img

Phóng viên: SEA Games 30 vừa qua Lê Phương Thảo cùng các đồng đội đã thi đấu ấn tượng giành tấm Huy chương đồng. Thành tích này có làm Thảo hài lòng?

Lê Phương Thảo: Kỳ SEA Games vừa qua em và các đồng đội mong muốn làm được điều lớn hơn thành tích đạt được. Bản thân em vẫn có nhiều nuối tiếc vì khi sang Philippines, em đã bị sốt nên sức khỏe đã ảnh hưởng nhiều đến thành tích.

Ngoài ra, khi thi đấu em cũng có phần bị áp lực tâm lý nên bài bắn chưa được như ý. Đó là kinh nghiệm quý giá để có thể thi đấu tốt hơn ở các giải đấu tiếp theo.

Sau SEA Games 30, Thảo trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội bởi ngoài tài năng còn được cư dân mạng khen ngợi xinh đẹp. Cuộc sống của Thảo có gì thay đổi khi trở nên nổi tiếng?

Cuộc sống của em không có nhiều thay đổi sau khi trở về từ SEA Games. Tuy nhiên, em cũng thấy vui vì nhận được sự quan tâm, động viên từ phía người hâm mộ, đó là động lực rất lớn để em tiếp tục cố gắng tập luyện, giành thành tích cao hơn trong tương lai, mang vinh quang về cho đất nước.

Trở lại câu chuyện chuyên môn, tôi tò mò về lý do Thảo bén duyên với bắn cung, môn thể thao có khá ít người chơi?

Em có duyên với bắn cung đấy, nếu không bây giờ có thể em đang là vận động viên bóng chuyền. 10 năm trước, khi em 13 tuổi, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương về trường THCS Hoàng Tân - nơi em học tuyển chọn những học sinh có năng khiếu thể thao để đào tạo trở thành vận động viên trong tương lai.

Năm đó, em nhận được sự chú ý của thầy cô bộ môn bóng chuyền. Em phấn khích gọi điện thoại cho mẹ đang làm việc tại Nga để xin phép được tập luyện môn thể thao này. Nhưng mẹ em đã ngăn cản, không muốn cho em tập luyện vì “sợ con còn nhỏ, chưa biết gì, không đủ khả năng bước vào đời”.

img

Những tưởng chuyện theo nghiệp vận động viên của em đã dừng lại thì một năm sau, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương tiếp tục về trường để tìm kiếm các mầm non có năng khiếu thể thao. Lần này, em lại được các thầy cô môn bắn cung để ý. Sau các bài kiểm tra về thị lực, tay và vai, em được các thầy cô đánh giá có thể chất phù hợp với bắn cung nên tuyển chọn.

Giống như lần trước, em gọi điện thoại cho mẹ xin phép được đi theo sự nghiệp vận động viên bắn cung. Mới đầu, mẹ em cũng ngăn cản vì em vẫn còn nhỏ, mới 14 tuổi, chưa tự chăm sóc bản thân.

Em đã nói với mẹ: “Mẹ cho con ra ngoài để con thử sức, cuộc đời mình con muốn 1 lần được quyết định”.

Sau khi nghe em thuyết phục, mẹ em cũng xuôi và cho phép đi theo con đường vận động viên chuyên nghiệp. Dù vậy, mẹ vẫn dặn dò nhiều điều trước khi em chính thức bước chân trên hành trình trở thành vận động viên bắn cung chuyên nghiệp.

Giữa năm 2011 em được HLV đưa vào trung tâm ăn tập theo chế độ vận động viên chuyên nghiệp, đó là những ngày tháng “mệt mà vẫn vui”.

img

Trong khoảng 1 tháng đầu tập luyện, chúng em phải tập các bài thể lực khá nặng như đứng tấn, chống đẩy, chạy vòng quanh sân tập. Thời gian tập luyện từ 2 – 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ngày đầu tiên khi tập luyện em vẫn cảm thấy bình thường nhưng hôm sau ngủ dậy thì cảm thấy toàn thân đau nhức, mệt mỏi, làm gì cũng khó khăn, lúc ấy em chỉ muốn đi về (cười).

Khoảng 1 tháng sau, cả đội bắn cung được HLV đưa đi tập huấn ở Hải Phòng. Quãng thời gian 1 năm tập huấn tại đây, em cùng các đồng đội tiếp tục rèn luyện thể lực bằng các bài tập chống đẩy, bật nhảy, bật cóc, chạy bền trên 10 km và tập động tác tay không trong môn bắn cung.

Sau những ngày tập thể lực, lúc này các chúng em mới lần đầu được tiếp xúc với cung gỗ và tập với dây cung, luyện tập những kỹ thuật cơ bản.

Mục đích của việc tập cung gỗ với dây cung là để cho HLV nhìn xem ai phù hợp với cung 3 dây, ai phù hợp với cung 1 dây rồi phân loại. Chia ra những bài tập luyện riêng cho những vận động viên này.

Sau đó, em được HLV nhận định phù hợp với cung 3 dây nên đã bắt đầu tập bắn cùng bia ngắm. Lúc đầu, HLV cho bắn gần, tức là đứng ở khoảng cách từ 5 – 10 mét để bắn. Tiếp đó bắn xa hơn ở các khoảng cách tăng dần từ 30 mét đến 70 mét.

img

Vận động viên sẽ không tránh khỏi những lúc thất bại, thậm chí thất bại nhiều hơn thành công. Mỗi khi thất bại ai là người sẽ ở bên Thảo động viên, chia sẻ?

Từ khi bước chân theo con đường thể thao chuyên nghiệp, cũng có những thời điểm em cũng cảm thấy bế tắc, mệt mỏi đến phát khóc sau thất bại. Em vẫn nhớ năm 2014 khi em 17 tuổi, sau khi kết thúc Đại hội thể thao toàn quốc với thành tích bết bát, em thật sự chán nản và tự nhận thấy bản thân chưa đáp lại được sự kỳ vọng của các thầy cô. Nhận thấy con gái buồn chán, mẹ em đã muốn đưa em sang Hàn Quốc du học.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên của HLV Nguyễn Xuân Thành (HLV trưởng Đội bắn cung tỉnh Hải Dương – PV) và Ban Giám đốc Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh Hải Dương, em đã lấy lại sự tự tin để có thể tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn.

img

HLV Nguyễn Xuân Thành từng nói với em câu này: “Muốn đứng được trên ngọn núi cao nhất thì con phải trèo từ ngọn núi thấp nhất, và khi trèo thì khó khăn, gió bão con sẽ phải trải qua rất nhiều thì con mới đứng lên được ngọn núi cao nhất ấy. Điều con cần làm là kiên trì, quyết tâm và tự tin con nhé.”

Sự động viên của mẹ, đồng đội cũng rất quan trọng, là động lực của em đứng dậy sau mỗi lần thất bại.

img

Riêng tư một chút, Thảo đã có bạn trai chưa và mẫu đàn ông Thảo thích sẽ như thế nào?

Hiện giờ em vẫn đang FA (độc thân - PV) – cười. Em là tuýp phụ nữ sống khá thực tế, ít mơ mộng nên mẫu người đàn ông lý tưởng của em là một người có công việc, sự nghiệp ổn định. Quan trọng hơn là người ấy phải biết tôn trọng cha mẹ, quan tâm chăm sóc gia đình và đặc biệt là phải yêu thương em (cười).

Ngoài những lúc tập luyện và thi đấu, Thảo thích làm gì khi có thời gian rảnh?

Em cũng khá ít bạn bè nên thời gian rảnh em chủ yếu để nghỉ ngơi. Sở thích của em là đi du lịch, đọc sách, nghe nhạc, cùng mẹ nấu ăn và chơi game trên điện thoại để giải trí. Dù thực tế thì em thấy mình nấu ăn chưa được tốt lắm, nhưng cứ phải luyện dần tay nghề để sau còn nấu cho gia đình nhỏ nữa chứ.

img

Dự định tương lai và mong muốn trong năm mới 2020 của Thảo là gì?

Dự định thì rất nhiều nhưng việc đầu tiên em vẫn là cố gắng hoàn thiện, năng cao kỹ thuật cũng như tâm lý để có thể giành thành tích cao tại đấu trường quốc tế. Còn điều em mong muốn nhất là có nhiều thời gian để được ở bên mẹ em.

Mẹ em là một phụ nữ mạnh mẽ và cũng là hình mẫu em muốn hướng tới. Từ khi em đi theo sự nghiệp thể thao, mẹ đều làm việc ở nước ngoài. Dù khá bận rộn nhưng mẹ vẫn luôn theo sát từng bước đi của em, chỉ tiếc là thời gian em được ở cạnh mẹ rất ít. Có dịp mẹ về thì em phải đi thi đấu hoặc tập huấn xa nhà. Nhiều lúc em thèm hơi ấm của mẹ, được ở gần mẹ. Nếu cho em một điều ước, em ước có nhiều thời gian bên mẹ thôi.

 

Bài viết: Đức Sơn

Ảnh: NVCC

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem