Từng gục ngã vì "cơn sốt" cây cảnh sanh Trung Quốc nay lão nông ở Mễ Sở kiếm tiền tỷ/năm từ lọ quất bonsai

Trần Quang Thứ hai, ngày 14/08/2023 14:00 PM (GMT+7)
Khi người dân trong làng đổ xô đi làm quất đất, quất chum, quất cổ thụ... thì ông Vũ Văn Trọng lại một mình một hướng chuyển sang trồng quất trong lọ gốm. Sau nhiền năm vượt khó, đến giờ lão nông này đã kiếm hàng tiền tỷ mỗi năm nhờ vườn quất bonsai khiến ai cũng bất ngờ, thán phục.
Bình luận 0
Từng gục ngã vì "cơn sốt" cây cảnh sanh Trung Quốc nay lão nông ở Mễ Sở kiếm tiền tỷ/năm từ lọ quất bonsai - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Trọng ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ cách làm giàu từ vườn quất bonsai độc lạ của mình. Trần Quang thực hiện

Mất "học phí" tiền tỷ vì chạy theo "cơn sốt" cây cảnh

Vườn quất của ông Trọng lọt thỏm trong cánh đồng hoa, cây cảnh của xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Xung quanh khu vườn của ông, đa phần mọi người đều trồng quất thế trên đất hoặc chum, có nhà trồng sung hay bưởi cảnh cổ thụ.

Chúng tôi tìm về nhà ông Trọng vào những ngày đầu tháng 8 trời mưa dầm dề, nhiều nhà vườn đang tất bật huy động người khơi nước chống úng cứu cây cảnh nhưng lão nông này vẫn ung dung ngồi trong nhà hút thuốc lào, uống nước chè.

Thấy có khách đến thăm hỏi chuyện làm cây cảnh, ông Trọng thủng thẳng: "Mùa này quất đương hoa rộ nhưng do là hoa lưỡng tính tự thụ phấn nên gặp mưa nhiều cũng chả ngại. Cái lo là sợ ngập úng thối rễ thì chúng tôi đã đổ vườn cao và kê gạch từng lọ nên cũng yên tâm hơn".

Tỷ phú quất bonsai ở Mễ Sở - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Vũ Văn Trọng chăm sóc những lọ quất bonsai của gia đình ở xã Mễ Sở, huyện Văn Gang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TQ

Năm nay, vợ chồng ông Trọng đầu tư vốn vào làm gần 2 vạn lọ quất. Ở thời điểm hiện tại, vườn cây cảnh của ông đang vào "thì con gái" đơm hoa rực rỡ, có một số chùm bung sớm đã cho quả nhỏ. Đã có không ít số khách quen gọi điện hỏi thăm tình hình để chuẩn bị xuống cọc trước cho chắc ăn hàng Tết.

"Vụ quất 2022, vườn nhà làm khoảng 1,5 vạn lọ nhưng đến tháng 12 âm lịch đã "cháy hàng", nhiều khách đến vườn cứ trách chủ làm ít. Năm nay tôi nhân lên thêm vài nghìn lọ nhưng khả năng cũng không đủ hàng để bán. Mỗi năm trừ chi phí phân, thuốc, giống... tôi cũng bỏ túi tiền tỷ", ông Trọng tiết lộ.

Để có được "quả ngọt" như ngày hôm nay, ít ai biết rằng nông dân này đã từng mất "học phí" cho nghề hàng tỷ đồng vì làm cây cảnh theo phong trào. 

Ông Trọng kể: Khoảng năm 1989, hai vợ chồng lấy nhau, bố mẹ chỉ cho sào đất trồng lúa, đỗ nhưng làm mãi cũng không đủ ăn. Sau chúng tôi chuyển sang nuôi vịt, trồng húng bán cho người làng chiết xuất tinh dầu khoảng vài năm thì cũng khó khăn vì liên tục gặp cảnh được mùa rớt giá, được giá lại mất mùa.

Thời điểm năm 1998 ở xã bên (xã Liên Nghĩa) có hộ trồng quất cảnh, ông Trọng tò mò tìm đến hỏi thăm thấy mới lạ nên về bàn với vợ vay tiền để mua các cây quất già cỗi tại các vườn quất quả trong làng. Năm đầu, ông mua được khoảng 300 cây.

Đưa được cây đem về vườn nhà, vừa tỉ mỉ chăm ông Trọng vừa nghiên cứu cắt tỉa và tạo tán. Thời gian đầu chưa quen, cắt tỉa vội khiến nhiều cây bị hỏng tán phải bỏ đi nhưng ông không nản chí mà tiếp tục ngày, đêm kiên trì làm mãi cũng thành công. Khoảng Tết năm 2000-2001, vợ chồng Trọng đã có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường.

Tỷ phú quất bonsai ở Mễ Sở - Ảnh 3.

Để các lọ quất bonsai đẹp như ý, ông Trọng thường xuyên phải chăm sóc tỉ mỉ, bón phân ngoại nhập cho cây. Ảnh: HĐ

Càng đắt hàng, vợ chồng ông càng ham làm nhiều hơn. Khoảng năm 2005, ông Trọng thuê thêm khoảng một mẫu đất ở Đông Tảo (huyện Khoái Châu) để mở rộng diện tích trồng quất cảnh. "Thời điểm đó quất thế vẫn hút khách nên nhà tôi trồng nhiều nên cũng kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm", ông Trọng nhớ lại.

Đến khoảng năm 2010 -2011, ở Mễ Sở nhiều nhà trồng quất cảnh nên mặt hàng này "giảm nhiệt" khó bán hơn. Lúc đó ở làng lại rộ lên phong trào trồng, buôn bán sanh cảnh nên vợ chồng ông Trọng phá bớt vườn quất và đầu tư vào trồng sanh.

Sanh khỏe, dễ trồng phát tán nhanh to nên ông Trọng nhân diện tích nhanh. Trong làng nhà nhà đổ xô trồng sanh nhưng vẫn đắt hàng. Thậm chí có lúc đỉnh điểm, thương lái Trung Quốc tìm mua cây nhiều, có cây sanh vài năm tuổi bán được giá lên đến cả chục triệu đồng, có nhà vườn bán cây cổ thụ lên đến cả trăm triệu đồng.

Khi khan hàng, thương lái săn mua cây cả đêm nên giá sanh càng bị đẩy lên cao hơn. Có nhà vườn còn cố thủ đóng cửa để om hàng vạn cây sanh chờ giá lên cao mới bán. Tuy nhiên chỉ được khoảng một năm, đến khoảng cuối năm 2011 nhiều thương lái mua cây sanh cảnh "lặn" mất hút khiến giá loại cây cảnh này rơi tự do, nhiều nhà vườn ế ẩm phải phá bỏ, vỡ nợ.

Gia đình ông Trọng lúc đó cũng có khoảng gần 1 mẫu sanh cảnh phải phá bỏ. "Cả vườn cây được đầu tư tiền tỷ mang hy vọng đổi đời nhanh của mình bị máy móc san phẳng trong chốc lát cũng cay đắng và đâu xót lắm!", ông Trọng nhớ lại.

Bí quyết làm cây cảnh quất bonsai đẹp như ý

Sau thất bại, ông Trọng mới nhận ra bài học: Là nông dân muốn làm giàu không nên ăn xổi, chạy theo phong trào mà cần phải có lối đi riêng thì mới có thể thành công. 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quất bonsai, ông Trọng kể tiếp: Sau nhiều năm trồng quất đất, quất chum, vại... thấy rất vất vả nhưng thị trường còn bấp bênh. Khoảng năm 2017, tiện chuyến lên nhà bạn ở Tứ Liên (Hà Nội) chơi, ông Trọng vô tình bắt gặp một số nhà vườn đang làm thử quất lọ bonsai thấy rất lạ và đẹp. Ông Trọng cố hỏi cách trồng nhưng các nhà vườn sợ lộ bí quyết nên chỉ giới thiệu qua khiến ông càng tò mò hơn.

Tỷ phú quất bonsai ở Mễ Sở - Ảnh 4.

Ông Trọng làm hồ nước nổi và lắp đặt hệ thống bơm tự đồng để chăm sóc vườn quất bonsai. Ảnh: TQ

Sau khi về nhà, ông Trọng đặt mua gần 100 lọ gốm và đưa quất phôi (quất nhỏ) vào trồng thử nghiệm. Ban đầu ông để các lọ quất dưới tán bưởi cho mát nhưng thấy cây càng vàng lá, nghĩ do thiếu dinh dưỡng nên vợ chồng ông lại đi mua phân và thuốc kích thích về bón, phun nhưng càng chăm cây càng còi cọc hơn.

Đến Tết khách vào vườn xem mua cây ai cũng lắc đầu và bỏ đi. "Thời điểm đó, gia đình có 70 lọ quất nhưng do xấu mã nên phải bán mấy năm mới hết hàng. Nghĩ cũng chán nản, vợ và mọi người cũng khuyên bỏ nghề nhưng tôi vẫn kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm mãi đến năm 2021 mới có sản phẩm quất lọ bonsai hoàn chỉnh đưa ra thị trường", ông Trọng nhớ lại.

Theo ông Trọng, trong nghề làm quất cảnh, trồng và chăm sóc quất lọ khó nhất. Bởi, trong lọ ít đất đa phần toàn dễ cây nên chủ vườn phải trải nghiệm làm lâu năm và tỉ mỉ mới biết cách "thuần" cây. Chăm quất trong lọ không cần nhiều đất nhưng đất phải sạch và nhiều dinh dưỡng mới giúp cây luôn khỏe mạnh.

Tỷ phú quất bonsai ở Mễ Sở - Ảnh 5.

Các lọ quất bonsai được ông Trọng kê gạch để chống úng và dễ thoát nước. Ảnh: TQ

Là khách hàng quen của nhà vườn Vũ Văn Trọng ở xã Mễ Sở, ông Phạm Văn Hồng ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, ở Hà Nội cũng có nhiều vùng trồng quất cảnh, quất bonsai nhưng giá khá đắt khó mua buôn. So với các sản phẩm trên thị trường, quất lọ bonsai của ông Trọng đẹp, đa dạng mẫu mã, các lọ có quả to, chín đều rất sáng đẹp, giá cũng vừa phải nên Tết năm nào chúng tôi cũng đặt cọc mua hàng nghìn lọ đưa về Hà Nội bán.

Để có các lọ quất bán Tết đẹp như ý muốn, ngay từ các tháng cuối năm, ông Trọng đã phải đánh xe ra Phù Lãng (Bắc Ninh) mua lọ gốm và ươm sẵn cây giống chuẩn bị cho vụ mới. "Hiện trên thị trường có 2 loại quất. Một là quất Nam Hà cũ, giống cây này trồng quả nhỏ chín sớm nên không phù hợp với trồng lọ. Loại thứ 2 là quất lai quả to đều và chín đúng Tết rất hợp trồng trong lọ", ông Trọng nói.

Hàng năm, vào khoảng mùng 6 Tết Nguyên đán, nhà vườn đã phải huy động người kê lọ và mua đất bồi về vườn xới tơi bỏ vào lọ. Tiếp đó người làm sẽ phải chuẩn bị các cây phôi đã được cắt bỏ hết cả rễ to, dài để đưa vào lọ và tạo tán, dáng thế cho cây ngay, buộc cố định tránh gió xô lệch, gẫy tán.

Trong tuần đầu cho phôi vào lọ, cây còn non nên nhà vườn chỉ tưới nước lã. Sang tuần thứ hai, ông Trọng mới hòa phân lân (phân nhập ngoại) vào bình dùng vòi xịt cho mỗi gốc cây 1 chén phân.

Cứ như vậy, mỗi tháng ông Trọng bón phân cho các lọ quất 3 lần, trung bình cứ 10 ngày bón 1 lần và khoảng 15 phun thuốc nhện, sương và bọ vàng 1 lần. "Chu kỳ chăm sóc quất lọ không cố định như lúa, ngô mà người làm cây cần phải thường xuyên quan sát sức khỏe của từng cây để có chế độ chăm sóc phù hợp. Nếu thấy cây bị vàng lá là do bị úng nước, thối rễ cần kê lọ cách đất cao hơn để dễ thoát nước. Nếu lá cây bị thủng lỗ chỗ là do bọ vàng gây hại cần phun ngay mới cứu được cây", ông Trọng khẳng định.

Tỷ phú quất bonsai ở Mễ Sở - Ảnh 6.

Một số sản phẩm quất lọ bonsai mới được ông Trọng thiết kế và chăm sóc để đưa ra thị trường Tết năm nay. Ảnh: TQ

Trong quá trình trồng quất lọ, khâu chọn hoa đẻ quả cũng rất quan trọng. Trong năm quất trồng trên lọ ra nhiều lứa hoa nhưng người làm phải chủ động hái bỏ hết. Đến khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6 âm lịch, lợi dụng trời nắng nóng, ông Trọng cắt nước cả tuần để cây kiệt sức, sang ngày đầu tuần thứ 2 mới bắt đầu bơm nước và bón phân trở lại để thúc cây ra hoa, đậu quả.

Khi cây cảnh ra sai quả, nhà vườn phải chủ động tỉa bớt và điều tiết lượng quả từng chùm, từng cây cho hợp lý. Trong giai đoạn quả, chủ vườn vẫn tiếp tục phải phun chống sương hại quả và bọ vàng hại lá. Đến tháng đầu tháng 9 âm lịch, ông Trọng phun thêm thuốc kích quả để quả to đều đẹp. Đến đầu tháng 10 âm lịch, khi các quả quất trên cây bắt đầu ngả mầu vàng, nhà vườn phải giảm bón phân và tăng phun thuốc chống sương để màu quả đẹp không bị nám, nứt.

Nói về tương lai của nghề trồng quất lọ, ông Trọng bảo: Là cây cảnh trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, quất cảnh, nhất là loại quất bonsai lọ nhỏ của tôi có giá khá rẻ chỉ khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng/lọ vừa phù hợp để chưng trong các nhà nhỏ hẹp trên phố, chung cư cao tầng ở các thành phố nên luôn đắt khách. Thậm chí cả người nghèo cũng có thể mua chơi được nên chúng tôi không bao giờ lo ế.

Từng gục ngã vì "cơn sốt" cây cảnh sanh Trung Quốc nay lão nông ở Mễ Sở kiếm tiền tỷ/năm từ lọ quất bonsai - Ảnh 9.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem