Với tư cách một kiến trúc sư (KTS), đặc biệt trong nhiều năm nay đi sâu vào lĩnh vực bảo tồn di sản và môi trường, xin chị cho biết quan điểm cá nhân về giá trị văn hoá, lịch sử, môi trường của Hồ Tây?

- Hồ Tây là một nơi hiếm hoi ở Hà Nội còn giữ lại được hồn xưa linh thiêng, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. 

Với diện tích tự nhiên trên 500 ha và chu vi 14,8 km, cùng với kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, nơi đây đã tạo nên "một vùng văn hóa Hồ Tây", "một bảo tàng nước" có người nói con đường ven Hồ Tây xứng đáng được gọi là con đường di sản. Bởi trong 63 di tích của quận Tây Hồ thì những di tích quan trọng nhất đều nằm ven hồ như chùa Trấn Quốc, chùa Sải, phủ Tây Hồ hay chùa Kim Liên… 

Đặc biệt phủ Tây Hồ là kế bên Đầm Trị có vị trí đặc biệt cả về vị trí và về văn hóa lịch sử, có dấu ấn trong lòng mỗi người Hà Nội... Với mật độ cây xanh khá nhiều so với các khu vực khác, nhà cửa kiểu làng, thấp tầng nên cho đến nay, hồ Tây vẫn còn giữ được môi trường xanh của Hà Nội.

Theo chị, việc bảo tồn nguyên trạng hồ Tây đến thời điểm này có thực sự khả thi hay không? 

- Những khu vực cảnh quan đô thị hiện nay ở Hà Nội không nhất thiết và không nên bảo tồn nguyên trạng nhưng cũng không thể xây dựng mà thiếu quy hoạch, phải dựa trên quy hoạch. Cần có một bản quy hoạch chung cho Hồ Tây, tính toán tổng thể cho khu vực. Hồ Tây với mặt nước lớn như vậy cũng rất cần có một số điểm nhấn cảnh quan (landmark). 

Cũng nên xây dựng các công trình văn hóa cho Hà Nội, trong đó có nhà hát. Nhưng lựa chọn điểm nào thì phải tính toán cân nhắc, đó phải là điểm kết nối giao thông, kết nối cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và phải công bố rộng rãi để được góp ý.

PGS-TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên: "Nhà nước cần nhanh chóng quy định Hồ Tây là danh thắng để có chính sách bảo vệ đặc biệt" - Ảnh 1.

Chị đánh giá thế nào về quy hoạch Hồ Tây và các công trình xây dựng đã mọc lên, quanh và giữa Hồ Tây suốt 20 năm qua?

- Hồ Tây thực sự là cảnh quan đặc biệt của Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã ý thức được tầm quan trọng của nó và đã từng lập Quy hoạch Hồ Tây riêng (từ 1996), rồi gần đây là lập quy hoạch phân khu (QHPK) cho khu vực Hồ Tây và Phụ cận (A6) (2014). 

Mặc dù với mục tiêu tốt đẹp bao trùm là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hoá lịch sử cho hồ Tây, nhưng trên thực tế, khi đi vào các quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng các công trình cụ thể thì xuất hiện tình trạng bóp méo quy hoạch phân khu, không tuân thủ các quy định có tính chỉ đạo và chủ chốt của QHPK; quy hoạch chi tiết lập để phục vụ mục đích đầu tư, bị chi phối bởi lợi ích nhóm... dẫn đến mục tiêu ban đầu bị bóp méo, hiệu lực quản lý phát triển của quy hoạch kém. 

Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ nằm ở chất lượng của quy hoạch, mà còn chủ yếu và nhức nhối hơn, ở sự yếu kém trong quản lý thực hiện quy hoạch, yếu kém trong thực thi nghiêm pháp luật. Nếu chúng ta không lên tiếng, tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

PGS-TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên: "Nhà nước cần nhanh chóng quy định Hồ Tây là danh thắng để có chính sách bảo vệ đặc biệt" - Ảnh 2.

Việc Hà Nội quyết định đồng ý về mặt chủ trương cho một tập đoàn lớn xây Nhà hát ngay khu vực Đầm Trị, có nhiều ý kiến trái ngược. Quan điểm của Chị về vấn đề này? 

- Theo quy định của pháp luật, với một dự án trên khu đất công, sau khi có quy hoạch được công bố, Nhà nước sẽ đấu thầu. Đơn vị trúng thầu mới được giao xây dựng. Với trường hợp của Nhà hát trên khu vực Đầm Trị đúng hay sai thì còn cần xem xét. Tôi xin phép không bàn ở đây. 

Qua đây, Hà Nội cần sớm công nhận Hồ Tây là danh thắng quốc gia để có biện pháp bảo vệ, khai thác phù hợp. Đây là vấn đề đã đặt ra nhiều năm nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa làm được.

Chị có thể cung cấp cho bạn đọc rộng rãi những cứ liệu khoa học về đánh giá tác động môi trường, cảnh quan, tác động về dân số và văn hoá mà các nhà khoa học, cộng tác viên của Sống (Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững) và SHV đã thu thập được để rộng đường dư luận? 

- Tôi là người làm công tác trong lĩnh vực kiến trúc, không phải người nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, về lĩnh vực kiến trúc tôi có thể trả lời: Công trình trên Đầm Trị là công trình có khối tích lớn với cự ly khá gần Phủ Tây Hồ, sẽ tranh chấp với Phủ Tây Hồ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng môi trường: khói bụi, chất thải khi xây dựng công trình.

PGS-TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên: "Nhà nước cần nhanh chóng quy định Hồ Tây là danh thắng để có chính sách bảo vệ đặc biệt" - Ảnh 3.

PGS-TS-KTS Nguyên Hạnh Nguyên

Chị đã tham khảo bản thiết kế được chủ đầu tư cho là của Renzo Piano chưa? Cũng là một KTS nổi tiếng và là một giảng viên kiến trúc lâu năm, có khi nào chị thấy Hà Nội nên có một "điểm nhấn kiến trúc" hiện đại thay cho nhưng biểu tượng cũ kỹ duyên dáng nhưng bé nhỏ lọt thỏm giữa đô thị lớn gần 10 triệu dân? 

PGS-TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên: "Nhà nước cần nhanh chóng quy định Hồ Tây là danh thắng để có chính sách bảo vệ đặc biệt" - Ảnh 4.

- Với đô thị gần 10 triệu dân, không phải Hà Nội cần một công trình mà cần nhiều công trình điểm nhấn kiến trúc. Tuy nhiên như tôi trình bày ở trên, đây không phải câu chuyện của Kiến trúc, ta không nên bàn vào phương án kiến trúc. Đây là chuyện của quy hoạch. Xây công trình gì, xây ở đâu trước hết là bài toán quy hoạch. Nếu quy hoạch sai thì mọi phương án kiến trúc không bàn tới.

Nếu có thể, xin chị và các cộng sự của SHV hãy đưa ra một vài giải pháp có thể dung hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, giữa người dân và nhà nước, nhà đầu tư?

⁃ Vấn đề này quá rộng và cần rất nhiều thông tin cũng như các kênh lấy ý kiến khác nữa.

Tôi chỉ xin lưu ý, kể từ văn kiện Nara 1994 (Văn kiện Nara về tính xác thực), thế giới đã có cái nhìn mới về bảo tồn, cho thấy rõ bảo tồn và phát triển không phải 2 mặt đối lập mà là 2 mặt hữu cơ, thúc đẩy nhau phát triển. 

Nếu đập hết để xây mới: Đô thị mất lịch sử, mất dấu ấn quá khứ, như vậy không thể phát triển bền vững được. Nhưng nếu bảo tồn hết: Không đủ kinh phí để bảo tồn, không phát triển được vì các ràng buộc. Vì vậy bài toán phù hợp nhất là: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nối tiếp giữa cũ và mới, đó là hướng đi cho các đô thị văn minh trên thế giới nói chung và Hà Nội nói riêng.

⁃ Xin cảm ơn PGS.TS.KTS Hạnh Nguyên với cuộc trò chuyện này!

Đón xem bài 3: Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: "Người dân sẽ hưởng lợi từ quy hoạch mới"

PGS-TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên: "Nhà nước cần nhanh chóng quy định Hồ Tây là danh thắng để có chính sách bảo vệ đặc biệt" - Ảnh 5.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem