Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lực lượng CSGT phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Video: Viết Niệm.
Anh Nguyễn Thế Thanh (31 tuổi, quê Thanh Liêm, Hà Nam – tên nhân vật đã được thay đổi) làm nghề xây dựng ở Hà Nội. Trong đợt giãn cách xã hội, anh không có việc làm, phải về quê tá túc một thời gian.
Khi Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành, anh Thanh có việc làm, quay trở lại Thủ đô.
Ngày 9/11, sau nhiều tuần làm việc vất vả, anh Thanh dự định về quê thăm gia đình. Bữa tối trước khi về, anh cùng bạn bè ăn cơm và "làm vài ly rượu cho xôm, rôm rả" – anh Thanh nhớ lại.
Hơn 9 giờ tối cùng ngày, anh Thanh điều khiển xe gắn máy về nhà với tâm trạng háo hức, mong gặp được người thân. Nhưng cho đến tận ngày gặp chúng tôi (12/11), anh Thanh vẫn chưa hoàn thành quãng đường hơn 70km để về nhà.
Đi trên QL1 đoạn qua huyện Thường Tín (Hà Nội), anh Thanh loạng choạng rồi tự lao xuống vệ đường. Đích đến của anh là Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức chứ không phải về với gia đình như dự tính ban đầu.
"Tối hôm đấy tôi chỉ uống có 3 ly rượu nên vẫn còn tỉnh táo, lái xe tốc độ khoảng 60km/h. Tôi không hiểu tại sao đi đến chỗ Thường Tín lại tự ngã", trên giường bệnh Thanh kể lại với chúng tôi.
Thanh coi đây là bài học "khi đã lái xe thì không nên uống là tốt nhất", dù nhận ra điều này cũng đã là muộn nhưng như Thanh nói "vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác".
Tại tầng 3 Khoa Điều trị Bệnh viện Việt Đức gần nơi anh Nguyễn Thế Thanh điều trị, ông Nguyễn Lập Khang (Bình Lục, Hà Nam – tên nhân vật đã được thay đổi) gặp phải chấn thương nặng hơn cũng sau "vài ly rượu" và tự gây tai nạn cho mình.
Bà Trần Thị Hòa (tên nhân vật đã được thay đổi) lên bệnh viện chăm sóc chồng từ cuối tháng 10. "Ông qua cơn nguy kịch rồi, nhưng vẫn chưa thể nói chuyện, từ hôm qua đã ăn được chút cơm" – mắt bà Hòa đỏ hoe khi nói về tình trạng của chồng.
Cái nghiệp TNGT đeo bám gia đình bà đến giờ vẫn chưa buông. Mới 3 năm trước, con trai cả của ông bà bị ô tô đâm tử vong. Đứa thứ 2 cũng từng bị tai nạn giao thông mới tháo nẹp đinh năm nay. Giờ đến ông Khang vào viện.
Bữa cơm tối 30/10 đến giờ vẫn ám ảnh bà Hòa. Trong bữa cơm, ông Khang làm vài ly rượu như mọi khi rồi dắt xe ra ngoài. Chừng hơn 5 phút sau, bà Hòa nhận được tin báo chồng bị tai nạn.
Bỏ vội mâm cơm chưa rửa, bà Hòa chạy ra đường thấy chồng nằm bất tỉnh, chiếc xe máy hư hỏng nặng. "Tôi hoảng lắm, chân tay bủn rủn" – bà Hòa nhớ lại.
Đoạn đường ông Khang gặp nạn có nhiều đất đá, không có điện chiếu sáng, trời lại mưa đường trơn nên ông Khang tự ngã, không va chạm với ai. Bà Hòa vay vội được vài triệu đồng, đưa chồng lên viện cấp cứu.
"Lúc đưa chồng đi viện tôi cũng không có tiền, phải đi vay. Giờ chỉ mong chồng sớm bình phục, rồi chúng tôi sẽ cố đi làm trả nợ", bà Hòa khóc nghẹn.
Thống kê từ Bệnh viện Việt Đức chỉ ra một sự thật giật mình: sau khi nới lỏng giãn cách số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng so với thời gian giãn cách xã hội.
Trong gần 2 tháng giãn cách xã hội chỉ có 541 trường hợp nhập viện Việt Đức liên quan đến TNGT. Nhưng chỉ trong 1 tháng nới lỏng giãn cách, đã có 626 bệnh nhân nhập viện điều trị do TNGT. Anh Thanh hay ông Khang là 2 trong số 626 bệnh nhân đó.
Còn trong 10 tháng đầu năm nay, tổng số trường hợp nhập viện cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức là 9.386 trường hợp. "Phần đông các trường hợp nhập viện liên quan đến việc sử dụng bia, rượu khi lái xe" – thông tin từ bệnh viện cho hay.
Trong nghiên cứu về ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam, TS Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học Việt Đức) cùng các cộng sự đã phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia lái xe. Theo đó, có nhận thức sai lầm rằng "lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi", "quãng đường ngắn nhưng vẫn an toàn".
"Chúng tôi làm nghiên cứu năm 2019, đến nay chưa có điều kiện khảo sát lại. Tuy nhiên, có số liệu đáng lo ngại là gần 2/3 số nạn nhân vẫn cho rằng sẽ tiếp tục điều khiển phương tiện ra về sau khi uống rượu bia" – TS Vũ Anh Tuấn cho hay.
Phải chăng chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn chưa đủ mức răn đe nên vẫn còn nhiều người vi phạm? PV Dân Việt đã nhiều ngày theo chân lực lượng CSGT kiểm soát, xử lý người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông để tìm hiểu vấn đề này.
Trưa 3/11, Tổ công tác chuyên đề xử lý nồng độ cồn (thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thực hiện nhiệm vụ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhận thấy người đàn ông điều khiển xe máy mặt đỏ gay, có dấu hiệu vi phạm, cán bộ CSGT đã ra tín hiệu dừng xe, yêu cầu thổi nồng độ cồn.
Kết quả: người điều khiển xe máy Nguyễn Đức Minh (46 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) vi phạm nồng độ cồn ở mức gần 0,25 ml/1lít khí thở, không mang giấy tờ xe. Lực lượng cảnh sát đã lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện vi phạm 1 tuần.
"Tôi đi dự sinh nhật, làm một vài chén rượu. Vì vẫn còn tỉnh táo nên tôi điều khiển xe đi về và cũng nghĩ là mình bị CSGT xử phạt. Mức xử phạt nặng quá", anh Minh phân trần với cảnh sát và thậm chí còn so sánh "đắng quá, vài chén rượu giá 2,5 triệu đồng".
Tổ công tác chuyên đề xử lý nồng độ cồn (thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1) thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Ảnh Viết Niệm
Mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông là 40 triệu đồng, tước GPLX 2 năm và tạm giữ phương tiện 1 tuần. Cũng vì mức phạt tăng nặng nên nhiều trường hợp không hợp tác với CSGT, thậm chí là chống đối.
Như trưa ngày 9/11, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải (Tổ trưởng Tổ công tác chuyên đề xử lý nồng độ cồn, Đội CSGT số 1) làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Chương Dương phát hiện lái xe Trịnh Xuân Vinh (quê ở Nam Định) điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn. Cảnh sát đã ra tín hiệu dừng xe, yêu cầu lái xe thổi nồng độ cồn. "Lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25ml/1lít khí thở", Thiếu tá Hải nói.
Tuy nhiên, người này bỏ đi, không ký biên bản. Những trường hợp này không phải là hiếm, theo quy định, lực lượng CSGT đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện gửi thông báo mời lái xe lên làm việc, xử lý.
Trước đó, khi Chính phủ có Chỉ thị nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc các giải pháp đảm bảo TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Ở lĩnh vực giao thông đường bộ, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch về tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn, ma túy. Bộ Công an nhấn mạnh một trong nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT đến từ hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Chế tài xử phạt đã "căng", lực lượng Công an cũng đã có chuyên đề nhưng số lượng ma men lái xe ra đường vẫn tăng sau giãn cách xã hội.
Lý giải về điều này, Thiếu tá Hải cho rằng, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân làm việc ở nhà, các cửa hàng, nhà hàng, quán bia đóng cửa nên mật độ giao thông khá thoáng. Người có hành vi vi phạm giao thông giảm sâu, trong đó có cả lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Nhưng sau khi nới lỏng giãn cách, các hành vi vi phạm giao thông có xu hướng tăng, đặc biệt là lỗi vi phạm về nồng độ cồn, người dân đi lại giao lưu nhiều, sử dụng rượu bia cũng nhiều hơn.
Ở góc độ xã hội học, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, sau giãn cách xã hội, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết 128 ra đời, với tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, người dân dường như có tâm lý chủ quan, thậm chí một bộ phận người dân có "xu hướng uống rượu bia bù".
Ở thời điểm này, tâm trạng của người dân bị dồn nén trước đó được cởi bỏ, nên mọi người phấn khởi, muốn uống rượu bia, muốn được gặp gỡ giao lưu, chia sẻ và cần được thể hiện ra bên ngoài.
"Nhiều người coi đó là chuyện bình thường" – ông Trịnh Hòa Bình chia sẻ.
Thế nhưng, sau khi gặp gỡ, giao lưu bằng rượu, bia nhiều người vẫn vô tư điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Trong bài viết đăng trên trang chủ của WHO, TS Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ: "Một sự thật đáng buồn là nhiều người Việt Nam vẫn lái xe ô tô hoặc xe máy sau khi uống rượu bia".
Sự thật đáng buồn được ông Park nêu ở trên, đi kèm với "một kết quả gây sốc": hơn 60% lái xe ô tô liên quan đến TNGT đường bộ có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép.
Sau tay lái là gia đình, sau chén rượu ly bia là bệnh viện, thậm chí là cả mạng người, sau mỗi cuộc nhậu có thể là những phiên tòa để lại dự day dứt khôn nguôi cho rất nhiều người.
PV Dân Việt đã từng tham dự các phiên tòa xét xử hình sự Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Chúng tôi cũng đã đọc nhiều bản án xét xử Tội này ở nhiều địa phương khác nhau.
Các vụ án này thường có những điểm chung như sau: Bị cáo sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, tại tòa bị cáo thừa nhận hành vi, cơ quan thực hiện quyền công tố thường đề nghị mức án dưới khung hoặc cho hưởng án treo sau khi bị cáo đã khắc phục hậu quả vật chất.
Như tháng 1/2021, TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang xét xử vụ án đối với bị cáo Võ Văn A (Sn 1990). Theo cáo trạng truy tố, A uống rượu điều khiển xe mô tô sau đó va chạm với anh Đống Tấn B (Sn 1981), anh B bị chấn thương sọ não tử vong. Võ Văn A bị truy tố Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Vụ việc xảy ra đúng ngày 1/1/2021, ngày đầu của năm mới. Khi bị cáo cũng như nhiều người khác "nới lỏng" để giao lưu cùng bia rượu.
HĐXX nhận định: Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, không những gây tổn hại đến tính mạng cho người khác mà còn gây mất mát đau thương cho gia đình nạn nhân, không gì bù đắp nổi và gây mất trật tự an toàn giao thông tại địa phương nơi xảy ra vụ án.
Tuy nhiên, A nhận tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau nỗi đau mất người thân, gia đình anh Đống Văn B cũng đã có đơn xin bãi nại, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo. HĐXX đã tuyên A được hưởng án treo.
Nhiều vụ án bị cáo vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, gây tai nạn chết người chúng tôi tìm hiểu, cũng có mức án như trên. Các bị cáo được hưởng án treo, có cơ hội trở lại cộng đồng sớm nhất.
Những phiên tòa phía sau các chầu nhậu, vẫn luôn để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều người. Đó là những mất mát không gì bù đắp nổi của gia đình nạn nhân và bản án lương tâm với người từng dễ dãi với ly bia, chén rượu rồi lái xe ra đường.
Việc nhiều người cho rằng uống rượu bia rồi lái xe là "bình thường" cần phải được cộng đồng lên án mạnh mẽ thường xuyên, không chỉ trong thời gian nới lỏng giãn cách xã hội.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói với Dân Việt: "Cần hình thành chuẩn mực mà chúng ta gọi là văn hóa ứng xử với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Các quốc gia khác và ở Việt Nam đều lên án hành vi vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn. Vì chúng ta nhận thức được mức độ nguy hại của nó".
Còn TS Kidong Park đề nghị: "Đã uống rượu bia thì không lái xe. Hành động và lên tiếng cho quyền của bạn để có được những con đường an toàn hơn. Chính điều đó sẽ góp phần cứu sống nhiều người!".
Uống rượu bia lái xe là cực kỳ nguy hiểm!
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội): Việc uống rượu bia khi lái xe gây mất tập trung, giảm tầm nhìn, đặc biệt là khả năng phản xạ. Ngoài ra, khi uống nhiều bia rượu, các kỹ năng phối hợp vận động giữa mắt, tay và chân của lái xe bị ảnh hưởng. Lái xe có thể đi loạng choạng hoặc không thể đứng thẳng, thậm chí khi uống quá nhiều, lái xe còn không nổ được máy hoặc lên xe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.