Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người nuôi cá mú tại xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) đã phần nào vơi bớt nỗi lo khi nhiều thương lái đã thu mua trở lại.
Ông Nguyễn Văn Tình - người nuôi cá mú tại vùng đìa Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông) cho biết: “Từ cuối năm 2020 đến cuối tháng 1-2022, người nuôi cá mú liên tục gặp khó khăn khi cá đến kỳ xuất bán nhưng không bán được do vắng người mua, giá bán thấp.
Đã không ít lần chính quyền địa phương, các đoàn thể phải “giải cứu” cá mú cho nông dân. Có thời điểm cá mú lai loại 1 (khoảng 1,3kg/con) có giá chưa đến 120.000 đồng/kg; loại 2 (từ 1,3-1,7kg/con), loại 3 (hơn 1,7kg/con) chỉ có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg nên người nuôi cá mú thua lỗ nặng.
Tuy trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, giá cá mú có nhích lên ở mức 150.000 đồng/kg loại 1 nhưng nuôi kéo dài đến 13-14 tháng nên nông dân vẫn không có lãi”.
Trong câu chuyện với những nông dân địa phương, khi thấy giá cá tăng trở lại vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều nông dân đã xuất bán phần lớn cá trong ao.
Sau Tết, khi lượng cá thương phẩm trong các ao không còn nhiều, giá cá tiếp tục tăng, hiện ở mức 200.000 đồng/kg loại 1.
Tuy nhiên, thương lái chủ yếu thu mua cá loại 1. Ông Lê Văn Chinh - người nuôi cá mú ở vùng đìa Hòa Diêm chia sẻ, trước Tết, gia đình ông xuất bán 3,5 tấn cá mú với giá 150.000 đồng/kg, sau Tết, cá được giá, dễ tiêu thụ hơn thì trong đìa chỉ còn 1.000 con (tương đương khoảng 1,2 tấn).
Bên cạnh niềm vui tiêu thụ cá thương phẩm thuận lợi, nông dân tại một số vùng nuôi ao đìa tại TP. Cam Ranh đang đứng trước nỗi lo của mùa vụ nuôi mới khi cá giống mới thả nuôi từ đầu tháng 1 đang có các biểu hiện chết yểu, hao hụt nhiều, cá chậm lớn.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Cá mú nuôi thương phẩm tại các địa phương trong tỉnh đã tăng giá trở lại. Nguyên nhân là tình hình tiêu thụ được cải thiện nhờ dịch bệnh Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Trong khi đó, hơn 60% lượng cá mú thương phẩm trong tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã có sự phục hồi, thuận lợi hơn khi cá mú tươi sống được xuất khẩu bằng đường biển”.
Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thị trường, việc tiêu thụ cá mú thương phẩm trong thời gian tới vẫn bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường.
Do đó, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, bên cạnh sự hỗ trợ kết nối của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm đầu ra cho cá mú thương phẩm, nông dân cần lưu ý theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý.
Vấn đề này đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, khuyến cáo nhiều lần nhưng rất ít hộ nuôi tuân thủ. Đối với vụ nuôi mới, nông dân cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, tuân thủ lịch thời vụ và các khuyến cáo của cơ quan chức năng để tiếp tục đầu tư nuôi cá mú hiệu quả, tránh thiệt hại.
Theo thông tin của Trạm Thủy sản Cam Ranh - Khánh Sơn - Trường Sa (Chi cục Thủy sản), hiện nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có 112ha ao đìa nuôi cá mú, tập trung chủ yếu tại các địa phương như: Cam Thịnh Đông, Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Thuận, Cam Phúc Nam…
Dự kiến, sản lượng cá mú thương phẩm tiêu thụ trong tháng 2 này hơn 100 tấn. Nhờ giá bán tăng lên mức 200.000 đồng/kg nên nông dân có lãi, bởi chi phí đầu tư cho mỗi kg cá mú khoảng 120.000 đồng/kg.