Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, Bộ Chính trị đã thống nhất bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), trong đó chống cả tiêu cực, điều này theo ông có ý nghĩa thế nào?
- Về bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo, trong đó tên gọi được thêm cụm từ "tiêu cực" theo tôi là chỉ đạo rất kịp thời sự của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Lâu nay chúng ta vẫn nói phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vấn đề này đôi khi dẫn đến hệ quả là chúng ta chống việc mang tính chất xảy ra rồi, hậu quả gây ra rồi. Khi chúng ta xử lý vừa mất cán bộ, mất tài sản và mất uy tín của Đảng trước nhân dân.
Bây giờ tăng cường phòng, chống tham nhũng thì phải phòng từ xa, từ đầu, nghĩa là phải phòng cả những biểu hiện tiêu cực. Biểu hiện tiêu cực ở đây có thể chỉ là hiện tượng thôi nhưng chúng ta cần phải kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh ngay, như vậy mới có thể phòng ngừa tốt.
Việc Bộ Chính trị bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo chính là tiếp nối quan điểm chỉ đạo trong Đại hội XIII của Đảng; đó là kết hợp giữa xây và chống, trong đó xây là chính, cũng giống như việc ngăn chặn từ xa, từ sớm, chủ động, tích cực để phát hiện, không để các vụ việc sai phạm xảy ra rồi mới khắc phục hậu quả.
Cá nhân tôi cho rằng, việc bổ sung chức năng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là quyết tâm chính trị rất lớn, rất đúng đắn của Đảng, từ đó sẽ tạo ra sự đồng bộ trong việc rèn luyện đội ngũ cán bộ. Sự suy thoái về đạo đức của cán bộ mới dẫn đến quan liêu, vòi vĩnh, sách nhiễu… gây ra những hệ quả rất xấu.
Theo ông, vì sao ngoài đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, điều quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống?
- Tiêu cực xảy ra trong kinh tế, chúng ta nhìn thấy được, cân đo đong đếm được. Tuy nhiên, sự suy thoái, tiêu cực trong tư tưởng thì không thể đo đếm được.
Bác Hồ từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" nhưng bây giờ nhiều người nói một đằng, làm một nẻo, đấy là sự xa rời về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vì đạo đức không trong sáng cho nên sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm cái gì cũng nghĩ đến cá nhân, đến lợi ích nhóm, "bộ sậu" của mình.
Đạo đức là gốc, cho nên người cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Phòng, chống được sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống thì người cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng, chắc chắn làm gì họ cũng luôn nghĩ đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân, không bao giờ đặt lợi ích của gia đình, của bản thân lên trên.
Trong phòng, chống tiêu cực, Đảng đã đặt vấn đề có sự đồng bộ, không chỉ những biểu hiện tiêu cực nhìn thấy được, đong đếm được như tiêu cực trong kinh tế mà còn chống cả tiêu cực trong suy nghĩ, tư tưởng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Trung ương 4 khóa XII, cũng góp phần rất quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thưa ông?
- Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ, đấu tranh chống tự diễn biến, tự chuyển hoá, suy thoái trong nội bộ là việc làm thường xuyên của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay. Không nên hiểu cách làm của Đảng theo phong trào, lúc phong trào mạnh chúng ta làm, lúc phong trào trùng xuống chúng ta không làm, điều đó không đúng.
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI nêu ra 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục chỉ rõ 27 biểu hiện (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ).
Dựa trên cơ sở sáng kiến của các địa phương, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn 16-HD/BTCTW để cụ thể hoá 27 biểu hiện suy thoái thành 82 biểu hiện, đây là những bước cụ thể để dễ nhìn nhận, soi chiếu.
Có thể nói, dấu ấn đầu tiên của công tác xây dựng Đảng có thể kể đến là về nhận thức, theo đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên, không phải hoạt động nhất thời mang tính phong trào. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hoat động chi phối, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Dấu ấn tiếp theo của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng, của từng đảng viên. Qua đó, đội ngũ cán bộ của chúng ta cũng có bước trưởng thành. Đây cũng là dịp để chúng ta sàng lọc được những người nói không đi đôi với làm.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Anh không làm được thì tránh ra cho người khác làm. Công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên cũng có nhận thức cao, nhận thức đúng về vấn đề này để chúng ta kiên định thực hiện các nguyên tắc, lý tưởng và nền tưởng tư tưởng, đạo đức của Đảng.
Chúng ta phải xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì vậy, lần này chúng ta có bổ sung, cùng với việc phòng, chống "tham nhũng, lãng phí" thì còn phòng, chống thêm "tiêu cực", để ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện, những hành vi xấu để kịp thời để chấn chỉnh, sẵn sàng xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Dấu ấn nữa của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua là lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng ta đã và đang thấy rất rõ điều này.
Có thể nói khi Đảng quyết tâm thực hiện như Bác Hồ dạy "không giấu diếm bệnh tật của mình", kiên quyết sửa chữa, khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái… không kể người đó là ai, làm chức vụ gì. Từ đó, Đảng đã tạo ra được luồng dư luận tốt và sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, nhân dân ngày tin tưởng vào sự công minh, liêm chính, tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
- Xin cảm ơn ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.