Lòng tốt và sự tham lam đôi khi có ranh giới mong manh, con người ta không phải ai cũng vượt qua được, nhất là khi có cuộc sống khó khăn mà vật chất bỗng nhiên đến ngay trước mắt. Có một cậu bé nhà nghèo rơi vào hoàn cảnh như thế, em nhặt được tiền rồi trả lại cho người mất. Hành động ấy, đo bằng số đếm thì vượt xa cả số tuổi của em...

Bất ngờ gia cảnh cậu bé trả 70 triệu đồng cho người đánh rơi, 1 câu nói khiến ai cũng nghẹn ngào

Không ai nghĩ rằng cậu bé lớp 6 trả 70 triệu đồng cho người đánh rơi lại có hoàn cảnh đáng thương đến thế. Em tâm sự với mẹ nỗi buồn vì không có bố và "chưa từng được biết mặt bố" khiến ai cũng nghẹn ngào.

Cậu học trò nhỏ có hành động lớn

Chúng tôi đến thăm nhà cậu bé tốt bụng Nguyễn Dân An vào một buổi tối sau khi được sự đồng ý của mẹ em là chị Chu Thị Hoài Thu. Căn nhà nằm trong ngõ 599, TDP Hoàng 15, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đi lên lối hành lang chung, qua cầu thang hẹp chỉ vừa đủ 1 người đi để tầng 2 là nơi 3 mẹ con Dân An sinh sống.

Chị Thu chia sẻ, 3 mẹ con chị sống ở tầng 2, ở chung nhà với 2 người chú bên chồng từ ngày lấy chồng về đây. Căn phòng quá cũ chỉ vỏn vẹn gần 30m2 với chiếc bàn nhỏ, 1 chiếc giường, vài cái tủ nhỏ. Bếp và nhà tắm nhỏ gọn phía sau.

Vừa thấy chúng tôi, cậu bé Dân An đã tươi cười chào và rồi có chút ngượng ngùng vốn có của một đứa trẻ với người lạ. Trò chuyện với chúng tôi, em không nghĩ mình vừa làm được một việc ý nghĩa lớn lao, là tấm gương sáng, mà đơn giản chỉ là không phải của mình thì trả lại cho người mất. 

Nghẹn ngào phía sau câu chuyện cậu bé lớp 6 trả lại 70 triệu đồng cho người mất - Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ của Nguyễn Dân An.

Nguyễn Dân An, hiện là học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2. Cậu bé kể lại: "Vào trưa ngày 19/3, trên đường đi học về, em đã nhặt được một ví da trong đó có nhiều tờ tiền với mệnh giá lớn cùng những giấy tờ quan trọng mang tên Nguyễn Thị Thỏa. Em đã đi học theo con đường hỏi thăm từng người ai bị mất để trả lại ví. Cũng có rất nhiều người nhận nhưng em hỏi thông tin trên chứng minh thư thì họ không nói được". 

Không bỏ cuộc, An tiếp tục đi tìm và sau khi em hỏi thăm thêm vài cửa hàng gần đó thì chủ nhân của chiếc ví là bác Nguyễn Thị Thỏa cũng xuất hiện. Nhận được chiếc ví, bác Thỏa vô cùng cảm kích và bất ngờ. Bác kể trong lúc đi đón con học lớp 7A4 (cùng trường với An) về đã đánh rơi chiếc ví, trong đó có số tiền trên 70 triệu đồng và rất nhiều giấy tờ, thẻ ngân hàng.

Nghẹn ngào phía sau câu chuyện cậu bé lớp 6 trả lại 70 triệu đồng cho người mất - Ảnh 3.

Căn phòng nhỏ sáng bừng giấy khen của Dân An.

Sau khi trả lại tiền cho người mất, Dân An được mọi người biết đến, nhiều cơ quan đoàn thể đến trao giấy khen. Có lẽ, chính bản thân cậu bé cũng không thể hiểu được tại sao một hành động của em lại khiến em được mọi người quan tâm đến thế. 

Trên bức tường cũ màu rêu xanh kia, Dân An cũng không ngờ có ngày được sáng bừng bởi hàng loạt giấy khen. Em được tuyên dương gương Người tốt - việc tốt trước toàn trường, Hội đồng thi đua khen thưởng quận Bắc Từ Liêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm, Quận Đoàn - Hội Đồng Đội quận Bắc Từ Liêm, Sở GD-ĐT Hà Nội đến tặng giấy khen và trao quà... 

Làm được việc tốt nhưng An lại buông câu: "Chán lắm". Tôi giật mình: "Sao em lại chán?". An thú thật: "Em đi đâu mọi người cũng nhận ra. Em bịt mặt các kiểu vẫn nhận ra, đi lấy xe cũng nhận ra. Em thấy chán vì mọi người toàn trêu em là sao không lấy tiền đi, trả lại làm gì". Hóa ra, cậu bé không phải chán vì trả lại tiền cho người mất mà em không vừa lòng khi mọi người thường xuyên đùa cợt, trêu đùa cho hành động của mình.

Chia sẻ xong câu chuyện, Dân An xin phép được tiếp tục học bài chuẩn bị cho ngày mai. Cậu bé nhanh nhẹn lôi chiếc bàn gấp đặt giữa nhà, lấy đèn học và sách vở đặt lên bàn nghiêm túc học bài. Gác lại mọi lời tán dương, những món quà ý nghĩa... Dân An trở lại nhiệm vụ của một cậu bé học lớp 6 với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh yêu thích. Và ngày mai, em lại tung tăng đá cầu, chơi cờ vua vui vẻ với các bạn như chưa có chuyện gì xảy ra.

Gác lại mọi lời tán dương, những món quà ý nghĩa... Dân An trở lại nhiệm vụ của một cậu bé học lớp 6.

Người mẹ có lúc tưởng buông xuôi tất cả nhưng rồi lại mạnh mẽ suốt 12 năm qua

Sự việc Nguyễn Dân An nhặt được 70 triệu đồng trả lại cho người mất, người vui và tự hào nhất không ai khác chính là chị Chu Thị Hoài Thu. Có lẽ những gia đình khác cha mẹ vui 1 thì với chị Thu, hành động của con khiến chị vui gấp 9, gấp 10 lần. Đối với gia đình chị, đó là số tiền quá lớn mà có nằm mơ cũng không dám mơ nhưng con đã không tham lam giữ cho riêng mình, để mua sắm đầy đủ cho bản thân mà nhanh chóng trả lại cho người mất.

"Lúc con nhặt được tiền mình thực sự xúc động khi con làm được điều đáng làm. Mình rất hãnh diện và tự hào về con", chị Thu bày tỏ.

img
img

Dân An liên tục được nhận bằng khen.

Gia đình chị Thu thuộc diện cận nghèo ở địa phương, chồng chị mất sớm để lại nhiệm vụ nuôi 2 con đè nặng lên đôi vai người phụ nữ tần tảo. "Chồng tôi bị cảm mất trong một đêm khi tôi đang mang thai cháu An 8 tháng, anh trai cháu được 5 tuổi. Tôi như chết đứng lúc đó, cảm thấy không muốn sống nữa vì chồng là chỗ dựa cho vợ con 6 năm qua. Đau khổ, kiệt quệ, tôi bao lần ngã quỵ.

Ông bà nội mất rồi bố cháu mất, trong quá trình sinh con chỉ có 1 mình lo liệu, không ai bên cạnh, chỉ muốn buông xuôi vì quá áp lực một thân một mình. Ngày nào tôi cũng ngồi bên bàn thờ của chồng ngồi khóc. Lúc Dân An hơn 1 tháng bị viêm phổi, 3 mẹ con bồng bế nhau đi viện, thêm bao nhiêu khó khăn, vất vả. Con nhỏ không đi làm được nên có những lúc trong nhà không có nổi 1 nghìn đồng mà không biết phải làm thế nào để nuôi con", chị Thu rưng rưng nước mắt kể lại.

Sau khi Dân An cứng cáp, chị Thu đi làm để có tiền nuôi con. Tuy nhiên, công việc của chị Thu cũng bấp bênh, lúc thì bán hàng, khi thì dọn dẹp. Khi Dân An học lớp 3, chị mới theo đuổi mơ ước của mình là đi học và xin làm giáo viên mầm non.

Chia sẻ thêm về con trai, chị Thu hào hứng cho biết: "Dân An là đứa trẻ nhanh nhẹn, hòa đồng, sôi nổi, hiếu động. Dù con chưa hiểu nhiều chuyện nhưng thỉnh thoảng thấy các bạn được bố mẹ đưa đi học, con lại thấy buồn vì không có bố, không được biết mặt bố.

Con thương mẹ vất vả nên không đòi hỏi mẹ điều gì. Mẹ đi làm sớm nên cho con 5.000, 10.000 đồng tiền ăn sáng nhưng con chỉ dám mua 5.000 đồng xôi. Không bao giờ con đòi ăn bún, phở, mẹ cho ăn gì thì ăn nấy. Con cũng dễ nuôi, kể cả chỉ có cơm canh rau không cũng ăn, chỉ cần có nước canh chan là xong bữa".

Nghẹn ngào phía sau câu chuyện cậu bé lớp 6 trả lại 70 triệu đồng cho người mất - Ảnh 6.

Chị Thu tự hào vì các con ngoan, tự giác học bài và biết giúp đỡ mẹ.

Do trường gần nhà và mẹ làm giáo viên mầm non phải đi sớm về muộn nên từ năm lớp 3, Dân An đã tự đạp xe đi học. Khi học về, cậu bé cũng cùng anh nấu cơm ăn, dọn dẹp nhà giúp mẹ và tự giác học bài. 

"2 con của mình chưa bao giờ được đi học thêm. Con trai lớp 11 năm nay chưa bao giờ biết học thêm là gì. Dân An cũng vậy. Tôi bảo với con: "Mẹ đi làm ít tiền nên các con phải tự lực cánh sinh, phải tự ý thức việc học. Mẹ không có tiền cho con đi học thêm". Các con cũng hiểu hoàn cảnh gia đình và không buồn gì. Chỉ có điều nhà thì ở chung và chật chội, sợ bạn chê nên không dám đưa bạn về nhà chơi", chị Thu nghẹn ngào.

Mặc dù khó khăn vất vả nhưng chị Thu vẫn luôn cố gắng dành cho con những điều tốt đẹp nhất, để con không bị thiệt thòi so với các bạn. "Tôi vẫn nói với con dù khó khăn nào mẹ vẫn vượt qua để nuôi dạy các con. Mong các con trưởng thành và hiểu rằng mẹ đã cố gắng thế nào. Rất hạnh phúc vì các con cũng hiểu được tình yêu thương của mẹ, còn động viên mẹ không phải suy nghĩ gì nhiều. Và đặc biệt là mới đây, Dân An lại có một hành động tốt đáng tự hào như vậy".

Tào Nga

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem