Tuyến đường đắt đỏ nhất trung tâm TP.HCM dần lộ diện sau 6 năm rào chắn để làm Metro số 1
Tháng 10/2016, đường Lê Lợi, quận 1 dựng rào chắn để thi công gói thầu 1A (đoạn từ Nhà hát Thành phố đến ga Bến Thành, dài 515m) của dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Đến nay gói thầu này đã đạt hơn 95%, mặt hầm đã được đóng, chỉ còn thi công ngầm bên dưới.
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, công trường thi công ga và đoạn đi ngầm trên đường Lê Lợi chỉ còn máy móc, vật liệu xây dựng cùng công nhân tất bật thi công tái lập mặt bằng để trả lại hiện trạng ban đầu.
Trong sáng 4/4, đoạn đường Lê Lợi giao với đường Pasteur dài hơn 100m đã được rải các lớp đá dăm. Trong lớp rào chắn, mặt bằng đoạn đường đã lộ diện liền mạch với đoạn hoàn thành vào tháng 4 năm ngoái.
Hai chiếc xe lu đang lần lượt lu nền đá dăm để chuẩn bị trải nhựa cho mặt đường.
Dải phân cách giữa hai chiều, bó vỉa hè hoàn thành cùng hệ thống thoát nước, trụ đèn chiếu sáng đã được lắp đặt.
Những tấm rào chắn án ngữ trước những căn nhà, cửa hàng, trụ sở công ty nhiều năm nay chuẩn bị được tháo dỡ sau khi đoạn đường được hoàn thiện trải nhựa, lắp hệ thống điện, dây cáp, viễn thông, chiếu sáng.
Đoạn mặt bằng dài hơn 200 trên tuyến đường này từ giao với đường Pasteur tới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đang được khẩn trương thi công, tái lập để kịp trả mặt bằng trước ngày 30/4.
Sau các lớp đất cát được san, lu nền, các lớp khác tiếp tục được xe ben vận chuyển tới để những máy xúc san tạo mặt bằng.
Bên trong rào chắn công nhân, máy móc thi công hối hả, phần đường giao cắt đường Lê Lợi xe cộ được điều tiết để đảm bảo lưu thông không bị ùn tắc kéo dài.
Một số đoạn rào chắn mở trên công trường, cảnh thi công, mặt bằng đang vốn có trên tuyến đường Lê Lợi đang dần lộ diện rõ ràng hơn.
Hàng rào chắn cao hơn 3m, che khuất tầm nhìn những ngôi nhà, thu hẹp không gian của một trong những tuyến đường sầm uất, đắt đỏ nhất ở trung tâm TP.HCM sắp được tháo dỡ.
Dọc theo tuyến đường này có hàng chục mặt bằng cho thuê trong tình trạng đóng cửa im lìm nhiều năm qua sắp được mở thông. Một số chủ cho thuê cho biết sau khi dự án metro trả mặt bằng, giá thuê có thể tăng lên gấp 2-3 lần so với trước đây.
Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất sau khi hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, vỉa hè trên tuyến đường này sẽ được mở rộng nhằm tạo thêm không gian chung, kết nối trung tâm mua sắm dọc bên đường. Tuyến đường sẽ giảm các làn xe, tăng diện tích cây xanh, nâng cấp các tiện ích công công… Tiếp theo sẽ mở rộng ranh nghiên cứu và thực hiện ra các dãy nhà dọc hai bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi về mặt hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích thương mại dịch vụ và thu hút đầu tư.
Nhiều hộ kinh doanh tại đây không khỏi vui mừng khi thấy mặt bằng đoạn đường đang sắp được trả lại bởi nhiều năm qua rào chắn khiến cho việc buôn bán, sinh hoạt của các hộ ở đây luôn đìu hiu, khó khăn. “Từ ngày dựng rào chắn chúng tôi gặp khó khăn đủ thứ, cộng thêm dịch bùng phát khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Lâu nay chỉ bán cầm chừng cho khách quen. Hy vọng khi tuyến đường trở lại như trước đây, khách qua lại nhiều việc làm ăn sẽ tiến triển hơn”, anh Phạm Vũ Đăng Thoại, chủ cửa hàng đồ lưu niệm chia sẻ.
Đến 30/4 năm nay, đường Lê Lợi chỉ còn đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến chợ Bến Thành duy trì rào chắn. Gói thầu A1 sẽ hoàn trả toàn bộ mặt bằng trong tháng 9. Hiện tại đoạn giáp chợ Bến Thành và công viên 23/9 các công nhân và máy móc cũng đang khẩn trương san lấp, tái lập những phần mặt bằng sau khi hoàn thành phần ngầm phía dưới.
Khu vực mặt bằng trước đây hiện rõ phía trước chợ Bến Thành trong những ngày đầu tháng 4.
Tuyến metro số 1 dài gần 20km từ ga Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án đã nhập về 15/17 đoàn tàu, dự kiến chạy thử nghiệm vào cuối năm nay. Toàn tuyến hiện đã đạt 89,01%, dự kiến kế hoạch đưa vào khai thác năm 2023. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.