Chia sẻ về vấn đề tiền lương của công chức, viên chức TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của quốc hội (nay là Ủy ban xã hội) cho rằng, tiền lương thấp là thực tế đang tồn tại bao lâu nay. Điều này kìm hãm sự phát triển, khiến đội ngũ công chức viên chức không có động lực làm việc, không tạo ra động lực mạnh mẽ để cải cách bộ máy hành chính.
Ông Lợi cho rằng trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc thực hiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Bởi vì tiền lương là hợp phần quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện cải cách tiền lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết.
"Trước hết, phải khẳng định rằng tiền lương là vấn đề cấp bách và bức thiết hiện nay. Tiền lương của khu vực có quan hệ lao động phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phải tạo được động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.
Nếu mức tiền lương quá thấp, sẽ không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất, không đáp ứng được yêu cầu mở rộng, không bù đắp được quá trình đào tạo lao động. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm người lao động không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động", ông Lợi nói.
Trước thực trạng đó, ông Lợi cho rằng cần cấp bách cải cách tiền lương bởi vì tiền lương của khu vực Nhà nước hiện nay đang rất thấp. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả như yêu cầu.
Tới đây, (ngày 1/7/2023) tiền lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Tuy nhiên, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, với mức điều chỉnh này, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, nên rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả.
Song song với việc thực hiện đề án cải cách tiền lương trong khu vực công giành cho công chức, viên chức, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng cần cải cách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp - lương tối thiểu vùng để bức tranh tiền lương có sự tương đồng, tạo sự hài hòa tiền lương giữa khu vực công - tư.
Bởi vậy cần đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường.
Đồng thời phải đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức viên chức. Tiền lương phải thể hiện được giá trị sức lao động bằng giá cả trên thị trường.
Để cải cách tiền lương, theo TS. Bùi Sỹ Lợi cần thực hiện tinh giản biên chế triệt để. Để cải các tiền lương việc đầu tiên cần làm là cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, biên chế, bộ máy, tinh giản biên chế và bộ máy hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phải nhận thức rõ việc tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương. Sự phân công lại lao động một cách hợp lý sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tạo tăng trưởng xã hội để phát triển đất nước.
Thứ hai là, cần thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải thực hiện có chọn lọc, đảm bảo các đơn vị này đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Ba là, phải tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương thông qua việc tinh giản biên chế, việc tiết kiệm chi tiêu, việc phòng chống tham nhũng, tăng thu từ các địa phương...
Ông Lợi cho rằng: "Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng một đội ngũ, lực lượng công chức cán bộ của khu vực công tràn ra khu vực tư. Có thể khẳng định rằng đó là tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư".
Nếu không giải quyết được tình trạng này thì đội ngũ công chức của chúng ta không đảm đương được nhiệm vụ đi đầu, định hướng và dẫn dắt và lãnh đạo đối với lực lượng lao động. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển đất nước.