Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2)

Khánh Nguyên - Nguyễn Chương Thứ bảy, ngày 24/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Đã có một thời, người dân làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) cảm thấy rất buồn khi vô tình ngôi làng của mình trở nên nổi tiếng với cái tên "làng Nhô" sau những bất ổn an ninh trật tự năm 1992. Nhưng nay, họ tự hào vì làng mình giờ toàn... tỷ phú.
Bình luận 0
Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 1.

Từ câu chuyện buồn của hơn 30 năm về trước tới ngôi làng của những tỷ phú

Câu chuyện "làng Nhô" (thực ra tên thật là làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) xảy ra cách đây đã hơn 30 năm, thậm chí còn được dựng thành bộ phim truyền hình nổi tiếng cả nước: "Chuyện làng Nhô". Chuyện bắt đầu từ việc bất mãn chế độ, lợi dụng việc thôn bị cắt đất khi thực hiện chế độ khoán mới trong nông nghiệp, Trịnh Khải tập hợp và lợi dụng, kích động một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mắc sai phạm trong quản lý kinh tế ở làng đâm đơn kiện đòi đất lên các cấp chính quyền và lên tận Trung ương.

Các đối tượng còn chỉ đạo tổ chức 'rào làng, cản lối', cản trở việc đi lại của nhân dân. Với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, làng Lạc Nhuế bình yên trở lại, nhưng người dân trong làng thì mang tiếng "dân làng Nhô" suốt thời gian dài.

Trở lại "làng Nhô", tức Lạc Nhuế ngày nay, chúng tôi được đi trên những con đường thẳng tắp men theo con sông lững lờ trôi dọc theo làng; ngay lối rẽ vào làng, cây đa cổ thụ sừng sững, phủ bóng mát cả một vùng, như một chứng nhân lịch sử của những ngày tháng thăng trầm những năm đầu đổi mới và cả sự chuyển mình mạnh mẽ của hôm nay. Dọc một bên đường là các xưởng sản xuất mộc, may mặc, sắt,... mọc lên san sát, xen kẽ những ngôi biệt thự xây dựng theo phong cách hiện đại hay những ngôi nhà tầng kiên cố như chứng minh cho sự giàu có của làng. 

Làng Lạc Nhuế (gồm hơn 5.000 dân, sinh sống ở hai thôn: 1 và  2), là làng đông dân nhất xã Đồng Hóa, là nơi nhiều tỷ phú nhất làng nhưng cũng là nơi chứa nhiều lề thói của một ngôi làng cổ. Nói cách khác, Lạc Nhuế giống như cái nhị mật của một bông hoa nhiều màu sắc.

Lời giới thiệu của ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa về người dân Lạc Nhuế càng thôi thúc chúng tôi đến tận nơi được coi là điển hình của xã trong phát triển kinh tế: "Các anh chị muốn nghe chuyện làm ăn của người dân thôn Lạc Nhuế, có nghe cả ngày không hết chuyện".

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 2.

Xã Đồng Hóa (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đang trong quá trình trở thành phường trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Chương.

Đón đợi chúng tôi bên xưởng sản xuất mộc đối diện Nhà văn hóa thôn 1 Lạc Nhuế đã được khoác tấm áo mới khang trang, sạch đẹp, ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ngôi làng được coi là giàu nhất xã Đồng Hóa, cũng là nơi đầu những năm đổi mới, xảy ra những bất ổn trong lĩnh vực đất đai.

"Người dân thôn tớ làm đủ nghề, miễn kiếm được những đồng tiền chân chính là bà con lăn xả vào làm, không nề hà vất vả, từ buôn lông gà lông vịt đến thu mua sắt vụn, nghề mộc, may mặc. Ở làng này không ai lo thất nghiệp, từ người già đến trẻ em đều có thể kiếm được những công việc phù hợp và mang lại nguồn thu nhập ổn định", ông Đông tự hào khoe.

Như bản thân ông Đông, trước khi đến với nghề mộc, vợ chồng ông từng đi buôn lông gà lông vịt 5 - 6 năm liền, từ khoảng năm 2016 đến khi trước dịch Covid- 19 thì nghỉ với lý do... hàng đi xuống. "Cứ sáng sớm, vợ chồng tớ đi gom lông gà lông vịt tại các mối, đem về bán cho các cơ sở chế biến lông vũ là có tiền tươi thóc thật luôn. Có ngày kiếm đôi ba triệu dễ dàng", ông Đông chia sẻ.

Nhưng ở Lạc Nhuế, những gia đình làm nghề như ông Đông không phải là hiếm, bởi mấy trăm hộ của làng, hộ nào cũng xoay đủ nghề, ai cũng có mối làm ăn riêng rất bền chặt. Chẳng thế mà theo như lời Trưởng thôn 1 thì đây là thôn giàu nhất làng, tính sơ sơ, thôn có khoảng 200 đầu xe tải, còn xe ô tô con đếm không xuể, có nhà 4 - 5 chiếc. Từ khoảng 25 Tết, ô tô về làng xếp thành hàng dài dọc các con đường. 

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam cho biết, người dân trong thôn rất năng động làm ăn. Ảnh: N.Chương.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 4.

Xưởng sản xuất mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Đông. Ảnh: N.Chương.

Khi tôi hỏi, vừa làm Bí thư Chi bộ vừa làm Trưởng thôn ở một nơi toàn tỷ phú, triệu phú thì có gặp áp lực gì không, ông Đông cười và nói: "Ngược lại, vô cùng thuận lợi, người dân Lạc Nhuế từ trước đến nay lúc nào cũng chăm chỉ làm ăn, nhất là giới trẻ năng động làm rất nhiều nghề, bà con luôn chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Như hôm vừa rồi chúng tôi đi xin ý kiến của bà con để chuẩn bị cho quá trình lên phường, chỉ trong một buổi sáng chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của tới 97% người dân trong thôn. Bà con kỳ vọng bước phát triển tiếp theo khi Đồng Hóa trở thành phường, người dân trong thôn sẽ đứng trước nhiều cơ hội phát triển làm ăn kinh tế hơn".

Nói về bí quyết để đạt được sự đồng thuận, ông Đông cho biết, mọi chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch của tỉnh, huyện, xã đều được Chi ủy họp bàn phương án triển khai, sau đó công khai trong các cuộc sinh hoạt Chi bộ hàng tháng và triển khai xuống bà con trong toàn thôn nên rất minh bạch.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 5.

Nhà văn hóa thôn 1 Lạc Nhuế đã được khoác tấm áo mới. Ảnh: N.Chương.

Được biết, Chi bộ thôn 1 có 44 đảng viên, đều là những người gương mẫu đi đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế, trong các phong trào của địa phương. "Tháng nào Chi bộ chúng tôi cũng tổ chức sinh hoạt định kỳ, có sự tham dự của các đồng chí đại diện huyện, ngoài việc phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng cấp trên, bàn phương án vận dụng vào thực tế địa phương, chúng tôi cũng bàn bạc các vấn đề liên quan đến phát triển sản xuất. Nói chung, không khí các cuộc sinh hoạt rất dân chủ, cởi mở", ông Đông cho biết thêm. 

Trở lại với câu chuyện bất ổn những năm đầu đổi mới, ông Đông cho biết, lúc đó, ông còn đang học phổ thông nên chỉ nghe các ông, bà trong làng kể lại về nỗi buồn của người Lạc Nhuế khi ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Nhưng giờ thì khác, người Lạc Nhuế tự hào về quê hương mình, tự hào vì những thành quả mà mỗi người dân không ngại vất vả, khó khăn cùng nhau gây dựng. "Trước đi đâu cũng vất vả, còn giờ có ai trót hỏi thăm về làng Nhô, cái tên ám ảnh một thời, dân làng chúng tôi sẽ hỏi lại: Làng Nhô là làng nào, ở đây không có làng Nhô. Hãy gọi chúng tôi là người Lạc Nhuế", ông Đông chia sẻ. 

Đồng Hóa, từ xã lên phường, "nóng" câu chuyện môi trường

Quá khứ đã lùi xa, Đồng Hóa hôm nay đang chuẩn bị từng bước để lên phường trong quy hoạch chung phát triển thị xã Kim Bảng trong tương lai không xa.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 6.

Ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết, xã Đồng Hóa được công nhận nông thôn mới từ năm 2015.

Ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết, xã Đồng Hóa được công nhận nông thôn mới từ năm 2015, trong đó, điều thuận lợi nhất trong quá trình về đích nông thôn mới đó là việc được phép đấu giá đất đã tạo ra nguồn lực rất lớn để xã hoàn thiện các công trình hạ tầng, trường học, trạm y tế, đường giao thông,... Những năm đó, Đồng Hóa như đại công trường. 

"Bước sang giai đoạn 2020 đến nay, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Hóa không đơn thuần như các địa phương khác mà phải chỉnh trang các khu dân cư nông thôn, chuẩn bị cho sự hình thành đô thị trong tương lai. Theo đó, chúng tôi ưu tiên làm được 3 việc. Đầu tiên, đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn toàn xã; thứ hai, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thoát nước khép kín; thứ ba là đầu tư các điểm nhấn cho đô thị tại các ao hồ trong khu vực được kè bờ, trồng cây xanh để tạo cảnh quan", ông Hiếu nói. 

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 7.

Người dân đến UBND xã Đồng Hóa thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: N.Chương.

Nhưng Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cũng thừa nhận, quá trình chuẩn bị các bước lên phường có cái khó nhất khiến lãnh đạo xã đau đầu vì chưa giải quyết được dứt điểm đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do Đồng Hóa có một làng nghề với rất nhiều ngành nghề khác nhau trong khi lượng rác thải ra môi trường quá lớn. 

Để khắc phục tình trạng này, xã thường xuyên kiểm tra xử lý các hộ sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, tuyên truyền trong nhân dân về tác hại của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Đồng Hóa tập trung chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tiếp tục thực hiện đề án thu gom phân loại rác thải trên địa bàn xã, hiện đã triển khai xây dựng làm điểm ở 2 thôn về phân loại rác thải hữu cơ. Đến nay, tỷ lệ rác thải thu gom đạt 96%; tỷ lệ dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%; trong đó tỷ lệ dân cư sử dụng nước từ nhà máy đạt 93%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đông cũng thừa nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là việc khiến người dân trong thôn đau đầu, là mặt trái của sự phát triển. Ông Đông kiến nghị sớm hoàn thiện cụm công nghiệp ở địa phương để di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Xin đừng gọi chúng tôi là dân "làng Nhô", mà là làng tỷ phú (Bài 2) - Ảnh 8.

Một góc làng Lạc Nhuế hôm nay. Ảnh: N.C

Khẳng định Đồng Hóa nói chung, làng Lạc Nhuế nói riêng đang chuyển mình từng ngày, người dân cần cù, năng động làm ăn, ông Ngô Thanh Hiếu cho biết, sau câu chuyện cũ những năm 1990, người Đồng Hóa tiếp tục vươn lên. "Phải khẳng định, người dân Lạc Nhuế vô cùng năng động, họ xoay đủ nghề để làm ăn kinh tế, có đóng góp rất lớn cho diện mạo của Đồng Hóa hôm nay", ông Hiếu nói.

Nhưng câu chuyện của những năm 1990 cũng để lại một bài học về công tác dân vận, do vậy, để tạo được sự đồng thuận, xã Đồng Hóa chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, mọi vấn đề của dân cố gắng giải quyết nhanh nhất có thể.

Mới đây, ngày 18/6/2024, Đảng ủy xã Đồng Hóa còn tổ chức Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với đại biểu cán bộ, nhân dân địa phương; kịp thời lắng nghe một số vấn đề về việc sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết; quá trình chăm sóc cây dưa xuất khẩu phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, đề nghị UBND xã và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có giải pháp phù hợp để quản lý, tránh lạm dụng thuốc, ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng. Một số ý kiến đề cập đến vấn đề: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Miếu Hạ đến cầu thôn Đồng Lạc thi công dở dang; vấn đề đường dây của viễn thông và ngành điện đi qua thôn Phương Lâm ảnh hưởng đến mỹ quan và công tác tổ chức lễ hội của thôn…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã Đồng Hóa đã nêu ra một số giải pháp đẩy mạnh việc phân loại, thu gom rác thải nhằm giảm thiểu lượng rác ra môi trường và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng vứt rác thải không đúng nơi quy định, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn nhằm đảm bảo đúng tiến độ.

Ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn tới, xã Đồng Hóa sẽ tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại các thôn, đảm bảo vệ sinh chung. Thực hiện tốt đề án phân loại rác thải tại hộ gia đình tại thôn Đồng Lạc và thôn Phương Lâm; phấn đấu là xã hoàn thành cơ bản tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo sự chỉ đạo của cấp trên, tiếp tục phấn đấu các tiêu chí và chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và các chỉ tiêu lên phường. 

Tập trung các biện pháp tạo chuyển biến rõ nét chất lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ...

Đồng Hóa hôm nay đã mang dáng dấp của một đô thị nhưng những người dân của làng quê thì bao đời nay vẫn chất phác, chăm chỉ sản xuất, làm ăn. "Điểm nóng" một thời nay tiếp tục nổi tiếng trong làng ngoài xã nhờ tài kinh doanh, nhờ những con người năng động dám nghĩ dám làm.

Cái tên "làng Nhô" giờ không còn là một nỗi ám ảnh với người Lạc Nhuế, quá khứ khép lại ở phía sau, người dân tiếp tục tỏa đi muôn phương làm ăn, mang nguồn lực về xây tổ ấm, làm giàu cho quê hương mình. 

Ngoài kia, gió từ cánh đồng đang thổi tới...

Theo báo cáo của UBND xã Đồng Hóa, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã trong 6 tháng đầu năm 2024 là 152.520 triệu đồng, đạt 50,5% so với kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 70 triệu đồng/người/năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem