Sau giãn cách, vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông có xu hướng gia tăng. Video: Viết Niệm.

Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông có xu hướng tăng lên. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát.

Trong cuộc trao đổi về thực trạng và giải pháp phòng chống nạn sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhiều lần nhắc đến "niềm tin".

Niềm tin vào việc người vi phạm nồng  độ cồn điều khiển phương tiện giao thông nhận thức được việc làm sai trái.

Niềm tin vào ý thức xã hội coi việc uống rượu bia lái xe là hành vi cần lên án.

Niềm tin vào việc xây dựng hệ thống pháp luật phòng chống tác hại rượu bia theo ý nguyện của đa số người dân.

Niềm tin vào cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý các chủ thể vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia, vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Những niềm tin kể trên ngày càng được củng cố, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hành lang pháp lý được tôn trọng tạo nên những hành trình giao thông an toàn.


Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 1.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong căng mình chống dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp và phải thích ứng linh hoạt. Trong lĩnh vực an toàn giao thông, các con số chỉ ra rằng trong thời gian giãn cách xã hội số vụ tai nạn giao thông giảm và nói riêng về việc vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông cũng giảm. Thưa ông, việc áp dụng các biện pháp giãn cách thời gian qua đã giúp kéo giảm TNGT?

Tôi cho rằng vấn đề này cần nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Khi lực lượng chức năng tập trung vào chống dịch Covid-19 thì lực lượng cũng mỏng, đâu đó vẫn có người dân chủ quan. Họ có niềm tin rằng uống rượu sẽ không bị xử phạt và khi đường vắng điều khiển xe nhanh hơn thì có thể tai nạn sẽ xảy ra. Người dân tin là lực lượng chức năng đang lo chống dịch, các vi phạm về trật tự ATGT nói chung, trong đó có vi phạm nồng độ cồn lại có cơ hội tái diễn.


Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 2.

Lực lượng CSGT Công an TP.Hà Nội kiểm soát dấu hiệu vi phạm trật tự ATGT, trong đó có vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh Viết Niệm

Ở một góc độ khác, Ủy ban ATGT cũng đánh giá rất cao lực lượng chức năng trong thời gian vừa qua vì vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo an toàn giao thông. Bởi chúng ta có rất nhiều chốt kiểm tra. Khi đó, tâm lý người dân cũng phải cân nhắc không uống rượu bia nếu tham gia giao thông. Thực tế, con số TNGT, vi phạm nồng độ cồn trong thời gian giãn cách cũng giảm.

Qua cả hai góc độ kể trên, chúng tôi đánh giá TNGT giảm nhưng không tương xứng mức độ giảm về lưu lượng phương tiện tham giao giao thông. Ngược lại, khi đường vắng giảm phương tiện, người ta dễ đi nhanh, uống rượu vào đi càng nhanh thì càng có nguy cơ TNGT.

Kỳ họp Ủy ban ATGT vừa qua, các lực lượng từ công an, giao thông, nghành y tế đều có nhận định như vậy. Bây giờ, các hoạt động đã quay trở lại nên việc chống dịch Covid-19 cũng phải đi kèm với việc tuần tra kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông. Đồng hành với đó là xử phạt các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó có hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Vậy là ngay trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn có vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Phải chăng chế tài chúng ta chưa đủ mạnh, thưa ông?

Tôi hỏi lại nhà báo câu hỏi này: Các quy định pháp lý trong lĩnh vực này đã đầy đủ chưa?

Ở góc độ công dân, tôi thấy rằng chúng ta đã có các quy định pháp luật phòng chống tác hại rượu bia, chế tài xử phạt các hành vi liên quan cũng đủ mạnh từ xử phạt hành chính đến quy trách nhiệm hình sự nếu vi phạm.


Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 3.

Hàng quán được mở lại sau giãn cách, nhiều người dân đã giao lưu gặp gỡ bằng bia rượu rồi điều khiển phương tiện giao thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Viết Niệm.

Đúng vậy, chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 rồi đến các Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 117/2020/NĐ-CP cùng các Luật, Nghị định liên quan quy định việc xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.

Như khoản 5, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Nếu người tham gia giao thông vi phạm các điều khoản trong đó, sẽ bị xử lý hình sự. Thực tế, không ít trường hợp người sử dụng rượu bia lái xe gây chết người đã bị xử lý hình sự.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng đã rất rõ, mức phạt đủ sức răn đe. Anh vi phạm hành vi ở mức độ này, sẽ bị phạt chừng này tiền, có kèm theo hình phạt bổ sung hay không. Nếu vi phạm rồi gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự theo các chế tài khác nhau, quy định đã rất rõ.

Nhưng có vấn đề thế này, như điều cấm ở Khoản 5 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, hiện chúng ta chưa có quy định cụ thể để giải quyết. Điều cấm này phải được đưa vào trong chế tài kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức chẳng hạn hay đưa vào quy định của từng cơ quan, tổ chức, ngành nghề. Chúng ta chưa rõ chế tài quy định ở đâu, xử lý như thế nào.

Hay như Nghị định 117/2020/NĐ-CP có các chế tài về xử phạt nếu vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng nhà báo đã từng nghe đến câu chuyện xử phạt theo các chế tài này chưa?

Các nơi kinh doanh rượu bia phải cấm bán rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhà hàng bán rượu bia phải có biển cảnh cáo, khung giờ bán, nhưng đã có ai kiểm tra, đã có ai vi phạm bị xử lý chưa?

Đấy là những vấn đề đặt ra để chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt hơn.

Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 4.

Thưa ông, khung pháp lý đã đầy đủ, nhưng có một câu hỏi đã cũ: liệu rằng chế tài đã đủ sức răn đe?

Chúng ta luôn luôn đặt câu hỏi, các chế tài xử phạt có đủ sức răn đe hay không, có người bảo phạt thế này có vừa với túi tiền của dân hay không. Tôi cho rằng nếu mức phạt mà vừa túi tiền có nghĩa là giúp cho người dân dễ đóng tiền phạt hơn. Đấy gọi là thỏa hiệp. Cần làm sao phải để cho người ta nghĩ đến cái chế tài đó thì không nên và không thể để xảy ra vi phạm. Chế tài phải đủ sức răn đe người dân mới không vi phạm.

Ở đây chúng ta phải xác định rõ ràng như này, trong việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn chúng tôi cũng như lực lượng CSGT mới đang làm phần ngọn, thả gà ra đuổi. Cực chẳng đã chúng ta mới phải dùng chế tài được pháp luật quy định để xử phạt công dân vi phạm, đấy là điều cực chẳng đã. Không có một quốc gia nào, chế độ nào, đặc biệt là chế độ của chúng ta lại mong muốn đưa ra quy định chế tài để xử phạt công dân.

Tất cả những chế tài xử phạt từ hành chính đến hình sự chỉ với  mong muốn gửi thông điệp mạnh mẽ gửi đến công dân rằng: đấy là hành vi vi phạm pháp luật, nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích của công dân khác, lợi ích của xã hội và đừng làm điều đó.

Chúng ta không cấm sản xuất, kinh doanh rượu bia. Nên ngay từ bước thứ nhất, khi người kinh doanh bán rượu bia cho khách, cần hiểu rằng mặt hàng đó sử dụng đến đâu là phù hợp với sức khỏe, tinh thần của họ. Thứ hai, người bán hàng bảo vệ khách hàng thế nào để tránh được các nguy cơ về sức khỏe, nguy cơ khi tham gia giao thông, làm sao để không ảnh hưởng đến gia đình, trật tự xã hội. Đấy là trách nhiệm đối với xã hội, thể hiện đạo đức của người kinh doanh.

Chúng ta chưa bao giờ nghe thấy câu chuyện phía sau việc xử phạt hành chính một người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cơ sở bán rượu bia cho anh ta có bị liên đới gì không? Chưa bao giờ nghe đến việc một người bị xử phạt hình sự, người cung cấp rượu bia có bị nhắc nhở, chấn chỉnh hay không. Ở đây, chỉ đơn thuần là người nào uống và có hành vi vi phạm người đấy chịu. Tất nhiên, người nào làm người đấy chịu, nhưng pháp luật có quy định trách nhiệm của các chủ thể khác có liên quan, nhưng chưa được nhắc đến.

Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 5.

Có thể thấy chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng rõ ràng nhận thức về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của người dân đã có nhiều thay đổi phải không thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 6.

Ở Việt Nam, đến giờ phút này chúng ta có niềm tin rằng, đại đa số nhân dân, kể cả những người đã từng hay hiện giờ họ vẫn đang uống rượu bia cũng đồng tình rằng điều khiển xe khi có nồng độ cồn là nguy hiểm cho chính họ và cho xã hội. Rõ ràng ở đây hình thành một niềm tin rằng chúng ta cấm hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn là điều đúng đắn cho xã hội.

Ngay khi xuất hiện một vụ tai nạn do người uống rượu bia gây ra, xã hội sôi sục lên, rồi đặt câu hỏi tại sao các anh không xử lý đi, không làm việc này việc kia đi. Chúng ta cảm thấy bức xúc vì thấy rằng cần một điều đúng đắn là những người đã uống rượu bia rồi đừng lái xe nữa. Điều này đã trở thành một giá trị chuẩn mực trong xã hội.

Đồng thời, cần hình thành một chuẩn mực mà chúng ta gọi là văn hóa ứng xử với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Khi hiểu được, người ta đều lên án hành vi vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn.         

Ví dụ như lực lượng CSGT tổ chức dừng xe đối với các trường hợp vi phạm, thậm chí đối với các trường hợp chống đối, có thể họ trấn áp, cưỡng chế thì đều được đa số người dân đồng tình ủng hộ, được dư luận tin rằng đó là hành vi đúng, cần thiết cho an toàn xã hội. Chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, trực diện hơn, sâu sắc hơn.

Ông đã nêu đến vấn đề chế tài pháp luật, đạo đức kinh doanh. Hai vấn đề này, cái nào quan trọng hơn?

Hành vi uống rượu điều khiển phương tiện được xem là một hành vi phản văn hóa giao thông. Những người kinh doanh rượu bia, cứ bán mà không cần quan tâm đến việc sau đó khách hàng có điều khiển phương tiện hay không, vô tình tạo thành hành vi đấy, được gọi là hành vi phản văn hóa giao thông.

Trước hết, người dân tham gia giao thông phải có niềm tin rằng trong cơ thể có nồng độ mà điều khiển phương tiện là sai trái, là nguy hại, sợ và đáng khinh. Tự bản thân nghĩ thế, người ta mới không làm việc đó. Bên cạnh đó, người  bán rượu bia cũng cần phải có niềm tin rằng, mình để cho anh em, bạn bè, khách hàng uống rượu bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là sai sót, hay thậm chí là không đúng về mặt đạo đức, là điều cần lên án.

Nếu hai niềm tin đấy gặp nhau, chắc chắn chúng ta sẽ tránh được hành vi phản văn hóa giao thông. Vậy đạo đức kinh doanh là gì, là giá trị đúng đắn mà người kinh doanh theo đuổi. Giá trị đó phải được sự thừa nhận của đại đa số khách hàng của họ. Đấy mới là đạo đức kinh doanh.

Chúng ta cũng cần xây dựng môi trường pháp luật, để người có hành vi vi phạm biết, có niềm tin rằng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, những người xung quanh sẽ khinh bỉ mình, lên án mình.

Ông Khuất Việt Hùng: Cần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử với vi phạm nồng độ cồn - Ảnh 7.

Theo ông, giải pháp chúng ta cần quan tâm trong thời gian tới là gì?

Có những nhóm chủ thể hay những không gian tác động đến việc sử dụng rượu bia đang ít được quan tâm.  Đó là các cán bộ, công chức, viên chức, … những người phải làm gương, làm mẫu cho quần chúng nhân dân trong việc không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đó là nơi kinh doanh rượu bia, chủ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, họ cần có trách nhiệm hơn với khách hàng của mình. Chúng ta hiện nay đang quan tâm trực diện tới công dân bình thường – những người sử dụng rượu bia cuối cùng, có thể sẽ phải cầm vé phạt hoặc thậm chí vào vòng lao lý vì uống rượu bia rồi tham gia giao thông. Đấy là hạn chế mà chúng ta sẽ quan tâm mạnh hơn, làm nhiều hơn trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem