Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc vốn được biết tới là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và dân số đông nhất thế giới (khoảng hơn 1,4 tỉ), nền kinh tế của họ cũng luôn thuộc top những nền kinh tế hàng đầu. Vậy nhưng điều kì lạlà đối với môn thể thao vua, thành tích tốt nhất mà quốc gia này từng đạt được là tham dự vòng chung kết World Cup 2002 và cũng chỉ xếp 32/32 các đội tham dự. Ở cấp độ châu lục, bóng đá Trung Quốc cũng chưa bao giờ đủ tầm so với những Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Australia,…

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Manchester City (Ảnh: Daily Mail).

Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình cũng là một cổ động viên nhiệt thành của bóng đá hiện đại. Đằng sau "Giấc mơ Trung Hoa", ngài Chủ tịch cũng từng chia sẻ về 3 giấc mơ của mình với bóng đá quốc gia: Giành quyền tham dự World Cup, làm chủ nhà World Cup và đến năm 2050, đội tuyển Trung Quốc sẽ vô địch giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 3.

Để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD để phát triển nền bóng đá từ việc chiêu mộ những ngôi sao, nhập tịch các cầu thủ nước ngoài cho tới việc nâng cấp hệ thống đào tạo trẻ, khuyến khích bóng đá học đường.

Các CLB ở giải đấu Chinese Super League nhờ sự hậu thuẫn của các tập đoàn hùng mạnh như Evergrande, Suningđã chi rất đậm cho việc chiêu mộ những ngôi sao không chỉ ở độ tuổi "xế chiều" mà cả những ngôi sao đang trong độ chín của sự nghiệp. 

Các ngôi sao đã từng được chiêu mộ với những bản hợp đồng mà chẳng khác nào cách những CLB hàng đầu châu Âu chuyển nhượng: Hulk (55,8 triệu bảng từ Zenit); Oscar (60 triệu bảng từ Chealsea); Jackson Martinez (31 triệu bảng từ Atletico Madrid);Alex Texeira (41,8 triệu bảng từ Shakhtar Donetsk)…; một số những ngôi sao có danh tiếng trước đó như Didier Drogba (25 triệu bảng từ Chelsea); Carlos Tevez (từ Boca Juniors với mức lương 615 nghìn bảng/tuần) và được trả những mức lương trên trời. 

Giải đấu China Super League cũng trở thành một trong những giải đấu trả lương cao nhất thế giới, sánh ngang với 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về quỹ lương.


Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 4.

Tiền vệ Oscar trong màu áo CLB Thượng Hải SIPG (Ảnh: AP).

Gần đây nhất tại giải đấu quốc tế cho Vòng loại World Cup 2022, ĐT Trung Quốc cũng sở hữu tới 4 cầu thủ nhập tịch bao gồm Elkeson (gốc Brazil); Tyias Browning (gốc Anh); Aloisio (gốc Brazil) và Alan Carvalho (gốc Brazil).

Bên cạnh việc đưa về những ngôi sao, Trung Quốc cũng rất chú trọng vào việc đào tạo trẻ. Bằng chứng là Học viện Bóng đá Evergrande ra mắt vào năm 2012 được xây dựng với mức kinh phí khổng lồ lên tới 130 triệu bảng bao gồm 50 SVĐ và khoảng 2500 học viên. 

Lò đào tạo này còn đưa về 24 HLV Tây Ban Nha theo một thỏa thuận với đội bóng Hoàng gia Real Madrid để phục vụ cho công tác huấn luyện với sứ mệnh "sản xuất" cho đội tuyển những cầu thủ xuất sắc nhằm hiện thực hóa giấc mơ World Cup 2050.


Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 5.

Cận cảnh Học viện Bóng đá lớn nhất thế giới Evergrande (Ảnh: CNN).

Ngoài ra, các cầu thủ trẻ còn được đem đi tu nghiệp tại nước ngoài để nâng cao trình độ như vào tháng 12 năm 2016, một trung tâm bóng đá dành cho lứa trẻ Trung Quốc được giới thiệu ở Timperley, Manchester, Anh. Việc tận dụng nguồn lực từ các nền bóng đá phát triển có vẻ là điều Trung Quốc muốn hướng tới.

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 6.

Thực tế, việc dồn tiền vào những dự án bóng đá lớn nhỏ của Trung Quốc mang lại những hiệu quả nhất định. Ở châu Á, giải VĐQG của họ chỉ xếp sau Nhật Bản và Ả Rập Xê-út, có 3,5 xuất tham dự AFC Champions League mỗi mùa. Guangzhou Evergrande là CLB thành công nhất khi có tới hai lần vô địch cúp C1 châu Á. Tên tuổi của giải VĐQG Trung Quốc dần vang xa, trở thành điểm đến lý tưởng cho các cầu thủ về mức độ đãi ngộ. 

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 7.

CLB Guangzhou Evergrande vô địch AFC Champions League 2015 (Ảnh: AFC).

Những cầu thủ nội, những sao trẻ tiềm năng của Trung Quốc không cần phải xuất ngoại thi đấu bởi ở giải đấu quốc nội, họ vẫn được sát cánh hay đọ sức với những tên tuổi, những ngôi sao hàng đầu.

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 8.

Đầu tiên là với những bản hợp đồng bom tấm với những mức lương cực khủng, họ chắc chắn sẽ trở thành trung tâm, nòng cốt của CLB chủ quản. Chính điều này khiến một số cầu thủ bản địa vốn lười biếng và thiếu tinh thần đồng đội cảm thấy bị đối xử bất công, bắt đầu bất mãn khi họ tập luyện và sinh hoạt như những người bình thường thì những ngôi sao ngoại quốc khi tới đây nghiễm nhiên sẽ như một "ông hoàng". 

Và khi cảm thấy không hài lòng với những "ông hoàng" ngoại quốc, những cầu thủ nội Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách bất hợp tác, họ không cần cố gắng luyện tập thật chăm chỉ để thể hiện bản thân bởi sở hữu một số đặc quyền như trong đội hình xuất phát của mỗi đội phải có ít nhất 6 cầu thủ nội. Ngoài việc đổ cả núi tiền cho các ngôi sao hàng đầu thế giới, các CLB cũng đã chi ra số tiền không nhỏ để thỏa mãn các cầu thủ nội của họ.

Việc đưa về những cầu thủ hàng đầu thế giới, những HLV giỏi tại các CLB chẳng mang lại lợi ích gì màcònvô tình gây hại cho đội tuyển quốc gia. Số tiền khổng lồ đầu tư cho nền bóng đá chỉ phần nào che lấp đi những khuyết điểm và một chút tiếng tăm nhưng lại mang tới sự ảo tưởng cho nền bóng Trung Quốc về sự tiến bộ, dù thực tế là dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi.

HLV Cao Hồng Ba từng chua chát chia sẻ trong cuộc họp cuối cùng trên cương vị HLV trưởng ĐTQG Trung Quốc: "Ở các đội bóng hàng đầu Trung Quốc, xương sống trong đội hình của họ chủ yếu là các cầu thủ nước ngoài, các cầu thủ Trung Quốc không có nhiều cơ hội ra sân và do vậy tôi gặp khó khăn khi triệu tập họ lên tuyển".

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 9.

Ngoại binh sống như vua khiến các cầu thủ Trung Quốc lười biếng luyện tập (Ảnh: Sina)

Bệnh thành tích khiến các đội bóng trọng dụng ngoại binh, các cầu thủ bản địa, đặc biệt là các tài năng trẻ không có chỗ đứng. Đỉnh cao của sự lạm dụng đó là việc các cầu thủ trẻ Trung Quốc được tung vào sân vài phút hoặc thậm chí là vài chục giây để lách luật rồi bị thay ra. Những cầu thủ Trung Quốc dần chẳng biết đá bóng như thế nào nếu không có những ngôi sao ngoại quốc bên cạnh. Còn những cầu thủ trẻ chẳng bao giờ được khai phá tiềm năng, mãi mãi chẳng thể lớn.

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 10.

Hệ lụy kéo theo là một đội tuyển Trung Quốc già nua theo năm tháng, một đội tuyển Trung Quốc không có những tài năng trẻ. Đội hình đá chính thường xuyên của đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022 có độ tuổi trung bình là 30,4. 

Còn trong danh sách triệu tập của họ, chỉ có một cầu thủ duy nhất thuộc lứa U23 (Quách Điền Vũ, 22 tuổi), dưới lứa U23 hoàn toàn vắng bóng.Điều này có nghĩa đội tuyển quốc gia của họ không hề có lứa kế cận và hiện tại cũng đang sống dựa vào hơi thở của những ngoại binh.

Trung Quốc là một quốc gia chưa từng nổi tiếng về tình yêu của người dân đối với bóng đá. Trước khi có "Chương trình Cải cách và Phát triển Bóng đá Trung Quốc" do Chủ tịch Tập đề ra, bóng đá dường như chưa từng được coi trọng. 

"Sự thiếu tự do khiến lũ trẻ sống kỷ luật nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", đó là những lời mà HLV Ibon Labaien- một trong những HLV được đưa về từ Tây Ban Nha nói với SCMP.

Bên cạnh đó chính sách một con của người Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng rất nhiều tới bóng đá. Những đứa trẻ chỉ có một mình sẽ phải tự lập và chúng cũng hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ. 

Điều này dẫn tới thiếu tinh thần đồng đội trong những tài năng trẻ bóng đá Trung Quốc. "Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ ở đây không ăn mừng bàn thắng. Họ quay lưng lại và tiếp tục chơi như không có gì xảy ra. Chúng tôi phải ép họ ôm lấy nhau sau một chiến thắng, nhưng họ cảm thấy lúng túng và không thực hiện một cách tự nhiên", đó là lời của Manu Merino - cũng là một trong những HLV người Tây Ban Nha tại Học viện Bóng đá Evergrande.


Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 11.

Cúp nhà vô địch World Cup được xây ngay ở cổng Học viện Evergrande đã nói lên sứ mệnh quan trọng của học viện này. (Ảnh: Mirror)

"Những đứa trẻ ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi bắt đầu chơi bóng ngay khi chúng biết đi. Sau đó, chúng thi đấu với bạn bè ở bất cứ nơi đâu, có rất nhiều câu lạc bộ để tham gia và tập luyện, cũng như những giải đấu để thử sức. Đó là lợi thế lớn trước Trung Quốc, nơi hầu như không có sân bóng và chỉ có vài câu lạc bộ", HLV Merino cho biết. Chúng ta cũng thấy rằng những ngôi sao hàng đầu thế giới như Messi, Ronaldo hay Neymar,… đã dành tuổi thơ của mình chơi bóng đá tự do trên đường phố rồi mới vào các học viện để phát triển. 

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 11.

Những đứa trẻ cần phải học cách yêu thích bóng đá, chú trọng làm chủ trái bóng, kiểm soát bóng, kỹ thuật cá nhân trước, rồi ở độ tuổi lớn hơn mới vào học viện để rèn lại những kỹ năng chuyên môn theo chuẩn cũng như kỹ năng phối hợp đồng đội, chiến thuật. 

Tom Byer, một chuyên gia bóng đá nổi tiếng cũngtừng nói trên tờ AFP rằng, việc nhồi nhét những đứa trẻ vào học viện ở độ tuổi còn rất nhỏ là sai lầm. Có lẽ đó là câu trả lời chính xác với những lời mà chuyên gia đào tạo Mikel Lasa ở Học viện Bóng đá Evergrande từng nói: "Các cầu thủ thiếu kỹ năng và hiểu biết về cuộc chơi. Tôi phải dạy lại các bước căn bản, thậm chí với những người đã thi đấu chuyên nghiệp".

Hệ quả chung cho việc "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc là mang lại sự ảo tưởng to lớn về trình độ của mình. Một hệ thống đào tạo trẻ thất bại, một đội tuyển quốc gia già nua không có lứa kế cận, sống phụ thuộc vào những ngoại binh.

Thậm chí ngôi sao số một Wu Lei của Trung Quốc cũng đang trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn tại Tây Ban Nha. Tiền đạo sinh năm 1991 đang thi đấu cho Espanyol thường xuyên phải ngồi dự bị và không có cơ hội ra sân thi đấu.

Trong trận đấu diễn ra hôm 31/12 với Valencia, khi cần tung thêm tiền đạo vào sân để tìm kiếm bàn thắng, HLV Vicente Moreno quyết định tung vào sân tài năng trẻ của đội B là Jofre Carreras (2001) chứ không phải tiền đạo người Trung Quốc.

Mới đây, tờ QQ Sports (Trung Quốc) đã có bài viết đề cập đến những vấn đề hiện tại của bóng đá Trung Quốc nói chung và của tiền đạo Wu Lei nói riêng cùng dòng tiêu đề "Giống như Wu Lei, bóng đá Trung Quốc tưởng như mình đang ở trên cao. Nhưng thực chất, họ không biết rằng đó chỉ là ảo ảnh"

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 12.

Sau chức vô địch AFC Champions League năm 2015 của Guangzhou Evergrande, các CLB Trung Quốc dần không chiếm ưu thế tại sân chơi này. Trong 2 năm trở lại đây, các CLB Trung Quốc không thể tiến sâu, thậm chí là ngay mùa giải vừa rồi, không đội bóng nào của Trung Quốc góp mặt ở vòng đấu trực tiếp.

Thành tích đội tuyển quốc gia Trung Quốc còn tệ hơn rất nhiều. Vòng loại World Cup khu vực châu Á 2018, họ dừng chân tại vòng loại thứ ba với vị trí thứ 5 trên BXH. Còn gần nhất tại vòng loại World Cup 2022 đang diễn ra, ĐT Trung Quốc cũng đang xếp vị trí thứ 5 với chỉ 1 chiến thắng.


Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 13.

Đội tuyển Trung Quốc gây thất vọng tại vòng loại World Cup 2022 dù có tới 4 cầu thủ nhập tịch (Ảnh: APF).

Đổ rất nhiều tiền nhưng thành tích vẫn lẹt đẹt, liệu rằng bóng đá Trung Quốc sẽ ra sao khi hàng loạt những ông lớn lần lượt gặp khó khăn về kinh tế bởi vấn đề Covid-19. Giờ đây hàng loạt những ngôi sao đang tìm cách "tẩu thoát" khỏi Chinese Super League. Những tiền đạo nhập tịch của họ cũng bỏ ngỏ khả năng tham dự 2 trận đấu kế tiếp tại vòng loại World Cup 2022 với ĐT Việt Nam do CLB chủ quản không thể tiếp tục trả lương cho họ.

Cùng với việc lại một lần nữa ĐT Trung Quốc thay đổi HLV, nhiều người tự đặt ra câu hỏi liệu bóng đá Trung Quốc sẽ tiếp tục ra sao tại vòng loại World Cup hay xa hơn là giấc mơ vươn tầm đẳng cấp thế giới của họ?

Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 14.

Bài học nhãn tiền cho tất cả các nước về sự phát triển của một nền bóng đá rằng: đẳng cấp thực sự không dành cho những nền bóng đá "ăn sổi". Muốn thành công phải đi từ phần gốc tới phần ngọn.

Ở những nền bóng đá phát triển hàng đầu, họ không có nền kinh tế lớn mạnh bằng Trung Quốc, càng không có dân số khổng lồ. Điển hình như tại Brazil- quốc gia đang có nhiều lần đăng quang lại World Cup nhất, nơi mà người ta coi bóng đá như một tôn giáo hay một đất nước nhỏ bé như Croatia với vỏn vẹn hơn 4 triệu dân từng vào với chung kết World Cup 2018. 


Tham vọng vươn tầm thế giới bằng cách "ăn xổi" của bóng đá Trung Quốc - Ảnh 15.

ĐT Croatia viết lên kì tích huy hoàng giành Huy chương Bạc World Cup 2018 dù chỉ có vỏn vẹn hơn 4 triệu dân (Ảnh: FIFA).

Ở những nền bóng đá phát triển, niềm đam mê của người dân luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải tiền bạc. Và một nền bóng đá phát triển cần phải có một quy trình khoa học, đi từng bước, phát triển qua từng thời kì chứ không "dục tốc bất đạt", dùng tiền giải quyết mọi vấn đề như ở Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem