Ảnh: Cuộc sống của 7 người nằm dưới gầm cầu vì thất nghiệp, nay đã có được giấc ngủ trọn vẹn
Ảnh: Cuộc sống của 7 người nằm dưới gầm cầu vì thất nghiệp, nay đã có được giấc ngủ trọn vẹn
Chủ nhật, ngày 15/08/2021 19:03 PM (GMT+7)
Một số lao động nghèo làm thuê ở Hà Nội do giãn cách xã hội đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong người họ không có tiền và xe về quê, nên đành lang thang dưới gầm cầu đường vành đai 3, trải qua những ngày cực khổ vì mưa gió, họ được mạnh thường quân tài trợ chỗ ở và hy vọng sẽ có được giấc ngủ trọn vẹn.
Tối 13/8, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh nhóm khoảng 8 người lao động bị mất việc làm do Covid-19 nằm la liệt dưới gầm cầu đường vành đai 3 (đối diện bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 15/8 phóng viên Dân Việt đã ghi lại được hình ảnh những công nhân ở dưới gầm cầu dọn đến nơi ở mới. Những người công nhân thất nghiệp di chuyển đồ lên xe về nơi ở mới do mạnh thường quân tài trợ. Sau đó các lao động thu dọn hành lý đi xét nghiệm Covid-19, tất cả sẽ được bố trí nơi ở tại quận Hà Đông.
Ông Hoàng Văn Thức (SN 1968, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) giấu chuyện ở gầm cầu với vợ con để họ đỡ lo lắng. Ông Thức làm thợ xây tại huyện Gia Lâm, Hà Nội được hơn 2 tháng thì phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những người lao động thất nghiệp ngủ dưới gầm cầu được một mạnh thường bố trí ngồi lên xe đến nơi ở mới.
Trải qua những ngày sống cảnh khổ cực, muỗi đốt thức cả đêm, 7 lao động nghèo ở gầm cầu Hà Nội mới có một giấc ngủ trọn vẹn trong nơi ở mới.
ÔngTrần Văn Hợi quê Sơn La (áo sọc trắng) chia sẻ: "Vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi muốn về quê nhưng không có xe để về, trong người hiện tại không còn đồng nào, điện thoại, quần áo vì ngủ dưới gầm cầu nên bị lấy cắp hết, giờ muốn gọi điện về cho gia đình cũng khó".
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt vào trưa ngày 15/8, sau khi chuyển đến nơi ở mới nhóm 7 người lao động thất nghiệp tại Hà Nội phải ngủ ở gầm cầu cùng nhau nấu ăn, sinh hoạt.
Cuộc sống tuy khó khăn nhưng những người lao động nghèo vẫn cố gắng bám trụ, giúp đỡ nhau để qua những ngày giãn cách xã hội.
Em Lò Văn May 21 tuổi, trú tại trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Đến chiếc điện thoại cọc cạch tôi cũng phải bán với giá 100.000 đồng để sống qua ngày. Cuộc sống ở quê khó khăn nên tôi ra Hà Nội làm xây dựng được khoảng 8 tháng nay, mỗi ngày công được 250.000 đồng. Hàng tháng đều tích cóp gửi về cho gia đình. Do dịch bệnh nghỉ việc nên thất nghiệp, không có tiền tiêu, chỗ ở nên đành phải ra đây ngủ tạm. Mong sao hết dịch để tôi cùng mọi người có việc làm".
Sau khi ăn cơm xong những người công nhân này phụ chủ nhà dọn dẹp.
Chị Trịnh Thị Thư cùng chồng Hoàng Văn Cương cả 2 tỏ ra vui vẻ khi được chuyển đến chỗ ở mới.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Ánh Phượng, chủ nhà giúp đỡ những lao động nghèo trên chỗ ăn ở chia sẻ, sau khi nắm được thông tin trên mạng xã hội, chị đã vô cùng đồng cảm. Chị tìm cách liên lạc với bạn bè cùng giúp đỡ những hoàn cảnh trên.
"Tôi sẽ xin phường làm tạm trú cho mọi người. Bên cạnh đó cam kết mọi người ở yên một chỗ, không được đi đâu ra khỏi khu vực để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ không phải lo chỗ ở, ăn uống miễn phí", chị Phượng cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, Thiếu tá Vũ Khánh, Trưởng CAP Mỹ Đình 2 cho biết: "Khi tiếp nhận thông tin trên, đơn vị đã kết hợp cùng một số nhà hảo tâm tặng quà động viên, đồng thời sắp xếp đưa những người này đi xét nghiệm Covid-19. Bên cạnh đó, một số nhà hảo tâm cũng đã sắp xếp cho những người này chỗ ăn ở miễn phí trong suốt những ngày giãn cách xã hội".
Cao Oanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.