Thủ tướng Chính phủ mới đây đã cơ bản đồng ý với kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Dự kiến, việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc bắt đầu vào tháng 10 tới và kéo dài trong vòng nửa năm.
Không chỉ Phú Quốc mà Khánh Hòa, Quảng Nam với lợi thế đón khách quốc tế cũng đã lên kế hoạch cho ngày phục hồi ngành du lịch.
Sẵn sàng đưa khách đến Phú Quốc
Ở trong nhà liên tục và làm việc online từ đầu tháng 6 đến nay, chị Nguyễn Ngọc Thuận (ngụ phường An Phú, TP.Thủ Đức) cho biết cảm thấy rất tù túng. Là một "tín đồ" du lịch, hàng năm, ngoài các chuyến du lịch trong nước, chị cũng thường xuyên đi các nước trong khu vực. Thấy Thái Lan, Singapore bắt đầu thử nghiệm "hộ chiếu vaccine" (thẻ xanh), chị cũng bồn chồn.
"Nghe tin Việt Nam sẽ thí điểm áp dụng thẻ xanh, tôi rất háo hức, bởi tôi đã hình dung có thể sẽ chịu khó bó chân, không được đi du lịch cho đến cuối năm. Tôi vừa tiêm xong mũi vaccine phòng Covid-19 cách đây hơn hai tuần. Nếu bắt đầu áp dụng 'thẻ xanh', tôi sẽ liên hệ các công ty du lịch để đặt tour" - chị Thuận nói.
Không chỉ người dân có tâm lý chờ được đi du lịch mà các doanh nghiệp cũng đã đợi ngày này suốt 4-5 tháng qua, khi ngành du lịch gần như "bất động" vì đại dịch Covid-19. Riêng về mảng du lịch inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam), hoạt động này gần như là con số không kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái.
"Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là điều mà các doanh nghiệp du lịch lữ hành rất ủng hộ và quan tâm. Thái Lan, Singapore đã thử nghiệm. Đây là giải pháp tiến đến triển khai hộ chiếu vaccine, kết nối Việt Nam và các nước an toàn khác để phát triển mảng inbound cũng như tạo sản phẩm tour dành cho người Việt đi các nước" - ông Nguyễn Minh Mẫn (Trưởng phòng truyền thông - marketing Công ty TST Tourist) nói.
Ông cho biết sắp tới, doanh nghiệp sẽ theo dõi sát việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, sau đó có thể là Quảng Ninh, Nha Trang… "Chúng tôi đã sẵn sàng các sản phẩm, an toàn đến đâu sẽ mở sản phẩm phù hợp đến đó, kể cả các sản phẩm dành khách trong nước lẫn khách quốc tế" - ông Mẫn khẳng định.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết thời gian qua dù Covid-19 nhưng các sản phẩm cho thị trường nội địa và inbound vẫn đang được chuẩn bị và cập nhật liên tục theo tình hình thực tế từ đối tác tại điểm đến.
"Hiện chúng tôi đang triển khai các chương trình làm việc online với các đối tác khách sạn, nhà hàng tại các điểm đến, đặc biệt là Phú Quốc để cập nhật dịch vụ, sản phẩm và các chương trình khuyến mãi. Song song sẵn sàng đón khách quốc tế, chúng tôi cũng lên kế hoạch phục vụ khách nội địa có "thẻ xanh", đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh" - bà Thu nói.
Cần kịch bản cụ thể, oxy hồi sức
Dù rất kỳ vọng với việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, sau đó có thể là một số điểm đến khác như Vân Đồn, Nha Trang, Hội An… nhưng theo các doanh nghiệp, vấn đề hiện nay là cần có một lộ trình mở cửa du lịch cũng như thí điểm đón khách cụ thể, rõ ràng hơn.
Đã nhiều lần "chuẩn bị" từ khi có dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp của ông Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, không thể gồng nổi. Hiện công ty phải chuyển sang sản xuất một số thiết bị y tế để duy trì thu nhập cho 50-70 lao động. Ông đang chờ kế hoạch cụ thể về mở cửa du lịch, các giai đoạn thực hiện như thế nào. Khi đó, mới có thể lên phương án phù hợp, sẵn sàng kích hoạt lại hoạt động.
Theo ông Long, trước mắt Phú Quốc phải nhanh chóng phủ được tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân bởi thời gian thí điểm đón khách trở lại chỉ còn khoảng nửa tháng.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - nói với Dân Việt: "Hiện nay chúng tôi đều đã chuẩn bị các kịch bản chi tiết về việc phục hồi du lịch, chỉ cần Chính phủ và ngành du lịch thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì doanh nghiệp có thể kích hoạt trở lại ngay".
Các doanh nghiệp cũng đều nhận định khôi phục lại hoạt động, trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính cũng như nhân lực. Do đó, bà Hoàng kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là về tài chính để các doanh nghiệp du lịch có nguồn vốn đầu tư mạnh trở lại sau khi dịch được khống chế.
"Một trong những chính sách được các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là sớm được tiếp tục cơ cấu lại khoản nợ, giãn nợ và không chuyển nhóm nợ để có thể được tiếp tục vay vốn mới duy trì hoạt động. Các chính sách hỗ trợ càng sớm đến được với doanh nghiệp là cơ hội góp phần giúp phục kinh tế nhanh nhất", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.