Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nước Mỹ từ ngày 11/9/2001 không còn an toàn nữa!

Tròn 20 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 ở Mỹ, chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, PGS.TS.Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an nhấn mạnh, đó là lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công vào trung tâm lãnh thổ Mỹ. Nước Mỹ từ ngày 11/9/2001 đã không còn an toàn nữa!

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nước Mỹ từ ngày 11/9/2001 không còn an toàn nữa! - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh IT.

- Hôm nay đúng tròn 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 chấn động toàn cầu, ông còn nhớ những gì về thời khắc kinh hoàng đó? Lúc đó ông đang công tác ở Bộ Công An, hẳn trước những sự kiện như vậy, ông cũng trở nên đặc biệt nhạy bén hơn so với người bình thường?

img
img
img

Khoảnh khắc không tặc lái máy bay đâm thẳng vào tòa tháp đôi thuộc tổ hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001. Ảnh Time/AP.

Đúng rồi. Sự kiện 11/9/2001 đã đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công vào trung tâm của lãnh thổ Mỹ kể từ khi thành lập vào năm 1776. Trong suốt 225 năm kể từ khi thành lập (1776) cho đến năm 2001, nước Mỹ trên thực tế chưa bao giờ hứng chịu một cuộc chiến tranh nào với nước ngoài hay một cuộc tấn công nào từ bên ngoài vào lãnh thổ Mỹ.

Khoảnh khắc tòa tháp Bắc ở tổ hợp Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy và sụp đổ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Nguồn Youtube.

Nước Mỹ chỉ từng xảy ra cuộc nội chiến 1861–1865 mà thôi. Ngay cả cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico trước đó (1846-1848) cũng không diễn ra trên lãnh thổ của Mỹ mà toàn bộ diễn ra trên đất Mexico.

Điều mà Mỹ tự hào nhất trong cả trăm năm qua là sức mạnh kinh tế và quân sự, thì những kẻ khủng bố đã đánh thẳng vào tòa tháp đôi, Lầu Năm Góc.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ 2, không một quả bom, một viên đạn nào rơi vào lãnh thổ Mỹ.

Ngày 7/12/1941, Hải quân Nhật tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng (Hawaii) khiến hàng nghìn binh lính Mỹ thương vong. Nhưng Trân Châu Cảng - Hawaii nằm ở đâu? Ở ngoài rìa lãnh thổ Mỹ trên Thái Bình Dương.

Cho nên, có thể nói, vụ khủng bố 11/9/2001 là lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công tại trung tâm của lãnh thổ Mỹ, mà lại tấn công ngay vào tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) – biểu tượng cho sức mạnh kinh tế toàn cầu của Mỹ và Lầu Năm Góc - biểu tượng cho sức mạnh quân sự số 1 thế giới của nước này.

Điều mà Mỹ tự hào nhất trong cả trăm năm qua là sức mạnh kinh tế và quân sự, thì những kẻ khủng bố đã đánh thẳng vào tòa tháp đôi, Lầu Năm Góc.

img
img

Hình ảnh tòa tháp đôi sụp đổ và Lầu Năm Góc bị hỏa hoạn sau vụ tấn công 11/9. Ảnh Time/AP.

Đây là một sự kiện kinh hoàng mà khi đó tôi nghĩ ngay rằng, nước Mỹ từ ngày 11/9/2001 không còn an toàn nữa. Người dân Mỹ bắt đầu hoảng hốt, mất phương hướng, lo lắng cho sự an nguy của họ. Đó là cảm giác đầu tiên của tôi cách đây 20 năm thời điểm vụ khủng bố 11/9 diễn ra.

- Làm thế nào một kiểu khủng bố tinh vi, hoàn hảo như vậy lại có thể xảy ra tại Mỹ - một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới thưa ông? Điều gì đã khiến tình báo Mỹ thất bại để theo dõi những kẻ khủng bố và dự báo trước thảm kịch 11/9?

img
img
img
img

Vụ khủng bố 11/9 là nỗi đau khôn nguôi đối với nước Mỹ. Ảnh AP/Time.

Phải thừa nhận rằng, CIA (Cục Tình báo Trung ương) và DIA (Cục Tình báo Quốc phòng) là những lực lượng tình báo được đào tạo rất tốt, rất tinh nhuệ chứ không hề kém cỏi của Mỹ . Hơn nữa, mạng lưới tình báo của họ cũng phủ khắp toàn cầu. Nhưng trong vụ khủng bố 11/9 thì đúng là thất bại đầu tiên thuộc về CIA và DIA. Bởi họ đã không thể cảnh báo và ngăn chặn trước được thảm kịch này. Điều đó phản ánh có sự chủ quan và một lỗ hổng lớn trong mạng lưới tình báo của Mỹ.

Chính Mỹ đã đào tạo những kẻ không tặc lái máy bay

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Vụ tấn công 11/9 cũng cho thấy rằng, al-Qaeda đã đào tạo lực lượng thánh chiến rất bài bản, cài cắm khắp nơi kể cả Mỹ và chuẩn bị cho cuộc tấn công vô cùng kỹ lưỡng. Trước năm 2001, các thành viên al Qaeda đã có mặt ở Mỹ rồi, và chính Mỹ đã đào tạo những kẻ không tặc lái máy bay nhưng CIA và DIA đã không hề nhận ra nguy cơ từ những kẻ này. Cũng phải thừa nhận rằng, những kẻ khủng bố đã ẩn thân và ngụy trang rất tinh vi để qua mặt các lực lượng tình báo của Mỹ.

- Vì sao những chiếc máy bay bị không tặc cướp, đặc biệt là chiếc máy bay đâm vào Lầu Năm Góc lại không bị phát hiện và bị vô hiệu hóa trước khi chúng đâm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ thưa ông?

img
img
img

Đống đổ nát tan hoang sau khi tòa tháp đôi đổ sập. Ảnh Time/AP.

Đúng là chỗ này cũng gây bất ngờ và băn khoăn đối với nhiều người. Bởi nhiều người tin rằng, hệ thống radar và cảnh báo sớm của Mỹ rất hiện đại và tinh vi "một con ruồi bay qua cũng biết". Nhưng thực ra không phải như vậy. 

Mọi hệ thống radar và cảnh báo sớm dù tối tân đến mức nào cũng có lỗ hổng

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Điều này phản ánh một điều như thế này: Al-Qaeda đã chuẩn bị cho cuộc tấn công vào nước Mỹ từ lâu và rất kỹ càng. Họ có đội ngũ các chiến binh thánh chiến biết lái máy bay Mỹ thành thạo, được đào tạo ngay trên đất Mỹ.

img
img

Khoảnh khắc máy bay bị không tặc cướp lao thẳng vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ. Ảnh AP.

Ngoài ra, mọi hệ thống radar và cảnh báo sớm dù tối tân đến mức nào cũng có lỗ hổng nhưng đôi khi lại được cường điệu hóa lên mức "bất khả xâm phạm". Điều đó là không đúng. Ngay cả Liên Xô cũng từng xảy ra vụ một thanh niên Đức lái máy bay "xuyên thủng" hệ thống phòng không của nước này để hạ cánh xuống quảng trường Đỏ năm 1987. Nói như vậy để thấy rằng, bản thân công nghệ dù tối tân đến đâu cũng có điểm yếu hay góc chết, chỉ cần nắm được nó là sẽ lợi dụng được.

Ngoài ra, việc bắn hạ một chiếc máy bay chở khách cũng không hề đơn giản, cần có thời gian tối thiểu để tính toán kỹ nhằm không gây thiệt hại dân sự. Ở đây có thể không phải là họ không phát hiện ra, mà khi phát hiện được thì đã quá muộn, không kịp điều động tiêm kích lên đánh chặn, cũng không kịp phóng tên lửa bắn hạ.

img
img

Những nạn nhân đầu tiên được cứu khỏi đống đổ nát sau khi tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh AP.

- Sau vụ tấn công 11/9/2001, Mỹ đã tuyên chiến chống khủng bố trên toàn cầu, xâm lược Afghanistan và Iraq với lý do tiêu diệt khủng bố và những kẻ tài trợ cho khủng bố, nhưng sau cùng, họ thất bại và vẫn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố cao, vì sao vậy thưa ông?

Sau vụ tấn công 11/9/2001, chính quyền Bush đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu - phải khẳng định đó là điều tốt và cần thiết. Nhưng lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để thực hiện ý đồ địa chính trị của mình nhằm khống chế một vùng rộng lớn ở Trung Đông, chuyện đó lại là sai lầm.

Mỹ rõ ràng đã mang danh nghĩa chống khủng bố để có cớ tiến hành các cuộc xâm lược và lật đổ các chính phủ hợp pháp ở Iraq và Libya.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Đầu tiên Mỹ xâm lược Afghanistan vào năm 2001. Sau đó, Mỹ tiếp tục tấn công Iraq năm 2003, lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Saddam Hussein và đến năm 2011, lại dùng lực lượng NATO để lật đổ Tổng thống Libya Gaddafi và chính phủ hợp pháp của ông này bất chấp luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ở đây, Mỹ rõ ràng đã mang danh nghĩa chống khủng bố để có cớ tiến hành các cuộc xâm lược và lật đổ các chính phủ hợp pháp ở Iraq và Libya,vốn là những quốc gia có chủ quyền, với ý đồ phục vụ cho lợi ích riêng của Mỹ, vi phạm luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc.

Những hành động phi pháp đó của Mỹ đã làm đảo lộn toàn bộ trật tự ở Trung Đông. Và điều chúng ta đã thấy là, sau khi chính quyền Saddam Hussein và Gaddafi sụp đổ, Iraq và Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn, đổ máu, từ đó trở thành nơi ẩn náu và hoạt động của các nhóm khủng bố khét tiếng như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đặc biệt là IS – nhóm khủng bố phát triển mạnh mẽ sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ rồi bành trướng ra toàn bộ Trung Đông lẫn Bắc Phi. IS đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào châu Âu trong những năm qua. Có thể nói thất bại của Mỹ đã bắt đầu từ chỗ này. Mỹ chẳng những không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố, mà ngày nay vẫn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố dai dẳng.

- Hôm 4/9, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cho giải mật các cuộc điều tra về vụ khủng bố 11/9. Vậy các gia đình nạn nhân có thể trông đợi điều gì ở lần giải mật này? Theo ông, liệu những mong đợi đó có được đáp ứng?

img
img
img

Gia đình các nạn nhân đang rất trông đợi vào việc giải mật các cuộc điều tra về vụ khủng bố 11/9. Ảnh AP/Reuters.

Thực ra, cũng không phải chính quyền Joe Biden thông qua chuyện giải mật các cuộc điều tra về vụ khủng bố 11/9 để hỗ trợ gia đình các nạn nhân đâu. Mục đích chính của chuyện giải mật này là nhằm nói với người Mỹ lẫn cộng đồng thế giới rằng, tội ác đó là như vậy và chính nước Mỹ đã phải chịu đau đớn, tổn thất lớn nhất kể từ năm 1776 đến nay. Thực chất là trấn an dư luận trong nước và ngoài nước, đặc biệt là sau vụ rút quân hỗn loạn của Mỹ ở Afghanistan gần đây. Nhìn chung, lần giải mật này mục đích tuyên truyền là chính nhằm để tranh thủ sự đồng cảm của dư luận giữa lúc chính quyền Joe Biden đang bị dư luận chỉ trích mà thôi.

- Sau vụ khủng bố 11/9, giờ đây, theo ông nước Mỹ có thể đảm bảo rằng, thảm kịch 11/9 sẽ không bao giờ lặp lại?

Điều này thì không ai dám chắc cả. Đặc biệt là khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan. Al-Qaeda và IS vẫn chưa bị tiêu diệt. Thậm chí, ngay trước thềm kỷ niệm vụ 11/9, nhóm khủng bố ISIS-K (Nhà nước Hồi giáo Khorasan) đã thực hiện vụ tấn công tự sát vào sân bay Kabul hôm 26/8 giết chết khoảng 200 người trong đó có 13 lính Mỹ.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Phương Dung thực hiện

Vụ khủng bố 11/9/2001 đã làm gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương và gây thiệt hại 3,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đẫm máu này.

Sự kiện 11/9 bắt đầu vào 8h46 phút giờ địa phương, chiếc máy bay số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào khu vực tầng 93 đến 99 của tòa tháp phía bắc trong tổ hợp Trung tâm thương mại thế giới ở New York. 17 phút sau, chiếc máy bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tòa tháp phía nam và cảnh tượng này được truyền hình trực tiếp.

Lúc 9h37 phút, chiếc máy bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines lao vào Lầu Năm Góc. Chiếc máy bay thứ 4 mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng ở gần thị trấn Stonycreek, bang Pennsylvania lúc 10h03 phút sáng cùng ngày.

Những ký ức về ngày 11/9/2001 luôn chứa đầy ám ảnh và nỗi đau đối với người Mỹ. Đây cũng là sự kiện thay đổi mãi mãi nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem