Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Abi Freeman đã chuẩn bị tinh thần khi một đồng đội nam lớn tuổi hơn hăng hái ném cô xuống đất. Chỉ đơn giản là một buổi tập, nhưng là cô gái duy nhất ở câu lạc bộ karate, dường như rất khó để cô tìm được bạn tập nữ.
Việc trở nên bị động hơn các nam sinh trong lớp cuối cùng đã phá hủy tình yêu của cô với karate và khiến cô từ bỏ môn thể thao này hoàn toàn.
Abi nói: "Khi môn thể thao bạn yêu thích bị nam giới thống trị, nó sẽ làm mất đi sự thích thú của bạn".
"Bạn cảm thấy như một người ngoài cuộc và dần bị lùi lại phía sau, cuối cùng bạn nhận ra rằng mình không còn có thể chơi bất kỳ môn thể thao nào nữa".
Mặc dù đạt được đai tím nâng cao chỉ sau ba năm, Abi đã từ bỏ karate vào cuối năm 2012 ở tuổi 16.
"Khi còn là một thiếu niên, tôi từng yêu thích thể dục dụng cụ, điền kinh, bóng đá, bơi lội, bóng lưới và đặc biệt là karate, nhưng giờ đây tôi hiếm khi tập thể dục", Abi, hiện 24 tuổi, cho biết thêm.
"Tôi đã mất đi sự tự tin vào khả năng của mình, cảm thấy mình không đủ tốt - và bạn càng không chơi thể thao lâu, bạn càng khó quay trở lại. Tôi thường cảm thấy lờ đờ và nhận ra đó là do tôi đã không tập thể dục trong nhiều tuần".
Tình trạng lười vận động của Abi rất phổ biến khi ngày nay, hàng triệu cô gái và phụ nữ trẻ đã bỏ chơi thể thao.
Kate Dale, người đứng đầu chiến dịch truyền thông tại Sport England, cho biết: "Có quá nhiều áp lực khiến các cô gái phải từ bỏ thể thao, bao gồm cảm thấy tự ti về ngoại hình và cơ thể của mình, trải qua tuổi dậy thì và thời kỳ kinh nguyệt khiến họ cảm thấy xấu hổ... "
Điều này vẫn tiếp tục xảy ra bất chấp một số chiến dịch nổi tiếng nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thể thao trong những năm gần đây, bao gồm This Girl Can, Like A Girl và Fuel Her Future.
Là một phần của chiến dịch, Always đã thực hiện một báo cáo cho thấy cứ ba trẻ em gái thì có một em bỏ thể thao trong độ tuổi dậy thì và những 55% em gái trong độ tuổi 12-16 không tập thể dục chút nào.
Thống kê cũng cho biết thêm, một phần ba các cô gái tin rằng – không giống như nam giới - họ không đủ khéo léo để chơi thể thao.
Bên cạnh đó, không có gì ngạc nhiên khi Covid-19 khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Vào tháng 3, tổ chức từ thiện Women In Sport đã nghiên cứu tác động của giãn cách đối với việc tham gia hoạt động thể thao của các cô gái vị thành niên và phát hiện ra rằng 62% đang tập thể dục ít hơn so với trước đại dịch.
"Việc đóng cửa các câu lạc bộ và cơ sở thể thao có tác động rất lớn, và cùng với việc các trường học cũng tạm dừng hoạt động vào năm ngoái, nhiều nữ sinh đột nhiên không tập thể dục nữa".
Tanya Martin, giám đốc tại Women In Sport cho biết: "Rất nhiều người trong số họ đã không hoạt động kể từ đó".
Kết quả của điều này là các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.
Cô cho biết thêm: "Các cô gái nói với chúng tôi rằng họ cảm thấy uể oải và lười biếng sau khi ngồi ở nhà quá lâu, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các bé trai".
"Trong khi hầu hết các cô gái có thể cho bạn biết những lợi ích sức khỏe của thể thao - chẳng hạn như ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng và giảm nguy cơ bệnh tật - thì việc biến nó thành hành động là khó hơn nhiều.
Giống như nhiều chiến dịch khác, This Girl Can đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Ra mắt vào năm 2015 và được tài trợ bởi Sport England, sáng kiến được quảng cáo là: "Chương trình đầu tiên phù hợp với mọi phụ nữ, chúng tôi sẽ giúp bạn thay đổi cơ thể mình".
Tiêu tốn 27 triệu bảng Anh trong vòng bảy năm, đây từng được xem như một thành tựu lớn, nhưng Kate nói: "Chúng tôi đã có thành công phi thường với This Girl Can, nhưng sau đó Covid xuất hiện".
"Sự thất bại do Covid-19 gây nên lo ngại thực sự. Ưu tiên lớn nhất của chúng tôi là hỗ trợ các cô gái và phụ nữ trẻ quay trở lại lối sống lành mạnh - ngay cả khi đó chỉ là đi dạo hàng ngày".
Giờ đây, Abi, một trợ lý sản xuất chương trình truyền hình, chỉ thỉnh thoảng tham gia các lớp học bạt lò xo và không tập gym. Việc lười vận động không chỉ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của cô ấy mà còn khiến cô cảm thấy luôn mệt mỏi.
Cô giải thích: "Trong phòng tập gym có rất nhiều người hay phán xét - đặc biệt là khu vực tập tạ". Sau khi Sarah Everard bị giết ở London vào tháng 3, Abi cũng cảnh giác với việc chạy ngoài trời.
"Bây giờ tôi cảm thấy dễ bị tổn thương hơn, và hầu hết bạn bè của tôi cũng vậy", cô nói thêm.
Thừa nhận những lo lắng của Abi, Kate nói rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để làm cho tất cả phụ nữ cảm thấy an toàn hơn.
"Ngành thể thao thực sự cần phải đảm bảo an toàn cho phụ nữ trước những hành vi đáng sợ trong các phòng tập thể dục, công viên và đường phố. Chúng ta cần một sự thay đổi toàn bộ văn hóa với chính sách không khoan nhượng".
Abi cũng tin rằng các chiến dịch của Sport England cần được hướng đến nhiều hơn vào độ tuổi của cô ấy.
"Chiến dịch này rất tuyệt vời, nhưng có vẻ như nó nhắm đến các bà mẹ ở độ tuổi 35-50, vì vậy nó không phù hợp với tôi", cô giải thích.
Tanya từ Women In Sport đồng ý: "This Girl Can đã tạo ra một phong trào thực sự, thể hiện những hình mẫu, hình dáng cơ thể đa dạng, sắc tộc và xuất thân. Nhưng nó ít tập trung vào các cô gái vị thành niên. Chúng ta cần hiểu nhiều hơn về cuộc sống của các cô gái vị thành niên và lý do tại sao họ rời xa thể thao."
"Nhiều người cảm thấy rằng thể thao không liên quan đến họ, và cũng có một loạt rào cản phức tạp, bao gồm cả sự bất công xã hội và sắc tộc".
Daniella Awobona, 17 tuổi, đến từ phía đông London, đã phải đối mặt với nhiều rào cản như vậy sau khi bắt đầu chơi bóng ở trường tiểu học.
"Tôi chỉ mới 9 hoặc 10 tuổi, nhưng liên tục được nói rằng bóng đá không dành cho con gái", cô nhớ lại.
"Cha mẹ tôi là người gốc Nigeria, và về mặt văn hóa, tôi phải làm việc nhà chứ không phải ra ngoài chơi bóng".
"Các anh trai đều được phép chơi và điều đó thật không công bằng. Những cậu bé ở trường luôn nói rằng tôi không thể đá thẳng một quả bóng, điều đó thực sự khiến tôi khó chịu".
Những tranh cãi gay gắt khiến Daniella phải dừng chơi bóng vào năm 2015, ở tuổi 11.
"Khi bạn được nói đủ lâu rằng bạn không nên làm điều gì đó, nó sẽ bóp chết sự tự tin của bạn và khiến bạn tin vào điều đó", cô nói.
Kết quả là, cô ấy gặp phải những vấn đề về kiểm soát cơn giận và gặp rắc rối ở trường. Sau đó, vào tháng 3 năm 2016, ở tuổi 12, cô tham gia một chương trình do Goals4Girls, tổ chức có trụ sở tại London, điều hành, cung cấp hỗ trợ giáo dục, cố vấn và huấn luyện bóng đá cho trẻ em gái ở các cộng đồng gặp khó khăn.
Daniella nói: "Goals4Girls đã giải cứu tôi. Chương trình giới thiệu cho tôi chơi bóng đá, giúp tôi thoát khỏi những vấn đề ở nhà và giúp tôi học tốt hơn ở trường".
"Chơi bóng luôn khiến tôi cảm thấy tự do và giúp tôi bình tĩnh hơn".
Người cố vấn của Daniella cũng là người sáng lập Goals4Girls, cựu cầu thủ trẻ của Manchester City, Fran Brown, 30 tuổi, cô đã phải chịu đựng chứng lo âu tê liệt từ khi còn nhỏ và thậm chí từng cố gắng tự kết liễu cuộc đời mình.
"Fran đối với tôi như một người mẹ", Daniella nói. "Cô ấy là hình mẫu mà tôi hướng đến, cô thậm chí mua cho tôi đôi giày bóng đá đầu tiên của mình".
Mặc dù Goals4Girls đã hỗ trợ hơn 1.400 cô gái kể từ năm 2013, nhưng sứ mệnh này không hề dễ dàng chút nào.
Fran nói: "Chúng tôi vẫn thấy những cơ hội dành cho các cô gái trẻ trong thể thao là rất hiếm hoi".
"Không có đủ đội nữ, trong khi các vấn đề về sự tự tin, sự thiếu động viên và áp lực của công việc học tập cũng là những vấn đề đáng lưu ý".
"Chúng tôi chứng kiến sự phân biệt giới tính hàng ngày, khi những người đàn ông chửi bới hoặc giễu cợt các cô gái chơi bóng".
Tuy nhiên, những lợi ích của chương trình Goals4Girls có vẻ rất rõ ràng: các cô gái tham gia chương trình đã có sự tự tin hơn, cải thiện sức khỏe và cảm thấy ít trầm cảm hơn, Fran nói rằng 94% những người từng có nguy cơ bị đuổi học lại có cơ hội tiếp tục.
Sau khi tốt nghiệp Goals4Girls vào tháng 9 năm 2020, tham vọng của Daniella là gia nhập quân đội - và cô ấy vẫn chơi bóng khi có thể. Mặc dù vậy, cô vẫn tiếp tục gặp các vấn đề xung quanh việc chơi thể thao, bao gồm mặc cảm về cơ thể và cảm giác tự ti khi có kinh.
Tanya nhấn mạnh rằng sự xấu hổ trong giai đoạn này là một yếu tố chính cản trở việc tham gia thể thao của các cô gái.
"Nó tạo ra lo lắng và căng thẳng, và có thể rất dễ bị lộ. Khoảng 42% các cô gái tránh tập thể dục khi đang trong kỳ kinh nguyệt, họ cố gắng che giấu điều đó."
"Họ rất sợ bị người khác phát hiện. Việc có kinh nguyệt vẫn bị coi là đáng xấu hổ, điều này thật đáng buồn và không cần thiết."
Tanya nói: "Định kiến về giới mà Daniella phải chịu khi còn nhỏ đã ăn sâu vào xã hội. Bắt đầu ở trường tiểu học, khi các trường học và cha mẹ tự động đưa con gái đến với các môn thể thao như khiêu vũ và thể dục dụng cụ hơn là bóng đá hay bóng bầu dục.
"Các cô gái lớn lên với suy nghĩ: 'Đó là những môn thể thao dành cho các chàng trai, không phải dành cho tôi.' Điều này dần trở thành một lối tư duy và nó theo các cô gái đến tuổi trưởng thành."
Tanya cho biết thêm rằng cần có những nỗ lực đổi mới từ chính phủ và các tổ chức thể thao sau đại dịch: "Chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi - vào mùa hè năm 2019, gần 30 triệu người đã xem World Cup Nữ."
"Mặc dù vậy, đại dịch đã khiến mọi thứ gặp khó khăn hơn nhiều. Vẫn còn một con đường dài để quay trở lại, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thu hút các cô gái để họ phát triển lối sống tích cực hơn."
Đối với Daniella, cô tin rằng sự thay đổi phải bắt đầu từ các trường học. "Các giáo viên phải vào cuộc và thực sự khích lệ các cô gái luyện tập thể dục thể thao, để họ không chỉ đứng ở phía sau và cảm thấy nhàm chán."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.