Bắc Kạn: Nuôi loài đặc sản nom y như con chuột, ít tốn thức ăn, chăm nhàn tênh mà bán đắt tiền
Bắc Kạn: Nuôi loài đặc sản nom y như con chuột, ít tốn thức ăn, chăm nhàn tênh mà bán đắt tiền
Thứ tư, ngày 02/12/2020 13:02 PM (GMT+7)
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi dúi. Bước đầu mô hình nuôi dúi đặc sản mang lại hiệu quả, đồng thời mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.
Sau nhiều năm chăn nuôi lợn, gà thương phẩm, nhưng do biến động của thị trường và chi phí sản xuất lớn, đầu ra chưa ổn định nên chị Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) quyết định tìm hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng chung.
Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, biết đến mô hình chăn nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế, chị ghi chép cẩn thận và học làm theo.
Năm 2015, chị Ngoan mua 8 đôi dúi giống, trị giá 2,4 triệu đồng và đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 80 triệu đồng.
Qua thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng, đàn dúi sinh sản và khỏe mạnh, không có bệnh dịch, gia đình chị bắt tay vào làm theo mô hình trang trại và xây dựng thêm nhiều chuồng nuôi.
Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, không tốn diện tích, có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 60x60cm.
Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào chuồng. Thức ăn của dúi gồm tre, ngô, mía, cỏ voi hoặc các phế phẩm nông nghiệp.
Nói về kỹ thuật nuôi dúi, chị Nguyễn Thị Ngoan cho biết: Nuôi dúi không khó, nhưng cần lưu ý là thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị bệnh tiêu chảy.
Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 2 - 3 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg.
Việc tiêu thụ dúi cũng khá thuận lợi vì người mua đến tận nơi để mua dúi thịt với giá từ 420.000 - 450.00 đồng/kg, còn dúi giống thì mỗi cặp là 500.000 đồng. Trong thời gian tới gia đình tiếp tục mở rộng thêm diện tích chăn nuôi.
Anh Mùng Đức Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lộc cho biết: "Mô hình nuôi dúi của chị Nguyễn Thị Ngoan là một mô hình tương đối mới ở địa phương và cho thu nhập kinh tế cao. Theo tôi, đây là mô hình cần nhân rộng cho hội viên nông dân trong xã học tập và làm theo".
Sau 5 năm bắt tay vào chăn nuôi dúi, vừa tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan đã cơ bản nắm được đặc điểm, kỹ thuật chăn nuôi dúi thuần và được cơ quan chức năng cấp giấy phép chăn nuôi theo đúng quy định.
Từ 8 đôi dúi giống ban đầu, hiện nay chị đã xây dựng khu vực chăn nuôi dúi với tổng diện tích gần 200m2 với khoảng 600 con dúi nuôi gối nhau.
Vừa qua chị đã nhân giống và xuất bán hơn 200 cặp dúi sinh sản, gần 300 con thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, chị còn trồng hơn 3ha cây mỡ, cây xoan và chăn nuôi lợn, gà...
Ông Dương Xuân Trường- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bể (Bắc Kạn) cho biết: Mô hình chăn nuôi dúi của hội viên Nguyễn Thị Ngoan, thôn Khuổi Tẩu, xã phúc Lộc là mô hình sản xuất tiêu biểu ở địa phương, mang lại thu nhập khá cho gia đình, đây còn là mô hình mới, hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền hội viên các xã, thị trấn có điều kiện có thể nuôi dúi thịt thương phẩm và dúi giống để tăng thu nhập, góp phần trong công tác giảm nghèo ở địa phương./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.