Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khuôn mặt vẫn bầm tím, sưng húp. Cơ thể đầy những bầm dập, nhưng có lẽ nỗi kinh hoàng mới là thứ di căn theo người phụ nữ bán tăm ấy đi suốt cuộc đời. Hôm ấy là 22.7, bà Phúc bắt xe buýt từ Hà Đông sang Long Biên thì gặp chị Bảy. Hai người di chuyển về thôn Thái Phù, xã Mai Đình, Sóc Sơn, họ đi dọc hai bên đường chào mời mua tăm.
Lúc đó, chị Bảy gọi vào một hộ dân có cháu nhỏ đứng trong nhà. Cùng lúc một người phụ nữ đi xe máy đến hỏi chúng tôi gọi cháu bé ra làm gì, định bắt cóc trẻ em à? Chị Bảy chỉ giải thích là gọi xem có ai ở nhà thôi, sau nghĩ không có chuyện gì chúng tôi đi bán tăm tiếp”, bà Phúc nhớ lại.
Chị Bảy và tôi có đưa giấy giới thiệu của hợp tác xã nhưng họ không nghe giải thích mà lao vào đánh , đá túi bụi..
Bà Phúc
Sau khi mời chào bán tăm ở quanh khu vực đó được khoảng 1 tiếng thì họ gặp lại người phụ nữ khi nãy. một người đàn ông trung tuổi ra trạm xe buýt giữ cả 2 người lại không cho về. Và chỉ ít phút sau đám đông kéo tới. "Chị Bảy và tôi có đưa giấy giới thiệu của hợp tác xã nhưng họ không nghe giải thích mà lao vào đánh, đá túi bụi mặc cả hai chúng tôi van xin”.
Tại sao? Tại sao chỉ vì lời một phụ nữ mà họ hành hung bất kể đúng sai?- bà Phúc khắc khoải.
Cùng thời điểm ấy, tại khu vực cầu Lù, Thanh Xuân, một người phụ nữ bán hàng rong bị “trật tự” quẳng chiếc cân xuống sông, dẫu chị đã hết lời van xin.
Chúng tôi xin đặt ra câu hỏi nhỏ ở đây, rằng nếu không có những clip tình cờ ghi lại, và chia sẻ trên mạng xã hội thì điều gì sẽ xảy ra?
Câu trả lời sẽ là: Không gì cả! Dẫu bạo lực đường phố hàng ngày vẫn diễn ra, rất công khai với lớp người “bên lề” này.
Người phụ nữ trong clip có một cái tên lạ: Hoát.
“Tôi xấu quá nên bố mẹ mới đặt tên đau mồm như vậy”- bà nói, trong khi vẫn không ngừng tay đánh giày trên một con phố nhỏ của Hà Nội.
Con trai bà Hoát, cũng từ Hoằng Hoá, Thanh Hoá ra HN theo “nghiệp” đánh giày của mẹ. 3 năm trước, sau một cú đập giữa thiên linh cái, “khâu 22 mũi, đi ba bệnh viện”, anh phải về hẳn quê với chứng “giật nửa mặt”!
Một “thằng nghiện”, như cách nói của bà Hoát, lấy cớ thằng bé “hôm trước đánh giày bẩn” để lục tiền trong túi giày và khi bị giằng lại, nó đập thẳng chai bia đang cầm trên tay vào đầu.
Vụ bạo hành xảy ra ngay trên phố Phúc Xá, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trong đám đông, nhưng không một ai lên tiếng can ngăn, không một người tới cứu giúp.
Phản xạ của những người “ngoài lề” như bà Hoát là ôm đầu máu chạy về quê.
“Báo công an á!” Và sau đó là một nụ cười trừ. “Báo công an” không có trong từ điển của những người bên lề, có thể, do nỗi sợ hãi đã thành cố hữu.
Hôm ấy, con trai bà không may mắn lọt bất cứ một cái camera điện thoại nào để có thể “đòi lại công bằng”!
Những người như bà Phúc, bà Bảy, bà Hoát không đếm nổi, xuất hiện rất phổ thông trên mọi vỉa hè, con đường, lối ngõ của các thành phố lớn. Gọi đó tình trạng di cư hay hậu quả của sự hưởng thụ không đồng đều của phát triển kinh tế đều không sai.
Dưới đây là số liệu Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016
của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27.9.2016
Như bà Hoát, gia đình chỉ có 3 sào ruộng, đủ ăn hay không phu thuộc vào...thời tiết và thuế phí. Muốn có 100 ngàn chỉ có một cách duy nhất là ra vườn bắt (để bán) một con gà.
Tiền bạc là thứ duy nhất kéo những người phụ nữ về thành phố sống cảnh cơm niêu nước lọ, 7 chị em già trẻ lớn bé trong 1 phòng trọ 14m2!
Bà Hoát đã ở HN “từ năm 48 tuổi và giờ 62 tuổi”, trải qua đủ thứ nghề từ bán tăm, bông ngoáy tai, móc đeo chìa khoá, bán báo và giờ là đánh giày.
Tại sao lại cứ là bán tăm và đánh giày. Vì đó là thứ dịch vụ vỉa hè không cần vốn lớn, nếu rủi ro, cũng là rủi ro nhỏ và không bị hốt “đi trại” như ăn xin.
Họ như một tầng lớp người “bên lề” đứng ngoài mọi phúc lợi, xa lạ với hưởng thụ, và ở một khía cạnh nào đó, như một nạn nhân bất đắc dĩ của kỳ thị xã hội, của bạo lực đường phố. Họ, chính là một nạn nhân của khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng giãn cách.
Khi mình chào mời, người thành phố không ngẩng mặt, họ phẩy tay, thậm chí không mở lời từ chối - bà Hoát nhận xét.
Báo cáo Bất bình đẳng giàu nghèo của Oxfam công bố hồi tháng 1.2017
Chênh lệch lớn về kinh tế kéo theo hàng loạt các bất bình đẳng, nhất là ở nhóm yếu thế. Nhóm dân tộc thiểu số, nông dân quy mô nhỏ, lao động nhập cư và phụ nữ có nhiều khả năng bị nghèo hóa, không tiếp cận được các dịch vụ.
Vỉa hè, lề đường cũng là nơi “kiếm cháo” cho một thế hệ những người lính trở về. Xuất ngũ năm 1977, thương binh Lê Ngọc Châu, ngụ ở phường Nghĩa Tân, HN bắt đầu cuộc sống với một chiếc xích lô. Ban ngày lọc cọc trên đường chở thuê hàng hoá. Tối tối ông vác một cây bơm ra ngã tư Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy. Những chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và loại bỏ xe thô sơ ở thủ đô kéo dài suốt gần 2 thập kỷ qua khiến ông ngày càng khó kiếm sống hơn. Ngay cả chiếc xe thương binh treo băng rôn “tàn nhưng không phế” giờ cũng phải bỏ. “Dân phố, phường xã đến vận động suốt, họ nói phải gương mẫu”! Nhưng áo cơm không phải là chuyện đùa.
Nhà ông, một căn hộ tập thể 18m2, cho 11 con người của 3 thế hệ. Cơi chỗ này, bỏ chỗ kia, nhưng trật trội thì vẫn là trật trội.
1,8 triệu tiền lương, phụ cấp nói chung “đúng chuẩn nghèo đô thị”- ông Châu cười. Hàm răng móm mém đã rụng một nữa do di hại từ sức ép bom năm 1972.
“Chú ở Quảng Trị đúng thời điểm “cối xay thịt” 1972. Cứ tưởng đấy là ác liệt nhất, nhưng cuộc sống sau hoà bình mới thực sự là một cuộc chiến”- lời ông Châu.
Làm gì để kiếm sống, để không bị hốt, không phạm luật là không dễ với những người “có duy nhất nghề lẩy cò súng” như ông Châu.
Năm ngoái, ở thủ đô vừa xảy ra vụ cháu bé 10 tuổi bị xe xích lô chở tôn cứa cổ. 48h đầu tiên sau vụ án đau lòng, dư luận gần như gây gắt đề nghị chính quyền phải dẹp bỏ triệt để tình trạng xe thô sơ ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm. Nhưng sau đó, những lời kêu gọi đã cất lên khi báo chí phát hiện người lái xích lô là một thương bình Vị Xuyên. Cái tên Bình còng của ông cũng xuất hiện từ những trận chiến khốc liệt bảo vệ biên giới phía Bắc, khi sức ép đạn pháo và cảnh chui hầm khiến người lính ấy không thể đứng thẳng theo đúng nghĩa đen.
Khoảng 14h ngày 23/9/2016
ông Đinh Ngọc Thạch, (còn gọi là “Bình còng) sử dụng xe xích lô đạp chở tấm tôn sắt kim loại từ 602 Trương Định đi theo hướng Tân Mai. Khi đi đến đoạn đường trước cửa nhà 60 Tân Mai, ông dừng xe lại gọi điện cho chủ cửa hàng để cho người ra lấy hàng.
Trong lúc ông Thạch đỗ xe đạp xích lô đứng chờ thì thấy 3 cháu nhỏ khoảng 9 tuổi, đi xe đạp từ hướng phố Nguyễn Chính ra đi về hướng hồ Đền Lừ, vừa đi vừa đùa nhau.
Cháu đi đầu tiên trong lúc quay đầu lại nhìn 2 cháu đằng sau đã không quan sát phía trước nên không kịp xử lý, đã va phần cổ vào phía bên phải của tấm tôn. Vụ va chạm khiến cháu bé bị đứt, chảy máu ở phần cổ.
Mọi người xung quanh đưa cháu đi bệnh viện, nhưng trên đường đi bé đã tử vong. Sau đó ông Thạch đã đến công an đầu thú.
Ngoài lề đường, còn bao nhiêu người như ông Châu, ông Bình còng? Không biết. Chỉ biết là họ đang lầm lũi, khó nghèo và vô danh... cho đến khi có một tai nạn, một sự biến, một vụ án xảy ra.
Tôi gặp ông Châu vừa đúng dịp 27-7. Trở về từ UBND phường với một chiếc phong bì tri ân bỏ nơi túi ngực, ông sà vào một hàng nước để xem kết quả sổ xố.
Niềm mơ ước ư? Ước mẹ gì (nguyên văn) À có đó. Hôm nọ ông gì mặt nạ vừa trúng Vietlot bảy mấy tỉ (chép miệng)!
Nội dung: Anh Đào
Mỹ thuật: Việt Anh
Kỹ thuật: Tuấn Anh
Biên tập: Hương Thủy
Minh họa: Đình Tân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.