Tăng lương - tác động tiêu cực
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy, hơn 1 thập kỷ gần đây, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam là 4,4% và tốc độ tăng trưởng lương trung bình là 5,8%. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tốc độ tăng NSLĐ của các ngành công nghiệp ở Việt Nam khoảng 4,8%. Ảnh: Thuỳ Anh
Thay vì những tác dụng tích cực, nghiên cứu lại khẳng định tăng lương tối thiểu tác động tiêu cực tới cả DN, người lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lương tăng, việc làm sẽ giảm do DN cắt giảm và không tuyển mới lao động. Thêm vào đó, lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng khoản đồng chi trả tiền bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trước kết quả nghiên cứu của VEPR, nhiều chuyên gia cho rằng phạm vi nghiên cứu khá hẹp, chưa có góc nhìn toàn diện đầy đủ về tác động của việc tăng lương tối thiểu tới các khu vực, ngành nghề kinh tế; báo cáo tiếp cận từ phía DN nhiều hơn thay vì phải tìm hiểu đời sống người lao động.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng các lập luận ở nghiên cứu trên chưa thuyết phục và thiếu cơ sở. Theo ông Chính, mức tăng NSLĐ cỉa nhóm nghiên cứu đưa ra là 4,4%/năm, nhưng đây là NSLĐ chung của cả xã hội, trong khi lương tối thiểu chỉ áp dụng với khu vực công nghiệp và có quan hệ lao động.
“Nếu so lương tối thiểu phải so với NSLĐ khu vực công nghiệp, không thể so với năng suất chung của toàn xã hội (bao gồm cả nông nghiệp, dịch vụ). Về nguyên tắc, tốc độ tăng lương không thể nhanh hơn NSLĐ” - ông Chính nói.
Có hai bảng lương?
Ngoài ra, một vấn đề khác được ông Chính phản biện là về bảng lương. Theo ông Chính, hiện nay nhiều DN đang duy trì hai bảng lương, một bảng lương tối thiểu để đóng BHXH, bảng lương thứ hai là bảng lương gồm tổng thu nhập. Vấn đề hiện nay là nhiều DN đang trốn đóng BHXH chính vì vậy nên họ sợ tăng lương tối thiểu. Theo ông Chính, hiện lương tối thiểu chưa đủ sống, nên phải tăng tới mức đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Khi lương đã đủ mức sống tối thiểu, tăng lương sẽ chỉ để bù trượt giá, theo mức tăng GDP, lúc đó mức tăng lương chỉ 3-4%/năm, thay vì mức 7-8%/năm hiện nay. Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết hiện chỉ có 16% người lao động thu nhập có dư, số dư không đáng kể. Số còn lại là sống khó khăn, có 20% lao động có lương không đủ sống.
"Tăng lương tối thiểu là công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy NSLĐ như một mục tiêu quan trọng".
Ông Nguyễn Đức Thành –
Viện trưởng VEPR
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng cho rằng nghiên cứu trên của VEPR có thể chưa phản ánh hết được thực trạng tăng lương của các ngành công nghiệp. Có lẽ để để việc so sánh tốc độ tăng lương tối thiểu tốt hơn thì phải so sánh với tăng năng suất lao động trong các DN.
Số liệu được Viện Năng suất Việt Nam nghiên cứu ở 9 ngành công nghiệp chủ lực (Dệt may giày da, điện, hoá chất...) cho thấy tốc độ tăng NSLĐ biến đổi rất rộng. Có những nghành tốc độ tăng NSLĐ lên tới 17-19% tuy nhiên cộng dồn lại thì NSLĐ trong các ngành công nghiệp cũng không cao hơn nhiều so với NSLĐ chung (khoảng hơn 4,8%). Nhìn rộng ra, NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng thấp trong khu vực. Thấp hơn Singapore, Thái Lan tới cả chục lần, thậm chí gần đây thứ hạng đã dần thay đổi khi nhiều quốc gia kém phát triển hơn như Lào, Camphuchia lại đang trỗi dậy, khẳng định vị thế mới trong việc nâng cao NSLĐ.
Theo ông Tuấn, muốn NSLĐ tăng, không còn cách nào khác, các DN cần tiết giảm tri phí, cải tiến sản xuất, sau đó có thể ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, NSLĐ.
“NSLĐ thấp không hẳn vì lương thấp do đó, về lâu dài việc tăng lương cần dựa trên mức tăng NSLĐ. Tuy nhiên, trước mắt mức lương cần đảm bảo đủ mức sống cho người lao động sau đó, nên điều chỉnh lại cho hợp lý” – ông Tuấn nói.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại cũng cho rằng, trên thực tế vẫn có một số nước không áp dụng lương tối thiểu. “Vậy tại sao chúng ta không áp dụng một cơ chế thoả thuận về tiền lương thay cho lương tối thiểu? Khi đó, nếu DN cảm thấy đủ khả năng cạnh tranh sẽ mạnh dạn tăng lương. Người lao động có tay nghề tạo ra năng suất lao động cao sẽ được nhận lương hấp dẫn… Đồng thời, Chính phủ cần tăng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội và giảm bộ máy hành chính để dồn nguồn lực hỗ trợ người lao động” – ông Tuyển nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.