi tôm quảng canh thường cho lợi nhuận thấp, bấp bênh.

Từ khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham quan, học tập mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung (Trà Vinh), ông đã chuyển sang đầu tư áp dụng ương tôm giống, thả nuôi theo hình thức 2 giai đoạn.

Ông Đê cho biết thêm, quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn như sau: Giai đoạn đầu tôm được nuôi trong nhà lưới 20-30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Tôm giống thả mật độ 1.000-3.000 con/m2.

Khi tôm có trọng lượng 1,5-2g/con, chuyển sang giai đoạn 2 của ao nuôi liền kề, mật độ giống 200-300 con/m2, nuôi đến khi tôm đạt cỡ 40-60 con/kg. Tổng thời gian nuôi 80-100 ngày/vụ. Một năm, nuôi theo cách này được 4-5 vụ.

Vừa qua, tỉnh Long An quyết định đầu tư 1.244 tỷ đồng để phát triển vùng nuôi tôm của tỉnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.400 ha. Trong đó, nuôi tôm công nghệ cao là 500 ha. Sản lượng hơn 16.500 tấn với giá trị đạt trên 1.300 tỷ đồng.

Long An: Nông dân vùng hạ dốc tiền xây dựng “thủ phủ” tôm ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 3.

Tôm ứng dụng công nghệ cao được thu hoạch tại Long An.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, tỉnh Long An đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem