Ông nông dân ngoại thành Hà Nội "tiết lộ" cách ghép cây quất tết với loại gỗ đặc biệt
Từ lâu, cây quất đã được nhiều gia đình sắm vào dịp Tết. Trước nhu cầu của khách hàng, các chủ vườn Hà Nội đã tìm tòi, nghiên cứu cung ứng ra thị trường những sản phẩm độc đáo.
Một nông dân ngoại thành Hà Nội đã mạnh dạn kết hợp giữa cần thăng và quất để cho ra thị trường một sản phẩm lạ. Cần thăng mang hàm ý cần cù và thăng tiến có sức sống mạnh mẽ. Quất tượng trưng cho sự bội thu, khởi đầu cho năm mới tốt đẹp.
Cây cần thăng, tên khoa học là Feoniella lucida, là loài cây lấy gỗ lớn, sống trong tự nhiên có thể cao 20 – 25 m. Thân cây nổi u ở gốc, tự tạo ra vẻ xù xì, cằn cỗi. Cành mọc ngang có nhiều gai. Có thể trồng theo cách chiết cành hoặc gieo hạt sau 3 năm có thể làm thành các cây bonsai theo ý muốn.
Nhiều năm trồng quất, nhận thấy nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, tiêu chuẩn cũng thay đổi, khi biết được quất và cây cần thăng cùng họ, ông Trương Ngọc Xuân (65 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nghiên cứu, tìm tòi lên ý tưởng thực hiện ghép giữa hai loài cây này.
Năm 2016 ông bắt tay vào ghép: “Gốc của cây cần thăng vô cùng đẹp, sự sống mạnh mẽ, tuy nhiên để ghép chúng lại với nhau không dễ. Tôi chọn những cây cần thăng có tuổi đời tương đương với cây quất. Cây cần thăng nên có dáng đẹp, thân lớn, dáng uốn lạ”.
Hơn 5 năm cung cấp cây ra thị trường, nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, năm nay, ông Xuân có hơn 250 sản phẩm cây quất ghép với cây cần thăng. Tùy theo kích cỡ, kiểu dáng, giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 3 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Dù giá cao, quất nhà ông Xuân vẫn thu hút nhiều khách hàng khắp các tỉnh đến mua.
Để có một sản phẩm cây đẹp phục vụ khách mỗi dịp Tết đến, nhiều năm qua, người đàn ông này luôn tỉ mỉ chăm sóc từng sản phẩm.
Để có những sản phẩm quất độc đáo đưa ra thị trường, ông Xuân cùng gia đình, người làm “sống chung” với cây. Lúc nào người ta cũng thấy ông Xuân ở ngoài vườn.
Với cây có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đòi hỏi việc chăm sóc sẽ khó khăn hơn.
Anh Trần Thanh Bình (44 tuổi), người làm cùng ông Xuân chia sẻ: “Tôi làm công việc chăm sóc cây đã 5 năm, việc chăm sóc cây quất cần sự tỉ mỉ, ngoài tưới nước ra tôi thường dùng khăn thấm nước lau từng chiếc lá để loại bỏ bụi bám trên lá, việc chạm vào cây cũng phải nhẹ nhàng tránh hỏng cành sẽ rất khó bán”.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại vườn cây của ông Xuân:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.