Cách đây 10 năm, khi Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải) và Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đặt bút ký hợp đồng, người dân Hà Nội đã mơ, chỉ 6 năm sau, họ sẽ được đi trên tuyến đường sắt hiện đại này, sẽ được vừa nhẹ nhàng di chuyển, vừa thảnh thơi ngắm phố phường tấp nập bên dưới.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt số 2A – Cát Linh – Hà Đông sẽ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội được vận hành. Dự án này sẽ cùng mạng lưới xe buýt, BRT giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Thủ đô Hà Nội.
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km trên cao với 12 nhà ga đón trả khách. Tuyến bắt đầu từ nút giao cắt Cát Linh – Giảng Võ và kết thúc tại ga Bến xe Yên Nghĩa. Đoạn đường dẫn kết nối trục đường trên cao ra khu depot (khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng đường tàu ở phường Mậu Lương, Hà Đông) dài 1,7km.
Dự án này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian giãn cách khai thác từ 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35km/h. Năng lực vận chuyển tối đa mỗi chiều khoảng 28.500 hành khách/h.
Tàu được kiểm soát tự động cùng với điều khiển của lái tàu. Dự án có hệ thống thông tin tín hiệu trên tàu và tại các nhà ga, cổng thu soát vé tự động, công nghệ thẻ không tiếp xúc, ray thứ ba…
Để thi công dự án này, Hà Nội đã phải xén dải phân cách, chặt bỏ hơn 400 cây xà cừ cổ thụ cùng hàng chục cây khác trên tuyến đường Nguyễn Trãi với lý do đảm bảo an toàn cho đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và xây dựng nút giao thông 4 tầng đầu tiên của thành phố. Việc chặt cây này đã gây không ít tranh cãi.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện từ tháng 11/2008 và dự kiến đến tháng 11/2013 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 552,86 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ phía Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Tuy nhiên, kế hoạch này phải thay đổi. Đến ngày 22/5/2009, hợp đồng giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc mới được ký kết và đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được khởi công. Dự án được cam kết hoàn thành vào cuối năm 2014 và quý I/2015 sẽ vận hành chính thức.
Thế nhưng, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến tháng 12/2015.
Theo BQL Dự án, dù được chỉ định làm Tổng thầu nhưng Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc lại không có… vốn lưu động. Đây được xem là lý do làm chậm tiến độ của dự án.
Khi được hỏi có thể thay thế Tổng thầu hay không, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng đã nói: “Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì có sự ràng buộc các điều kiện tại hiệp định vay vốn. Rất mong mọi người chia sẻ”.
Đầu năm 2016, Bộ GTVT giao Tổng thầu thực hiện tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9/2016 và khai thác toàn tuyến từ 31/12/2016. Nhưng đến tháng 6/2016, dự án tiếp tục chậm trễ, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu cuối cùng đến tháng 9/2017 sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại.
Tuy nhiên, mục tiêu đó không thành. Tháng 2/2017, Bộ GTVT chốt tiến độ vận hành thử dự án từ tháng 10/2017 để quý II/2018 đưa vào khai thác chính thức.
Gần đến hạn chạy thử, Tổng thầu cho biết, do chưa được giải ngân đầy đủ nên dự án không thể đẩy mạnh thi công. Sau đó, Tổng thầu đề xuất lùi thử nghiệm dự án này đến tháng 9/2018 và khai thác thương mại vào tháng 11/2018.
Đến tháng 3/2018 vừa qua, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, tháng 9/2018 bắt đầu chạy thử nghiệm kỹ thuật, giai đoạn kết thúc dự án là năm 2021. Trước thông tin này, nhiều người dân tỏ ra lo lắng.
Video: Cuối tháng 2/2017, 4 toa tàu Cát Linh - Hà Đông đã nối nhau ở đường sắt trên cao
Tuy nhiên, sau đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó ban Quản lý dự án đường sắt cho biết phần xây dựng của dự án này chỉ còn lại 4% khối lượng chưa thi công. Hiện 90% lượng thiết bị liên quan đến dự án đã được mua sắm xong, 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt. Công tác đào tạo nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chốt tháng 12/2018 sẽ vận hành thương mại dự án đường sắt này. Như vậy, nếu thực sự “về đích” theo đúng kế hoạch này, dự án cũng đã chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu sau 7 lần lùi tiến độ.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu từ 552,86 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng), đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng). Do chậm tiến độ, dự án đã bị đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng), tăng hơn 60% so với phê duyệt ban đầu.
Dù liên tục bị chậm tiến độ, gây thiệt hại lớn nhưng phía Việt Nam vẫn phải trả đúng hạn, cả gốc lẫn lãi tiền vay từ ngân hàng Trung Quốc – China Eximbank. Chỉ tính riêng khoản vay bổ sung 250 triệu USD, mỗi năm Việt Nam đã phải trả cả vốn và lãi khoảng 650 tỷ đồng.
Nói về việc Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, đây là dự án đầu tiên nên "Việt Nam chưa có kinh nghiệm".
Dù đã năm lần bảy lượt, Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông “thất hứa”, nhưng hàng triệu người dân Thủ đô vẫn trông ngóng tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội sớm đi vào vận hành. Những lần trưng bày toa xe mẫu, đoàn tàu mẫu hay nhà ga mẫu, đông đảo người dân vẫn háo hức đến tham quan, góp ý.
Khi ra “tối hậu thư” chốt thời gian vận hành dự án này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã nói: “Thời điểm này đã có tiền, tiến độ dự án nhà thầu cũng đang làm, mặt bằng không vướng mắc, lắp đặt thiết bị đã cơ bản. Do vậy, tôi chốt lại tháng 10 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại. Nếu các anh làm trễ thì phải chịu trách nhiệm”.
Và hôm nay, theo thông báo của Ban quản lý dự án, ngày mai (20/9), 13 đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông sẽ chạy thử trên toàn tuyến. Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử nghiệm từ 3 đến 6 tháng, sau đó sẽ đi vào khai thác thương mại.
Trước đó, tiến sỹ, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy từng đề nghị, với riêng dự án này cần lắp ngay đồng hồ đếm ngược về ngày hoàn thành dự án.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội chú trọng phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn, an toàn, tiết kiệm năng lượng, diện tích chiếm đất thấp và thân thiện với môi trường. Đường sắt đô thị đáp ứng được yêu cầu đó.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 372,5 km, tổng mức đầu tư tại thời điểm phê duyệt hơn 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài các tuyến đang đầu tư dở dang và hai dự án thành phần đang đề xuất tiếp tục đầu tư, nhiều tuyến khác vẫn chưa có thời hạn bắt đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.