Tầm nhìn và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công cuộc chấn hưng văn hóa

Yến Thanh Thứ hai, ngày 22/07/2024 13:02 PM (GMT+7)
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định vai trò to lớn của lĩnh vực văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa còn thì dân tộc còn"; "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội"...
Bình luận 0

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Tháng 11/2021, trong những ngày thế giới có nhiều biến động và thay đổi bởi tình hình kinh tế, chính trị cũng như tác động của đại dịch Covid-19, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại sự kiện, Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ sứ mệnh của văn hóa đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc.

Mở đầu bài phát biểu một cách dung dị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi ít khi dùng chữ hào hứng, lâu nay tôi thường phát biểu rằng rất vinh dự đến dự các hội nghị. Hôm nay, tôi nói mình rất vinh dự và hào hứng bởi hội nghị này có ý nghĩa về nhiều phương diện. Thứ nhất, tôi cho rằng thời gian qua vị trí của văn hóa chưa được nhận thức đầy đủ. Bác Hồ đưa ra luận điểm: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", trước đây cũng có một vị tiền bối nói "văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". 

Thứ hai, kể từ ngày 24/11/1946, khi Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, hôm nay chúng ta mới tổ chức Hội nghị tương tự như thế này để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tinh thần là: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Dọc ngang thông suốt", "Trên dưới đồng lòng".

Tầm nhìn và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công cuộc chấn hưng văn hóa- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: ĐCS)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. "Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất. Những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phản văn hóa". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - một trong những đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 chia sẻ: "Tới giờ, tôi vẫn luôn có cảm xúc vinh dự, tự hào cùng sự tin tưởng mạnh mẽ với những thông điệp văn hóa mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đó là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với những người làm công tác văn hóa, mà còn với bất cứ ai yêu mến văn hóa dân tộc, có ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển quốc gia. Những thông điệp văn hóa mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị đang lan tỏa trong xã hội.

Khi xã hội quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người, những chân giá trị sẽ thấm sâu vào các hoạt động sống của mỗi người, tạo nên một nền tảng tinh thần vững chắc, phát huy được sức mạnh nội sinh dân tộc, biến khát vọng phát triển đất nước thành hiện thực. Với những chỉ đạo của Tổng Bí thư, tôi cũng như những người Việt Nam khác mong chờ nền văn hóa dân tộc được chấn hưng trong tương lai không xa".

"Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tác động mạnh tới nhận thức về văn hóa"

Dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở trước sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, trước vô vàn thách thức của bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu. Bên cạnh những thành tựu mà ngành văn hóa đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém của lĩnh vực văn hóa, đề nghị tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

"Các sáng tác ca múa nhạc phải giáo dục được, chứ không phải là sáng tác chạy theo mốt để vui chơi giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu thực chất, thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng tiêu cực, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các vùng miền còn lớn"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tầm nhìn và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công cuộc chấn hưng văn hóa- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem in tranh dân gian Đông Hồ tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Đô (tỉnh Bắc Ninh). (Ảnh: TG)

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Đó là: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…; Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Tháng 6/2024, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt. Với kiến thức chuyên sâu và sự am hiểu về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, từ văn học, sân khấu đến mỹ thuật nhiếp ảnh, thể dục thể thao…, Tổng Bí thư có những dẫn chứng rất sinh động, từ đó đưa ra các lập luận thuyết phục, vừa mang tầm chiến lược, vừa cụ thể, gần gũi về văn hóa.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng: "Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I - "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ là nhận thức, Tổng Bí thư còn đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh vị trí, vai trò của văn hóa, các thay đổi cần có ở mỗi lĩnh vực, nêu rõ thực trạng về đầu tư văn hóa và nhấn mạnh phải đầu tư cho văn hóa.

Tôi được biết rằng sau bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, nhiều tỉnh thành đã chỉnh sửa phần ngân sách dự kiến của năm 2022, tăng nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa. Trước đó, từ năm 2020 trở về trước, đầu tư cho văn hóa tại các địa phương chỉ đạt chưa tới 1,8%, không đúng với kế hoạch được đặt ra từ 10 năm trước đó".

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định, những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa tạo ra hai tác động to lớn. "Đầu tiên, văn hóa được nhận thức lại, đặt vị trí ngang hàng với kinh tế, xã hội. Từ đó, các địa phương chú trọng hơn tới lĩnh vực này, đưa ra nhiều chính sách về nhân sự, tài chính... Đồng thời, những chỉ đạo Tổng Bí thư cũng giúp việc đầu tư cho văn hóa ở các địa phương, các doanh nghiệp tăng mạnh. Đương nhiên, để bộ mặt văn hóa Việt Nam thay đổi, chúng ta cần đợi chờ thời gian, không phải chuyện ngày một ngày ngày hai. Tuy thế, tôi cho rằng những tín hiệu tích cực đang xuất hiện".

Tầm nhìn và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công cuộc chấn hưng văn hóa- Ảnh 3.

Nhân dân xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bức tượng Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh: TTXVN)

Những chuyển biến rõ rệt trên mặt trận văn hóa

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều Hội nghị quan trọng đã được tổ chức, đi sâu vào những vấn đề cốt lõi như Hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức; Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; cùng nhiều hội nghị tại các địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang… 63/63 tỉnh, thành đều xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Nhiều điều luật, trong đó nổi bật là Luật Điện ảnh ra đời, được xây dựng theo tinh thần của công nghiệp văn hóa. Theo đó, điện ảnh được xem xét trên cơ sở khai thác tài năng sáng tạo, vốn văn hóa của đất nước, công nghệ, kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm dịch vụ điện ảnh.

Đầu tư cho văn hóa cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, Hà Nội dành hơn 14.000 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, con số gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây. Từ năm 2020 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 301,5 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích. Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và dự kiến bố trí thêm 1.054 tỷ đồng cho các dự án giai đoạn năm 2021 – 2025. 

Hàng loạt các sự kiện văn hóa được tổ chức trên khắp cả nước với sự đầu tư chuyên nghiệp, quy mô hơn hẳn trước đó như: Lễ hội thiết kế sáng tạo; Ngày thơ Việt Nam; Liên hoan phim quốc tế... Nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNESCO cùng nguồn vốn từ chủ trương xã hội hóa cũng giúp nhiều hoạt động văn hóa  lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước, các di sản được bảo trì, tôn tạo, góp phần phát triển nền kinh tế bền vững ở địa phương. Tại đó, cách làm sáng tạo và đổi mới được đề cao, bên cạnh yếu tố tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. 

Một thay đổi khác không thể không kể tới là văn hóa từ chức, văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên bắt đầu được hình thành, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ cũng như mang lại niềm tin từ phía người dân. Tại Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Như vậy, việc từ chức đã không còn chỉ là sự hô hào, cổ động mà được cụ thể hóa thành những quy định nghiêm minh, bám sát thực tiễn. Chỉ sau hai tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị đã có 3 người thôi tham gia BCH Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác. Hai Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi. Hai Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác hoặc bố trí công tác khác…

Lòng yêu nước, tinh thần nhân ái ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ở mỗi cá nhân trong xã hội. "Những năm qua, nhân dân đã nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa, xây dựng con người trong thời đại mới, từ đó tự răn, sửa mình. Trên báo chí, mạng xã hội, những tấm gương anh hùng, người tốt việc tốt ngày càng được đề cao, các hành vi phi văn hóa ngày càng bị lên án mạnh mẽ" - Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định.

Nhìn lại những chỉ đạo sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với Dân Việt, khẳng định: "Bên cạnh việc kế thừa, phát huy tinh thần chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Đảng ta thành lập năm 1943 tới xuyên suốt thông qua các kỳ đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những tư tưởng tiến bộ, nhân văn, có tính dân tộc và thời đại trong các phát biểu về lĩnh vực văn hóa. 

Tổng Bí thư qua đó mở rộng chiều văn hóa trong một thời đại mới với quá nhiều thách thức. Tại đó, văn hóa vừa là mục tiêu, động lực, vừa có vai trò điều tiết sự phát triển của các quốc gia, dân tộc, của nhân loại nói chung".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem