Ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài học chính quyền đồng hành, đa dạng hóa thị trường nhìn từ Bắc Giang

Bình Minh Thứ bảy, ngày 22/01/2022 08:40 AM (GMT+7)
Mùa vải năm 2021 chín rộ đúng thời điểm tỉnh Bắc Giang trở thành “điểm nóng” của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ chủ động mở “luồng xanh” cho nông sản, đa dạng các kênh tiêu thụ, đưa vải lên sàn thương mại điện tử, dù ngay trong tâm dịch, đặc sản vải thiều vẫn đi muôn phương, mang về hàng nghìn tỷ đồng cho địa phương.
Bình luận 0

Tạo "luồng xanh" cho vải, ưu tiên thị trường nội địa

Tại Bắc Giang, khi những vườn vải thiều Lục Ngạn bắt đầu chín đỏ thì những ổ dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lây lan, có những ngày tỉnh phát hiện hàng trăm ca mắc Covid-19.

Bài toán cân não của lãnh đạo địa phương lúc này là có nên áp dụng lệnh phong tỏa toàn tỉnh hay không? Chia sẻ với PV Dân Việt ở thời điểm đó, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Khi các ca Covid-19 ngày càng nhiều chúng tôi có thể lựa chọn phương án phong tỏa cả tỉnh nhưng khi đó vải của nông dân sắp vào vụ thu hoạch có thể phải đổ đi, nông dân trắng tay. Bởi nếu phong tỏa, các doanh nghiệp khó lên Bắc Giang mua nông sản, sản phẩm của tỉnh cũng không mang đi bán được, thiệt hại lúc đó rất lớn".

Ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài học chính quyền đồng hành, đa dạng hóa thị trường nhìn từ Bắc Giang - Ảnh 1.

Vùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản của nông dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Hải Dương) được bảo vệ nghiêm ngặt trước dịch Covid-19. Ảnh: DV

Không áp dụng lệnh phong tỏa toàn tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu phải quyết liệt bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn. Khi đó, để vào được vùng vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU,… mọi người phải đi qua 2 lớp bảo vệ nghiêm ngặt ở các chốt chặn của xã và thôn với đầy đủ các quy trình phòng dịch: Xuất trình giấy tờ, khai báo y tế, sát trùng khử khuẩn. Đó là chưa kể khi đến cửa ngõ tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn, chúng tôi cũng phải trải qua quy trình tương tự để phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ cho vùng trồng vải tập trung.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng làm việc với các địa phương tạo điều kiện cho các xe vận chuyển vải đi tiêu thụ, lên biên giới. "Để đảm bảo an toàn và sự an tâm của khách hàng, vận chuyển qua các chốt kiểm soát thuận lợi, chúng tôi tổ chức xét nghiệm, trên cơ sở đó cấp giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho cả lái xe và lô hàng", ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.

Đáng chú ý, một nét mới trong vụ tiêu thụ vải thiều năm 2021 là lần đầu tiên các địa phương có chiến lược đầu tư cho thị trường nội địa một cách bài bản.

Thay vì phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc), năm 2021 sản lượng vải quả tiêu thụ trong nước rất ổn định và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng.

Nhờ ứng dụng công nghệ số, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đến được mọi miền đất nước chỉ trong thời gian rất ngắn. "Chưa bao giờ, người dân ở Tây Ninh, Cần Thơ được ăn vải thiều chỉ sau 2 ngày đặt hàng" – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam bày tỏ sự ấn tượng.

Chuyên nghiệp hóa quy trình canh tác

Một trong những bí quyết làm nên thành công của Bắc Giang, Hải Dương trong việc tiêu thụ vải thiều dù dịch bệnh diễn biến phức tạp là địa phương làm rất tốt việc xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Trò chuyện với Dân Việt, anh Lại Văn Viên, ở thôn Hợp Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, nhờ áp dụng chuyển đổi số trong quản lý, chăm sóc vải thiều mà niên vụ 2021 gia đình anh đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. "Tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách quản lý sâu bệnh trên app điện thoại. Sau khi kiểm tra nhật ký chăm sóc tôi đã biết cách bón thúc để quả vải có mã đẹp, ngọt và đều quả".

Ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài học chính quyền đồng hành, đa dạng hóa thị trường nhìn từ Bắc Giang - Ảnh 2.

Dây chuyền xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty CP Ameii Việt Nam. Ảnh: DV

Niên vụ 2021, gia đình anh Viên trồng 1ha vải thiều. Từ thời điểm ra hoa, tuần nào cán bộ kỹ thuật thuộc tổ hỗ trợ của huyện cũng đến tận vườn kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc. Khi có dấu hiệu của sâu bệnh, anh được khuyến cáo phun thuốc gì, phun như thế nào. Nhờ đó vườn vải phát triển tốt, đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Trong khi đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Công ty CP Ameii Việt Nam còn thành lập hợp tác xã để đồng hành cùng bà con trong canh tác. Hợp tác xã Ameii Việt Nam ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) với vùng vải rộng khoảng 17 ha, có 35 xã viên tham gia, chuyên sản xuất vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Đây là vùng ngoài đê có không khí trong lành, chất đất và nước sạch, thuận lợi cho việc chăm sóc vải tập trung. Ở vùng vải này, tất cả các xã viên đều phải thực hiện đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Toàn bộ sản lượng vải trong vùng được hợp tác xã bao tiêu.

Ông Phạm Văn Giang, thành viên HTX Ameii Việt Nam cho biết, trồng vải theo quy trình đi Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Từ thuốc bảo vệ thực vật đến phân bón cũng theo đúng hướng dẫn của Nhật. Trong quá trình trồng, nông dân phải ghi chép nhật ký đầy đủ để các kỹ thuật viên kiểm tra. Đối với vùng này, đến ngày phun thuốc, chăm bón thì nông dân phải cùng nhau làm. Sản phẩm khi xuất khẩu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn 0,01%. "Người nào không tuân thủ quy trình dẫn đến thiệt hại và làm mất uy tín của HTX sẽ bị loại khỏi HTX", ông Giang nói.

Chuyển đổi số giúp vải thiều vươn xa

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, lần đầu tiên, đặc sản vải thiều được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, thậm chí là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chia sẻ với Dân Việt về câu chuyện xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực, trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người nông dân.

Ùn ứ nông sản tại biên giới Trung Quốc: Bài học chính quyền đồng hành, đa dạng hóa thị trường nhìn từ Bắc Giang - Ảnh 3.

Nhờ chuyên nghiệp hóa quy trình canh tác, vải thiều Lục Ngạn đã đến được nhiều thị trường khó tính. Trong ảnh: Vườn vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của ông Trần Văn Hành ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: DV

Trước thách thức đó, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều phù hợp với cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19, phù hợp với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ. Theo đó, Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành trung ương ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong niên vụ 2021 trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi đó, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online.

"Tỉnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) rất "tốc độ" triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử", ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các fanpage trên facebook, zalo…; giao lãnh đạo Sở Công Thương trực tiếp livestream với một số nghệ sĩ, diễn giả nổi tiếng để quáng bá, tiêu thụ vải thiều và đã đạt được kết quả rất ấn tượng.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt được kết quả ấn tượng. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (cao nhất từ trước đến nay); thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển. 

Hàng nghìn tấn vải thiều của Bắc Giang được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử (tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.  

Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ của Bắc Giang năm 2021 đạt 215.852 tấn (cao nhất từ trước đến nay); thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển.

Hàng nghìn tấn vải thiều của Bắc Giang được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử (tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.

                                                                                              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem