9h sáng, mới có tiểu thương đến mở sạp. 15h, đã có người lục đục dọn hàng, chuẩn bị kéo cửa, ra về. Thậm chí, nhóm mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, bột ngọt những tưởng ít khi vắng khách nhưng tiểu thương cũng phải đóng quầy, nghỉ sớm trước 17h.

Đây là cảnh tượng hết sức quen thuộc đến mức chạnh lòng tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Tân Định, Đa Kao, Bến Thành (quận 1), chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Bình Thới (quận 11), chợ An Đông (quận 5)...

Dù các hoạt động kinh tế tại TP.HCM đang dần phục hồi nhưng tiểu thương chưa thấy tín hiệu gì cho thấy chợ truyền thống đang dần hồi sinh.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 1.

Đúng 16h, bà Hồ Thị Bình (60 tuổi) đã cùng chồng lục đục dọn sạp quần áo, căng màn chuẩn bị đi về. Là một trong những người kinh doanh lâu năm nhất tại chợ Bà Chiểu, bà Bình cho biết chưa bao giờ thấy tình hình buôn bán ế ẩm như những ngày qua, thậm chí so với giai hồi Covid-19 mới bùng phát. Có khi hai vợ chồng ngồi cả tuần cũng không có được một người khách, không bán được một bộ đồ.

"Hỏi bán buôn thế này tôi buồn không, buồn chứ. Tôi đã bỏ vốn ra đây thì phải theo, chứ hai vợ chồng đều lớn tuổi, trình độ không có, bây giờ làm mướn, làm osin thì người ta cũng chê buộc phải ra ngoài này ngồi bán. Biết là ế nhưng vốn tôi đều để hết ở đây, nếu không ra, thật sự không biết lấy gì sống", bà Bình nói với Dân Việt.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 2.

Bà Hồ Thị Bình - tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) trải lòng: Nếu không ra chợ, thật sự không biết lấy gì sống. Ảnh: Hồng Phúc

Chợ Bà Chiểu sau Tết buồn hiu. Tại nhà lồng, đi lên khu vực lầu bán các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, chỉ có tiểu thương ngồi với nhau. Các lối đi không một bóng khách. Hiếm lắm mới thấy một khách quen của một gian hàng lâu lâu ghé lại mua ít quần áo.

Những tiểu thương kinh doanh lâu đời nhất tại chợ Bà Chiểu có lẽ không bao giờ có thể hình dung được một trong những ngôi chợ lớn nhất và nổi tiếng là sầm uất bậc nhất TP.HCM lại phải trải qua những ngày như thế này.

Bà Lê Thị Kim Dung - chủ sạp Phương Dung, chạnh lòng khi nhớ lại những ngày tháng huy hoàng của chợ Bà Chiểu. Đầu những năm 2010, chợ tấp nập, tiểu thương phải lấy hàng liên tục mới đủ cung cấp cho khách lẻ và khách sỉ. Sức sống tại chợ truyền thống tiếp tục duy trì được khoảng 5 năm. Đến giai đoạn 2016-2018, sức mua tại chợ mới bắt đầu hạ nhiệt.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 3.

Tiểu thương các chợ truyền thống ở TP.HCM buồn hiu, ngồi đợi khách. Ảnh: Hồng Phúc

Năm 2019, dịch Covid-19 trên thế giới xuất hiện, chợ vắng dần và trải qua nhiều lần giãn cách xã hội cũng như nỗi lo dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến chợ vắng thê thảm. Tiểu thương chợ Bà Chiểu bảo nhau giai đoạn này, sức mua của chợ "đi luôn, chưa có dấu hiệu gì hồi phục".

"Tôi cũng thuộc nhóm những người đầu tiên bán ở chợ Bà Chiểu. Kinh doanh khó khăn, chúng tôi phải ăn uống hà tiện, hà tặn lại, rút bớt chi phí chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Tình hình chung thì người nào cũng vậy, đều phải ăn uống dè xẻn lại, không thể thoải mái như xưa", bà Dung trải lòng.

Các tiểu thương hiểu nỗi khó khăn của người dân, khách hàng hiện nay và nỗi khó khăn đó tác động trực tiếp đến sức mua hiện nay, khiến chợ đìu hiu, ngay chính tiểu thương cũng dè sẻn, mang theo cơm ăn trưa để tiết kiệm.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 4.

Không chỉ nhóm hàng may mặc, quần áo, mà tiểu thương nhóm hàng thiết yếu những ngày qua cũng đang méo mặt vì giá cả một loạt mặt hàng leo thang, khiến sức mua yếu, buộc họ phải đóng cửa sớm.

Chị Cẩm Tú - tiểu thương sạp 11 chợ Bà Chiểu, chuyên bán hàng thiết yếu cho biết trước đây, mở bán từ 6h sáng và phải đến qua giờ tan tầm mới đóng sạp nhưng hiện phải nghỉ sớm vì không có khách mua. Chợ đã vắng, giá xăng tăng, khiến một loạt mặt hàng đang kinh doanh có xu hướng tăng giá càng khiến chị đau đầu hơn.

"Bây giờ giá xăng tăng, hàng hóa các công ty đều báo lên hết, mà có khi sáng báo một giá chiều một giá, tôi chưa kịp chốt mua thì giá đã tăng. Với tình hình này, giá cả các mặt hàng sẽ còn tăng tiếp, chợ ế tiếp", chị rầu rĩ.

img
img
img

Quầy sạp tại chợ Bến Thành, Bà Chiểu, An Đông... đóng hàng loạt, nhiều nơi treo biển cho thuê, sang sạp cả 2 năm qua cũng không thấy ai gọi. Ảnh: Hồng Phúc

Chính tình hình kinh doanh ngày càng ế ẩm khiến nhiều tiểu thương không muốn ra chợ. Do đó, tình trạng bỏ sạp, sang lại sạp ngày càng nhiều. Dù vậy, tỷ lệ người thuê lại sạp trong thời điểm này gần như là con số 0.

Chợ Bến Thành đang là một trong những chợ tiểu thương đóng sạp, chưa trở lại kinh doanh nhiều nhất. Tại chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ An Đông… nhiều sạp dán thông báo cho thuê, sang lại sạp cả hai năm qua cũng chưa có chủ mới.

"Bản thân mình bán không được thì mới sang. Mà mình bán không được thì ai lại dám nhào vô lúc này nữa nên sang cũng khó mà không sang cũng khó", chị Thanh Loan, tiểu thương chợ Bến Thành lý giải.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 6.

Đại diện Ban quản lý chợ Bàn Cờ (quận 3) cho biết, chợ có 174 ki-ốt cố định và khoảng 290 vị trí kinh doanh trước nhà dân. Trong số 174 ki-ốt, khoảng 70% tiểu thương kinh doanh trở lại sau dịch, còn 30% vẫn tiếp tục đóng quầy.

"Nguyên nhân nhiều tiểu thương chưa trở lại chợ phần lớn vẫn còn e ngại dịch ảnh hưởng đến việc bán buôn. Thực tế mãi lực chợ đang giảm rất sâu, hiện chỉ còn khoảng 30% nên nhiều thương nhân vẫn chưa trở lại chợ", đại diện Ban quản lý chợ Bàn Cờ cho hay.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 7.

Trước tình cảnh ế ẩm, tiểu thương chợ kiến nghị được giảm thuế, phí trong năm 2022. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Ban quản lý chợ An Đông 1 (quận 5), cho biết chợ này đang có khoảng 800/2.000 sạp tạm ngưng kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình kinh doanh tại chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) sau Tết rất hẩm hiu. Số lượng tiểu thương ngưng kinh doanh ngày càng nhiều. Chợ có tổng cộng 515 sạp. Trước Tết, khoảng 40% số lượng sạp ngưng kinh doanh, nay đã tăng lên khoảng 50%. 

"Chúng tôi đã liên tục gọi điện mời tiểu thương quay trở lại kinh doanh nhưng bà con cho rằng do bên ngoài bán tự phát quá nhiều trong khi họ kinh doanh trong chợ phải đóng đủ thứ thuế, phí nên không cạnh tranh lại. Nhiều tiểu thương nợ tiền thuế từ tháng 10/2021 đến nay nhưng ban quản lý vẫn chưa thu được do tiểu thương ngưng kinh doanh không có thu nhập", bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Trưởng Ban quản lý chợ Bàu Cát, nói.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, tiểu thương nhiều chợ truyền thống đều cho biết điều họ mong muốn nhất lúc này là làm thế nào để sức mua tại chợ tăng dần trở lại. Tuy nhiên, trước mắt, các tiểu thương kỳ vọng sẽ được giảm các loại thuế phí trong năm 2022 để tiết giảm một phần chi phí giữa lúc chợ "vắng tanh như chùa Bà  Đanh".

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 8.

Trong khi ngành hàng thời trang không có khách thì tiểu thương hàng thiết yếu gặp khó khi giá cả thời gian qua liên tục tăng, sức mua bị ảnh hưởng. Ảnh: Hồng Phúc

Chị Huỳnh Thị Lệ Thu - tiểu thương sạp 1444, chợ Bà Chiểu cho biết năm 2021, các tiểu thương được hỗ trợ giảm thuế 6 tháng cuối năm. Dù mức giảm không nhiều nhưng bà cho rằng đây là chính sách hợp lý, khích lệ tinh thần cho tiểu thương bám chợ. Sang năm 2022, tiểu thương vẫn gặp khó nhưng hiện chưa nghe tin tức gì về việc có được hỗ trợ tiếp hay không.

"Năm nay, dịch bệnh vẫn còn, kinh tế cũng khó khăn nên người ta ít đi chợ lắm. Nhìn cảnh chợ thế này, tiểu thương rất khó khăn, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được giảm thuế. Trong lúc chợ vắng, không có ai đi, hàng tồn nhiều nhưng vẫn phải đóng đầy đủ thuế phí, càng tạo gánh nặng cho tiểu thương", chị Thu bày tỏ.

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 9.

Bà Đỗ Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, đồng cảm với khó khăn mà tiểu thương các ngành hàng đang đối mặt.

"Một số tiểu thương tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh, một số nghỉ luôn, không có nhu cầu kinh doanh nữa do chợ chưa bán được. Các mặt hàng thiết yếu hiện cũng vắng lắm do thực tế người dân không còn nhiều tiền mua hàng. Một số mặt hàng vải, si, bạc, giày dép đều vắng và thưa khách, nhiều khi cả tuần lễ chưa mở hàng", bà Hòa nói.

Để hỗ trợ tiểu thương, bà Hòa cho biết chợ Bà Chiểu đang là một trong những chợ đầu tiên đang được Sở Công Thương TP.HCM tổ chức thí điểm mô hình "online" chợ truyền thống. 

Tiểu thương chợ buồn thiu: Cả tuần không bán được một đồng, sang sạp cũng chẳng ai dám nhào vô - Ảnh 10.

Nhiều tiểu thương đang kết nối với các nền tảng công nghệ để "online" chợ truyền thống. Ảnh: Hồng Phúc

Ban quản lý chợ Bà Chiểu đã cho tiểu thương đăng ký tham gia đưa gian hàng lên chợ mạng. Một đơn vị công nghệ thông tin lớn đã đến gặp các tiểu thương, lấy thông tin, chụp hình quầy sạp để đưa lên gian hàng trực tuyến. Tiểu thương đưa hàng lên mạng bán giai đoạn này hoàn toàn miễn phí.

"Tiểu thương rất phấn khởi với việc được hỗ trợ đưa hàng lên mạng. Dịch bệnh vẫn căng thẳng, bán hàng qua mạng, đây là cách cho tiểu thương vực dậy, có thêm thu nhập chứ kinh doanh trực tiếp thì rất khó và không thể được như xưa. Nếu suôn sẻ, tiểu thương sẽ có cơ hội bán hàng nhiều hơn, góp phần kéo mãi lực chợ đi lên", bà Hòa nói với Dân Việt.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với sự phát triển của công nghệ, kênh mua sắm tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh của các kênh phân phối khác. 

Dịch bệnh góp phần hình thành xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng. Do đó, Sở cũng tổ chức hướng dẫn tiểu thương thích nghi tình hình mới.

"Sở đang triển khai chợ truyền thống online, hiện có 20 chợ bán hàng theo hình thức này. Nếu chợ truyền thống bán chỉ một buổi thì giờ bán trực tuyến, có thể kinh doanh cả ngày. Chúng tôi cũng tham mưu với TP.HCM nghiên cứu đề án chuyển đổi, xây dựng mô hình chợ truyền thống, chợ đầu mối thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như xu hướng chuyển đổi số", Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ nói.


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem