Thứ trái cây "tiến vua" sắp vào mùa, tỉnh Hải Dương bàn cách bán đi Âu - Mỹ
Vải thiều là 1 trong 8 nông sản chủ lực của Hải Dương
Tỉnh Hải Dương có diện tích trồng cây ăn quả, rau củ lớn, với tổng diện tích 64.000ha, trong đó diện tích cây ăn quả duy trì trên 22.000 ha, diện tích rau củ có khoảng 42.000ha. Tổng sản lượng rau củ và cây ăn quả toàn tỉnh đạt 1,1 triệu tấn/năm, trong đó riêng cây ăn quả đạt 300.000 tấn/năm; rau, củ đạt 800.000 tấn/năm.
Riêng vải thiều là 1 trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương được sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc theo quy trình VietGAP, Global GAP đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Toàn tỉnh Hải Dương có diện tích vải có 8.850 ha, trong đó diện tích vải sớm có 2.750 ha, vải thiều chính vụ có 6.100 ha. Hằng năm, sản lượng vải toàn tỉnh duy trì khoảng 55.000 – 60.000 tấn.
Riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều, trong đó có 1.950 ha vải sớm. Các diện tích vải của Thanh Hà có hơn 720 ha vải được cấp 167 mã vùng trồng, trong đó 48 mã xuất sang Trung Quốc, 34 mã xuất sang Nhật Bản, 38 mã xuất sang Mỹ, 39 mã xuất sang Úc, 8 mã xuất sang Thái Lan.
Những năm qua, vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước, trong đó lượng cung ứng ra các tỉnh, thành phố lớn trong nước, bình quân khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, vải thiều Thanh Hà còn được đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường lớn, cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Bỉ, Hà Lan, Séc, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc khu vực Trung Đông, ASEAN.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có vải thiều, cà rốt.
Liên tục trong 3 năm từ 2021 – 2023, UBND tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng.
Bà Phượng cũng đánh giá, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo hiệu ứng lớn trong nước và quốc tế, với sự kết nối, tham gia của gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài tại 18 quốc gia và khu vực trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với mùa vải thiều năm 2024, do yếu tố thời tiết nên sản lượng vải thiều trong tỉnh nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng giảm đáng kể. Toàn tỉnh ước đạt 40.000 - 45.000 tấn, trong đó, sản lượng vải thiều Thanh Hà ước chỉ đạt hơn 20.000 tấn.
Giải pháp để tiêu thụ vải thiều Thanh Hà
Bà Vũ Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; xây dựng mối liên kết gắn bó với doanh nghiệp.
Theo đó, phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa tập trung phải ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp liên hệ, củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài; từng bước tạo lập mối quan hệ gắn bó lâu dài với các khách hàng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; hỗ trợ phát triển hệ thống các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có năng lực phải uy tín; tăng cường quản lý, định hướng hỗ trợ; tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.
Hải Dương còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Chủ động phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước để cập nhật thông tin giá cả, tình hình thị trường trong nước và quốc tế; đưa thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã một cách nhanh chóng, chính xác, thông suốt; qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện cho việc lưu thông vải thiều và hàng nông sản của tỉnh.
Tổ chức tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu để cung cấp cho doanh nghiệp trong tỉnh. Trên cơ sở đó phải định hướng sản xuất, bảo quản, chế biến vải thiều và nông sản một cách hợp lý, từng bước phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vải thiều và nông sản của tỉnh trên các tờ rơi, tờ gấp, catalogues, đĩa DVD, báo, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Mặt khác, Hải Dương còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm; hội nghị kết nối giao thương; nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế. Thường xuyên tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản nói chung, vải quả nói riêng tại các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh có cửa khẩu.
Hải Dương cũng chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin sản xuất, tiêu thụ nông sản và được cập nhật trên website của ngành công thương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương trong tỉnh. Thường xuyên cập nhật, dự báo thông tin thị trường, tình hình xuất nhập khẩu; các rào cản kỹ thuật vây các nhà nhập khẩu, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh. Hỗ trợ khách hàng trong và ngoài nước tìm hiểu về thị trường và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin, thời gian qua, Bộ Công Thương rất quan tâm và sát sao chỉ đạo các cơ quan tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tham gia sâu rộng vào hoạt động ngoại thương cho các địa phương nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng. Đó là cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu; tổ chức kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
"Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ Hải Dương phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương", ông Tài cho hay.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong nước, các thương vụ tại nước ngoài đã có nhiều ý kiên đóng góp để vải thiều Hải Dương nói chung, vải thiều Thanh Hà nói riêng, cùng các sản phẩm nông sản khác tìm hướng tiêu thụ đạt kết quả cao.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ tại Houston (Mỹ) cho biết, vải thiều Hải Dương nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng là sản phẩm được đánh gia là sản phẩm chất lượng, có giá trị cao khi tiêu thụ vào thị trường Mỹ.
Ông Quyền cũng đề nghị, Sở Công Thương Hải Dương, huyện Thanh Hà cần quan tâm đến chất lượng quả vải, xây dựng mã vùng trồng, công tác bảo quản, bảo vệ an toàn thực phẩm.
"Khi nhập khẩu vào Mỹ cần phải tìm các doanh nghiệp uy tín, có điều kiện về hệ thống phân phối, kênh bán hàng trực tuyến lớn và có kho bảo quản", ông Quyền cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.