Nửa đêm 31/12 theo giờ Hà Nội, tức 12 giờ trưa cùng ngày giờ New York, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã làm lễ hạ cờ, kết thúc nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2 năm 2020 – 2021, trong đó có 2 lần làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Trách nhiệm, tự hào, hàng trăm cuộc họp, những vấn đề đưa ra thương lượng…Nhân sự kiện này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ chia sẻ nhanh với phóng viên Dân Việt.


* Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2 năm trước, và bây giờ, khi kết thúc?

- Lúc bắt đầu thì tôi thấy hồi hộp, nặng trách nhiệm; kết thúc thì thấy vui mừng, bâng khuâng vì không còn tiếp tục mạch công việc, cường độ công việc đã làm trong suốt hai năm qua. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc và có thể nói đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và có mục tiêu còn vượt.

* Trong 2 năm qua, khoảnh khắc nào mà Đại sứ thấy tự hào nhất? 

- Đó là khi Chủ tịch Đại hội đồng công bố Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an (HĐBA) với số phiếu kỷ lục trong lịch sử LHQ; khi gõ búa thông qua Chương trình nghị sự tháng 1/2020 và ngày thứ 2 khi nước ta tham gia HĐBA cũng là phiên họp chính thức đầu tiên của HĐBA trong năm 2020.

* Và ngược lại, có tình huống nào Đại sứ thấy khó khăn, cân não nhất?

- Tôi khó nhớ tình huống nào là "nhất". Tình hình có lúc biến chuyển nhanh, HĐBA thường họp theo thể thức AOB (các vấn đề ngoài chương trình nghị sự)  khi có một nước thành viên đề nghị và do đó, nhiều khi không kịp chuẩn bị trước, không kịp xin ý kiến chỉ đạo của trong nước trước. Khi đó, người dự họp phải tự quyết định và chịu trách nhiệm. Một trong những vụ việc như vậy là khi HĐBA thảo luận AOB về Sáng kiến hòa bình Trung Đông mới của Mỹ thời Tổng thống Trump.

Việt Nam được các nước lớn nể trọng hơn, các nước bạn bè quý mến hơn - Ảnh 1.

* Có khi nào các quyết định của Việt Nam phải đứng ở thế lựa chọn giữa các nước lớn? Chúng ta giải quyết ra sao?

- Gọi là lựa chọn cũng không đúng lắm vì mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở lợi ích của Việt Nam. Có lúc thì lợi ích của Việt Nam trùng hợp hoặc gần với lợi ích của nước lớn này, có lúc thì trùng hoặc gần với nước lớn khác. Cái khó là xác định lợi ích của chính chúng ta trong các trường hợp cụ thể.

Nếu đã có chỉ đạo từ trong nước thì thận trọng theo dõi các diễn biến trên thực địa và tại HĐBA. Nếu chưa có thì phải nắm kỹ các nguyên tắc, xác định lợi ích trên cơ sở vừa trước mắt, vừa lâu dài, vừa cụ thể vừa toàn diện, trong quan hệ với từng nước thành viên và toàn thể HĐBA, với các nhóm nước trong cộng đồng quốc tế. Trong 2 năm HĐBA, hầu hết các quyết định quan trọng của chúng ta đều có sự chỉ đạo cụ thể từ Nhà.

* Nhiều người đọc cảm thấy các vấn đề, nghị quyết mà HĐBA thảo luận dường như hơi xa vời, ít tác động đến Việt Nam. Đại sứ có thể giải đáp thắc mắc đó như thế nào?

Tham gia HĐBA là tham gia công việc toàn cầu, là thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Các nghị quyết của HĐBA thông qua phần lớn liên quan đến các khu vực có xung đột và các vấn đề liên quan đến ngăn ngừa, giải quyết, tái thiết sau xung đột, bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế. Do đó, phần lớn các nghị quyết ấy không liên quan trực tiếp tới chúng ta.

Đây là điều đáng mừng, cũng là điều chúng ta phải tiếp tục phấn đấu để giữ vững hòa bình, ổn định, đất nước ta không bao giờ trở thành "đối tượng" điều chỉnh trực tiếp của các nghị quyết của HĐBA.

Việt Nam được các nước lớn nể trọng hơn, các nước bạn bè quý mến hơn - Ảnh 2.

Gián tiếp thì các nghị quyết HĐBA, ở các mức độ khác nhau, đều tác động tới ta.

Thứ nhất, nghị quyết HĐBA có tính chất ràng buộc với tất cả các thành viên LHQ.

Thứ hai, ngày càng nhiều công dân của ta, trong đó có lực lượng gìn giữ hòa bình, các doanh nghiệp đã và sẽ hoạt động ở các khu vực có xung đột.

Thứ ba, các nghị quyết, tuyên bố chủ tịch về các vấn đề chủ đề đều có tác động. Một trong những ví dụ về loại văn bản này là Tuyên bố Chủ tịch về "Thượng tôn Hiến chương để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế" do chúng ta nêu sáng kiến, chủ trì soạn thảo, đàm phán và thông qua tại tháng Chủ tịch 1/2020.

* Kết thúc nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA, nhiệm vụ tiếp theo của Đại sứ và Phái đoàn sẽ là gì?  

- Chúng tôi sẽ tiếp tục các ưu tiên tại HĐBA nhưng triển khai thực hiện tại Đại hội đồng và các Ủy ban của Đại hội đồng.

Tại LHQ, chúng ta tiếp tục các ưu tiên như: thúc đẩy việc thượng tôn luật pháp quốc tế; bảo vệ dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em; xử lý các thách thức an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống. 

Điều khác là chúng ta sẽ tập trung vào hoạt động tại các ủy ban như: Uỷ ban 1 về các vấn đề an ninh, Uỷ ban 6 về Luật pháp quốc tế; Ủy ban 3 về bảo vệ và thực thi quyền con người; Ủy ban 2 về các vấn đề phát triển….

Trong đó, chúng ta tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận đa phương, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, các tổ chức đa phương, quốc tế, trong đó LHQ có vai trò trung tâm trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. 

Chúng ta cũng ứng cử một số cơ quan, tổ chức quan trọng trong khuôn khổ LHQ như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tích cực tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO, Uỷ ban Luật pháp quốc tế, nghiên cứu tham gia một số cơ chế, chủ đề quan trọng khác, và tích cực thúc đẩy một số sáng kiến, biện pháp đã đề ra thời gian qua như bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, luật pháp quốc tế, Nhóm bạn bè về UNCLOS, Nhóm bạn bè về biến đổi khí hậu.

* Vị thế và uy tín của Việt Nam được nhìn nhận gia tăng trong những năm qua. Ở vị trí của mình, Đại sứ chứng kiến điều đó như thế nào?

- Tôi thấy Việt Nam được các nước lớn nể trọng hơn; các nước bạn bè quý mến hơn.

Việt Nam đã làm Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên, đúng thủ tục, góp phần bảo đảm sự vận hành suôn sẻ của HĐBA trong tháng 1/2020.

Trong quá trình tham gia HĐBA, với chủ trương, đường lối rõ ràng, nhất quán, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng bản lĩnh, năng lực xử lý khéo léo các phức tạp nảy sinh, cách tiếp cận mang tính xây dựng, Việt Nam không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ tất cả các cuộc họp của HĐBA, mà còn đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề, các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết, văn kiện, hoàn thành tốt vai trò, ghi nhiều dấu ấn và kết quả tích cực tại HĐBA.

Việt Nam xử lý tốt những thách thức phát sinh trong 2 năm tham gia, nhất là các khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm hoạt động bình thường trong giai đoạn không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ, phản ứng, chuẩn bị nhanh chóng, hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh đột xuất như các diễn biến phức tạp mới tại một số địa bàn, các đề nghị họp khẩn cấp…

Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại HĐBA, đặc biệt đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và "trọng trách kép" (Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ; Chủ tịch ASEAN) trong năm 2020.

(Đại sứ Đặng Đình Quý)

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên HĐBA tại New York, Hà Nội, thủ đô các nước, ở các cấp khác nhau, duy trì trao đổi chặt chẽ, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm. Sự tham gia của Việt Nam tại HĐBA được các nước thành viên khác đánh giá tích cực, các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực và toàn cầu.

Với các nước thành viên LHQ, Việt Nam giữ liên hệ thường xuyên. Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết khi tranh cử; định kỳ và đột xuất thông tin, tham vấn ASEAN, Nhóm Châu Á Thái Bình Dương, các nhóm nước, các nước quan tâm đến các vấn đề HĐBA thảo luận về các nội dung trao đổi tại HĐBA.

Đặc biệt, ngay sau khi trúng cử, Phái đoàn đã tổ chức tham vấn với các nước có vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA, các nhóm nước khu vực có liên quan đến các vấn đề đó để hiểu thêm vấn đề từ góc độ của nước, nhóm nước bị tác động, đồng thời, xây dựng cơ sở để duy trì quan hệ, thông tin hai chiều với các nước, nhóm nước này trong suốt quá trình tham gia xử lý các vấn đề của họ trong HĐBA. Đây là điều, trước nay, chưa nước thành viên HĐBA nào thực hiện.

Do đó, cộng đồng quốc tế, kể cả các nước có vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA, điều hiểu, thông cảm và đánh giá cao lập trường và ứng xử của Việt Nam tại HĐBA.

(Đại sứ Đặng Đình Quý)

Xin cảm ơn Đại sứ (!)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem