Theo ông Nguyễn Đức Hà, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, không chỉ có trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí cả trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


Hôm nay (9/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận 21-KL/TW và Quy định 37-QD/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến). Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương để nhìn nhận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian vừa qua.

Qua vụ Phan Sào Nam, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan nội chính - Ảnh 2.

Thưa ông, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, trong nhiệm kỳ Đại hội XII và năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ông nghĩ sao?

- Đúng là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, có tính đột phá. Trên cơ sở tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì thế, Văn kiện Đại hội đã xác định: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".

Qua vụ Phan Sào Nam, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan nội chính - Ảnh 3.

Ngay trong năm 2021, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều nội dung mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chinh trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách... vì lợi ích chung; Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ trong hệ thống chinh trị…

Kết quả từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thế nào, thưa ông?

- Một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 32-QD/TW về việc bổ sung tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chúng ta biết rằng, tất cả những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch… đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, do chủ nghĩa cá nhân và đều là những biểu hiện cụ thể của tiêu cực. Tham nhũng cũng chỉ là một biểu hiện cụ thể của tiêu cực, nên cùng với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phải bổ sung thêm việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực.

Thực tế cũng cho thấy, có cán bộ, đảng viên không tham nhũng nhưng họ lại có hành vi khác rất nguy hiểm, như viết bài có nội dung sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc, đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cần phải được đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được mở rộng phạm vi hơn, tăng thêm chức năng, thẩm quyền để chỉ đạo quyết liệt hơn, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gây bức xúc dư luận xã hội đã được điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như vụ nhiều tướng lĩnh của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; một số cán bộ lãnh đạo của ngành Y tế…

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm: Các vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội; vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn...

Đáng chú ý là, Thường trực Ban Chỉ đạo đã đưa việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Điều đó thể hiện, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong các cơ quan, cá nhân làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Việc xử lý toàn diện, đồng bộ như vậy cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

img
img
img
img
img

Qua vụ Phan Sào Nam, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan nội chính - Ảnh 5.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 (Kết luận số 21) của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…, theo ông có những điểm mới đáng chú ý nào?

- Kết luận số 21 có mấy điểm mới đáng chú ý là: Thứ nhất, không chỉ đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà là xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị, bởi Đảng lãnh đạo cả hệ thống chinh trị. Thứ hai, Kết luận 21 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để thực hiện thì 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra tiếp tục được kế thừa, phát triển và bổ sung thêm một nhóm nhiệm vụ giải pháp mới về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.

Nhóm giải pháp về công tác cán bộ trước đây được hòa chung vào các nhóm giải pháp, thì nay được tách ra thành một nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng, bởi "công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt" mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh. Thứ ba, trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Trung ương đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh đến 2 đối tượng là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp.

Qua vụ Phan Sào Nam, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan nội chính - Ảnh 6.

 

Mới đây Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 37 (thay cho Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) về những điều đảng viên không được làm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ban hành hướng dẫn để thực hiện, ông đánh giá thế nào về những điểm mới của Quy định số 37 trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

- Chúng ta biết rằng, Quy định 47 được Ban Chấp hành Trung ương ban hành đã hơn 10 năm nên có một số điểm không còn phù hợp và chưa cập nhật được những nội dung mới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm gần đây. Vì vậy, Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm đã được bổ sung rất nhiều nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.

Ví dụ, Quy định 47 trước đây chỉ quy định là đảng viên không được nói, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng… thì bây giờ thêm không được "viết" nữa cho đầy đủ và bao hàm được thực tiễn vì có những người không nói, làm trái, nhưng họ lại viết và tuyên truyền trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Như vậy, đã là đảng viên thì không được nói, viết, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng.

Nhiều nội dung mới khác cũng được bổ sung vào Quy định 37 mà đảng viên không được làm, như: Việc xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vấn đề liên quan đến chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; vấn đề sử dụng bằng giả, chứng chỉ, chứng nhận giả; vấn đề can thiệp, tác động vào công tác cán bộ và hoạt động của các cơ quan quan tố tụng để làm giảm tội cho người này, người kia; không được truyền bá, đưa những thông tin sai sự thật, hoặc để nâng uy tín người này, hạ uy tín người kia, gây hoài nghi và làm mất đoàn kết trong nội bộ; Đảng viên không được chuyển tiền ra nước ngoài, mua bán tài sản và nhập quốc tịch nước ngoài trái quy định… 

Tất cả những điểm mới được cập nhật, bổ sung trong Quy định số 37 để góp phần xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những phần tử suy thoái, biến chất, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị…

Xin cảm ơn ông!

Qua vụ Phan Sào Nam, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan nội chính - Ảnh 7.


Lương Kết - Quỳnh Nguyễn
TTXVN - Vietnamnet - Chinhphu.vn - Zing.vn




Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem