Ukraine dùng "vũ khí quá cũ kỹ" để chặn vũ khí tấn công chính xác Nga
Ukraine dùng "vũ khí quá cũ kỹ" để chặn vũ khí tấn công chính xác Nga
Thứ ba, ngày 08/11/2022 14:43 PM (GMT+7)
Giới quân sự Ukraine than thở rằng, họ chỉ có toàn vũ khí phòng không đã quá cũ kỹ để đối phó với đòn tập kích bằng tên lửa tấn công chính xác hiện đại của Nga.
Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine do lực lượng vũ trang Liên Bang Nga tiến hành bắt đầu vào ngày 10/10/2022, chỉ 2 ngày sau vụ tấn công vào cầu Crimea (tức cầu Kerch, hay còn được gọi là “Cây cầu Thống nhất”), mà Nga cáo buộc đứng sau đó là các đơn vị đặc nhiệm Ukraine.
Các cuộc tập kích từ trên không bằng tên lửa được thực hiện vào các cơ sở năng lượng, công nghiệp quốc phòng, chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc trên khắp đất nước Ukraine, từ đông sang tây, trải dài từ Kharkov đến Kiev, tới tận Lvov và Ivano-Frankivsk.
Kể từ đó, các cảnh báo về cuộc không kích đã được công bố hàng ngày tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine, đôi khi trên cả nước. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelenskyy ngày 1/11/2022 đã thừa nhận thực tế khoảng 40% cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine đã bị hư hỏng, dẫn đến mất điện trên diện rộng.
Sở dĩ Ukraine không thể chống chọi lại các cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác cao là do nước này quá thiếu các hệ thống phòng không, các hệ thống sẵn có cũng quá lạc hậu nên không thể ngăn chặn được đòn tấn công của Nga.
Thực tế này không phải xuất phát từ sự tuyên truyền của Nga hay phương Tây mà chính các quan chức cấp cao và giới lãnh đạo quân đội, chuyên gia quân sự Ukraine cũng phải thừa nhận.
Vừa qua, một sĩ quan cấp cao Ukraine là ông Yuriy Ignat, đại diện của lực lượng không quân Ukraine cho biết, các hệ thống phòng không Ukraine rất khó phát hiện tên lửa hành trình của Nga, vì Kiev sử dụng vũ khí của “thiên niên kỷ trước”, trong khi nguy cơ rủi ro do lỗi của con người là rất cao.
Hồi tháng 2/2022, thông tin về một vụ tấn công bằng tên lửa được cho là của Nga nhằm vào tòa nhà dân cư ở Kiev bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, rằng ngôi nhà này đã bị trúng tên lửa từ chính hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 của Ukraine.
Đồng thời, vào cuối tháng 10/2022 vừa qua, phía cảnh sát Ukraine cũng báo cáo rằng, do hoạt động sai lầm của lực lượng phòng không Ukraine ở vùng Kiev, đã có cư dân bị thương và các tòa nhà bị hư hại.
Theo lời ông Yuriy Ignat, lực lượng Ukraine đang sử dụng vũ khí phòng không từ “thiên niên kỷ trước” để chống lại các vũ khí tiên tiến được sản xuất cách đây vài năm. Các radar của Ukraine không dễ theo dõi tên lửa hành trình và hệ thống phòng không Buk-M1 thì “rất khó kiểm soát”.
“Bạn có các chỉ số cũ, monitor, hàng trăm nút bấm và màn hình. Rủi ro do lỗi của con người là rất cao” – ông Yuriy Ignat than thở trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist.
Hồi cuối tháng 10/2022, đại diện Cục Tình báo Trung ương của Bộ Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitsky tiết lộ, Kiev chỉ có thể đánh chặn thành công khoảng 12% số tên lửa của tổ hợp Iskander.
Trước tình cảnh đó, chính quyền Kiev hiện nay đang kêu gọi các nước phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại hơn, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công sát thương trên diện rộng của lực lượng tên lửa Nga.
Tuy nhiên, Kiev vẫn chỉ nhận được số lượng ít ỏi các tổ hợp phòng không kiểu cũ như pháo phòng không Gepard, tên lửa phòng không MIM-23 Hawk, Crotale... Còn các hệ thống tên lửa hiện đại hơn như NASAMS, IRIS-T thì vẫn chỉ là lời hứa, còn Aster-30 SAMP/T thì không được cung cấp.
Hơn nữa, số lượng của các hệ thống phòng không tiên tiến hơn nếu được cung cấp cũng sẽ rất hạn chế, bởi ngay cả các nước NATO cũng sở hữu không nhiều các hệ thống này. Do đó, chúng cũng khó có thể lập thành ô bảo vệ vững chắc cho các mục tiêu trọng yếu của Ukraine.
PV (Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.