Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chào Stéphanie Đỗ, chúc mừng chị với việc ra mắt cuốn sách Đường tới Quốc hội của nữ Nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên. Cảm xúc của chị thế nào khi trở lại quê hương để giới thiệu với công chúng tác phẩm này?
- Tôi hạnh phúc, nôn nóng và hồi hộp. Thật khó có thể diễn tả hết niềm xúc động của tôi khi được trở về Việt Nam, gặp gỡ mọi người và chia sẻ với họ câu chuyện của chính bản thân mình. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ khiến độc giả cảm thấy thú vị và ý nghĩa.
Ý tưởng xuất bản cuốn sách này được chị ấp ủ từ khi nào?
- Ngay từ năm 2017, khi tôi bắt đầu đảm nhiệm vai trò nghị sĩ tại Quốc hội Pháp, đã có rất nhiều người nói với tôi: "Stéphanie, viết sách đi. Hãy kể lại hành trình cô đã đi qua để truyền cảm hứng cho những người khác! Đừng quên cô là nghị sĩ Pháp gốc Á đầu tiên, lại là dân nhập cư đấy!".
Ý tưởng truyền cảm hứng cho thế hệ mới mà họ nói tới thực sự thôi thúc tôi. Có thể nói, việc gia nhập giới chính trị tại Pháp không hề đơn giản. Thông thường, một chính trị gia sẽ đi từ cấp độ địa phương tới quốc gia, qua những bậc nối tiếp nhau, mất hàng chục năm mới bước chân vào Quốc hội. Tôi may mắn hơn họ khi đã vươn tới vị trí ấy một cách nhanh chóng, hay nói cách khác là gần như ngay tức khắc.
Qua cuốn sách này, tôi vẽ lại chặng đường đi tới Hạ viện của mình, với những kinh nghiệm bản thân đã đi qua. Tôi mong truyền cho người trẻ niềm cảm hứng để họ thể hiện những giấc mơ trên con đường đời, với tất cả sự khiêm nhường và giản dị.
Một trong những điểm đặc biệt không thể không kể tới trong cuốn sách này là việc tác phẩm được đương kim Tổng thống Pháp tự tay viết lời tựa. Chị đã làm thế nào để thuyết phục được ngài Emmanuel Macron, khi trước đó chưa từng có vị Tổng thống Pháp nào viết lời tựa cho một tác phẩm trong thời điểm đang còn đương chức?
- Thú thực chính tôi cũng ngỡ ngàng bởi điều này. Khi ra mắt cuốn sách, tôi gửi cho ông Macron đọc với một lý do rất hồn nhiên: Tôi biết ông mê đọc sách. Vài ngày sau, ngài Tổng thống phản hồi: "Stéphanie, tôi sẽ viết lời đề tựa cho cuốn sách của cô". Giây phút ấy, tôi hạnh phúc và hãnh diện không tả nổi.
Tôi hãnh diện không phải cho bản thân mình, mà còn cho phụ nữ Việt, cho cả những người gốc Á đang vươn lên trên khắp thế giới. Đọc những gì Macron viết, tôi nhận ra ông ấy hiểu những khó khăn tôi đi qua, hiểu cả những nỗ lực và cống hiến tôi dành cho nước Pháp. Từng câu, từng chữ ngài Tổng thống viết ra đều đi vào trọng tâm và có sức nặng.
Với một người làm chính trị, không có điều gì mãn nguyện hơn thế. Tôi luôn cho rằng, thành tựu lớn nhất không phải vị trí mình đạt được, mà là người khác nhận định thế nào về con đường mình đã đi qua.
Hãy quay lại với thời điểm năm 2016, khi phong trào En Marche! (Tiến bước!) vừa ra đời. Chị đã biết tới ông Emmanuel Macron và đi theo lời kêu gọi của người thủ lĩnh này như thế nào?
- Tháng 4/2016, phong trào Tiến bước! được ông Emmanuel Macron thành lập. Khi ấy, tôi đang là quản lý dự án tại Bộ Kinh tế và Tài chính, nơi ông Macron giữ cương vị Bộ trưởng. Một ngày, nghe tin ông tổ chức buổi trò chuyện để kêu gọi người dân ủng hộ phong trào mới, tôi tò mò tới tham dự và chị biết không, tôi gần như bị chinh phục hoàn toàn.
Khác với những đảng phái lâu đời tại Pháp, Macron có tư duy hiện đại, cởi mở. Ông nói rất đúng các vấn đề nước Pháp đang tồn tại, vạch ra rõ ràng những gì cần xóa bỏ hoặc thay đổi. Kết thúc buổi trò chuyện, khi tình nguyện viên đưa tôi tờ giấy thăm dò ý kiến, trong đó ghi câu hỏi: "Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian để giúp phong trào này phát triển?". Tôi quyết định viết vào: "2 giờ mỗi tuần". Thời điểm đó, công việc của tôi tại Bộ Kinh tế và Tài chính vô cùng bận rộn. Tôi cũng chỉ nghĩ mình cần đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước với tư cách của một công dân, chưa mảy may nghĩ tới việc sẽ theo đuổi chính trị.
Điều gì đã khiến thời gian sau đó chị trở thành một trong những "chiến binh" năng nổ nhất của phong trào Tiến bước! (tiền thân của đảng Phục hưng – PV), cũng như góp phần quan trọng vào chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 với vai trò giám đốc chiến dịch tranh cử tại vùng Seine-et-Marne?
- Một vài ngày sau khi đăng ký, tôi được liên hệ lại và nhận trách nhiệm vận động người dân trong một khu vực ủng hộ phong trào Tiến bước!. Đây là địa bàn rất rộng nằm ở ngoại ô Paris, từ điểm đầu tới điểm cuối mất khoảng hơn 2 giờ lái xe, có nơi đông đúc dân cư, nơi lại hẻo lánh như không người ở. Cứ mỗi cuối tuần, tôi sắp xếp thời gian đi gõ cửa từng nhà, hỏi người dân về mong muốn, nguyện vọng của họ, chia sẻ với họ những thứ mà phong trào đang hướng tới.
Cần nhắc lại rằng thời điểm đó các đảng phái cũ đều đang rất mạnh. Phong trào Tiến bước! gần như không ai biết tới, vì mới chỉ ra đời vỏn vẹn gần một năm, tôi chính là người đầu tiên trong vùng theo đảng. Khi tôi gõ cửa, người dân ở đây ngạc nhiên lắm. Trong đầu họ khi đó có lẽ hiện ra một loạt câu hỏi: Một người châu Á làm chính trị sao? Cô ta lại còn nói về ông một Macron lạ hoắc và phong trào xa lạ nào đây? Liệu có phải ở hành tinh nào rơi xuống? (cười)
Sự "bất thường" đó có lẽ lại là điểm cộng, đa số họ chấp nhận để tôi vào nhà trò chuyện. Nghe tôi trình bày, không ít người cảm nhận được năng lượng tích cực từ tôi, họ cũng cùng tôi xuống đường gõ cửa và vận động luôn các nhà khác trong vùng. Từ việc chỉ có một mình, tôi kêu gọi được tới 4000 người tại khu vực đó theo ủng hộ ông Macron và phong trào Tiến bước!.
Những ngày đó, tôi làm việc hăng say. Ban đầu chỉ là 2 tiếng của ngày thứ 7, sau đó tôi đi hết cuối tuần, rồi tiếp tục là tất cả những buổi tối. Không có chút thời gian rảnh nào cho riêng mình nhưng tôi hạnh phúc với suy nghĩ mình đang giúp dân, giúp nước. Tính tôi như vậy, làm gì cũng nhiệt huyết, mê say, và luôn mong mọi thứ phải đem lại kết quả thật hoàn hảo.
Chị đã chuẩn bị cho việc mình sẽ trở thành nghị sĩ của Quốc hội Pháp ngay khi ông Macron ra ứng cử?
- Hoàn toàn không! Khi ấy tôi đang có công việc với vị trí tốt tại Bộ Kinh tế và Tài chính, ngay cả việc làm tình nguyện cho đảng Phục hưng tôi cũng không chia sẻ với đồng nghiệp, vì hoàn toàn không nghĩ tới chuyện mình nghỉ việc. Tôi làm mọi thứ trong sáng, vô tư. Thế rồi, mọi thứ cứ đến như định mệnh và tôi dần thích nghi với chúng.
Sau một năm, vì nhiều lý do khác nhau, ông Macron đứng ra tranh cử sớm hơn dự định. Một chiến dịch tranh cử luôn bao gồm rất nhiều vấn đề, trước hết là phải đủ chữ ký ủng hộ, tiếp đó là các vấn đề về chiến lược, nội dung, tiền bạc, cách vận động... Kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp lớn, sau đó là tại Bộ Kinh tế và Tài chính đã giúp tôi sắp xếp, tính toán tốt mọi thứ. Nơi tôi phụ trách trở thành 1 trong 10 vùng năng động nhất trên khắp nước Pháp. Cuối tuần nào tôi cũng tổ chức sự kiện, dù mưa lạnh hay tuyết phủ.
Năm 2018, ngài Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống. Do những yêu cầu của tình hình mới, Đảng quyết định cử tôi tham gia tranh cử vị trí nghị sĩ trong Quốc hội. Điều này trước đó tôi không hề nghĩ tới.
Cuộc tranh cử nghị sĩ sau đó chắc hẳn cũng không ít khó khăn và thách thức. Chị đã vượt qua những ứng viên khác như thế nào?
- Đúng vậy, hai người phụ nữ cạnh tranh lá phiếu với tôi rất giỏi. Một người từng là bộ trưởng, xuất thân tại Đảng Xã hội. Một người khác là luật sư, ứng viên của Đảng Cộng hòa. Khác với tôi, họ đều có thời gian dài hoạt động trong chính trường.
Nói thật, tôi không quá căng thẳng khi bước vào cuộc chạy đua này. Nhớ có lần, khi cả nhóm đi qua một khu phố ở vùng ngoại ô và thấy cây anh đào trĩu quả, tôi bảo cả đoàn vận động tranh cử dừng lại: "Mình hái quả anh đào rồi giải lao chút đã đi, sau đó hãy đi tiếp!".
Thế nhưng, với tâm thế của một chiến binh, tôi cứ thế đi tiếp chặng hành trình của mình một cách nhiệt thành và trong sáng. Có lẽ, người dân Pháp cảm nhận được điều đó. Họ cũng bị thuyết phục khi nhìn lý lịch của tôi, với chặng đường tôi đã đi qua từ trường đại học cho tới Bộ Kinh tế và Tài chính. Khi có kết quả trúng cử trên tay, tôi mới nhận ra cuộc sống của mình đã thực sự bước vào một chặng đường mới. "Ủa, bây giờ phải từ chức thiệt sao?"– đó là câu hỏi đầu tiên bật lên trong đầu tôi khi đó.
Ngay sau khi trở thành nghị sĩ tại Quốc hội Pháp, chị đã có những hoạt động năng nổ, tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới mối quan hệ hữu nghị Pháp – Việt. Điều này chắc hẳn đã luôn được chị đặt trong diện ưu tiên?
- Đúng vậy. Khi bước chân vào quốc hội, với vai trò Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt, tôi đã xác định mình phải làm được những điều tốt đẹp cho mối quan hệ giữa hai đất nước. Những năm qua, tôi thường xuyên phụ trách đón tiếp các đại biểu Việt Nam tới gặp gỡ, giao lưu và trao đổi công việc với các nghị sĩ Pháp cũng như ngược lại. Đoàn nào tới thăm tôi cũng hỗ trợ hết mình, chia sẻ cho họ những kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ. Ít nhất một tháng có một đoàn như vậy.
Thông qua các sự kiện đó, nhiều hợp đồng, điều khoản đã được ký kết, những dự định hợp tác trong tương lai cũng được vạch ra. Tôi yêu Việt Nam, hiểu quê hương của mình, biết cái gì có thể tham gia được, hỗ trợ được. Bên cạnh đó, tôi cũng truyền tải nhiều thông điệp từ phía Việt Nam tới các quan chức cấp cao tại Pháp, bởi nếu đi theo đường công văn thông thường, đôi khi mọi người không thể diễn đạt hết những gì mình mong muốn.
Trong lời đề tựa cuốn sách Đường tới quốc hội Pháp của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề cập tới chị như một trong những nghị sĩ hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại quốc gia này. Chị có thể chia sẻ lại câu chuyện khi đó?
- Đó là khoảng thời gian cả thế giới khủng hoảng và chao đảo vì dịch bệnh, nước Pháp cũng không là ngoại lệ. Trong hoàn cảnh chưa có vắc-xin và chẳng biết mọi thứ sẽ còn diễn biến khủng khiếp tới mức nào, đa phần mọi người đều chọn cách cố thủ tại nhà. Tôi là một trong những nghị sĩ can đảm nhất, ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc tiêm chủng bắt buộc.
Để tới Quốc hội làm việc, tôi lấy một chiếc khăn tự chế trùm lên mặt (bởi khan hiếm khẩu trang), tích cực đưa ra ý kiến và gửi phiếu bầu cho những dự luật về Covid-19. Nhờ sự tán thành của Quốc hội, các hãng thuốc và người dân sau đó nhanh chóng được hỗ trợ để có vắc-xin phòng dịch bệnh, tình hình dần được cải thiện.
Chị cũng có nhắc tới trong cuốn sách hành động biểu quyết thông qua việc bãi bỏ ngân sách dự trữ tại quốc hội Pháp. Quyết định này chắc hẳn đã mang lại những thay đổi không nhỏ tới nền chính trị tại quốc gia này?
- Đương nhiên đạt được bước ngoặt này là điều không hề dễ dàng. Trước đây, trong một thời gian dài, những nghị sĩ tại Quốc hội Pháp đều có những đặc quyền riêng, trong đó có việc được phép thuê những người trong gia đình làm việc cho mình. Không ít người trong số họ khai lậu vợ hoặc con trong danh sách những người hưởng lương, dù những người này không hề làm việc. Khi đảng Phục hưng lên nắm quyền, chúng tôi đã đấu tranh để huỷ bỏ điều đó.
Một thay đổi tích cực khác tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đó là việc những nghị sĩ muốn được cấp chi phí cho các hoạt động chính trị cần phải có hoá đơn, chứ không được tiêu xài thiếu kiểm soát như trước đó.
Là một người gốc Á, chị có gặp phải những phản ứng tiêu cực và sự đe dọa khi hoạt động chính trị tại Pháp?
- Những khác biệt về quan điểm chính trị cũng như sự cạnh tranh của các đảng phái có lẽ là nguyên nhân khiến tôi từng bị đe dọa về tính mạng. Thời gian qua, tôi từng hai lần tới trình báo với cơ quan luật pháp để bảo vệ bản thân mình. Họ viết thư tới địa chỉ của tôi tại Quốc hội với những lời lẽ quá khích: "Mày mang trong mình gốc châu Á, mày định làm gì tại đất nước của tao? Tao sẽ kết liễu mày", đại loại như vậy.
Việc sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hoá, với ông cố nội là nhà giáo Đỗ Quang Đẩu, người biên soạn 50 bài ngụ ngôn La Fontaine, cũng là người cải tiến chữ quốc ngữ Việt Nam; Ông nội là Đỗ Quang Huê, nguyên Chánh án toà án tối cao Bạc Liêu đã truyền cảm hứng tới chị như thế nào?
- Truyền thống tác động tới tôi một cách vô cùng mạnh mẽ. Năm 11 tuổi, khi di dân sang Pháp, gia đình tôi đang khá giả bỗng rơi vào cảnh trắng tay. Những người xung quanh chúng tôi - kể cả người cùng gốc Á - đều nhìn chúng tôi với ánh mắt kỳ lạ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, cũng là một thầy giáo giỏi, thế nhưng cha tôi đành phải chấp nhận ở nhà dạy con, không thể chia sẻ với người ngoài. Nếu không được nghe đấng sinh thành kể về nguồn gốc của mình, tôi không thể quyết tâm mạnh mẽ để học tập và chinh phục kiến thức tới như vậy.
Toàn bộ thời thơ ấu, tôi học miệt mài, một là để trả ơn bố mẹ, hai là do đam mê khám phá tự thân. Tôi chưa bao giờ thấy khổ khi phải học nhiều, đọc nhiều, lúc nào cũng thích thú và sung sướng.
Không ít người gặp khủng hoảng khi bước sang một nền văn hoá mới bởi những bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá. Thế nhưng dường như Stéphanie Đỗ lại hoàn toàn khác biệt. Như cách chị miêu tả trong cuốn sách, chị vượt qua những khó khăn này một cách khá dễ dàng, dù cô gái 11 tuổi khi ấy không biết gì về nước Pháp và tiếng Pháp?
- Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người khi ra nước ngoài sớm, lúc còn đang là một đứa trẻ. Nơi tôi sống cũng có những người di dân giống như tôi, họ có vốn tiếng ít ỏi và hoàn cảnh khó khăn tương tự. Những đứa trẻ chúng tôi khi ấy đã chơi với nhau rất vui, không gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập, cũng vì quá ngây thơ nên chưa cảm nhận nhiều nỗi buồn xa xứ.
Tiếp xúc với những người bạn từ nhiều nền văn hóa ngay từ thuở nhỏ đã trở thành thế mạnh của tôi khi làm chính trị sau này. Gặp những người dân nhập cư trong lúc tiếp xúc cử tri, nghe nọ nói, tôi hiểu vấn đề của họ. Không ít người đi theo tôi, tin tưởng tôi. Họ bảo: "Stephanie nói đúng quá, hợp lý quá". Họ biết chặng đường tôi đã đi qua không hề dễ dàng, cũng trải qua rất nhiều biến động để có cuộc sống như hiện tại.
Không chỉ có một sự nghiệp chính trị thành công, tôi được biết chị cũng có một mối tình rất đáng ngưỡng mộ với chồng – người đàn ông đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời chị?
- Năm 16 tuổi, tôi gặp chồng trong một buổi kêu gọi của hội từ thiện nhằm vận động quyên góp cho đồng bào nghèo tại Việt Nam. Ngay khi chạm vào mắt nhau, có một luồng điện đã chạy qua giữa chúng tôi. Trái tim tôi reo lên: "Trời ơi, đây chính là người đàn ông của mình", nhưng rốt cuộc cả hai chẳng ai dám ngỏ lời.
Ông Trời sắp đặt làm sao, một thời gian ngắn sau, khi đang đi dạo phố cùng một người bạn, chúng tôi lại chạm mặt nhau. Lần này thì anh không để tôi thoát rồi (cười), cả hai trao đổi số điện thoại cố định của gia đình, tiến tới hẹn hò, gặp gỡ. Đến bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ: "Đây chính là người đàn ông hoàn hảo của mình".
Không chỉ là người bạn đời, nghe nói anh còn là thầy của chị?
- Đúng vậy. Anh bằng tuổi tôi nhưng học sớm trước một năm và rất giỏi, "vô" yêu cái là kèm tôi luôn. Thời tôi học cấp 3, khi anh tới nhà tôi dạy học, ba tôi liền nhận xét đây là người đàng hoàng, tử tế. Nhờ gia đình tôi có tư duy hiện đại, đến năm 18 tuổi, anh được đồng ý ở lại nhà tôi kèm tôi học, đỡ phải đi lại rắc rối. Năm 25 tuổi, chúng tôi tích cóp mua nhà, đến 29 tuổi thì quyết định làm đám cưới.
Công việc của một nghĩ sĩ chắc hẳn rất bận rộn và không ít sức ép. Anh ấy đã ủng hộ chị thế nào để chị có thể đi tới những thành công như hiện tại?
- Tôi không thể có ngày hôm nay nếu sau lưng tôi không có gia đình. Không chỉ có chồng tôi đâu, đó còn là sự hỗ trợ, giúp đỡ của mẹ, của nhiều người thân và bạn bè khác nữa.
Chồng tôi không thích thú gì chính trị, hay nói cách khác là đừng bao giờ nói về chính trị với anh ấy. Thế nhưng, khi thấy vợ ra tranh cử, anh lo cho tôi hết từ in ấn biểu ngữ, sắp đặt thiết bị, xe cộ… Mỗi khi tôi mệt mỏi vì quá bận, anh xoa bóp, bật nhạc, kể tôi nghe một câu chuyện vui, cả nhà cùng cười hỉ hả. Chúng tôi vẫn yêu nhau như ngày đầu tiên, chưa khi nào hết hạnh phúc khi nhìn vào mắt nhau.
Mẹ tôi cũng đang ở lại nhà tôi để giúp tôi nội trợ và chăm cháu gái. Bà ban đầu đâu có thích tôi làm nghị sĩ: "Con làm ở Bộ Kinh tế và Tài chính lương cao hơn, tự nhiên vô chính trị làm chi để người ta nói cho mệt rồi phải xử lý đủ vấn đề? Họ biểu tình cũng là con lo, họ đốt gara của người dân nhập cư cũng là con lo", bà bảo. Tôi nói với bà: "Con muốn giúp nước, muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cái đó ở trong con rồi, con không thể nào giải nghĩa được".
Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi nhận ra rằng: Dù sống tại Pháp hơn 20 năm, dường như trong chị vẫn còn rất nhiều nét rất đỗi Việt Nam?
- Đúng vậy! Tôi luôn biết rõ tôi đang mang trong mình dòng máu Việt. Ngay từ lúc nhỏ, tôi đã mặc định tôi sẽ yêu một chàng trai Việt Nam, chồng mình sẽ phải là người Việt. Do có cùng nguồn gốc, chúng tôi vẫn đều đặn duy trì những nề nếp cũ. Gia đình tôi ăn đồ Việt Nam mẹ nấu, các dịp Tết, Trung thu đều tổ chức, mời bà con cô bác tới nhà ăn tiệc. Những đứa nhỏ sẽ được mặc áo dài, xếp hàng nhận lì xì.
Cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam khác, tôi rất truyền thống trong hôn nhân, tôi làm hết tất cả để gia đình hạnh phúc. Tôi cảm thông, chia sẻ với người đàn ông của mình, và có lẽ nhờ thế cũng được anh ấy yêu thương trọn vẹn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.