Về quê… Chí Phèo gặp lão nông 20 năm trồng chuối tiến vua, cho chuối "ăn" nước gạo, dầu lạc

Trần Quang Thứ sáu, ngày 19/02/2021 19:00 PM (GMT+7)
Về làng Vũ Đại hỏi ông Năm Chuối, ai cũng biết. Bởi hơn 20 năm nay, lão nông này vẫn kiên trì, bền bỉ với nghề trồng chuối ngự (hay còn gọi là chuối tiến vua). Hiện, ông Năm đang sở hữu vườn chuối có diện tích, số lượng cây lớn nhất nhì tại "thủ phủ" chuối tiến vua Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Bình luận 0

Thăng trầm nghề trồng chuối tiến vua

Hơn 20 năm theo nghề nhưng chưa năm nào ông Trần Khắc Năm, người có vườn chuối ngự lớn nhất ở Hòa Hậu thấy công việc chăm sóc cây đặc sản vất vả như năm nay. Đầu xuân năm mới 2020 gặp bão lớn, cả vườn chuối tiến vua của ông gần như mất trắng vì bị đổ, gãy, chết như ngả rạ.

Mất của, đau xót nhưng vợ chồng ông Năm vẫn động viên nhau gượng dậy khôi phục vườn cây đặc sản của quê hương, đồng thời có sản phẩm phục vụ khách hàng. Vừa trồng mới, gia đình ông vừa cố gắng chăm sóc nhưng đến giờ vườn chuối mới hồi sinh được hơn một nửa, vì vậy số cây có buồng, đạt chất lượng bán đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khá ít.

"Vụ tết năm nay gia đình tôi chỉ có khoảng 300-400 nải chuối ngự cung cấp cho khách hàng (giảm hơn 60% so với năm 2020) nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng bán vừa giá để giữ khách" - ông Năm nói.

tannien/Về quê… Chí Phèo xem trồng chuối tiến vua - Ảnh 1.

Ông Trần Khắc Năm kiểm tra chất lượng buồng chuối tiến vua trước khi cung cấp cho thương lái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Trần Quang

"Hiện, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm chuối ngự tại địa bàn xã đang được một doanh nghiệp lớn ở trong nước thu mua, đưa vào hệ thống siêu thị để giới thiệu tới người tiêu dùng trên cả nước".

Ông Trần Huy Tân -

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu

Theo ông Năm, dự kiến giá bán mỗi nải chuối tiến vua khoảng từ 30.000 - 50.000 đồng. Đặc biệt, dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng của gia đình ông Nam "cháy hàng".

Vụ tết năm 2020, chuối tiến vua được mùa được giá, ông Năm Chuối thu hàng trăm triệu đồng. Sang vụ tết năm nay, nguồn thu từ cây đặc sản này có thể bị giảm hơn nửa nhưng ông Năm vẫn vui vì bản thân mình đã duy trì, bảo tồn và làm giàu được từ loài cây đặc sản của quê hương.

Trồng chuối cũng lắm công phu

Kể về gốc tích của giống chuối tiến vua quê mình, ông Năm bảo: Ở làng Đại Hoàng không ai có thể trả lời được câu hỏi chuối ngự Đại Hoàng có tự bao giờ. Chúng tôi chỉ nghe các cụ cao niên ở làng kể, chuối ngự Đại Hoàng đã từng được đem vào cung tiến vua Tự Đức trong cung đình Huế. Và một điều ai cũng thừa nhận là chỉ nơi đây mới có những buồng chuối ngự ngon thơm đặc biệt, mẫu mã cũng rất đẹp.

tannien/Về quê… Chí Phèo xem trồng chuối tiến vua - Ảnh 3.

Chuối ngự Đại Hoàng đã từng được đem vào cung tiến vua Tự Đức trong cung đình Huế.

Hàng trăm năm qua, chuối ngự vẫn là thứ cây được trồng phổ biến tại đây, điều đó tạo nên hình ảnh thật yên ả, thanh bình và như một biểu tượng của vùng quê bên dòng sông Châu trù phú.

Theo ông Năm Chuối, giống chuối ngự trồng khó hơn các giống chuối thông thường khác. Từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới bắt đầu ra hoa kết trái. Qua mùa mưa bão, cây càng phải được gìn giữ kỹ. Để cây sống khỏe, vượt gió, bão, người trồng phải dựng cho mỗi cây một cột tre làm điểm tựa.

Chuối ngự thân mềm, chỉ sinh trưởng tươi tốt trên đất pha cát (hay còn gọi là đất ngọt). Ngay đến chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kỳ, "ăn" sạch các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chứ không ưa các loại phân uế tạp. Chuối ngự Đại Hoàng rất kỵ với các loại hóa chất nên trong quá trình chăm sóc, người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tưới nước sạch và loại bỏ cây bệnh từ khi còn non.

"Chuối tiến vua có giá trị cao khi giữ được nguyên hình dạng cả buồng. Để làm được thế, chúng tôi phải chăm sóc rất kỳ công. Từ khi cây cho buồng, người trồng phải chùm đậy chuối khi chuối vẫn xanh đang phát triển bằng vỏ bao để chống gió, chống rét, sâu bọ, gió bão không táp quả và như thế mới giữ được râu chuối và phấn trắng trên quả chuối"- chủ vườn chuối tiến vua Trần Khắc Năm tiết lộ.

Cũng theo ông Năm, mỗi cây chuối ngự chất lượng cao chỉ cho một buồng và mỗi năm chỉ ra một lần. Buồng chuối nằm tít trên ngọn cao chót vót, buồng chuối tròn trịa, quả chĩa về tứ phía, đều đặn thì mới đủ điều kiện để bán.

Quả chuối ngự Đại Hoàng xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh, vì thế mà các cụ ngày xưa ví quả chuối ngự như "búp tay cô gái" kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm. Vỏ chuối khi chín vàng óng như lụa, ruột có màu vàng nhạt, mềm, cắn một miếng, lộ ra ruột vàng sậm, thơm nức. Cái ngọt vị chuối đậm đà đầu lưỡi, vì thế ai ăn một lần là nhớ mãi.

"Trước đây, gia đình nào có cả vườn chuối thường phải xây vài ba cái lò dấm trong nhà. Lò dấm bằng vách đất, chứa được khoảng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu. Chính vì thế về Đại Hoàng ngày chuối chín, từ đầu làng ngõ xóm du khách đã ngửi thấy hương chuối ngự chín. Mùa chuối nhà nào nhà nấy đều nưng nức hương thơm từ chuối ngự. 

Tuy nhiên đến giờ chuối đắt hàng, cây vừa ra buồng đã có khách đặt, quả chưa đến ngày chín đã hết hàng nên ít khi phải dấm"- ông Năm Chuối chia sẻ.

Ông Trần Huy Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, cho biết, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý cho khu vực xã Hòa Hậu và Tiến Thắng, huyện Lý Nhân. Không những thế, chuối ngự tiến vua cũng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam, tạo cú hích lớn, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem