Lúa mùa ngập sâu trong nước, trạm bơm tê liệt vì mất điện, nhiều đại điền ở Thái Bình "kêu cứu"

Thứ hai, ngày 09/09/2024 05:46 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Tô Văn Khải, một đại điền ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết, sau bão số 3 (bão Yagi), hiện hơn 2/3 diện tích lúa mùa của gia đình ông đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông bị ngập sâu trong nước và có nguy cơ bị thiệt hại nặng.
Lúa mùa ngập sâu trong nước, trạm bơm tê liệt vì mất điện, nhiều đại điền ở Thái Bình "kêu cứu" - Ảnh 1.

Ông Tô Văn Khải, một đại điền ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết, sau bão số 3 (siêu bão Yagi), hiện hơn 2/3 diện tích lúa mùa đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông của gia đình ông bị ngập sâu trong nước.

 Lúa mùa có nguy cơ bị thiệt hại nặng

Sau trận bão lịch sử quét qua kèm mưa lớn kéo dài đã khiến cho hàng chục mẫu lúa của gia đình ông Khải bị ngập sâu trong nước, nhiều khu ruộng còn bị gió lớn quật ngã, đổ rất nặng. Từ sáng ngày 8/9 đến giờ, ông Khải vẫn liên tục gọi điện thoại lên xã, huyện để "cầu cứu", mong sớm có điện để vận hành trạm bơm của huyện nhưng đến giờ vẫn vô vọng.

"Hơn 30 mẫu ruộng lúa của chúng tôi đang bước vào thời kỳ làm đòng, trổ bông rất đẹp nhưng giờ chỉ còn nước trắng xóa. Nếu không được bơm nước, chống úng kịp thời thì khoảng vài ngày tới, toàn bộ diện tích lúa sẽ xóa sổ, ước tính thiệt hại lên đến tiền tỷ", ông Khải buồn rầu chia sẻ.

Ông Khải cho biết, đến nay ông đã gần 60 tuổi nhưng chưa khi nào chứng kiến cơm bão to như năm nay. "Bão số 3 năm nay rất khủng khiếp, vừa gió to quần thảo, càn quét mọi thứ lại kèm mưa to như trút nước. Nhà con tôi xây rất kiên cố nhưng khi bão vào đã thổi bay mất mái đi xa cách nhà hơn 200m2, khiến ai cũng kinh hãi", ông Khải bộc bạch.

Lúa mùa ngập sâu trong nước, trạm bơm tê liệt vì mất điện, nhiều đại điền ở Thái Bình "kêu cứu" - Ảnh 2.

Dù không bị ngập úng nhưng nhiều diện tích lúa tại Thái Bình bị gió bão quật gẫy đổ có nguy cơ thiệt hại nặng.

Sau khi siêu bão Yagi quét qua đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng ở Thái Bình, nhiều nhà cửa tốc mái, cây cối đổ gãy tan hoang khắp nơi khiến hệ thống điện bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.

Cùng trong tình cảnh với ông Khải, tại huyện Quỳnh Phụ còn nhiều đại điền khác cũng đang như "ngồi trên đống lửa" vì hệ thống bơm nước tê liệt. "Ở huyện có 6 đại điền làm cánh đồng mẫu lớn đều đang có nhiều ruộng lúa mùa bị ngập úng nặng. Dù chúng tôi đã dùng mọi cách, thậm chí còn lôi máy cày ra đồng để bơm nước nhưng cũng không lại với trời. Càng bơm nước càng đầy hơn, chúng tôi hết cách, chỉ mong sớm có điện để trạm bơm hoạt động mới cứu được lúa", ông Khải ngậm ngùi.

Cần phân loại thiệt hại của từng vùng, từng trà lúa để có giải pháp khắc phục cụ thể

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) cho biết, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, đơn vị của ông cũng bị thiệt hại nhiều, nhất là khu vực sản xuất và nghiên cứu.

Ông Báo cho biết thêm, trước khi bão số 3 đổ bộ, ông đã có dự báo khi bão vào sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại cho người dân. Riêng về sản xuất lúa, do đúng thời điểm lúa trỗ rộ nhất nên khi gặp bão lũ có thể bị thiệt hại lớn nhất.

Sau khi bão số 3 đi qua, từ sáng đến giờ ông đã đi đến rất nhiều cánh đồng và thăm nhiều trà lúa. Theo ông, tình hình thiệt hại do bão số 3 đối với sản xuất vụ mùa còn phải chờ 7-10 ngày nữa mới có thể đánh giá hết. Tuy nhiên, qua quan sát tại thực địa ở các cánh đồng khá sát với dự báo trước đó của ông.

Theo ông Báo, trà lúa trổ trước bão có thể đã được thụ phấn và sẽ vào chắc sau bão. Nhưng bị ảnh hưởng do gió bão làm tổn thương bông, thân và lá đòng. Đối với, trà lúa đang trỗ (đại trà ở miền Bắc hiện nay) bị xé rách đòng không thể thụ phấn và tỷ lệ lép sẽ rất nghiêm trọng. Hiện, trà muộn khoảng từ 10-15/9/24 bị gió làm gẫy đòng khó có khả năng trỗ bình thường. 

"Tất cả các trà lúa đều bị tổn thương thân, đòng, bông, lá đòng (3 lá đòng quyết định năng suất của lúa). Lá đòng bị tác động cơ giới làm lúa dễ bị bạc lá cuối vụ. Qua những yếu tố ảnh hưởng trên sẽ làm giảm năng suất lúa mùa năm nay", ông Báo nhận định.

Lúa mùa ngập sâu trong nước, trạm bơm tê liệt vì mất điện, nhiều đại điền ở Thái Bình "kêu cứu" - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hỗ trợ hỗ trợ nông dân ở những vùng bị thiệt hại nặng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất vụ đông 2024.

Để khắc phục thiệt hại gây ra cho lúa mùa năm nay, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed cho rằng: Trước hết ngay sau khi bão tan, chúng ta cần đánh giá lại toàn bộ tình hình thiệt hại do bão gây ra đối với sản xuất vụ mùa, phân loại thiệt hại của từng vùng, từng trà lúa để có giải pháp khắc phục cụ thể.

"Những chỗ bị úng lụt, lúa bị đổ phải tổ chức tháo cạn nước và buộc dựng lại. Những trà lúa trổ muộn (sau 10/9) cần tiếp tục chăm sóc bảo vệ để có được kết quả tốt nhất. Đặc biệt không bón thêm phân có thể gây bệnh bạc lá lúa.

Chúng ta cần sớm có giải pháp hỗ trợ hỗ trợ nông dân ở những vùng bị thiệt hại nặng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất vụ đông 2024.

Đồng thời, chủ động chuẩn bị giống cho vụ đông xuân 2024 - 2025 đảm bảo đủ giống có chất lượng tốt cho nông dân", ông Báo kiến nghị.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, khi đổ bộ vào địa bàn tỉnh Thái Bình, bão số 3 có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 7h ngày 8/9 là 203,4mm, nơi cao nhất là xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ: 419,4mm.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, bão số 3 không gây thiệt hại về người, tàu thuyền cũng như tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, bão đã khiến một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, nhiều cây cối bị gẫy đổ, bật gốc.

Đặc biệt, bão khiến khoảng 30 cột điện, 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố.

Bão cũng gây thiệt hại nặng nề ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, khoảng 6.000 ha lúa ở tỉnh bị thiệt hại 30-70%; 5.000 ha bị thiệt hại trên 70%; 585 ha rau màu bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760 ha bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30-70%; 170 ha bị ảnh hưởng hơn 70%.8. Diện tích lúa nghiêng, đổ bị úng ngập ước tính là 18.000 ha

Bão cũng làm sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng.


Trần Quang
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem