Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ

Thứ ba, ngày 13/02/2024 14:15 PM (GMT+7)
Với bàn tay khéo léo, ông đồ trẻ Đức Dự (30 tuổi) đã lồng ghép tranh rồng 3D đắp nổi vào thư pháp rất sinh động, thu hút khách tham quan ở phố ông đồ trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1) dịp Tết.
Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 1.

Đây là năm thứ 8 ông đồ trẻ Đức Dự trình làng những bức thư pháp kết hợp với tranh 3D tại phố ông đồ dịp Tết, và vẫn là người duy nhất trong khoảng 30 "thầy đồ" trên phố, làm được điều này. 

Năm 2017, lần đầu tiên Dự cho ra bức thư pháp tranh 3D trưng bày ở phố ông đồ với chữ "Lộc" trên cành đào uốn lượn. Dự kể, thời gian đầu chưa nắm chuẩn quy tắc phối hợp hai thể loại nên để hoàn thiện bức thư pháp đó, anh đã phải hủy bỏ 5 bức khác, tốn hơn 50 triệu đồng tiền vật liệu. 

"Vừa trưng bày ở phố ông đồ là có khách mua ngay với giá hơn 20 triệu đồng. Mặc dù không bù lại được chi phí ban đầu, nhưng mang lại niềm vui và sự đón nhận của khách, tôi không tiếc", Dự nói.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 2.

Dịp Tết này, Dự cho ra tác phẩm rồng tranh 3D đắp nổi lồng ghép thư pháp sinh động mang dáng vẻ vừa hiện đại pha chút truyền thống, thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Bức tranh rồng 3D kết hợp thư pháp cao khoảng 1,2m có giá 15 triệu đồng.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 3.

Theo Dự, một bức thư pháp 3D cần ít nhất 15 ngày và trải qua nhiều công đoạn. Lên ý tưởng từ chữ vào tranh là bước đầu tiên và khó nhất. Anh phải phác thảo ra giấy, để khi thực hiện cây uốn lượn thành chữ thư pháp với dáng thế tự nhiên, không gượng ép.

Sau đó, Dự chọn thước lỗ ban và cung đẹp cho khung tranh theo phong thủy. "Đây là cách tôi lồng ghép yếu tố truyền thống vào trong tranh hiện đại", anh nói.

Tiếp đến, anh lựa chọn chất liệu (gỗ hoặc vải) để làm nền vẽ, dùng bột đá và màu vẽ để đắp nổi 3D tạo hình thế dáng theo nét chữ. Từ tạo dáng thế cho cây, Dự nặn thủ công để tạo hình hoa bằng đất sét sao cho tự nhiên nhất và đắp nổi lên khung tranh. 

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 4.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 5.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 6.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 7.

Lên màu tổng thể và lựa chọn những câu ca dao tục ngữ phù hợp để làm nổi bật chủ đề của bức tranh là bước cuối cùng.

Ngoài ra, Dự còn vẽ rồng uốn lượn theo tên của khách hàng lồng ghép thư pháp. Mỗi bức như vậy thực hiện từ 5-7 tiếng. Dịp Tết khách hàng phải đặt trước nhiều ngày mới có hàng.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 8.

Một bức tranh rồng thư pháp vừa được Dự hoàn thành giao cho khách.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 9.

Theo Dự, để làm sản phẩm này khó nhất là chi tiết vẽ vảy rồng, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và trau chuốt kỹ nhằm tạo ra hình dáng chuẩn xác.

Ông đồ trẻ vẽ rồng hóa thư pháp kéo khách đến phố ông đồ - Ảnh 10.

Dịp Tết này, Dự cho ra khoảng 20-30 sản phẩm tranh rồng thư pháp. Sắp tới, ông đồ Đức Dự sẽ nghiên cứu nhiều hơn những thể loại khác như đưa cây tre, cây mai thật uốn dáng thành chữ thư pháp, góp phần cho bộ môn nghệ thuật này trở nên sống động hơn, nhưng không mất đi vẻ truyền thống.


Minh Tâm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem