Mới rồi, Trung Quốc tổ chức sự kiện lớn là hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Sáng kiến Một vành đai, một con đường, lại đúng vào dịp 10 năm ngày Trung Quốc đưa ra kế hoạch này. Lãnh đạo và đại diện của hơn 130 quốc gia trên thế giới đã tới Bắc Kinh tham dự hội nghị. Một sự kiện khác được thế giới bên ngoài để ý đến không kém nhân dịp này là chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Kể từ khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, ông Putin rất hạn chế công du nước ngoài và tham dự những sự kiện lớn về chính trị thế giới hay kinh tế, thương mại thế giới. Mỹ và EU cùng đồng minh tìm mọi cách để cô lập ông Putin trên thế giới và biến những sự kiện chính trị, kinh tế và thương mại đa phương thế giới thành diễn đàn để phê phán Nga, chống Nga và phân hoá các bên tham gia với Nga. Kể từ sau khi Toà án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông Putin, ông Putin càng ít ra khỏi nước Nga. Một trong những nguyên do chính còn là ông Putin không muốn để các đối tác của Nga bị khó xử vì động thái nói trên của ICC.
Cuộc chiến ở Ukraine làm cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở thành đối tượng được lưu tâm theo dõi đặc biệt trên thế giới. Mỹ, EU, NATO và đồng minh hậu thuẫn Ucraine với chủ ý buộc Nga phải chịu thua ở Ucraine. Vì thế, sự hậu thuẫn hay không hậu thuẫn của Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga và có ý nghĩa quyết định tới kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine và của cuộc đối đầu hiện tại giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. Chuyến đi Trung Quốc này của ông Putin vì thế cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh tình hình và cục diện quan hệ quốc tế như vậy.
Ông Putin tận dụng chuyến đi này để thể hiện nhiều điều và phát đi nhiều thông điệp. Trước hết là sự thể hiện rằng nước Nga và bản thân ông Putin không bị cô lập và xa lánh trên chính trường thế giới và quan hệ quốc tế. Bất chấp sự chống đối của Phương Tây, mối quan hệ hợp tác giữa Nga với Trung Quốc và với nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Ông Putin muốn thể hiện tính đặc biệt và mức độ tin cậy, gắn bó đặc biệt của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, muốn chứng minh rằng Phương Tây không thể phân rẽ Trung Quốc với Nga. Người này chủ ý để cho Mỹ, EU, NATO và đồng minh phải luôn ở trong tâm trạng quan ngại nơm nớp về kịch bản Trung Quốc hậu thuẫn trực tiếp cả Nga về quân sự phục vụ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trên phương diện này, không phải ngẫu nhiên khi cùng lúc ông Putin thăm Trung Quốc thì bộ trưởng ngoại giao Nga thăm Triều Tiên. Trung Quốc, Nga và Triều Tiên càng liên kết và liên thủ cũng như luôn có thể liên minh với nhau khi cần thiết thì ác mộng càng ám ảnh phe kia. Chính Phương Tây đã tạo cú hích quyết định khiến ba nước láng giềng của nhau nói trên phải xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn và tin tưởng lẫn nhau hơn.
Cả Nga và Trung Quốc đều bắt đầu cùng sử dụng mối quan hệ hợp tác song phương làm một con chủ bài chiến lược trong cuộc chơi quyền lực và ảnh hưởng địa chiến lược với các đối thủ và địch thủ ở phe khối các nước Phương Tây, trước hết là Mỹ và EU. Con chủ bài này rất đắc dụng đối với cả Nga và Trung Quốc, đang phát huy tác dụng trong những chuyện liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và rồi cũng sẽ như vậy đối với cuộc chiến tranh mới bùng phát giữa Israel và lực lượng Hamas ở khu vực Trung Đông. Nga và Trung Quốc đi lối riêng trong cuộc khủng hoảng an ninh mới ở khu vực Trung Đông, nhưng luôn ở trong thế tiền hô hậu ủng cho nhau.
Nga và Trung Quốc còn gắn kết với nhau vì còn cùng theo đuổi mục tiêu cao xa, thậm chí cả đầy tham vọng, là kiến tạo trật tự thế giới mới không bị phe Phương Tây chi phối và dẫn dắt. Ông Putin đã không hề dấu diếm mà còn công khai thể hiện điều này trong chuyến thăm Trung Quốc vừa rồi. Cuộc thư hùng giữa Nga và Trung Quốc với phe Phương Tây sẽ còn thêm quyết liệt và khó lường.