Ukraine nhận "lá chắn thép" từ Mỹ có khả năng đánh chặn UAV tự sát Nga
Ukraine nhận "lá chắn thép" từ Mỹ có khả năng đánh chặn UAV tự sát Nga
Thứ tư, ngày 09/11/2022 08:14 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thông báo nước này đã nhận các hệ thống phòng không NASAMS từ Mỹ và Aspide 2000 từ Tây Ban Nha và một số nước châu Âu để đối phó với các đòn tập kích bằng tên lửa hành trình và UAV tự sát của Nga.
"Các hệ thống phòng không NASAMS và Aspide 2000 đã đến Ukraine. Chúng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh và giúp quân đội Ukraine bảo vệ bầu trời tốt hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vừa thông báo hôm 11/7.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục bắn hạ mục tiêu của đối phương, xin cảm ơn các đối tác gồm Mỹ, Na Uy và Tây Ban Nha", ông Oleksii Reznikov cho biết thêm.
Mỹ và các đồng minh chưa bình luận về thông tin trên. Trước đó phương Tây đã quyết định viện trợ các tổ hợp phòng không sau khi Nga liên tục tập kích phá hủy hệ thống năng lượng cũng như hạ tầng của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi phương Tây giúp nâng cao năng lực phòng không trước uy lực của vũ khí Nga.
Ông Zelensky cho rằng, với việc Nga liên tục phóng tên lửa chính xác vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, Kiev cần có những lá chắn đủ uy lực để đánh chặn.
NASAMS và Aspide 2000 hiện được xem là phương án tối ưu nhất cho Ukraine. 2 hệ thống vũ khí này có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát của Nga.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng các hệ thống như NASAMS, Aspide 2000 là bước tiến đáng kể so với những tên lửa phòng không vác vai được NATO viện trợ cho Ukraine trong những tháng qua.
Chúng cũng được coi là sự bổ sung đáng kể trong bối cảnh Ukraine mất ít nhất hàng chục bệ phóng tên lửa S-300 và nhiều tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M1 mà không có lựa chọn thay thế.
Tây Ban Nha là một trong số ít quốc gia cung cấp hệ thống phòng không tầm trung cho Ukraine.
Nước này đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí khác kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào hôm 24/2.
Hệ thống phòng không Aspide 2000 được thiết kế để bảo vệ các địa điểm nhạy cảm trên mặt đất (căn cứ không quân, cảng hải quân, nhà máy công nghiệp, các tòa nhà quan trọng).
Tuy không quá nổi tiếng như các hệ thống phòng thủ tầm trung khác, nhưng Aspide 2000 vẫn được khá nhiều quốc gia tin dùng.
Được biết Aspide 2000 là sản phẩm do nền công nghiệp quốc phòng của Italy phát triển vào thập niên 1970-1980.
Loại tên lửa sử dụng cho tổ hợp phòng không này là Aspide 2000, chúng được thiết kế dựa trên RIM-7E Sea Sparrow của Mỹ.
Tên lửa có trọng lượng 220 kg, chiều dài 3,7 m, đường kính 203 mm, sải cánh 0,8 m.
Tên lửa đạt tốc độ tối đa mach 4, phạm vi tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 35 km, trần bay tiêu diệt mục tiêu là 8 km.
Để tiêu diệt mục tiêu, tên lửa Aspide 2000 mang theo một đầu đạn phân mảnh nặng 30 kg.
Dù ra đời đã lâu, nhưng do nâng cấp liên tục nên hệ thống phòng không Aspide 2000 vẫn rất đáng sợ trong tác chiến hiện đại.
Chúng vẫn có thể dễ dàng phá hủy UAV chiến đấu và tên lửa hành trình của đối phương.
Ngoài triển khai trên các bệ phóng cố định trên tàu chiến, nhà cao tầng, xe mang phóng bánh lốp, Aspide 2000 còn có thể triển khai trên các xe bánh xích tự hành. Số lượng tên lửa trên các bệ phóng này dao động từ 2 cho tới 6 quả.
Trung Quốc cũng đã sao chép tính năng của hệ thống này để cho ra đời phiên bản nội địa là HQ-64.
PV (Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.