Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 1.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 2.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay, trong suốt quá trình dựng xây và phát triển, Agribank luôn vận dụng và phát huy hiệu quả những quan điểm chỉ đạo sáng suốt của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần đưa Agribank phát triển bền vững, khẳng định vị thế hàng đầu chủ lực đầu tư trong lĩnh vực "tam nông".

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định, một trong những mục tiêu chung phát triển Agribank là “Giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn” và mục tiêu đó tiếp tục được hiện thực hóa tại Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đảng ủy Agribank đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 01-CTr/ĐU-NHNo ngày 29/9/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ X; cùng các Nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn hoạt động Agribank.

Cũng theo bà Phượng, Agribank đã nghiêm túc, chủ động thực hiện các giải pháp, chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong đó phải kể đến các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 4.

Qua các chương trình, Agribank đã kịp thời cung ứng tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank đã ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo từng chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai chương trình hợp tác, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới.

Bắt đầu thí điểm với 11 xã năm 2011, đến cuối năm 2012, chương trình đã triển khai rộng khắp cả nước. Đến nay, Agribank triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8.300 xã, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 610 ngàn tỷ đồng với hơn 2,2 triệu khách hàng. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi.

Agribank cho vay hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đối với 61 huyện nghèo, với tổng doanh số cho vay đạt trên 13 ngàn tỷ đồng, với gần 220 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn của Agribank.

Dư nợ cho vay theo chính sách này hiện nay tại Agribank là 395 tỷ đồng, với tổng số khách hàng còn dư nợ là 2.759 khách hàng. Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn theo chương trình trên 530 tỷ đồng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 14,5% năm 2008 xuống còn 4,03% năm 2022.

Agribank cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Triển khai từ năm 2011, tính đến nay, Agribank giải ngân cho vay với doanh số đạt hơn 14.400 tỷ đồng, dư nợ 226 tỷ đồng với tổng số khách hàng còn dư nợ là trên 1.200 khách hàng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường cao cấp hàng đầu thế giới.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 5.

Ngoài ra, Agribank cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt xa bờ tại 28 tỉnh ven biển. Hay cho vay tái canh cà phê: Doanh số cho vay từ đầu chương trình đến nay là gần 1.000 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 136 tỷ đồng với tổng số khách hàng còn dư nợ là 246 khách hàng. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả công tác tái canh cà phê, tăng năng suất thu hoạch, nâng cao sản lượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Đối với cho vay hợp tác xã (HTX), đến nay, tổng dư nợ cho vay HTX của Agribank là hơn 1.630 tỷ đồng (chiếm 15,5% tổng dư nợ cho vay HTX toàn hệ thống ngân hàng thương mại) với số lượng 653 HTX. Bình quân dư nợ cho vay 1 HTX là 2,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ chủ yếu tập trung vào các ngành: Nông, lâm, thủy sản; Bán buôn, bán lẻ; Vận tải, kho bãi; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Dư nợ cho vay có tài sản bảo đảm chiếm khoảng 95% tổng dư nợ cho vay HTX.

Agribank đồng thời chú trọng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 11/2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Tính đến hết tháng 9/2023, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng với gần 300 khách hàng.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 6.

Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản. Agribank đã tích cực triển khai các giải pháp điều hành ổn định nguồn vốn, tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và chia sẻ với khách hàng.

Cụ thể: Agribank đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất thông thường, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên (theo đó đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 2-4% trong năm 2023).

Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 7.

Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu áp dụng cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…).

Cùng với đó, Agribank còn tích cực triển khai các Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP; Triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước…

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 8.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 9.

Năm 2023, Agribank ký Bản ghi nhớ với Bộ NN-PTNT về cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với khoản kinh phí 800 triệu USD.

Nội hàm Bản ghi nhớ triển khai chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án).

Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 10.

Đối tượng, địa bàn và thời gian thực hiện Đề án là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân; cán bộ nông nghiệp/ kỹ thuật về quy trình sản xuất, đo đạc, kiểm kê phát thải khí nhà kính …

Địa bàn triển khai Đề án tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Thời gian triển khai Đề án từ năm 2024 đến năm 2030.

Tổng mức đầu tư cho diện tích vùng chuyên canh một triệu héc-ta lúa: khoảng 800 triệu USD, tương đương 19.000 tỷ đồng (Suất đầu tư trung bình cho mỗi héc-ta: 800 USD/ha). Vốn thực hiện Đề án được huy động từ 3 nguồn: các tổ chức quốc tế, vốn tài trợ không hoàn lại từ Quỹ chuyển đổi tài sản cacbon (TCAF) và các Quỹ Tài chính cacbon trên thế giới, vốn vay ODA ưu tiên để ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát khí thải.

Nguồn vốn đầu tư từ các Doanh nghiệp, nông dân, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư công và chi thường xuyên hàng năm, lồng ghép nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công của Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Về phía Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng tham gia Đề án. Thông báo cho các Chi nhánh Agribank trên địa bàn thuộc phạm vi Đề án thực hiện các nội dung của Biên bản ghi nhớ. Đồng thời nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án sử dụng các sản phẩm dịch vụ theo quy định của pháp luật và Agribank.

Cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank phù hợp với mục tiêu của Đề án. Bao gồm các sản phẩm, dịch vụ sau: Dịch vụ tiền gửi: Mở tài khoản, dịch vụ tiền gửi, dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý vốn tập trung, đầu tư tự động. Dịch vụ tiền vay: Cung cấp các khoản cấp tín dụng phù hợp cho nhu cầu của các tác nhân trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Dịch vụ tài chính. Dịch vụ thanh toán: Thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế. Sản phẩm dịch vụ ngoại hối. Sản phẩm dịch vụ khác: Thấu chi, thẻ tín dụng, bảo hiểm …

Agribank và những thành tựu trong "tam nông"- Ảnh 11.

Đến tháng 6/2023, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt hơn 900.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực "tam nông". Agribank đã nỗ lực, bền bỉ đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên cả nước, mang đến cho người dân trên cả nước cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem