Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
- Chọn con đường trở thành một vận động viên thể hình, một con đường tốn kém và gian nan, đòi hỏi đam mê, sức bền thể lực và tài chính. Phạm Văn Mách đã kiên trì theo đuổi con đường ấy khi chỉ có 2 bàn tay trắng và là một trong những vận động viên đầu tiên đặt chân vào ĐTQG cùng đàn anh Lý Đức. Nhớ lại những ngày ban đầu không dễ dàng ấy, đâu là lý do cho sự bắt đầu bền bỉ với công việc của một vận động viên thể hình?
Để trở thành một vận động viên thể hình chuyên nghiệp như hiện nay, tôi đã đặt ra cho mình một số mục tiêu ban đầu: Lòng đam mê; Quyết tâm đạt được mục tiêu mơ ước.
Vạch ra giải pháp tài chính cho nhu cầu sinh hoạt (làm PT, giao quần áo cho các shop, dạy nhảy hiện đại...)
- Từng là cậu ấm trong một gia đình giàu có, bố là ông chủ một công ty thuốc lá lớn ở An Giang. Nhưng khi Phạm Văn Mách trưởng thành thì gia đình gặp biến cố và phá sản. Sống trong môi trường kinh doanh từ nhỏ, hẳn anh cũng học hỏi được nhiều điều từ công việc kinh doanh của gia đình? Tuổi thơ của anh có kỷ niệm nào khiến anh nhớ mãi?
Tính kỷ luật trong công việc; Tầm quan trọng trong quản lý nhân sự; Luôn sáng tạo trong sản phẩm.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là mỗi lần chơi với các bạn ở xóm, Mách thường mua nhiều đồ chơi để phân phát cho các bạn trong xóm cùng chơi, đặc biệt khi chơi biệt kích bắn nhau, Mách luôn mua nhiều súng đồ chơi để phát cho các bạn cùng chơi.
- Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp thể hình của anh là gì? Để chấm một vận động viên thể hình trong một cuộc thi, theo anh giám khảo sẽ căn cứ vào những yếu tố nào?
Bước ngoặc lớn nhất là ở giải vô địch thể hình thế giới tại Myanmar 2001, Mách đạt HCV lần đầu tiên. Mách cũng là vận động viên Việt Nam đầu tiên và vận động viên hiếm hoi của châu Á có tấm HCV danh giá tại giải thế giới.
Để đánh giá về một vận động viên thể hình chuyên nghiệp cần hội tụ đủ 4 yếu tố: Độ cân đối cơ thể; Độ to cơ bắp; Độ sắc nét; Phong cách biểu diễn.
- Năm lần vô địch thể hình Thế giới, 8 lần vô địch thể hình châu Á. Phải nói rằng thành tích gần như bất bại của anh trong nhiều năm qua là một con số đáng nể. Đối thủ nào trong những cuộc thi tầm vóc thế giới khiến anh cảm thấy hứng thú và nhiều trải nghiệm nhất?
Trong những năm thi đấu châu Á và Thế giới, Mách rất thích các vận động viên Iran vì phong trào thể hình ở Iran rất mạnh, phổ biến và được yêu thích nhiều giống như môn bóng đá ở Việt Nam vậy. Chính vì điều đó, các vận động viên nước họ rất đẹp và tính chất cạnh tranh trong thi đấu rất cao. Và để thi đấu với các vận động viên đó thì phải nỗ lực rất nhiều.
- Thời gian Phạm Văn Mách bắt đầu đến với thể hình chuyên nghiệp, kinh tế gia đình anh đi xuống nên không hỗ trợ anh được nhiều. Mức lương biên chế của vận động viên thể hình còn hạn chế. Mách đã phải vật lộn mưu sinh thế nào để trở thành một vận động viên thể hình chuyên nghiệp, tự tin thi đấu ở những giải đấu khu vực và trên thế giới? Những khó khăn nhất với Mách khi anh mới bắt đầu sự nghiệp thể hình là gì?
Mức lương biên chế của VĐV cuối thập niên 90 là 3,5 triệu/tháng, vì thế, dù đã đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, Mách vẫn phải chọn mưu sinh bằng nghề tay trái để nuôi dưỡng đam mê thể hình, một thứ đam mê được đánh cược bằng niềm tin thời trai trẻ. Nhưng có lẽ do thừa hưởng máu kinh doanh của ba - ông chủ Công ty Thuốc lá miền Tây để lại - Mách học được ý chí quyết tâm làm việc.
Sau giờ huấn luyện thể hình ở ĐTQG, Mách đã đi bỏ sỉ vải vóc, quần áo từ nơi sản xuất đến các shop trên đường Hồ Văn Huê, đường Cách Mạng Tháng Tám để kiếm lời. Buổi chiều quay về làm HLV thể hình cho CLB ở Bàu Cát, Tân Bình. Từ tháng 2/1998 đến tháng 12/1998, Mách đã sắm được chiếc xe máy đầu tiên trong đời làm món quà tặng chính mình. Bởi không có chiếc xe máy second-hand quý giá này thì Mách phải đạp xe nhễ nhại mồ hôi nhiều đoạn đường mỗi ngày, thật là những kỷ niệm không thể nào quên!
Nhớ về lần đầu tiên sắm được chiếc xe máy đó, Mách cứ lâng lâng như đi trên mây, mãi vẫn chưa chạm đất được. Trước đây, mỗi lần về Long Xuyên, An Giang, Mách đi lại bằng xe đò vì thế lần đầu tiên mua được xe máy, cảm thấy đã đời và không tin vào mắt mình. Hôm đó rủ một đứa em về quê An Giang chơi bằng chiếc xe máy vừa mua, vì tâm hồn vẫn lâng lâng chưa ổn định nên bị lạc đường khoảng 30km. Trời tối quá hai anh em phi xe máy thẳng lên đống cát ngã sõng soài. Đến tối mịt hai anh em mới về tới nhà.
- Những chuyện hi hữu mà anh từng trải qua khi tham gia những cuộc thi thể hình tầm vóc trên thế giới?
Trong màn biểu diễn với sự tham gia của bộ ba tuyển thủ thể hình nam hàng đầu quốc gia: Lý Đức - Giáp Trí Dũng - Phạm Văn Mách, tiết mục biểu diễn là Mách sẽ ngồi trên bàn tay anh Lý Đức và anh Dũng, dâng tay đưa Mách lên cao rồi chào khán giả. Anh Lý Đức khi đó cao 1m74 và khi giơ tay đưa cơ thể Mách ở tư thế cách mặt đất tầm 2m. Bỗng một tai nạn ngoài ý muốn xảy ra, vì có dầu màu nên độ trơn khiến Mách ngã cắm đầu xuống đất nhưng nhờ có học võ nên Mách lộn nhào mấy vòng trong tư thế kiểm soát được vì thế BTC không hề biết đó là một tai nạn. Mọi người vỗ tay tán thưởng vì màn chào quá đặc biệt. Chỉ có HLV trưởng và anh Lý Đức, anh Giáp Trí Dũng là hú hồn trước cú ngã đó.
Tại chuyến đi giải châu Á năm 1998, một chuyện hi hữu không kém là Mách chỉ nhận được HCĐ nhưng cuối cùng lại được BTC trao HCB vì đối thủ xếp trên dính doping nên bị tước huy chương.
- Với một vận động viên, 1 lần vô địch thế giới đã là chuyện … không thể nào quên trong suốt sự nghiệp thi đấu của họ. Nhưng Phạm Văn Mách đã 5 lần vô địch thế giới môn thể hình, 8 lần vô địch châu Á … lần đầu tiên được sống trong giây phút hồi hộp vinh danh, cảm xúc của anh thế nào?
Tháng 12/2001, cuộc thi thể hình thế giới tổ chức tại Yangoon, Myanmar. Cuộc thi do IFBB (Liên đoàn Thể hình quốc tế) tổ chức, ngay từ khi đến với cuộc thi thế giới này, Mách đã mang tâm thế tự tin nên đã biểu diễn những thế mạnh nhất của hình thể. Lúc công bố là nhà vô địch hạng cân 55kg, chỉ còn Mách và VĐV Myanamar đang đứng trên sân khấu để chờ đợi kết quả cuối cùng trong 5 phút hồi hộp, căng như dây đàn. Bên dưới hàng ghế đầu là thị trưởng Yangoon đang theo dõi kết quả. Lần đầu tiên Mách giành chức vô địch thế giới hạng cân 55kg với môn thể hình sau 4 năm lăn lộn với con đường thể hình chuyên nghiệp.
Lúc ấy cảm xúc của Mách như những đóa bồ công anh, mang những giọt li ti hạnh phúc của ánh mắt, nụ cười, thăng hoa… đi xa nhất. Để đến khi đứng trước bục nhận huy chương, Mách vẫn còn cảm giác như ... chưa chạm đất, bởi giấc mơ xa xỉ năm nào giờ đã trở thành hiện thực. Cổ tích giữa đời thường là có thật, với Mách!
Nếu là VĐV vô địch thế giới môn thể hình mà giàu được như bao người từng nghĩ, thì 5 lần vô địch thế giới, Mách đã trở thành đại gia. Mỗi HCV nếu được quy ra tiền thưởng chắc chỉ được tầm 60-70 triệu/1 cá nhân. Nhưng giá trị tinh thần của mỗi tấm huy chương lại đại diện cho đất nước, sự vinh dự lớn xiết bao.
- Gần đây, nhu cầu tập thể hình trong xã hội đã trở nên thông dụng hơn xưa rất nhiều. Như vậy một người có nhiều thành tích thi đấu như Phạm Văn Mách cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp bản thân mà anh đã từng rất thành công: Mở phòng tập gym mà anh từng rất thành công trước đó. Không biết mục tiêu hiện tại của anh là gì?
Mục tiêu của Mách thời điểm hiện tại là phát triển sự nghiệp theo chuyên ngành của mình.
- Mách từng là người khá thức thời khi mở phòng gym và phát triển sự nghiệp của mình rất tốt. Nhưng dịch bệnh năm 2020 khá trầm trọng gây khó khăn cho người kinh doanh có mặt bằng. Hiện tại những phòng gym ấy đã được xử lý thế nào rồi?
Năm 2002, Phạm Văn Mách đã có vốn và kinh nghiệm để mở phòng tập gym đầu tiên. Rồi 2,3 phòng thể hình cùng ra đời đã giúp Phạm Văn Mách yên tâm sống với đam mê của mình. Phòng tập gym lâu nhất mở từ năm 2007, đến lúc đóng cửa là năm 2020, lý do thì chắc ai cũng hiểu: Dịch bệnh. Thế là sau 30 năm mưu sinh ở Sài Gòn. Mách lại phải gây dựng từ đầu sau biến cố dịch bệnh. Nhưng mọi sự bắt đầu chưa bao giờ là quá muộn - tấm HCV thể hình SEA Games 31 đã bù đắp cho Mách sau những biến cố dịch bệnh ấy.
- Nhiều vận động viên ĐTQG sau khi gặt hái quá nhiều thành tích: HCV khu vực và trên thế giới, họ thường chọn con đường trở thành HLV, Phạm Văn Mách thì sao?
Mỗi người theo nghiệp thể hình đều có chí hướng khác nhau. Nhưng Mách nghĩ là trở thành một huấn luyện viên trong công việc thể hình thì rất tuyệt vời. Bạn được dạy lại những kinh nghiệm mà mình đã trải qua cho thế hệ đi sau. Mách cũng rất thích điều đó, nhưng Mách nghĩ sau khi không thi đấu nữa nên chọn cho mình công việc nào có thể an toàn tài chính cho bản thân và gia đình rồi khi đó hãy thực hiện đam mê.
- Anh đánh giá chung về thể hình Việt Nam ở thời điểm hiện tại và tương lai? Là một vận động viên gạo cội, bền bỉ với sự nghiệp, anh có lời khuyên nào dành cho thế hệ trẻ không?
Các bạn hãy tập luyện thể hình theo một cách đơn giản và khoa học, luôn trao dồi kiến thức thể hình để hiểu và áp dụng để kịp theo xu hướng phát triển của các vận động viên quốc tế. Hiện tại lớp vận động viên kế thừa còn mỏng so với những năm trước đây. Nhưng với phong trào thể hình phát triển như hiện nay thì trong tương lai thể hình fitness sẽ lên ngôi.
- Anh thần tượng cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger vì ông là một người đa tài: Tài tử điện ảnh, VĐV thể hình 7 lần vô địch thế giới, thống đốc bang… một con người dồi dào năng lượng cho những chinh phục. Phạm Văn Mách cũng từng thử sức với ca hát, khách mời gameshow, anh còn muốn tiếp tục phát triển song hành: Giải trí và Thể hình nữa không?
Mách vẫn tiếp tục thực hiện đồng hành văn hoá và thể thao. Vì hai lĩnh vực này có sự tương đồng và có sự hỗ trợ qua lại về nhiều mặt.
Ví dụ: Hai lĩnh vực này đều đứng trên sân khấu, và đều phải tự tin thể hiện. Âm nhạc tạo sự nhịp nhàng trong bài thi đấu thể hình.
- Mối quan hệ giữa Phạm Văn Mách và Angiela Phương Trinh trở nên thân thiết hơn nhờ thể hình. Anh có lời khuyên gì với phái đẹp khi đến với môn thể hình này không?
Mách và Angela Phương Trinh đã đồng hành nhiều năm nên anh em hiểu nhau, nhu cầu tập luyện theo từng giai đoạn. Có lúc cơ săn chắc 6 múi, lúc thì cơ bắp nhẹ nhàng thon gọn để phù hợp cho quảng cáo, phim ảnh. Cho nên với môn thể hình rất phù hợp và là nhu cầu cần cho phụ nữ. Với nữ thì lượng estrogen lúc nào cũng cao hơn testosterond, nên việc tạo mỡ là nhanh hơn so với nam. Nếu không tập thể dục thì sẽ đễ béo bụng và mất dáng đẹp.
Điều khó cho phụ nữ là không có thời gian tập, có tư tưởng sợ lên cơ bắp.
- Triết lý sống của anh là gì?
Tập trung công việc và luôn trau dồi kiến thức.
- Xin cảm ơn Phạm Văn Mách về cuộc trò chuyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.