Trường ĐH Luật TP.HCM lý giải chuyện tăng học phí, với mức cao nhất 165 triệu/năm ngay năm học 2023-2024
Trường ĐH Luật TP.HCM lý giải chuyện tăng học phí, với mức cao nhất 165 triệu/năm ngay năm học 2023-2024
Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 28/03/2024 09:01 AM (GMT+7)
Trường ĐH Luật TP.HCM thông báo sẽ điều chỉnh tăng học phí đối với các trình độ đào tạo từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027. Nhà trường giải thích lý do tăng ngay năm học này, là vì đã 3 năm chia sẻ khó khăn với xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tối 27/3, Trường ĐH Luật TP.HCM có thông báo về mức học phí áp dụng đối với các trình độ đào tạo từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027.
Theo đó, đối với hệ chính quy tập trung năm 2024, các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh có học phí dự kiến thấp nhất là 35.250.000 đồng/năm. Các ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý) có mức học phí là 37.500.000 đồng/năm. Ngành Quản trị - Luật có mức thu 41.830.000 đồng/năm.
Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, học phí dự kiến các ngành từ 70 - 181 triệu đồng/năm.
Cụ thể, ngành Luật, Quản trị kinh doanh có học phí dự kiến là 70.500.000 đồng/năm; ngành Quản trị - luật có mức thu là 83.660.000 đồng/năm. Cao nhất là chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh có mức thu lên tới 181.500.000 đồng/năm.
Đối với học phí hệ chính quy văn bằng 2, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ thu bằng 1,17 lần của học phí hệ chính quy văn bằng 1.
Học phí các lớp vừa học vừa làm bằng mức thu học phí các lớp hệ chính quy (văn bằng 1 và văn bằng 2). Đối với chương trình thạc sĩ, học phí bằng 1,2 lần của học phí hệ chính quy. Chương trình tiến sĩ, học phí bằng 1,5 lần của học phí hệ chính quy.
Vì sao ĐH Luật tăng học phí với mức cao nhất 165 triệu đồng/năm ngay năm học 2023 - 2024?
Theo chia sẻ của đại diện Trường ĐH Luật, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tuy nhiên do tác động của dịch Covid-19.
Theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ GDĐT để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh và sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid (văn bản 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021; Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022), các trường đại học không tăng học phí, mà chỉ lấy khung học phí của năm học 2020-2021 áp dụng cho đến năm học 2022-2023.
Để chuẩn bị cho năm học 2023 – 2024, Trường ĐH Luật TP.HCM đã xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật; thông qua mức thu học phí từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027, và quyết định dời lộ trình tăng học phí từ năm 2022-2023 sang năm 2023-2024.
Tuy nhiên, thực hiện theo Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhà trường đã thực hiện mức tạm thu học phí đối với học kỳ 1 năm học 2023-2024.
Nhà trường nói rằng trong 3 năm vừa qua đã không tăng học phí theo quy định của Chính phủ, dù mọi chi phí phục vụ cho công tác đào tạo đều tăng trong điều kiện vật giá leo thang. Việc không tăng học phí bắt buộc nhà trường phải thay đổi các kế hoạch hoạt động cho phù hợp với tình hình tài chính của đơn vị.
Đối với mức học phí điều chỉnh mới này, nhà trường đã công khai trong đề án tuyển sinh; thông tin rộng rãi đến phụ huynh, thí sinh và người học trước khi đăng ký xét tuyển vào trường.
Nhà trường cũng thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cấp bù kinh phí để thực hiện chính sách miễn giảm học phí dành cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời duy trì đa dạng các loại hình học bổng với các mức học bổng cao như bằng 150% mức học phí dành cho sinh viên xuất sắc, 100% mức học phí dành cho sinh viên giỏi và 50% dành cho sinh viên khá, với tổng mức trích lập dành cho Quỹ học bổng của Nhà trường lên tới gần 28 tỷ đồng hàng năm (tương đương với 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên)...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.