Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
29 Tết Canh Tý (23/1/2020), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ghi nhận 2 người Trung Quốc dương tính với 2019-nCoV. Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 ở Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến chống dịch kéo dài gần 1 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để dịch bệnh lây lan”. Thường trực Chính phủ liên tục mở các cuộc họp để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Chỉ trong vài ngày, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo về việc tạm dừng lễ hội, cho học sinh nghỉ học, đóng cửa khẩu, hủy tất cả các chuyến bay từ Vũ Hán, siết nhập cảnh người từ Trung Quốc về Việt Nam…
Dịch bệnh tạm lắng trong 20 ngày. Tối 6/3, người dân Thủ đô dường như không ngủ khi nghe tin Thành phố có cuộc họp khẩn trong đêm. Bộ Y tế công bố ca nhiễm thứ 17, là người sống tại phố Trúc Bạch, Hà Nội, từng du lịch ở Anh và Ý, có qua Pháp, về nước ngày 2/3. Đối mặt với "làn sóng" những ca COVID-19 thâm nhập vào Việt Nam bằng con đường nhập cảnh, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, kể từ 0h ngày 18/3. Những người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu và khối ASEAN sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày.
Đến ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa sau khi có nhiều ca mắc COVID-19 tại đây. Đó là những ngày tháng không thể nào quên đối với đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện lớn nhất nhì cả nước này.
Sau đó, Việt Nam bước vào "3 tuần không thể quên". Xác định "chống dịch như chống giặc", và xem 2 tuần này là thời điểm vàng để ngăn chặn dịch COVID-19. Chính phủ đã quyết định "cách ly xã hội" từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM đóng cửa tất cả các khu vui chơi, cơ sở làm đẹp, các cửa hàng kinh doanh, người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt.
Sau ngày 15/4, nhận thấy tình hình dịch tại nhiều nơi vẫn có diễn biến phức tạp, Thủ tướng ra quyết định cách ly xã hội thêm 1 tuần với 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và có nguy cơ. Còn lại các nơi khác được nới lỏng hơn.
Sau gần 100 ngày "làn sóng" COVID-19 tạm lắng xuống, đến chiều tối 25/7, Đà Nẵng công bố ca bệnh 416. 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng phải phong tỏa.
Khắp nơi trên cả nước, triệu triệu trái tim hướng về để đóng góp từ vật chất cho đến nhân lực cho Đà Nẵng. Bằng các nỗ lực hết mình, sau gần 1 tháng Đà Nẵng đã nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 5/9/2020.
Sau một thời gian dài không có ca mắc mới trong cộng đồng thì đến ngày 30/11, Bộ Y tế công bố ca bệnh 1342, đó là 1 nam tiếp viên hàng không bị lây nhiễm COVID-19 trong khu cách ly. Ngày 3/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Đây được xem là hành động quyết liệt của lực lượng chức năng khi đưa ra chế tài nghiêm khắc cho người làm lây lan COVID-19 ra cộng đồng.
Tình hình COVID-19 lại trở nên phức tạp hơn khi vào những ngày cuối năm, lực lượng chức năng phát hiện nhiều người vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tối 26/12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm COVID-19 ở Vĩnh Long (BN 1440), là ca nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở từ Campuchia. Sau khi điều tra, đường dây đưa người nhập cảnh trái phép bằng đường sông từ Campuchia qua khu vực biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang bị lộ. 7 người nhập cảnh trái phép cùng bệnh BN 1440 thì có 4 người dương tính COVID-19. Ngày 30/12, Công an tỉnh An Giang đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Những ngày cuối năm 2020 có một tín hiệu đáng mừng trong "cuộc chiến" chống kẻ thù vô hình COVID-19 là: Việt Nam bắt đầu cho tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 "Made in Vietnam" trên người.
Có thể nói, một năm qua, người dân Việt Nam sống trong những ngày “chưa từng có”. Sự ảnh hưởng của COVID-19 là rất nặng nề. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 10/7: Trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cả xã hội lại càng thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thuận. Kết quả là, dịch COVID-19 tại Việt Nam dần được kiểm soát, người dân ổn định cuộc sống và kinh tế vẫn đang trên đà phát triển.
Năm 2020, Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Chúng ta đón năm mới Canh Tý 2020 trong sự ngỡ ngàng, thay vì một đêm giao thừa mưa thuận gió hòa thì mưa đá lại trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Thủ đô Hà Nội có mưa lớn, kèm sấm chớp khiến nhiều tuyến phố bị ngập.
11 tháng đi qua với sự khắc nghiệt của thiên tai khi đón 14 cơn bão dồn dập, mưa lũ lịch sử, sạt lở đất kinh hoàng ở dải đất miền Trung. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, có 8 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9, 11, 12, 13) và 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Trung Bộ, trong đó cơn bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua.
Đáng kể nhất là cơn bão LINFA (bão số 6). Cơn bão này đã gây ra một thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất cho toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam. LINFA đã làm 148 người chết và mất tích; 1.009 ngôi nhà bị sập; 121.694 ngôi nhà bị ngập lụt trải dài từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Trong đó, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam là bị thiệt hại nặng nề nhất.
Ngày 16/11, để chia sẻ với những mất mát và thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân do bão LINFA gây ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Bão quốc tế xem xét loại bỏ tên bão LINFA trong danh sách tên bão.
Ngoài ra, lũ lụt và sạt lở liên tiếp xảy ra trên quy mô rộng và gây thiệt hại nặng. Quảng Nam là tâm điểm về sạt lở: 6 vụ sạt lớn với tổng số người chết, mất tích là 48 người trên tổng số 112 người.
Đặc biệt, trong ngày 28/10 chỉ trong vài giờ đồng hồ, 4 trận sạt lở kinh hoàng liên tiếp ập đến huyện Bắc Trà My và Phước Sơn. Trong phút chốc, sạt lở đã san phẳng cả bản làng ở xã Trà Leng. Ngoài ra, trận sạt lở ở tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ, Thừa Thiên - Huế hay sư đoàn 337, Quảng Trị cũng khiến nhiều người ám ảnh, chỉ sau 1 đêm mà hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã bị vùi lấp trong lớp đất đá.
Chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập đến thế, đặc biệt là khốc liệt và vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước.
Năm 2020, bất ổn kinh tế toàn cầu, nhất là ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào vàng như một tài sản "trú ẩn" an toàn, đẩy giá kim loại quý tăng vọt. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Giá vàng thế giới khởi đầu năm 2020 ở mức 1.517,8 USD/ounce, sau đó nhanh chóng leo cao lên mức 1.681,1 USD/ounce trước lo ngại về dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn này.
Thế nhưng, ngay sau đó là một đợt sụt giảm mạnh do Mỹ và Canada ra lệnh đóng cửa biên giới do dịch COVID-19. Giới đầu tư tiếp tục bán vàng để lấy tiền mặt.
Nhưng từ nửa cuối tháng 3/2020, giá vàng tăng vọt trở lại. Đà tăng mạnh mẽ của giá vàng trong năm qua kéo dài từ cuối tháng 7 cho đến tuần đầu tháng 8. Đáng chú ý, ngày 7/8 vàng thế giới có pha lập kỷ lục chưa từng có, giá vàng lên tới 2.075 USD/ounce, tương đương 58,3 triệu đồng/lượng, khiến giá vàng trong nước tăng lên vượt mốc 62,2 triệu đồng/lượng, chênh lệch lên tới hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Việc giá vàng lên cao nhất mọi thời đại đã khiến người dân đổ xô đi bán vàng kiếm lời, nhiều cửa hàng vàng hết sạch tiền mặt phải hẹn khách “tuần sau đến lấy tiền”.
Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, giá vàng thế giới lập tức quay đầu lao dốc không phanh xuống còn 1.863 USD/ounce khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp. Tại thị trường trong nước, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá vàng "bốc hơi" gần 11 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và hơn 13 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tiếp sau đó, giá vàng liên tục đảo chiều, lên lên xuống xuống thất thường, thậm chí có giá niêm yết thay đổi tới hàng chục lần trong một ngày nên khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán thường xuyên ở mức cao.
Đến đầu tháng 11 năm nay, giá vàng liên tục “nhảy múa” trong những ngày diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ. Giá vàng tăng giảm thất thường cùng với chênh lệch mua - bán quá lớn khiến nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư “lướt sóng” là chịu thiệt nhất.
Phiên giao dịch sáng ngày 25/12 cho thấy, giá vàng thế giới ở mức 1.879 USD/ounce đã "lội ngược dòng" bật tăng trở lại trước thềm Giáng sinh.
Một năm đầy biến động của kim loại quý sắp kết thúc. Phần lớn các nhà phân tích nhận định vàng sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại mới trong năm tới.
Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, sinh năm 1931, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 2h52 ngày 7/8/2020 tại Hà Nội.
Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, bắt đầu từ 8 giờ ngày 14/8 đến 12 giờ ngày 15/8. Lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm vào chiều 15/8.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong 2 ngày quốc tang (14 và 15/8), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí .
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có tâm nguyện được rải tro cốt xuống ba dòng sông đã gắn liền kỉ niệm với cuộc đời ông nhưng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên gia đình cũng không muốn kéo dài thời gian tang lễ. Theo một người thân trong gia đình chia sẻ, ba con sông đó là sông Mã, sông Hồng và sông Cửu Long.
Anh Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nghẹn ngào trước linh cữu cha: "Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố là rải tro cốt xuống 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố. Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người. Chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con.
Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Nơi đó không còn chiến tranh. Nơi đó luôn ấm tình đồng đội. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn hi sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính".
Thi hài của ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, bên cạnh nhiều bậc tiền bối cách mạng và các liệt sĩ của Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày 20/9/2020 đến ngày 28/10/2020, toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Với sự chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định nên các nhân sự được bầu làm bí thư đều có tỷ lệ phiếu bầu cao.
Đại hội diễn ra sớm nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam (20/9 - 22/9). Đại hội muộn nhất và chỉ diễn ra trong 1 ngày (28/10) là Đảng bộ đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong 63 Bí thư Thành ủy/Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới có 54 nam, 9 nữ.
Về độ tuổi trung bình của 63 bí thư là 52,3, trong đó có 27 người người thuộc thế hệ 7X. 34 người sinh trong giai đoạn 1969 – 1961. 2 người sinh năm 1957. Người trẻ nhất là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, 42 tuổi. 2 người nhiều tuổi nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, đều cùng 63 tuổi.
Về trình độ, các bí thư đều được đào tạo bài bản, trong đó có 10 người là cử nhân, 33 người là thạc sỹ, 19 tiến sỹ và 1 kỹ sư. Người có học hàm GS là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. 2 người có học hàm PGS là bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Đáng chú ý, có 11 người được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển trong năm 2020 và đều đắc cử, tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Đặc biệt, trong số 63 bí thư thì có đến 34 bí thư không phải là người địa phương. Bên cạnh đó cũng có đến 32 bí thư chưa phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Có 22 bí thư lần đầu tiên đắc cử, 41 người tái đắc cử. 12 người là Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 29 người là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng phương án nhân sự, với tỷ lệ phiếu bầu cao, trong đó, nhiều đồng chí trúng cử các chức danh chủ chốt đạt tuyệt đối 100%. Điều này cho thấy công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng và chặt chẽ.
Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, và thực hiện Lệnh bắt tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.
Ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án.
Thứ nhất, vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Thứ hai là vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.
Thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.
Tháng 12/2020, Tòa TAND TP Hà Nội đã xét xử kín và ra phán quyết với ông Nguyễn Đức Chung và 3 bị cáo khác trong vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" liên quan tới vụ án Công ty Nhật Cường.
Toà tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù, Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ công an) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (cựu chuyên viên Phòng thư ký biên tập) 24 tháng tù và Nguyễn Anh Ngọc (nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, UBND TP Hà Nội) 18 tháng tù.
Do ông Chung đã thừa nhận, khai báo hành vi phạm tội, ăn năn hối cải và có nhiều khen thưởng trong công tác nên được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Những lời nói sau cùng tại tòa, ông Chung gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân và đặc biệt gửi lời xin lỗi các cử tri khi ông đã để mất niềm tin.
Theo cáo Trạng, ông Chung và vợ có những quyền lợi liên quan trong vụ án Công ty Nhật Cường. Ông Chung đề nghị Dũng cung cấp thông tin, tài liệu mật. Dũng đã nhiều lần cung cấp tài liệu mật cho ông Chung và nhận của ông Chung 10.000 USD.
Ngày 17/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Hiện, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường vẫn đang bị truy nã trên toàn thế giới.
Ngày 10/7/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Cả 2 bị can này được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ông Vũ Huy Hoàng (67 tuổi, quê ở Hải Phòng) từng là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi ông Hoàng nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.
Cụ thể, ông Hoàng được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm, và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố. Ban Bí thư xác định các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Cán sự Đảng, của Bộ Công thương và cá nhân ông Hoàng.
Bà Hồ Thị Kim Thoa (60 tuổi, quê ở Nghệ An), Thứ trưởng Bộ Công thương từ năm 2010, cũng dính líu nhiều sai phạm và phải nghỉ hưu sớm từ tháng 8/2017. Trước đó, bà Thoa đã bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 - 5/2010), bà Thoa đã có sai phạm liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp; thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của nhà nước về quản lý đất đai; mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ của công ty.
Đồng thời, bà Thoa trong thời gian dài nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Thoa đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Ngày 13/7/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã đỏ cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 2/12/2020, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, do bà Thoa đã bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ điều tra cho đến khi bắt được sẽ phục hồi, xử lý.
Trong khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhiều người dân sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo" với người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ… hi sinh quyền lợi bản thân, lao lên tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhưng thật đáng buồn khi vẫn có người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản Nhà nước.
Tâm điểm của hành động đáng lên án này là vụ GS.TS Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19 lên gấp 3 lần, từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng, khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Cuối năm 2020, vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội được đưa ra xét xử.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm là người đứng đầu, có vai trò cao nhất nhận bản án 10 năm tù. Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, không làm tròn chức trách tham mưu cho lãnh đạo, trực tiếp ký và hoàn thiện nhiều tài liệu liên quan đến đấu thầu, có vai trò thứ 2 lãnh 6 năm 6 tháng tù. Có 2 bị cáo được hưởng án treo, còn các bị cáo khác nhận mức án từ 5 tới 6 năm tù.
Tất nhiên, ông Cảm không phải là một ngoại lệ của chuyện "trục lợi mùa dịch". Bởi theo tiết lộ của thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng Bộ Công an, cơ quan công an còn phát hiện thêm 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng và hơn 100 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.