Trầm trồ con phố có nhiều cổng, đình làng nhất Hà Nội
Con phố cứ đi vài chục mét lại có cổng, đình làng ở Hà Nội
Thứ ba, ngày 30/08/2022 16:55 PM (GMT+7)
Thụy Khuê - con phố có nhiều cổng làng nhất Thủ đô bao đời vẫn còn giữ được nét độc đáo của văn hóa làng quê. Cứ đi vài chục mét, đan xen giữa những căn nhà hiện đại lại điểm vài cổng, đình làng cổ kính.
Video: Trầm trồ con phố nhiều cổng, đình làng nhất Hà Nội.
Đi dọc con đường Thụy Khuê từ dốc Bưởi xuống, những nếp cổng làng dần dần xuất hiện ở bên tay trái. Chiếc cổng đầu tiên xuất hiện là cổng đình làng Yên Thái, nằm ngay ngã tư chợ Bưởi.
Tại đây vẫn thường diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của người dân khu vực.
Gần ngay tiếp đó là cổng Giếng, là một lối vào khác làng Yên Thái. Giếng Yên Thái có nước trong nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao: “Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát/Đường Yên Thái gạch lát dễ đi.”.
Cổng có kết cấu như một gian nhà lớn, hai cánh cổng lim có trụ quay đặt trên lưng hai con “sấu đá”.
Lối đi vào làng Yên Thái vẫn giữ được vẻ cổ kính với đường lát gạch đỏ xếp theo kiểu lá dừa.
Nằm liền kề dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay, theo thứ tự tiếp đó là làng An Thọ. Làng gồm có 3 cổng, cổng đình An Thọ, cổng Hầu và cổng Xanh. Trong ảnh, cổng đình An Thọ bề thế, mang đậm nét rêu phong, cổ kính.
Cổng Hầu cũng là một lối dẫn khác vào làng An Thọ.
Cổng đã được trùng tu vào năm 1998, song vẫn giữ nguyên được cấu trúc cổ với mái ngói ta, câu đối hai bên.
Cổng Xanh ở đầu ngõ 514 Thụy Khuê. Ngày xưa, cổng có chức năng là ngăn chặn sự xâm nhập của giặc cướp, đó là sự ra đời của tên gọi cổng Canh, bây giờ gọi chệch thành cổng Xanh.
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê theo người dân kể xưa còn có 5 bậc lên xuống nhưng theo thời gian đã phá bỏ để thuận tiện đi lại hơn. Cổng với dòng chữ “An Đông chính lộ” còn khá nguyên vẹn khắc ở chính giữa. Cổng mang đặc trưng của làng quê ngày xưa với câu đối hai bên.
Cách đó ngay 20 mét là đình Đông Xã, lối đi vào phía bên trong là chùa Mật Dụng và sân đình. Cổng Đình Đông Xã uy nghi, tráng lệ, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng của người dân khu vực.
Sân đình trước chùa Mật Dụng thu hút trẻ em tới vui chơi.
Làng Hồ Khẩu là làng có nhiều cổng nhất tại đất Kẻ Bưởi, với 3 cổng lớn bề thế, vững chãi. Qua thời gian những cổng phụ của làng Hồ Khẩu đã được xây bằng để dễ dàng cho xe máy đi lại nhưng riêng cổng chính của làng Hồ Khẩu thì vẫn giữ nguyên bậc tam cấp để cho người dân có thể đi bộ mà vẫn giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng.
“Điểm đặc biệt của những cái cổng làng nơi đây là chúng đều mang trong mình nét đặc trưng riêng biệt, không cái nào giống cái nào. Từng cái cổng, mái ngói rêu phong, gạch lát đỏ, bậc tam cấp đều mang những nét văn hóa bản sắc Việt và nét đặc trưng của từng làng từng cổng”, ông Dũng, một “bậc cao niên” gắn bó dưới những nếp cổng làng ấy cũng được ngót 70 năm chia sẻ.
Cổng Giáp Bắc ở số 376 Thụy Khuê. Cổng nằm phía bên trái tam quan đình, với đôi câu đối miêu tả nét đẹp của người dân trong làng.
Cổng Giáp Đông nằm ở số 324 Thụy Khuê. Năm 1994, cổng Giáp Ðông được dân làng Hồ Khẩu phục dựng lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô. Trên cổng có khắc chữ “Ðông Giáp môn”.
Cổng chùa Chúc Thánh của làng Hồ Khẩu.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, xây sửa lại nhưng nếp cổng ấy vẫn giữ được những nét xưa cũ của đất Việt.
Thời gian như lắng lại dưới những nếp cổng đình, làng.
Phố Thụy Khuê, ngoài các cổng làng đặc sắc còn có rất nhiều đình chùa cổ. Những di tích nổi tiếng có thể kể đến như: đền Đồng Cổ có từ thời Lý; đền Vệ Quốc thờ Vệ Quốc đại vương; đình An Thái, đình Đông Xã… đều đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.