Bữa trưa, tôi và ông nhấp ly rượu, không quên rót thêm hai chén và đặt hai đôi bát đũa mời hai bên chư vị liệt sỹ nam và nữ. Chúng tôi ăn món gì, từ cọng rau thơm đến bát canh dưa, đều mời hai "mâm" của các liệt sỹ. "Đã mấy chục năm ròng như vậy rồi", giọng ông Bảng trầm trầm.

 

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 1.

Tôi là người viết báo, in sách về ông Vũ Minh Tằng (ở tỉnh Nam Định) với "Chín cái răng lưu lạc" (do bị quản giáo đục gãy), "Người trở về từ địa ngục trần gian", từng lang thang "Trại tù binh Phú Quốc"; rồi xin tiền lắp răng giả, xây sửa nhà cho cựu tù tận khổ ấy. Đặc biệt nhất là chuyến cùng nhà hảo tâm đưa ông Tằng ra đảo Phú Quốc gặp lại, đối thoại nảy lửa với Bảy Nhu (Trần Văn Nhu) - viên cai ngục tàn ác bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước tôi, chưa từng ghi nhận nhà báo nhà văn nào từng gặp, chụp ảnh, quay phim dựng chân dung con người "ẩn nấp" suốt mấy thập niên đó.

Chiều hôm ấy chạng vạng, từ Nam Định, ông Tằng đã bảo tôi đưa đến Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) để lấy hiện vật là 9 cái răng, đem theo đi gặp Bảy Nhu.

Tại đây, tôi đã quen và khâm phục cựu binh, thương binh 1/4 Lâm Văn Bảng, người sáng lập và quản lý "Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày", một trong nhưng bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam với các hiện vật "đầy máu và nước mắt" có thể làm thảng thốt bất cứ ai trên thế giới. Ông Bảng cũng coi đó là các việc làm để đời nhằm động "trả nợ" cho chính tuổi trẻ, chính cuộc đời của mình - sau 4 năm 8 tháng 7 ngày tận cùng khổ cực trong nhà tù Đế quốc.

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 4.

Xuất phát từ ý tưởng nào mà ông đứng ra thành lập bảo tàng tư nhân Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày?

- Ông Lâm Văn Bảng: Tháng 4/1965, tôi nhập ngũ. Tháng 5/1968 tôi bị thương, sa vào tay giặc. Trong nhà tù của địch, tôi chứng kiến nhiều đồng đội gạ sắt gan vàng, một mực bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, sẵn sàng sinh anh dũng trước các ngón đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Khi tôi nằm ở khám Chí Hòa, đồng đội tôi, những người bị thương nặng ở đầu bị chúng khiêng ra ngoài hiên vứt đó. Có những trận mưa rào, tắc cống, chuột chui lên rất nhiều. Lũ chuột bò vào, cứ thế cắn chân, cắn tay đồng đội của chúng tôi.

Những tiếng kêu của đồng đội cứ rền rĩ, rền rĩ. Các anh chấn thương sọ não, bất tỉnh nhân sự, lúc đó tôi mới biết thế nào là tiếng kêu "vô thức", bản năng. Rồi sau đó, tiếng kêu chầm chậm, chầm chậm. Và tắt ngấm… Đó cũng là lúc đồng đội tôi lần lượt ra đi. Đến tận bây giờ, những ngày trái nắng trở trời, trong đầu tôi, bên tai tôi vẫn văng vẳng những tiếng kêu rên đó…

Tất cả những điều đó ám ảnh tôi suốt bao năm, nên tôi muốn làm điều gì đó để "trả nợ", để tri ân đồng đội.

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 3.

 Nếu tóm lại câu chuyện ám ảnh ông ở Nhà tù Phú Quốc thời ấy bằng một vài chi tiết thôi, thì ông sẽ kể gì?

- Từ năm 2008 - 2010, anh em chúng tôi đã nhiều lần ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để cùng Đội K92 (tỉnh đội Kiên Giang) tìm đồng đội. Khai quật bốn hố cùng chỗ, tìm thấy hơn 1.000 di cốt liệt sĩ (nay vẫn còn hơn 3.000 đồng đội chưa biết nằm ở đâu). Tôi gặp nhân chứng sống, nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Anh chứng kiến, mỗi tuần địch gọi 4 người/phân khu, là 164 người đến; nó tra tấn và thủ tiêu. Anh em đó bị bỏ đói, cho ăn thuốc độc. Nhờ "chỉ điểm" của nhân chứng, di cốt các đồng chí bị thủ tiêu đã được khai quật ở đồi 121.

Chân trái của tôi, lúc bị thương, bị bắt không được phẫu thuật nên thỉnh thoảng bị sưng rồi đùn lên một cục xương. Hồi ở tù, thỉnh thoảng tôi lại lấy thanh gỗ tràm vót nhọn, luộc lên sát trùng, rồi thò vào kéo ra được một cục xương.

Sau khi từ nhà tù đế quốc trở về, có giai đoạn các ông từng phải chịu không ít sự hiểu lầm?

- Chúng tôi từng bị hiểu lầm, liệt vào "danh sách đen"! Có những người lý luận rằng ông nào trung kiên thì nó đánh đập chết hết rồi, số còn sống trở về là… Đồng đội chúng tôi, vài người gặp những chuyện mà nhắc đến là trào nước mắt. Thập kỷ 80, người ta bắt một số người… bắt chụp ảnh chung với tội phạm! Trong đó có một anh người Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội), giờ vẫn còn sống.

Nhưng cũng không trách ai được. Bởi khi ở chiến trường miền Nam, trong địch có ta, trong ta có địch. Trong các cuộc càn quét, địch lấy được hồ sơ, giấy tờ của anh em là tung lên thông tin rằng: Tất cả đã chiêu hồi hết (nó đọc danh sách). Có thời kỳ "tâm lý chiến" như thế. Có giai đoạn, nhà nước mình còn có công văn, là chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày được đi học đại học, nhưng không được làm cấp trưởng.

Sau này, nhận thức được "chúng ta cũng có những cái sai như thế", và đã phải nhìn lại.  Cũng từ chỗ đó, tôi muốn nói, rằng chúng tôi quyết tâm làm bảo tàng này còn là để góp phần chứng minh tấm lòng của mình và đồng đội mình để mọi người hiểu hơn.

Điều gì ông tâm đắc nhất từ gần 5.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng này?

- Những hình ảnh của Phòng truyền thống tại Bảo tàng này, sẽ là tài liệu "báo cáo" với Đảng, với Nhà nước, với quân đội, với tất cả mọi người; rằng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày khốc liệt, nhưng họ vẫn trung thành dâng hiến cho sự nghiệp cao đẹp của non sông.

Anh em tôi bị chúng chôn, bị chúng đổ thuốc độc vào thức ăn, giết chết hàng loạt, nhiều người bị ném xuống biển... Chúng tôi không "kể" thì ai sẽ hiểu được những câu chuyện lịch sử đó? 

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 4.

Từ mấy chục năm trước, để đi khắp cả nước sưu tầm, trưng bày quy mô và khoa học trên diện tích hơn hai nghìn mét vuông như thế này… quả là kì tích.

- Từ năm 1985 tôi đã nhen nhóm ý tưởng. Nhưng đến năm 1995 mới bắt đầu thực hiện được. Tôi viết thư cho bạn bè, cho Ban Liên lạc chiến sĩ bị địch bắt tù đày trong cả nước. Mỗi hiện vật là một câu chuyện dài, có khi là cả bước ngoặt của cuộc đời.

Ví dụ lá cờ Đảng vẽ nhuộm bằng máu trong nhà tù Đế quốc của anh Nguyễn Văn Dư ở xã Hồng Dương ở Hà Nội. Chúng tôi đạp xe đến nhà anh mười mấy lần để thuyết phục. Lúc đầu anh ấy không đồng ý, rồi tránh mặt không gặp. Sau anh ấy lại nói vợ không đồng ý đem "trao" lá cờ Đảng cho chúng tôi. Chúng tôi thuyết phục vợ anh ấy, thì chị lại nói các con không đồng ý.

"Nếu anh giữ lá cờ Đảng quý báu này thì chỉ mình anh và gia đình anh biết. Nhưng khi tôi đem về phòng truyền thống trưng bày thì sẽ có nhiều người biết đến. Đây còn là một trong những việc làm để báo cáo với Đảng, Quân đội, Nhân dân; về những chiến sĩ Cách mạng trung thành, bất khuất, kiên trung. Và để giáo dục truyền thống", tôi nói vậy sau mười mấy lần đến nhà anh ấy.

Khi trao lá cờ cho tôi, cả anh ấy và tôi cùng khóc, bởi với anh ấy, lá cờ là cả cuộc đời. Khi địch khám xét, anh em cuốn lá cờ đặc biệt kia lại (lúc mở ra chỉ bằng bàn tay) rồi nhét vào miệng mình, nhét vào khe nạng chống của người bị thương… Lá cờ Đảng vẽ bằng máu, đâu dễ gì mà có được.

Ở đây, mỗi hiện vật đều là xương, là máu của đồng đội tôi. 

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 5.

Nghe nói ông yêu "nghề bảo tàng" với các ý tưởng độc đáo, là từ một… quả bom đào được trong thời bình?

- Ở tù ra, tôi công tác trong ngành cầu đường. Làm Hạt trưởng Hạt quản lý giao thông số 5. Năm 1985, chúng tôi sửa cầu Giẽ, phát hiện một quả bom, tôi nhờ chuyên gia tháo kíp, tháo thuốc nổ rồi mang vỏ về trụ sở hạt. Tôi kê cao, kích bổng lên và viết hai dòng chữ: "Cô gái suối Hai chàng trai cầu Giẽ".

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 6.

Từ hôm sau, sáng ra là thấy công nhân đứng xem, rồi cả người dân đi qua cũng dừng lại, xuống xem vỏ quả bom. Tôi ngồi trên tầng hai làm việc, nhìn xuống thấy vậy tôi nghĩ: "Các anh em chiến sĩ bị địch bắt tù đày tra tấn kinh hoàng, lúc nào cũng cận kệ cái chết; hiện vật nhiều lắm chứ... Thế thì tại sao mình không tập hợp lại để trưng bày!?".

Tôi đi báo cáo với đồng chí Tô Diệu, khi đó là Đại tá, Cục phó Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam) về ý tưởng muốn sưu tầm những hình ảnh để tái hiện, trưng bày. Đồng chí Tô Diệu ủng hộ ngay, và tôi bắt đầu triển khai luôn.

Kinh phí đi tìm hiện vật phục vụ bảo tàng quy mô thế này, các ông lấy ở đâu ra?

Kinh phí chỉ có hai lương của tôi thôi: Lương hưu và lương thương binh. Khi đi sưu tầm hiện vật, tôi chỉ mất tiền tàu xe, còn đi đến đâu là ăn, ngủ ở nhà đồng đội. Chúng tôi đến tỉnh nào, chỉ cần gọi điện là anh em đến đón. Anh em cũng giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc tìm kiếm hiện vật.

Lúc đầu rất khó khăn, năm 1995, tôi phải bán cả nhà để mua thêm phần đất gần phòng truyền thống và xây dựng cơ sở vật chất; bán thêm một lô đất ở Phủ Lý. Nói thật, vi phạm pháp luật lắm, tôi đã giả cả chữ ký của vợ để bán được đất đấy.

Hai vợ chồng căng thẳng đến mức suýt bỏ nhau, nhưng tôi lại được các con và anh em ủng hộ. Tôi có 5 anh em trai, ông anh cả và em út - là tôi ở tù (nhà tù đế quốc) nên tôi được sự hậu thuẫn rất lớn từ anh cả. 

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 7.

Ông lấy đâu kiến thức về bảo tồn, bảo tàng mà lập cả một bảo tàng tư nhân chuyên nghiệp thuộc loại đầu tiên ở Việt Nam như thế này?

- Ngày 19/12/2004 chúng tôi khai trương Phòng truyền thống. Hồi đó ông Đặng Văn Tu, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tây (cũ), ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng cụ Di sản Văn hóa trực tiếp xuống thăm phòng truyền thống và vận động tôi làm hồ sơ để thành lập bảo tàng ngoài công lập. Tôi cứ đi thăm các bảo tàng ở khắp Hà Nội để học mót.

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 8.

 Xem người ta trưng bày, sắp xếp, thuyết minh ra sao. Sau đó, hầu hết các ban ngành của Bảo tàng Hà Tây (cũ) xuống ăn ở tại đây, "cầm tay chỉ việc" giúp đỡ chúng tôi. 

Vì thế, tuổi của tôi giờ đã gần 80, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết các hiện vật ở bảo tàng này.

Những ông già bảy tám mươi tuổi đem hiện vật của bảo tàng này đi trưng bày ở các địa phương, các trường học, rồi chính các nhân chứng sống kể chuyện một thời "khó tin nhưng có thật" về các trò tra tấn tàn bạo với người tù cộng sản và yêu nước. Phải nói đó là một sáng tạo!

  Các đoàn đến thăm bảo tàng, tôi đều mời nhân chứng sống đến nói chuyện với đoàn ở hội trường. Những hình ảnh chiến sỹ ta bị tra tấn là ám ảnh khách hành hương nhất. Anh Tống Trần Hội ở Sóc Sơn bị tháo xương. Anh Nghị, anh Kim, là tổ chức mình cử ra để tự rạch bụng đấu tranh. Chúng tôi cũng đi triển lãm lưu động ở các trường học khá nhiều. Như ở trường Dân tộc Nội trú Ba Vì, (Hà Nội), Bắc Ninh, đi cả đảo Hòn Ngư ở Nghệ An. Mỗi lần đi chúng tôi chỉ mang những hiện vật cốt lõi gồm: Cờ Đảng nhuộm bằng máu của anh em, cờ Đoàn, sách học chính trị trong tù, vồ gậy đục răng tra tấn, điều lệ Đảng, ảnh các loại cực hình… Tất cả, gói gọn trong một vali.   

Quả là không đơn giản, nhất là hơn 20 năm trước, ông đi sưu tầm kho hiện vật cả ở phía các "thành phần đặc biệt" đang sống ở nước ngoài…

- Bộ đục răng là của một sĩ quan ngụy, giám thị giữ, qua người này người kia giới thiệu, tôi mua lại. Có cô C. ở Phú Quốc, tôi phải ngầm cho cháu nó vào nhận Bảy Nhu là bố đỡ đầu, từ đó tôi khai thác. Tôi bày cho cháu C. cách làm, nên từ cháu C. mà tôi đã khai thác được nhiều hiện vật, tư liệu.

Tôi sưu tầm cả những hiện vật - quân hàm quân hiệu của Mỹ ngụy. Những hiện vật đó cũng đến từ "phía bên kia". Thời kỳ đó, việc này khá nguy hiểm, vẫn rất nhạy cảm, từ năm 1985 (trước Đổi Mới) cơ mà. Bấy giờ công an mà bắt được là tôi đi tù.

Nhưng hình như luôn có đồng đội (đã hy sinh) ngầm giúp đỡ, chúng tôi đi đến đâu cũng trót lọt.

Bây giờ ông đã bớt eo hẹp về kinh phí hoạt động cho Bảo tàng chưa?

- Chúng tôi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; được tặng thương Huân chương Lao động, được Bộ VHTTDL, rồi UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Mỗi ngày được nhà nước hỗ trợ 600.000 đồng để chi cho các hoạt động của bảo tàng. Còn anh em đến đây làm việc vẫn là tự nguyện, người mang mớ rau, người mang bát gạo.  

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 9.

Chuyện khai quật hài cốt hàng nghìn đồng đội của ông ngoài đảo Phú Quốc, chúng tôi đã đi hiện trường hồi đó và cực kỳ ám ảnh. Cảm nhận của ông về các chuyến đi đó ra sao?

- Tôi nhớ mãi ngày 30/4/2008. Tôi, anh Cần, anh Dư đi với đoàn anh Liêm (Trung tâm giáo dục truyền thống) ra thắp hương, trên đường về, anh Tư Sang (đồng chí Trương Tấn Sang), khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương gọi điện. Trong vòng 30 phút anh điện cho tôi 3 lần, "các ông phải làm thế nào tìm được hài cốt đồng đội về chứ", "để như thế này thì tội quá, anh em hơn 4.000 người hy sinh mà giờ mới tìm được có 900"…

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 10.

Tôi bàn với anh em không báo cáo anh Tư nữa mà mình bí mật đi tìm nhà ngoại cảm. Tôi mới viết giấy, nhờ thiếu tướng Chu Phác giới thiệu, cầm đến chỗ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Tôi nói chúng tôi không có tiền đâu, nếu cô nhất trí thì chúng tôi quyên góp tiền mua vé máy bay cho cô. Cô ấy bảo các chú các bác yên tâm, việc này là việc nghĩa, cháu sẽ tự lo.

Đến tháng 10/2008 thì cô ấy ra đảo Phú Quốc. Xe dừng, cô Hằng đi trước, chúng tôi theo sau. Cô Hằng bảo chú Dư trèo lên đây tìm xem có cành cây nào cụt không. Anh Dư lên, tìm được cành cụt thật. Cô Hằng bảo: "Chú đứng đó đi, anh em nói chú đang đứng trên đầu anh em rồi đấy". Thế là anh em K92 đánh dấu vị trí rồi bắt đầu khai quật, riêng hố đó quy tập được 1.033 liệt sỹ.

Ông có thật sự tin vào những chi tiết có yếu tố tâm linh trong cuộc khai quật hơn nghìn hài cốt liệt sỹ trong một hố như vậy không?

- Chúng tôi hỏi cô Hằng có nói chuyện được với anh em không. Cô Hằng bảo được. Cô Hằng bỗng dưng nói: "Các chú đang mắng - thằng Công, ngày trước tao với mày biệt giam, mà hôm nay mày ra mày không mặc quân phục cho chúng tao ngắm, mày mặc đồ dân sự thế này".

Cái tên Đoàn Văn Công, chỉ có anh em trong tù là biết, vì đó là tên trong tù chứ không phải tên thật. Kể cả anh em chúng tôi đi cùng nhau, nhưng cũng không ai biết trong đoàn có ông "Đoàn Văn Công". Nên sau khi nghe cô Hằng nói lại thế, chúng tôi hỏi to: "Ở đây có ai tên là Đoàn Văn Công không?", thì thấy ông Phương hô: "Có tôi, tôi là Đoàn Văn Công, tức Đoàn Văn Phương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân". Thấy ông ấy cầm gậy chống bước ra, thì đúng ông ấy mặc đồ dân sự thật, trên người còn mặc áo may ô.

Tôi là người dẫn ông Vũ Minh Tằng - người bị viên cai ngục Bảy Nhu và đồng bọn đục gãy 9 cái răng rồi bắt tự nuốt vào trong bụng cùng với máu - ra đảo Phú Quốc đối thoại với Bảy Nhu. Ông Tằng dù đã được "làm công tác tư tưởng" kĩ, xong, vẫn rút hàm răng giả chúng tôi vừa tài trợ ra, ông thét lớn, định ném vào mặt Bảy Nhu...

- Với Bảy Nhu, ta phải xét sâu. Gia đình Nhu cũng có những người theo cách mạng chứ không phải xấu hết. Hắn cũng không phải người giỏi giang gì. Hắn bị ép phải làm thế để phục vụ "quan thầy" cấp trên. Bản thân hắn, dĩ nhiên là rất ác ôn. Nhưng quan trọng hơn là sức ép của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Địch còn ra sắc lệnh chuyển hóa tư tưởng tù binh. Đám quân cảnh được phép tra tấn, cải huấn, bắt tù binh vào khu "tân sinh hoạt", nhằm hướng tới việc… phản Đảng. Hồi đó, chỉ cần một cái vạch, ai chiêu hồi bước sang, ai không chiều hồi thì bị tra tấn và nằm lê lết trong máu.  

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 11.

Vị khách thăm bảo tàng nào làm ông ấn tượng nhất?

- Có vị Giáo sư sử học người Mỹ đến đây, khi tôi thuyết minh về 56 hình thức tra tấn trong nhà tù Phú Quốc, giới thiệu đến đâu, ông ấy chỉ còn biết chắp tay lạy "ác quá! ác quá!" đến đó. Và ông hứa, trở về sẽ nói những câu chuyện này cho sinh viên và người Mỹ nghe. Một bà người Ý, làm ở Đại sứ quán Ý tại Philippines, sau khi đến thăm thì viết: Những hiện vật ở đây là báu vật trong việc giáo dục, không chỉ người dân Việt Nam, mà cả người dân thế giới thế nào là chiến tranh. Đây là giá trị quý của lịch sử.

Các bảo tàng thường trưng bày những hiện vật lớn, nhưng ở đây chúng tôi trưng bày từ những hiện vật rất nhỏ, ví dụ bím tóc thề. Thời anh em tôi đi lính còn trẻ lắm, những cô người yêu 18-20 tuổi hay cắt bím tóc, buộc sợi chỉ đỏ vào rồi tặng "chàng chiến binh". Qua binh đao khói lửa giờ trở về, anh lính vẫn giữ đinh ninh. Bím tóc cũng là một trong những "dấu tích" về một thế hệ con gái miền Bắc huyền thoại. Chờ đợi từ khi tóc xanh đến lúc tóc đã bạc.

Làm bảo tàng, càng khiến tôi càng thấy thấm thía, sâu đậm, tình người trong đó. Tiếc là sức khỏe giờ có hạn. 

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 12.

 Tôi vẫn chưa rõ các ông liên lạc với nhau bằng cách nào ở nơi ngục tù, giữa sinh tử cận kề thế?

- Trên khu vực dài 5km, nhưng chúng tôi liên lạc tinh vi lắm. Mỹ - Ngụy bảo trong nhà tù Phú Quốc có tổ chức Đảng lãnh đạo nên "hiệu lệnh" vô cùng chuẩn. Hồi đó anh em chúng thôi theo kiểu "nghe nhạc hiệu đoán chương trình". Trại nọ nối trại kia, đi khám bệnh, sẽ có người được giao nhiệm vụ quan sát.

Một trại tuyệt thực là trại nọ gồng trại kia làm theo. Hoặc khi nó đánh/bắn anh em ở trại này, ta kêu ầm ĩ, là anh em trại khác lấy cà-mèn gõ mái tôn rầm rầm "ối giời ôi nó bắn chết chúng tôi". Dù bị bắn/đánh hay không bị bắn/đánh cũng phải kêu như thế để chúng nó dừng. Nó dừng vì nó cũng biết sợ công luận đấy.

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 13.

Quan trọng là: Công tác tổ chức trong trại giam rất chặt chẽ. Phân khu B2 có hàng nghìn đồng đội, chúng tôi đào hầm 2-3 tháng, mang lên mặt đất cả chục khối đất mà vẫn qua mặt được quân cảnh, giám thị. Là anh em tôi đồng lòng, nghìn người như một. Đó là kỷ luật thép của người chiến sĩ.

Vụ "thảm sát" đau lòng nhất trong trại giam Phú Quốc ngày ấy mà ông biết?

- Có đợt nó bắn vừa chết vừa bị thương 148 người ở khu B8. Là vì anh em mình bắt quân cảnh của nó. Nó vào điểm danh, chúng đánh một hai ông đau quá, các ông điên tiết mới đánh lại. Bắt giữ nó. Thế là nó nã đạn vào.

Thời đó, từng có lệnh cho bọn giám thị được phép đánh, thậm chí giết tù nhân. Sau này, đài của ta ngoài Hà Nội công bố, nếu Mỹ thủ tiêu, đàn áp chết một tù binh trong đó thì ngoài này chúng tôi cũng sẽ bắn bỏ phi công bị bắt. Nên chúng mới dừng tay.

Tôi được biết, bảo tàng của ông đã đón tiếp nhiều vị khách rất đặc biệt?

- Các đồng chí Trương Tấn Sang, Trương Mỹ Hoa, Phạm Quang Nghị…; vừa rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã tặng Bằng khen cho Bảo tàng. Bản thân tôi cũng được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; lại là một trong 70 người được tuyên dương trong kỉ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời Kêu gọi thi đua ái quốc (năm 2018).

Hiện nay tôi đã có chủ trương chuyển Bảo tàng ra huyện. Ngành văn hóa, Thành ủy, cũng đã có những chỉ đạo cho bên văn hóa làm việc với huyện rồi. Chúng tôi sẽ chuyển giao cho nhà nước! Riêng đền thờ thì không chuyển.

Xin chân thành cảm ơn ông với cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này!

Ông Lâm Văn Bảng: Mỗi hiện vật ở đây đều là xương, máu đồng đội tôi - Ảnh 14.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem