Nguyễn Thị Thu Hoa - CEO Trường Foods chia sẻ về ước mơ đưa đặc sản đất Tổ đến với người tiêu dùng khắp cả nước.

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 2.

Tôi biết đến Nguyễn Thị Thu Hoa khi cô gái trẻ này tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, năm 2022. Khán giả khi đó đều tò mò và ấn tượng trước một cô gái dân tộc Mường rất xinh, dù còn ít tuổi (sinh năm 1992) nhưng Hoa đã là Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods với sản phẩm chủ lực là thịt chua nức tiếng đất Phú Thọ. Ai cũng nghĩ Hoa xinh đẹp thế chắc sẽ có nhiều thuận lợi trên thương trường, nhưng phải tới khi gặp Hoa, mới biết để có hàng nghìn điểm bán thịt chua và các chi nhánh lớn như bây giờ, cô gái Mường đã phải đánh đổi nhiều thứ.

Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt, cô gái trẻ đã đôi lần không kìm được nước mắt. Tôi nhận ra, sau vẻ ngoài quyết đoán và hơi có phần lạnh lùng của một nữ doanh nhân, Hoa vẫn thấp thoáng sự mềm mại, mỏng manh của phụ nữ...

Thu Hoa cho biết, ai khởi nghiệp cũng có đôi lần vấp ngã, thất bại. Nhưng đó chính là những bài học thực tế quý giá giúp em ngày càng trưởng thành hơn, xây dựng công ty phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân địa phương, đưa đặc sản thịt chua đất Tổ phủ sóng ra khắp mọi miền... 

Được biết em khởi nghiệp từ rất sớm, khi mới tốt nghiệp THPT, thời điểm đó nhiều người sẽ lựa chọn con đường ra thành phố làm thuê, tìm kiếm các cơ hội đổi đời, vì sao em chọn ở lại quê hương?

- Với một cô gái 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT thì ít ai đã có suy nghĩ rõ ràng về việc bảo tồn hay gìn giữ một nét đẹp văn hoá, ẩm thực đặc trưng. Hồi đó em không học tiếp lên cao mà lựa chọn lấy chồng, cứ yêu là cưới thôi, không suy nghĩ gì nhiều. Rồi em sinh bé đầu lòng. Mục tiêu đầu tiên của em khi làm thịt chua, chỉ đơn giản là kiếm được tiền, lo miếng cơm manh áo cho gia đình nhỏ của mình.

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 1.

Trong quá trình làm thịt chua, không biết từ lúc nào em đã yêu nó, say mê nó. Và khi đã yêu, thì em luôn mong muốn, suy nghĩ làm thế nào để lan toả sản phẩm thịt chua tới mọi miền Tổ quốc, muốn nhiều người được thưởng thức món ăn độc đáo của quê hương mình. Em luôn có ao ước rằng hễ nhắc tới thịt chua là nhắc tới Trường Foods.

Càng bán được nhiều hàng, em càng thấy hứng thú và tìm hiểu sâu hơn về các món ăn đặc sản đã có thương hiệu ở Việt Nam. Đối với dòng thực phẩm lên men, em chưa thấy có sản phẩm nào thực sự nổi trội, để mà khi nhắc đến sản phẩm đó người ta sẽ nhớ ngay đến. Ví dụ nhắc tới nem chua, người ta sẽ nghĩ ngay đến nem chua Thanh Hoá, và nếu về Thanh Hoá thì người ta sẽ mua nem Cây Đa chẳng hạn. Nhưng, nếu có một người nào đó làm nem chua không sạch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới thương hiệu chung của cộng đồng.

Chính vì thế, khi em làm thịt chua, em mong muốn khi nhắc tới thịt chua người ta sẽ nghĩ tới Trường Foods. Thịt chua là thực phẩm, nên không thể 100 người ăn thì 100 người đều khen đây là sản phẩm ngon nhất. Sẽ có người thích, người không hợp khẩu vị. 

Do vậy, chỉ cần chiếm được cảm tình của 40-60% số người đã là thành công rồi. Và để làm được điều đó, em đặt tiêu chí cho toàn bộ sản phẩm của mình là Ngon - Sạch - Thật. Đó là 3 chữ mà em luôn tâm niệm phải tuân thủ.

Nữ CEO Trường Foods ước mơ phủ sóng đặc sản thịt chua toàn quốc, bán 2,5 triệu sản phẩm mỗi năm - Ảnh 4.

Sản phẩm thịt chua ống nứa đậm đà hương vị núi rừng của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods.

Vì sao em lại chọn tên gọi Trường Foods?

- Trường có nghĩa là trường tồn, còn foods là thực phẩm. Em đặt tên này với mong muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm bền vững, lâu dài.

Nói đến các sản phẩm lên men thường khá nhạy cảm bởi nó luôn gắn liền với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi chất bảo quản, hương liệu..., chứ không chỉ là chuyện ngon hay không. Hoa có bí quyết gì để giữ sản phẩm vừa thơm ngon vừa đảm bảo an toàn vệ sinh?

- Em cũng đã nhiều lần chia sẻ về vấn đề này, điểm mấu chốt là tìm được công thức làm thịt chua sản xuất hàng loạt mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của đặc sản thịt chua Phú Thọ. Thứ hai là làm thế nào để không cần sử dụng chất bảo quản mà vẫn giữ thịt chua được thời gian dài?

Em vẫn hay nói với công nhân một điều, đó là mình ăn như thế nào thì phải sản xuất cho người tiêu dùng như vậy. Đó là lí do vì sao em có thể tự tin nói mình làm Thật, đúng như slogan của Trường Foods.

img
img
img
img

Từ nguyên liệu chính là thịt lợn sạch được chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Sau khi sơ chế, thái nhỏ sẽ được trộn đều cùng các loại gia vị bằng máy trộn, nhờ đó thịt được trộn đều, đảm bảo sản phẩm thơm ngon, ngấm gia vị, giúp sản phẩm đầu ra đồng đều và ổn định chất lượng.


Thứ ba, để sản phẩm thịt chua vừa ngon và sạch, quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào. Thành phần chính của món thịt chua là thịt lợn sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, có đầy đủ kiểm dịch của cơ quan thú y. Dây chuyền sản xuất của Trường Foods đã đạt tiêu chuẩn ISO 22000 về an toàn vệ sinh thực phẩm (tiêu chuẩn được quốc tế công nhận). Trong quá trình sản xuất, công nhân đều mặc trang phục bảo hộ lao động, vệ sinh sạch sẽ trang thiết bị, môi trường xung quanh…

Bên cạnh đó, Trường Foods cũng liên tục tổ chức các khoá tập huấn cho công nhân, nhằm đảm bảo họ nắm vững các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong mỗi hộp thịt chua thường có gói kèm lá ổi, hoặc lá đinh lăng. Các loại lá được công ty trồng ở khu vực riêng để đảm bảo có nguồn lá thường xuyên, đảm bảo vệ sinh.

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 6.

Chị nghe nói em đã từng phải đổ hàng tấn thịt lợn xuống sông? 

- Có lẽ đó cũng là quãng thời gian khó khăn gian khổ nhất của em. Em đã mất gần 2 năm để thử nghiệm hơn 20 công thức. Lúc đầu, khi sản xuất nhỏ có thể chỉ là 1-2 nắm thịt, trộn gia vị rồi cho lên cân đong theo công thức gia truyền. Nhưng đối với sản xuất hàng loạt, thì không làm thủ công thế được. Phải dựa vào thời gian lên men của thịt, nhiệt độ và thời gian, nên gia vị phải nêm nếm cho phù hợp. Mặn quá không được, ngọt quá cũng không thành thịt chua. Hay mấy ngày đầu ăn thấy đúng vị thịt chua, nhưng sau lại không phải vị đó nữa…

Và em đã phải thử đi thử lại hơn 20 công thức khác nhau, đi một chặng đường rất dài, đổ đi rất nhiều mẻ thịt để tìm ra công thức cho toàn bộ sản phẩm hiện nay.

Chị sẽ thấy trong mỗi sản phẩm thịt chua, Trường Foods có đóng gói kèm tương ớt. Đó không phải là tương ớt bình thường đâu, mà do Trường Foods nghiên cứu sản xuất riêng, với độ cay đặc biệt phù hợp chấm thịt chua. 

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 5.

Nữ CEO người dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ để mang đặc sản quê hương mình - thịt chua đến khắp mọi miền tổ quốc.

Thường thì thịt chua chỉ để được 7-10 ngày là nhiều, em làm thế nào để bảo quản được thịt chua cả tháng trời mà không bị mốc, không bị chảy nước?

- Nói đến điều này có lẽ cũng là niềm tự hào của bản thân em, khi không ngừng học hỏi, cố gắng tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hồi đó em hơn 20 tuổi và bắt đầu để ý những sản phẩm của người đi trước, tìm hiểu xem họ bảo quản sản phẩm thế nào để cải tiến quy trình sản xuất của mình. Em mua rất nhiều sản phẩm đóng hộp, có loại hạn sử dụng tới 2 năm, có loại 6 tháng, và hầu hết các sản phẩm này có điểm chung là sử dụng chất bảo quản.

Em tìm hiểu các chất bảo quản được phép sử dụng và mua hơn 10 loại về nghiên cứu dùng thử. Nhưng ngay lúc đó, trong đầu em cứ nghĩ đến chất bảo quản rồi ăn vào bụng là thấy ghê rồi.

Thực tế, khi cho chất bảo quản vào lập tức thịt chua bị thay đổi mùi vị. Quan trọng nhất là khi ăn thử, em thấy sợ vì có chất bảo quản trong đó. Nên em đã quyết định rằng mình ăn thế nào sẽ cung cấp cho người tiêu dùng như thế.

Em không dùng chất bảo quản nữa, chấp nhận mất nhiều thời gian hơn để tìm phương pháp khác. Cuối cùng thì sau hơn 1 năm, em cũng đã tìm ra phương pháp có thể giữ được thịt chua 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh mà không cần dùng chất bảo quản gì, đó chính là màng seal. 

Cộng với các yếu tố khác như trong quá trình sản xuất làm thế nào để sản phẩm càng ít tiếp xúc với không khí càng tốt, quy trình đóng gói đảm bảo kỹ thuật…, nên em có thể tự tin khẳng định thịt chua Trường Foods hoàn toàn không có chất bảo quản.

img
img
img

Sản phẩm thịt chua sẽ được kiểm tra kĩ càng lần cuối trước khi xuất bán ra thị trường.

Để "phủ sóng" thịt chua đến người tiêu dùng cả nước, Trường Foods xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm như thế nào?

- Hiện nay Trường Foods chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính, gồm thịt chua truyền thống và thịt chua vị tỏi ớt. Cũng có một số người tiêu dùng phản ánh rằng ăn thịt chua Trường Foods không ngon, không phải vị thịt chua làm thủ công ngày xưa. Thật ra làm thịt chua thủ công em hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn làm ngon hơn cả thịt chua thủ công đó, bởi xuất phát điểm của em trước đây chính là làm thủ công. Nhưng thế thì sản lượng rất ít, chỉ phục vụ được thiểu số.

Trước đây làm thịt chua ở Thanh Sơn không được đa dạng như bây giờ, chủ yếu là thịt và muối, không có bao bì nhãn mác gì cả. Nhưng bây giờ cuộc sống đã có quá nhiều món ngon, vì thế thịt chua Trường Foods bắt buộc phải cải tiến mẫu mã, bao bì phải đẹp, đa dạng sản phẩm để phục vụ số đông người tiêu dùng.

Nếu em cứ ôm mãi công thức, cách làm thủ công như ngày xưa thì sẽ không thể có một Trường Foods quy mô lớn, với hàng nghìn điểm bán khắp nơi như hiện nay. 

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 5.

Em cũng xin tiết lộ là sắp tới, Trường Foods sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, có thêm các vị mới để đáp ứng hơn nữa nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Người ta nói kinh doanh vốn đã vất vả, là phụ nữ lăn lộn trên thương trường còn khó khăn hơn gấp bội lần. Trong khi đó, em lại khởi nghiệp khi còn rất trẻ, đã bao giờ em muốn bỏ cuộc chưa?

- Mọi người rất hay hỏi em câu đó, và thật sự khi bắt tay làm ăn kinh doanh lúc còn quá trẻ em gặp phải mọi thứ khó khăn, từ kinh nghiệm chưa có, vốn liếng ít ỏi, không biết định hình mô hình kinh doanh của mình như thế nào, bắt đầu từ đâu… Đó là chặng đường dài với rất nhiều vấp ngã, rất nhiều sự trả giá. 

Thực tế em đã trải qua vài mô hình kinh doanh mới đúc rút được hướng đi mà em cho là đúng đắn nhất. Có giai đoạn đi tìm công thức cho thịt chua Trường Foods, em chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bởi muốn thịt lên men chuẩn vị thì phải bấm thời gian, phải thức canh giờ để xem với quãng thời gian đó, thịt chua đúng vị hay chưa.

Ngày đó, em mới có con đầu lòng, vẫn đang "tuổi ăn tuổi lớn". Điều mong ước lớn nhất của em là được ngủ mà thôi. 

Cũng có người chứng kiến cảnh em ngồi ôm đống thịt trong cảnh bế tắc, bao nhiêu tiền của đều ở đó cả. Cô công nhân ấy đến giờ vẫn đang làm việc cho em. Cô ấy bảo, có những lúc cô đã nghĩ tới chuyện đi làm cho nhà khác, không làm cho Hoa nữa, nhất là lúc Hoa khởi nghiệp trả lương còn thấp, nhưng sau cô vẫn quyết định ở lại vì thương. Khi mà con cô đang phải nuôi ăn học thì Hoa đã phải lăn lộn mưu sinh rồi.

Nhớ lại những ngày gian khó đó, chính cô ấy là người rơi nước mắt chứ không phải em. Cô ấy bảo, sao phải thử nghiệm nhiều thế làm gì, sao không cứ làm đơn giản như mọi người rồi bán thôi?

Nữ CEO thịt chua Trường Foods: Ước mơ lan tỏa thương hiệu thịt chua đất Tổ, tạo ra giá trị cho xã hội  - Ảnh 1.

CEO Nguyễn Thị Thu Hoa trò chuyện cùng PV Dân Việt. Ảnh: Nguyễn Chương

Thật ra, lúc đó em đã định bỏ cuộc. Bởi thử mãi mà không thấy kết quả, thịt làm thử thì phải bỏ đi chứ sao dám bán? Trong khi lẽ ra tiền đó em có thể đi mua sắm như bao người phụ nữ khác.

Chính mẹ đẻ của em khi đó cũng nói, thôi không phải đau đầu làm nhiều nữa, phụ nữ kiếm ít tiền đủ lo cho con cái là được rồi.

Những người ở cạnh em khi đó đều biết cảnh "ăn cơm chan nước mắt", nhưng bây giờ nhìn lại, em rất biết ơn quãng thời gian đó. Chính những áp lực trong công việc, cuộc sống, hay những người đối xử không tốt với em, đã giúp em càng có động lực để vươn lên.

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 11.

Tâm lí chung của nhiều phụ nữ là an phận, dành thời gian cho gia đình và bản thân, không muốn thử thách hay e ngại khi đứng trước lựa chọn. Em lấy đâu ra động lực để vừa chăm lo gia đình vừa phát triển sự nghiệp?

- Nhiều lúc em cũng nản lắm vì sản phẩm mình làm chưa tới đâu còn khó khăn thì cứ ập đến. Nhưng cứ nghĩ tới mẹ, nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn của gia đinh, em lại ngẩng đầu quyết tâm làm đến cùng. Hay có lúc em đã tìm hiểu lĩnh vực bảo hiểm vì thấy người ta kiếm được nhiều tiền quá. Sau một khóa học ngắn, em cũng chốt được vài hợp đồng nhưng đúng lúc đó em nhận ra rằng, làm nghề gì cũng có những khó khăn thử thách riêng, không có con đường nào kiếm tiền dễ dàng cả.

Tìm hiểu những người thành công đi trước, em thấy họ chỉ tập trung làm 1-2 sản phẩm thôi. Khi thật tốt rồi thì mới nên nghĩ đến cái khác, vì vậy em dồn toàn lực và tâm trí cho thịt chua - tình yêu của mình.

Thêm vào đó, em luôn có mẹ động viên, chia sẻ. Em là con lớn trong gia đình, và khi có con thì em hiểu rằng mẹ mình đã phải hi sinh quá nhiều cho các con. Thương mẹ, nên em càng có thêm ý chí phấn đấu.

Ngày đó tủ quần áo của em chỉ có vài bộ mặc ở nhà, 1-2 bộ tươm tất để đi đám cưới. Có đôi giày em đi tới mòn gót, lộ cả đinh, hay túi xách cũ lắm rồi nhưng chỉ cần vẫn đựng được tiền bán hàng là em vẫn không muốn vứt đi, không muốn hoang phí.

Bây giờ thì quần áo, túi xách của em đã có bao nhiêu tủ, em đã có thể chiều chuộng bản thân mình hơn (cười).  

Nữ CEO Trường Foods bán 2,5 triệu hộp thịt chua mỗi năm, ước mơ phủ sóng đặc sản đất Tổ ra toàn quốc - Ảnh 7.

Là một phụ nữ có ngoại hình xinh xắn, em có cho rằng đó là một lợi thế của mình không?

- (Cười) Rất nhiều người hỏi em câu này, hay comment trên facebook của em rằng xinh đẹp là một lợi thế. Thật sự đâu có ai mang tiền đến cho em. Về sự xinh đẹp, em nghĩ rằng khi đi ra ngoài có thể dễ nói chuyện hơn, chứ không có nghĩa phụ nữ xấu là khó nói chuyện.

Ngoại hình chỉ là yếu tố rất nhỏ, tất cả vẫn phải là do bản thân. Nếu mình không có năng lực, trình độ, thành công sẽ không tự dưng đến. Cuộc sống là vậy, không ai cho không ai cái gì.

Và mặc dù em không học lên cao, nhưng hàng ngày vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo. Trước đó thì tham gia các khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp, marketing...     

Em nghĩ rằng mình là phụ nữ, chân yếu tay mềm thì cũng nên tiêu tiền của mình. Dù không phải ai cũng tạo ra sự nghiệp, có công ty nọ kia, nhưng phải xây dựng giá trị cho bản thân.

Em có thể cho biết mình là người như thế nào và có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp? 

- Em tự thấy mình là người cầu toàn, khá là kĩ tính và rõ ràng. Có lẽ vì cầu toàn nên em mới mất nhiều thời gian, công sức cho một sản phẩm đặc sản mà nhiều người đã từng làm. Nhưng nếu dễ dãi, xuề xoà thì làm sao em có được những sản phẩm độc đáo, thương hiệu nổi tiếng như bây giờ. 

Bây giờ rất nhiều bạn trẻ có trình độ muốn khởi nghiệp, em không dám khuyên gì, nhưng với những thăng trầm mà em đã trải qua, em chỉ muốn chia sẻ một điều là các bạn đừng ngại, hãy hành động đi. Vừa lên kế hoạch, vừa nghĩ, song bên cạnh đó hãy hành động chứ đừng đợi, đừng sợ, đừng tưởng… Đúng thì mình có kết quả, còn sai thì mình sẽ có bài học. Thứ 2 là phải luôn sáng tạo, đổi mới. Thứ 3 là quyết tâm làm đến cùng. 

Mục tiêu của Trường Foods là đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 420 tỉ đồng và trở thành nhãn hiệu thịt chua số 1 tại Việt Nam.

Cảm ơn Thu Hoa đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này.

ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem