Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một ngày trung tuần tháng 10, anh Trương Mạnh Hùng (40 tuổi, ở xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thu hết tài sản thiết yếu như ti vi, xe máy... đưa lên nhà phao để tránh lũ, chiếc thuyền gỗ cũng đã được để sẵn trước nhà. Cũng như nhiều người dân ở xã Tân Hóa, mỗi năm, từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, người dân nơi đây dù bận rộn thế nào, cũng phải chuẩn bị sẵn lương thực, thu xếp, di dời đồ đạc lên cao để tránh lũ.
Bởi Tân Hóa vốn nằm trong vùng lòng chảo, bốn bề là vách núi đá vôi dựng đứng bao bọc, nơi được xem là vùng "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Mỗi khi mưa to, nước từ khắp nơi đổ về thung lũng, cả xã Tân Hóa bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông.
Chỉ tay lên chiếc cột cao cả chục mét phía trước mặt, anh Hùng bảo, trận lũ lịch sử năm 2010, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về Tân Hóa, lên cao gần hết cây cột, nhấn chìm hầu hết nhà cửa, những bãi bồi, làng mạc không còn một dấu tích. Anh trầm ngâm một lúc rồi kể, năm đó mưa lớn, nước lên nhanh, người dân phải bỏ nhà cửa, đóng bè chuối, cuống cuồng chạy lên lèn đá dựng lều, căng bạt tránh trú. Nhiều người hết lương thực dự trữ, thiếu nước uống, sống trong cảnh đói và lạnh...
"Lợn gà, trâu bò chết nhiều vô kể. Sau đợt lũ ấy, nhiều người dân vùng Tân Hoá trắng tay", anh Hùng kể. Không chỉ năm 2010, mà những năm 2011, năm 2019, năm 2020, Tân Hóa đã nhiều lần chìm trong biển nước.
Sau trận ngập lụt ấy, một số giải pháp được đưa ra như phá núi tạo dòng thoát lũ nhưng không được chấp thuận do kinh phí cao và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Chính quyền cũng đã tính đến phương án di dời toàn bộ người dân Tân Hoá đi nơi khác, nhưng "tổ tiên, cha ông mình đều ở đây từ bao đời nay. Người dân Tân Hoá không thể rời bỏ quê hương bản quán chỉ vì lũ lụt", anh Hùng nói.
Anh Hùng dẫn phóng viên lên căn nhà phao màu xanh nước biển xinh xắn rộng khoảng 30m2, có lan can, có bậc thang lên xuống. Xung quanh căn nhà, bên bậu cửa còn được treo những giỏ hoa duyên dáng. Căn nhà phao được xây dựng từ năm 2015, trên hơn 20 chiếc thùng phuy rỗng kết lại.
Anh bảo, từ kinh nghiệm qua những năm lũ lụt, người dân Tân Hóa đã nghĩ ra ý tưởng cải tiến những bè nổi thành những ngôi nhà có mái, có vách để che mưa che nắng, được cố định thông qua 4 cọc ở 4 góc. Khi nước dâng lên cao, nhà phao sẽ tự nổi lên theo dòng nước. Ở trong căn nhà nổi này, người dân vẫn có thể sinh hoạt bình thường, sống chung với mưa lũ.
Không chỉ gia đình anh Hùng, tính đến năm 2023, hầu hết các hộ dân tại xã Tân Hóa đã có nhà nổi kết cấu bằng khung sắt chắc chắn, có mái che và tôn vách, đảm bảo các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. "Giờ có nhà nổi, chúng tôi sẵn sàng đón lũ với tâm thế chủ động hơn", anh Hùng nói.
Từ con đường bê tông lớn vào làng, bao quanh bởi những vách đá núi vôi dựng đứng, Tân Hoá đẹp như một bức tranh với màu xanh mướt mát của những cánh đồng cỏ bất tận, những ngôi nhà gỗ truyền thống của người Nguồn mang nét đơn sơ, bình dị. Ôm lấy ngôi làng là con sông Rào Nan hiền hoà uốn lượn. Ngoài là một "túi đựng nước" vào mùa lũ thì thiên nhiên cũng ưu đãi nơi đây. Khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều nên việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi khá thuận lợi. Mỗi chiều về, hàng nghìn con trâu bò thung thăng gặm cỏ trước bãi đất trống xanh mênh mông, trải dài ngút tầm mắt.
Chúng tôi có mặt tại Tân Hoá khi ngôi làng vừa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công nhận là một trong những "Làng du lịch tốt nhất thế giới" năm 2023. Từ một làng quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ, làng Tân Hóa với cách làm du lịch độc đáo đã khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong danh sách 260 đề cử đến từ 60 quốc gia khác nhau.
Tấm biển "Làng du lịch Tân Hoá - Best Tourism Villages" vừa được dựng lên phía trước cổng làng. Dọc hai bên đường bê tông từ cổng làng vào là những hàng cây xanh mát, mỗi hộ gia đình đều trồng các hàng rào mềm bằng những loại hoa rực rỡ, được quy hoạch, có cảnh quan để bảo tồn những không gian xanh tự nhiên. Người Nguồn nơi đây có ngôn ngữ riêng, đặc trưng cùng các nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt, họ sống hồn hậu, chất phác và chân tình.
Với mong muốn đưa Tân Hóa từ vùng "rốn lũ" của Quảng Bình từng bước trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc, chính quyền địa phương và ngành du lịch đã phối hợp xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững. Công ty Oxalis Adventure đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân ở Tân Hoá.
"Trước đây, người dân Tân Hóa chủ yếu sống dựa vào rừng, làm nông, chăn nuôi... cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Ngày nay nhiều hộ dân đã phát triển bằng nghề làm du lịch, một số người làm ăn khấm khá, đời sống ngày càng được nâng cao", anh Trương Xuân Thơm (SN 1970, xã Tân Hoá) nói và dẫn chúng tôi đi thăm homestay Thơm Phường xinh xắn của gia đình anh nằm ở một vị trí khá đẹp.
Cũng như khoảng 10 hộ gia đình trong làng, gia đình anh Thơm được Công ty Oxalis liên kết, đầu tư 150 triệu đồng để làm homestay đón khách du lịch lưu trú bắt đầu từ năm 2023. Du khách sẽ được trải nghiệm sống, ngủ trên những căn nhà phao đã được sơn sửa, có ban công; được ăn món truyền thống của người Nguồn, như món cơm bồi được làm từ củ sắn đâm nhuyễn và bột ngô, ăn cùng ốc đực. Hoặc du khách có thể tự tay chế biến bữa ăn cùng gia chủ.
Trong căn nhà mái ngói khang trang rộng rãi, chị Trương Thị Quy (43 tuổi, ở xã Tân Hoá) đang cùng chồng, cháu gái chuẩn bị một bữa ăn đón khách. Cũng như nhiều người phụ nữ sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng ở đất Tân Hoá, chị Quy quanh năm làm lụng vất vả với việc đồng áng. Khác với người dân ở các dân tộc khác, nếu đàn ông ở Tân Hoá trước đây chỉ biết vào rừng kiếm gỗ, săn bắn thú rừng, mọi việc nặng nhọc, vất vả từ cày cấy, chăn nuôi, cơm nước, chăm sóc nhà cửa đều do một tay người phụ nữ cáng đáng thì ngày nay, nhờ có du lịch, nhiều người đàn ông đã thay đổi tư duy.
Chị kể, từ khi hệ thống hang động Tú Làn được Công ty Oxalis đưa vào khai thác du lịch vào năm 2014, chồng chị không phải vào rừng kiếm gỗ, săn bắn thú rừng nữa. Anh ấy chuyển sang làm porter (người khuân vác) phục vụ khách du lịch thám hiểm hệ thống hang Tú Làn.
Thỉnh thoảng nếu không đi theo đoàn khách vào hang, anh ở nhà phụ chị nấu ăn cho khách lưu trú tại homestay. Cuộc sống khấm khá, anh chị nuôi được 3 con ăn học, trong đó đứa con thứ 2 của chị đang học Cao đẳng du lịch tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
"Nhiều người đàn ông ở Tân Hoá nhìn những vị khách cùng vào bếp nấu ăn, chia sẻ công việc nặng nhọc với phụ nữ, họ đã thay đổi, cũng học cách nấu ăn và giúp vợ chăm sóc nhà cửa, con cái", chị Quy nói, giọng đầy hào hứng, tay vừa thoăn thoắt hướng dẫn khách bào củ sắn, đâm bồi trong chiếc cối lớn được làm bằng gỗ.
Từ ngày kết hợp với Công ty Oxalis, gia đình chị cũng đã sửa được căn nhà khang trang hơn và đầy đủ vật dụng thiết yếu trong gia đình. Thu nhập mỗi tháng của gia đình chị từ làm du lịch đạt trên 10 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure cho biết, nhằm làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch, năm 2023, công ty đưa vào khai thác tour tự lái xe mô tô địa hình tham quan rừng lim hàng trăm tuổi, xuyên rừng dưới những tán cây, những con dốc và băng qua suối. Trải nghiệm ngủ homestay mùa mưa lũ cũng là một hoạt động mới, để khách có thể hiểu thêm về cuộc sống của người dân.
"Tôi đã đi qua nhiều mùa mưa lũ, từng vật lộn cùng người dân vùng rốn lũ Quảng Bình, mới thấy rằng người dân nơi đây thật kiên cường. Cuộc sống đã tôi rèn người dân vùng lũ, họ luôn chủ động, sẵn sàng để thích ứng với thời tiết. Chúng tôi rất mong muốn sẽ tạo nên một mô hình du lịch bền vững và cùng chia sẻ lợi ích với người dân nơi đây", ông Nguyễn Châu Á nói.
Nói về mô hình nhà nổi tránh lũ ở Tân Hoá, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng trải nghiệm ngủ nhà phao đang trở thành mô hình lưu trú có một không hai. Đây là cách người dân Tân Hóa biến cái bất lợi thành sinh kế bền vững trên con đường chinh phục thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, với làng quê mộc mạc, yên bình.
Giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất thế giới " là một sáng kiến toàn cầu nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Tính đến năm 2022, có hơn 70 ngôi làng từ gần 40 quốc gia đã được UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.