Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
An ninh lương thực Trung Quốc: Tháng 11 hoảng loạn, vì sao?
Người dân Trung Quốc đổ xô tới các siêu thị, vét sạch các quầy hàng sau khi chính phủ khuyến cáo tích trữ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày và đề phòng trường hợp khẩn cấp. Điều gì đang xảy ra?
* Trung Quốc cần nuôi sống 1,4 tỷ người, nhưng dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19 và thiên tai gần đây đã đặt ra câu hỏi về an ninh lương thực.
*Nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng muốn thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp.
Các gia đình Trung Quốc được khuyến khích tích trữ một lượng lương thực nhất định để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày và sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp.
Bắt đầu bằng một thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 1 tháng 11 năm 2021, yêu cầu chính quyền địa phương ổn định nguồn cung và giá cả thực phẩm, bao gồm rau, thịt và dầu ăn để chuẩn bị cho những tháng lạnh giá sắp tới.
Bộ này cho biết: "Các gia đình được khuyến khích tích trữ một lượng lương thực nhất định để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày và sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp.
Điều này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng, nhiều cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn suy đoán lời kêu gọi tích trữ lương thực có liên quan đến khả năng bùng nổ chiến tranh với Đài Loan.
Bộ Công thương Trung Quốc sau đó đã phải khẳng định rằng, không có mối đe dọa trực tiếp nào đến nguồn cung lương thực của nước này. Zhu Xiaoliang, một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nói chỉ thị này dành cho các chính quyền địa phương nhằm thực hiện công tác đảm bảo nguồn cung, ổn định giá hàng hóa, thay vì gửi thông điệp cụ thể đến từng hộ gia đình.
Trong khi đó, tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc cũng cố gắng xoa dịu những đồn đoán trong dân chúng bằng cách nói rằng mục đích của thông báo là để đảm bảo mọi người đã chuẩn bị cho việc đóng cửa hoặc kiểm dịch do những đợt bùng phát coronavirus mới.
Trong một bài viết đăng trên kênh WeChat của mình, tờ báo này khẳng định, về lâu dài, cần vận động người dân nâng cao nhận thức về quản lý khẩn cấp, tăng dự trữ hộ gia đình đối với các mặt hàng cần thiết để bổ sung cho hệ thống khẩn cấp quốc gia.
Điều này không ngăn được một số người mua sắm tích trữ bắp cải, gạo và bột mì, trong khi lời kêu gọi cũng thúc đẩy giá dầu ăn trong nước, cũng như dầu cọ Malaysia tăng.
Một số siêu thị đã xảy ra cảnh người dân xếp hàng dài, trong khi một số người thậm chí còn mua tới 300 kg gạo để tích trữ, thì vẫn có nhiều người dân cho biết không cần phải mua nhiều thực phẩm hơn mức bình thường.
Nông dân Hà Nam (Trung Quốc) vẫn đối phó với hậu quả của trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. SCMP
Trung Quốc cần nuôi sống 1,4 tỷ người, khoảng 1/5 dân số thế giới. Ký ức về Nạn đói lớn của Trung Quốc đã quét qua đất nước này trong giai đoạn 1958-62 vẫn còn khắc sâu trong tâm tró của các thế hệ lớn tuổi.
Trong một thế giới hậu Covid-19 đầy biến động, việc đảm bảo an ninh lương thực ngày càng trở thành một ưu tiên chính trị quan trọng đối với chiến lược phát triển mới của Bắc Kinh, vốn dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước để bù đắp những bất ổn bên ngoài.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng vựa lúa của Trung Quốc phải được giữ chắc trong tay Trung Quốc, có nghĩa là nước này phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc cung cấp ngũ cốc.
Trung Quốc quyết định thành lập kho dự trữ ngũ cốc quốc gia vào năm 1990, và hiện đã xây dựng một hệ thống "điều phối dự trữ nhà nước trung ương và dự trữ địa phương, đồng thời bổ sung lượng tồn kho của chính phủ và doanh nghiệp với nhau".
Trung Quốc cũng đã đưa ra một cơ chế trách nhiệm giải trình kết hợp với các tiêu chí đánh giá chi tiết vào năm 2015, yêu cầu tất cả các lãnh đạo cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh lương thực của địa phương.
Trong nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên đất hạn chế của mình, Bắc Kinh cũng đặt ra mức quốc gia tối thiểu cho đất canh tác là 120 triệu ha.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu đạt 71,67 triệu ha "đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao" vào năm 2025 và 80 triệu ha vào năm 2030, tất cả sẽ được sử dụng cho canh tác cơ giới quy mô lớn nhằm tăng năng suất cây trồng trên mỗi hecta.
Giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lần đầu tiên đưa ra mục tiêu bắt buộc về sản lượng ngũ cốc trong kế hoạch 14 năm được công bố vào tháng 3 năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu đậu tương và ngô.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh yêu cầu người dân không lãng phí thực phẩm. Chiến dịch này nhanh chóng đã trở thành một chiến dịch quốc gia.
Sau đợt mua dự trữ thực phẩm hoảng loạn ở Trung Quốc vào đầu tháng 11, Qin Yuyun, một quan chức tại Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia, cho biết tổng dự trữ ngũ cốc hiện đã đủ và dự trữ lúa mì và gạo tiếp tục tăng.
Ông Qin cho biết nguồn cung trên thị trường ngũ cốc trong nước đã được đảm bảo hoàn toàn, với sản lượng ngũ cốc hàng năm của Trung Quốc vào năm 2021 dự kiến sẽ vượt 650 tỷ kg trong năm thứ bảy liên tiếp.
Ông cho biết dự trữ ngũ cốc hiện tại của Trung Quốc ở mức cao trong lịch sử, trong khi dự trữ lúa mì đang mở rộng và đủ để đáp ứng nhu cầu trong 18 tháng.
Ông nói: "Về cơ bản, Trung Quốc tự cung tự cấp ngũ cốc với nguồn cung cấp lương thực chính là an toàn tuyệt đối. Cũng theo ông Qin, nguồn cung lương thực của nước này cũng đã được tăng cường.
"Nhập khẩu vừa phải" là một phần trong chiến lược chính thức của Trung Quốc về an ninh lương thực, theo sách trắng của chính phủ ban hành vào tháng 10 năm 2019.
Cheng Guoqiang, thành viên Ủy ban Cố vấn Chuyên gia Chính sách An ninh Lương thực Quốc gia và là giáo sư tại Đại học Tongji, cho biết nước này phải tận dụng nhu cầu nhập khẩu vì thiếu 90 triệu ha đất trồng trong nước.
Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2014, nhập khẩu ngũ cốc của nước này vẫn trên 100 triệu tấn.
Nước này đã nhập khẩu 128,27 triệu tấn ngũ cốc trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 29,3% so với một năm trước đó.
Trung Quốc đã nhập khẩu 3,53 triệu tấn ngô trong tháng 9, tăng 226,9% so với một năm trước, trong khi lượng mua lúa mì nước ngoài giảm 40,4% xuống còn 640.000 tấn trong tháng 9.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu gạo ròng, có nghĩa là nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Giá thực phẩm đã giảm 5,2% so với một năm trước đó vào tháng 9 năm 2021, giảm so với mức giảm 4,1% vào tháng 8. Điều này phần lớn là do giá thịt lợn – thực phẩm chủ yếu của người Trung Quốc - giảm 46,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chăn nuôi lợn khổng lồ của Trung Quốc thực sự đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa sản lượng . Giá lợn hơi hiện đang dao động dưới giá thành sản xuất, với việc chính phủ kêu gọi nông dân tiêu hủy đàn gia súc của họ. Cuộc khủng hoảng thịt lợn của Trung Quốc gây sức ép lên các trang trại lợn của các hộ gia đình đang gặp khó khăn.
Ông Chen Guanghua- quan chức của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 4 tháng 11 rằng: "Hiện lượng lợn nái trong nước vẫn nhiều hơn 6% so với số lượng bình thường và dự kiến phải đến đầu năm sau mới trở lại mức hợp lý. Người ta hy vọng rằng mọi người sẽ mua nhiều thịt lợn hơn và ăn nhiều thịt lợn hơn, điều này không chỉ làm giàu dinh dưỡng cho người dân mà còn giảm bớt khó khăn trong hoạt động của nông dân".
Sản lượng tăng cao nhưng gián đoạn nhu cầu liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến giá lợn giảm 70% trong năm nay, khiến nông dân nuôi lợn ở Trung Quốc lỗ nặng trong ba tháng qua. Theo số liệu chính thức, năm 2020 đã có hơn 2 triệu nông dân quy mô nhỏ tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Thúy Đăng (Nguồn SCMP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.