Bánh xoài Cam Lâm giờ đã vươn xa ra các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Đăk Lăk. Người dân Cam Lâm rất tự hào về nghề làm bánh xoài của vùng đất này. Bánh xoài có vị ngọt độc đáo, hương vị vừa chua chua ngọt ngọt và có mùi thơm đặc trưng riêng biệt. Bánh xoài được phơi, đóng gói rất cẩn thận và sử dụng được trong thời gian lâu dài.
Bánh xoài được phơi rất cẩn thận.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Cam Hải Tây, Cam Lâm) - một người có thâm niên chế biến bánh xoài cho biết, những quả xoài canh nông (người địa phương hay gọi xoài tây) lúc chín bán giá rất thấp, chỉ ở mức dao động từ 1.000 – 3.000 đồng/kg; mùa chín rộ thì phụ thuộc thương lái, nếu họ không đến mua thì chỉ đem bỏ đi.
“Cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh ấy, người dân thu gom những quả xoài chín đem rửa sạch, lột vỏ, xoay nhuyễn và dần dần hình thành cách làm món bánh xoài. Sau đó bánh xoài được phơi khô, đóng gói và làm quà biếu cho người thân ở trên Đăk Lăk. Nhiều người thấy món bánh xoài ngon nên đã mách bảo chị Ngọc cần làm nhiều để bán cho các thương lái.
Sau khi cung cấp thành công cho thị trường Đăk Lăk, chị Ngọc tiếp tục mở rộng cung cấp cho thị trường Ninh Thuận và Bình Thuận. Món bánh xoài mang hương vị quê hương Cam Lâm giờ đã rất nổi tiếng với những người dân của các tỉnh này.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Ngọc, cứ 20kg quả xoài chín sau khi chế biến còn lại 1kg bánh xoài, giá bán từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày chị làm trên 20kg bánh xoài, thu nhập trên 800.000 đồng/ngày, trừ chi phí lãi gần 200.000 đồng/ngày.
Theo kinh nghiệm của chị Ngọc, bánh xoài thường làm vào mùa nắng sẽ nhanh khô hơn, tốt nhất từ tháng Một đến tháng Sáu âm lịch, còn mùa mưa không thể làm được.
Nhiều năm trước đây với người dân Cam Lâm có ai ngờ, món bánh xoài không những giúp cho hàng chục nông dân có thêm thu nhập, mà còn mang cảm giác mới lạ hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.