Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cô Nelly dẫn các các học sinh mầm non ở Hà Nội đi dã ngoại. Ảnh Nhân vật cung cấp.
Cô Nelly, người Philippines, giáo viên tiếng Anh một trường mầm mon ở Hà Nội chia sẻ, cô đã sống và làm việc ở Việt Nam được hơn 2 năm. Nelly cho biết, cô rất thích sống ở Việt Nam và xem nơi đây là quê hương thứ 2 của mình, bởi Việt Nam là đất nước thanh bình, an toàn để tận hưởng cuộc sống.
Ngoài ra, mức sống ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng dễ chịu hơn rất nhiều so với thủ đô Manila của Philippines.
Cô Annamarie, người Nam Phi, cũng là một giáo viên tiếng Anh lâu năm tại các trường học ở Việt Nam chia sẻ, cô bắt đầu làm việc và sống ở Việt Nam kể từ năm 2017. Đầu tiên, cô sống ở Sóc Trăng 1 năm, 6 tháng ở Sài Gòn và cuối cùng quyết định lưu lại ở Cần Thơ.
Annamarie cho biết, cô yêu Việt Nam vì phong cảnh yên bình, xinh đẹp, con người dễ mến, hiền hòa. Khi sống ở Việt Nam, cô cảm thấy như đang ở chính quê hương mình.
"Tôi yêu con người, đất nước xinh đẹp này và thực tế tôi cảm thấy như ở nhà khi ở đây", cô Annamarie nói.
Cô Rita, đồng hương của cô Annamarie và cũng dạy tiếng Anh cho biết, cô mới chỉ bắt đầu sống ở Việt Nam kể từ tháng 12/2020. Việc sống ở đây mang lại cho cô cảm giác tự do. Rita thích đạp xe đạp, khám phá các danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Cô cũng chia sẻ rằng cô cảm thấy rất may mắn khi được sống ở một đất nước xinh đẹp, thanh bình như Việt Nam.
"Tôi cảm thấy may mắn khi được sống ở một nơi tuyệt đẹp như thế này", cô Rita chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Trong khi đó thầy Azzeddine Ben Salah, người Algieri, cũng là một giáo viên tiếng Anh kể rằng, thầy đã sống ở Việt Nam được 2 năm rồi. Điều thầy thích nhất ở Việt Nam là cuộc sống vô cùng thoải mái, tự do, mức sống thấp. Điều đặc biệt là người dân rất hòa đồng, tốt bụng, cuộc sống cực kỳ dễ chịu khi người nước ngoài có thể nói được chút tiếng Việt để giao tiếp với người bản xứ.
Các trường học phải đóng cửa một thời gian dài do dịch Covid-19 khiến nhiều giáo viên nước ngoài ở Việt Nam phải tìm thêm cách khác để duy trì thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh Dân Việt.
Cô Nelly cho biết, dịch Covid-19 buộc các trường học/trung tâm ngoại ngữ phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus và đảm bảo sự an toàn cho học sinh lẫn giáo viên đã khiến cô không thể dạy học được nữa. Điều đó khiến cô rất buồn. Không chỉ mất đi một nguồn thu nhập chính, cô Nelly còn rất nhớ các học sinh nhỏ đáng yêu của mình.
Để có thu nhập duy trì cuộc sống ở Việt Nam trong đại dịch, cô Nelly phải nhận thêm nhiều công việc khác nhau, làm việc gấp đôi để kiếm tiền. Hiện, công việc chính của cô Nelly là dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh. Cô cho biết, việc dạy học trực tuyến gây nhiều áp lực và khó khăn hơn cho cả học sinh lẫn giáo viên vì ở trên lớp học, học sinh và giáo viên có tương tác trực tiếp với nhau. Các bạn cũng dễ dàng nghe hiểu và diễn đạt ngôn ngữ một cách trôi chảy hơn khi học trực tuyến.
Cô Annamarie cũng chia sẻ rằng, dịch Covid đã ảnh hưởng đáng kể đến công việc của cô. Cô phải nghỉ việc từ tháng 5/2021 và hiện tại không thể dạy tiếng Anh trực tiếp ở các trường học nữa.
Thay vào đó, cô nhận dạy một số lớp tiếng Anh trực tuyến. Nhưng tình hình hiện nay vẫn khá khó khăn vì tất cả giáo viên ngoại ngữ đều chuyển sang dạy trực tuyến trong khi nhu cầu học trực tuyến không nhiều nên cô khá khó tìm lớp.
Trước dịch Covid-19, cô Rita dạy tiếng Anh trong các trường học và một trung tâm tiếng Anh. Nhưng sau đó dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến các trường học và trung tâm tiếng Anh phải đóng cửa từ tháng 5/2021, cô phải nghỉ việc và tìm kiếm công việc thay thế.
Hiện tại, cô Rita cũng dạy tiếng Anh bán thời gian trên mạng để duy trì thu nhập cho cuộc sống ở Việt Nam.
Thầy Ben Salah nói rằng khi các trường học ở Việt Nam đóng cửa, thầy sống bằng tiền tiết kiệm. Thầy may mắn vì không phải trả tiền nhà và được nhiều người bạn thân thiết, tốt bụng giúp đỡ trong những thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, khi trường học và các trung tâm ngoại ngữ đóng cửa lâu dài, thầy không thể tiếp tục thất nghiệp được nữa mà đã có những kế hoạch khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
"Tôi không có bất kỳ thu nhập nào mà chỉ sống bằng tiền tiết kiệm. Nhưng khi việc đóng cửa các trường học kéo dài, tôi đã phải tính đến những kế hoạch khác", thầy Ben Salah nói.
Cô Nelly cho biết, cô mong năm mới, đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt để cô lại được trở lại trường và gặp gỡ những học sinh thân thương của mình. Cô cũng hi vọng sẽ được trở về Philippines thăm gia đình, cuộc sống trở lại bình thường, ổn định như trước dịch.
Cô Annamarie nói rằng, cô mong muốn gắn bó lâu dài ở Việt Nam vì rất yêu cuộc sống ở đây. Cô mong năm 2022, cuộc sống sẽ trở lại bình thường để cô tiếp tục công việc toàn thời gian của mình và được đi du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh, các vùng đất mới lạ ở Việt Nam nhiều nhất có thể.
Tương tự, cô Rita chia sẻ cô muốn sống ở Việt Nam lâu hơn. Nếu các trường sớm mở cửa trở lại thì cô sẽ thực hiện được mong ước này.
"Tôi mong các trường học có thể mở cửa trở lại để tôi được quay trở lại bục giảng vì đó là công việc mà tôi yêu thích. Tôi cũng rất muốn được đi du lịch để khám phá thêm về Việt Nam", cô Rita nói với phóng viên Dân Việt.
Cuối cùng, thầy Ben Salah chia sẻ, mặc dù rất hi vọng các trường học sẽ được sớm mở cửa trở lại vào năm tới, nhưng một khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thì điều đó khó mà diễn ra được. Theo thầy, chính bản thân mỗi người chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu đó và thay đổi để thích ứng với mọi điều xảy ra trong cuộc sống.
"Sự thay đổi cần đến từ bên trong chính chúng ta", thầy Ben Salah nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.