Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bác sĩ Trương Cao Luận: "Làm từ thiện là vì người nhận chứ không phải để tạo phúc cho tôi hay cho ai đó".
Trong ngày kỷ niệm Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê tròn 1 năm ra mắt, tôi đã quan sát thấy bác sĩ Trương Cao Luận không ít lần gạt đi những giọt nước mắt khi anh đứng ở vị trí sau cùng hàng ghế của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... Vậy trong những giây phút đó, điều anh đã nghĩ đến là gì?
- Lúc đó, tôi đã rất xúc động khi nghĩ đến sự hy sinh của những thành viên, cộng tác viên đã bền bỉ đồng hành với Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê xuyên suốt 1 năm qua. Dù mỗi người đều có những công việc riêng nhưng họ luôn nhiệt tình, cống hiến công sức, thời gian quý báu của mình tham gia các chương trình của Phiên Chợ Trái Tim. Nhiều người sẵn sàng đến góp công sức cùng Bữa Cơm Yêu Thương đều đặn vào thứ Bảy hằng tuần từ 4, 5 giờ sáng cho đến khi chương trình hoàn tất vào lúc 1, 2 giờ chiều rồi họ mới trở về với công việc, gia đình của mình.
Tôi không biết lấy gì để báo đáp những "tấm lòng vàng" của mọi người dành cho Phiên Chợ Trái Tim và các chương trình mang đậm tinh thần "tương thân tương ái" như Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê. Tôi xin được chân thành gửi lời cảm ơn đến các những thành viên, cộng tác viên và quý nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đã đồng hành cùng chúng tôi góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, đồng thời góp phần hỗ trợ những người lao động nghèo vơi bớt nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống.
Lý do gì khiến người sáng lập Phiên Chợ Trái Tim lựa chọn những tên gọi mang đậm chất làng quê Việt cho các chương trình được thực hiện giữa lòng Thủ đô Hà Nội như: Chợ Quê; Bữa Cơm Yêu Thương?
-Trước khi cho ra mắt Phiên Chợ Trái Tim, Bữa Cơm Yêu Thương và Chợ Quê, tôi và nhiều mạnh thường quân đã đồng hành của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, chúng tôi đến với đồng bào vùng cao, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh như: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La…
Từ việc được trực tiếp đi đến các địa phương này làm chương trình thiện nguyện, chúng tôi nghĩ đến việc mang những nông sản của bà con nông dân tại nhiều vùng quê về Hà Nội để bán cho người có nhu cầu sử dụng. Lợi nhuận của những nông sản đó chúng tôi sẽ đưa vào "nấu cơm 0 đồng" trong chương trình Bữa Cơm Yêu Thương. Khi nhận thấy hoạt động mua bán nông sản giống như phiên chợ vùng cao, chúng tôi quyết định lấy tên là Phiên Chợ Trái Tim.
Trong đó, Chương trình Chợ Quê ra đời nhờ sự kết nối của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt với Hội Nông dân các tỉnh thành trên cả nước để vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản sạch và vừa góp phần vào việc thực hiện chương trình Bữa Cơm Yêu Thương.
Chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà nhiều người đến với Phiên Chợ Trái Tim, Bữa Cơm Yêu Thương khó có thể quên những cảm xúc mỗi chương trình mang đến. Trong đó có cả những giọt nước mắt, những nụ cười đầy ắp tình yêu thương, sự biết ơn tấm lòng người cho đi và người đón nhận.
Trong ngày đầu chuẩn bị và ra mắt những chương trình này, bác sĩ Trương Cao Luận và các cộng sự đã phải đối mặt với khó khăn, trở ngại gì?
-Đã có không ít khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Ban đầu, Bữa Cơm Yêu Thương chỉ có khoảng 10 thành viên khiến chúng tôi lo ngại không đủ người để phục vụ đông đảo các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người lao động khó khăn đến với chương trình.
Bởi vậy, chúng tôi đã thống nhất làm khoảng 200 suất cơm trong Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương tuần đầu tiên. Đến tuần thứ 2, số lượng thành viên, cộng tác viên tham gia chương trình cùng với số lượng bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn mong muốn nhận cơm tăng dần lên. Đây là yếu tố quan trọng để chúng tôi mở rộng Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương.
Đặc biệt, đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim luôn ưu tiên hàng đầu về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi có nhiều thứ phải suy nghĩ, thậm chí không tránh khỏi việc lo sợ chương trình thất bại, sợ rằng bữa cơm không hợp khẩu vị của mọi người. Bên cạnh đó, các thành viên của chương trình cũng phải tính toán tỉ mỉ các khâu từ đi chợ chuẩn bị nguyên liệu đến cách chế biến, lo lắng về kinh phí thực hiện chương trình…
Kết quả 1 năm Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương ra mắt khiến tôi từ "giật mình" đến xúc động, hạnh phúc vì không ngờ từ 200 suất cơm ban đầu, đến nay chương trình đã trao tặng được hơn 50.000 suất cơm miễn phí cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.
Bác sĩ Trương Cao Luận - người sáng lập Phiên Chợ Trái Tim với nhiều chương trình ý nghĩa như: Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê.
Liệu có thời điểm nào người sáng lập Phiên Chợ Trái Tim phải "thắt lưng buộc bụng", bán tài sản cá nhân để "bù lỗ" cho chương trình?
- Nhìn lại hành trình 1 năm qua với việc duy trì và ngày càng phát triển Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương thật sự không đơn giản chút nào. Nhưng không đến nỗi tôi hay các thành viên phải "thắt lưng buộc bụng", bán tài sản cá nhân vì tôi nghĩ khi có sức khỏe thì mọi thứ sẽ ổn thôi. Trong đó, việc mua đồ trang trí, sửa chữa địa điểm tổ chức chương trình, mua dụng cụ nấu ăn và phục vụ tại chỗ… với tổng chi phí lên đến cả trăm triệu đồng được tôi làm bằng tiền túi của mình.
Tôi vẫn luôn tin rằng, những điều chân thành sẽ chạm đến trái tim và được mọi người đồng hành, ủng hộ chương trình.
Tôi nhớ có những lần hoàn thành Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương của tuần đó, chúng tôi ngỡ ngàng khi trò chuyện với nhau: "Số tiền này ở đâu ra vậy?".
Tưởng chừng chương trình bị thiếu tiền mua gạo nấu cơm, mua nguyên liệu chế biến món ăn, ai ngờ lại nhận được sự hỗ trợ của một ai đó, của mạnh thường quân nào đó cho chương trình vô cùng đúng lúc, rất kịp thời mà bản thân tôi cũng khó lý giải (cười).
Có người băn khoăn về việc đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim tổ chức Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê ưu tiên hướng đến các bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mà không phải địa điểm hay ở bệnh viện nào khác trên địa bàn TP.Hà Nội. Anh lý giải điều này thế nào?
- Sự thật là vì nơi tôi làm việc khá gần Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Điều thuận lợi nữa với Phiên Chợ Trái Tim là được kết hợp cùng Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt, các thành viên và cộng tác viên cũng hoạt động gần địa điểm đó. Tôi nghĩ nếu tổ chức chương trình ở địa điểm khác xa hơn thì sẽ bất tiện, ảnh hưởng đến công việc của nhiều người.
Đặc biệt, phía Công ty TNHH DVTM Vận tải và Xây dựng Minh Phương của anh Phạm Tuấn Anh đã ủng hộ Phiên Chợ Trái Tim về địa điểm tổ chức. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm chương trình tại ngõ 9A đường Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Thực tế, trong quá trình thực hiện Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, nhiều người nhà của các bệnh nhân dù đang điều trị tại các bệnh viện lân cận cũng đã đến nhận những suất cơm miễn phí của chúng tôi.
Đã có những câu chuyện nào, hoàn cảnh khó khăn nào khi đến với Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương khiến anh và các cộng sự luôn đau đáu, khó có thể quên?
- Bản thân tôi là một bác sĩ được làm trong môi trường tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Riêng với những mảnh đời đến với Phiên Chợ Trái Tim, Bữa Cơm Yêu Thương đã khiến tôi thêm trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Họ là những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Họ mắc căn bệnh hiểm nghèo, có thể tuần này các thành viên, cộng tác viên Phiên Chợ Trái Tim còn gặp họ nhưng tuần sau, tháng sau… chúng tôi có thể không còn được gặp lại họ nữa vì cuộc sống vô thường.
Trong đó, những gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến nay vẫn được Phiên Chợ Trái Tim trực tiếp hỗ trợ hàng tháng như: Cháu Vũ Đức Anh 9 tuổi (trú tại huyện Thanh Miện, Hải Dương); cháu Nguyễn Thuỳ Nhung sinh năm 2007 (trú tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương); cháu Quách Thế Hiếu sinh năm 2011 (trú tại xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình)…
Tôi nhớ mãi về trường hợp một bệnh nhân nhí nhận được sự trợ giúp của đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim trong tháng đầu tiên, nhưng đến tháng thứ 2 khi cháu về quê và đã mất tại quê nhà. Trước đó, cháu có tâm sự với chúng tôi về việc làm những ngôi sao may mắn khi có người bảo cháu rằng, nếu tự làm khoảng 1.000 ngôi sao thì điều ước về sức khỏe sẽ thành hiện thực. Bệnh nhân đó cũng đã làm 1.000 ngôi sao may mắn nhưng cuối cùng chúng tôi không còn được thấy cháu nữa.
Tôi luôn về tận nhà những bệnh nhân này để tìm hiểu về hoàn cảnh, đời sống trước khi quyết định trợ giúp họ hàng tháng. Tôi thấy trong nhà của họ không có một món đồ nào giá trị. Đến bữa họ ăn, mở vung nồi cơm, canh không có lấy miếng thịt, miếng cá…
Thật sự tôi không dám ngồi gần, ngồi lâu bên họ. Bởi khi nghe họ chia sẻ về cuộc đời khiến tôi rất xúc động, không thể kìm được nước mắt. Tôi cầu mong sao mọi người đừng bị vướng vào những cảnh ngộ không may, bệnh tình trầm trọng như vậy.
Sau hơn 1 năm thành lập, các chương trình của Phiên Chợ Trái Tim đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước.
Thực tế, nhiều cá nhân, các đơn vị, tổ chức đã làm không ít chương trình phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân, người lao động nghèo ở Hà Nội. So với những chương trình đó, anh có thể chỉ rõ sự khác biệt, "thương hiệu" riêng của Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương?
-Tôi nghĩ không cần thiết phải so sánh với những chương trình thiện nguyện khác nếu như trong tâm của những người thực hiện đều mong muốn có thể cố gắng hỗ trợ các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn thứ họ đang cần.
Riêng với Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê, tôi mong các bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn luôn thấy được nơi đây chính là "ngôi nhà thứ hai" của họ. Và tôi cũng hy vọng đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim trong quá trình thực hiện các chương trình sẽ luôn tạo được sự gần gũi, chia sẻ với họ.
Khó tránh khỏi ý kiến sẽ cho rằng, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương với tần suất tổ chức 1 tuần/lần vẫn là quá ít ỏi, "như muối bỏ bể", "không thấm tháp gì"... Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
- Với tần suất tổ chức chương trình tặng cơm miễn phí 1 tuần/lần so với số lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo tại Hà Nội nhận được có thể nói "như muối bỏ bể". Một bữa cơm miễn phí cũng không thấm tháp gì so với những khó khăn, đau đớn, thậm chí là sự mất mát mà họ phải chịu đựng. Tuy nhiên, tôi nghĩ một bữa cơm dù là món quà nhỏ bé, nhưng sẽ là nguồn động viên tinh thần, chia sẻ với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là khi họ phải rời quê hương, xa người thân để chống chọi với bệnh tật.
Tôi cũng mong các bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh và đừng có ra đến Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương. Bởi vì tôi không muốn gặp mọi người tại chương trình trong hoàn cảnh như thế. Tôi muốn gặp mọi người ở những nơi khác vui vẻ hơn, khỏe mạnh và thỏa mái hơn.
Thời gian gần đây, hoạt động quyên góp từ thiện trở thành chủ đề "nóng", khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều, thậm chí bị cho là "đánh bóng tên tuổi", ồn ào về chuyện sao kê tài khoản từ thiện... Điều này có khiến anh nản lòng, muốn dừng lại những chương trình mình đã và đang thực hiện không, thưa anh?
- Tôi không muốn dừng lại việc mình đang làm. Chúng tôi làm vì vẫn còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn đang cần đến sự trợ giúp, chia sẻ của chúng tôi. Tôi nghĩ mình chỉ dừng lại trong trường hợp tôi không có đủ sức khỏe, các cộng sự cũng không còn đủ sức khỏe để tham gia chương trình.
Trong trường hợp chỉ tôi không đủ sức khỏe nhưng đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim vẫn sẵn sàng, mọi người vẫn tham gia Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê thì tôi luôn cổ vũ, ủng hộ bằng một cách nào đó để chương trình tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ được cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Thành quả sau 1 năm Phiên Chợ Trái Tim, chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê hoạt động liệu đã xứng đáng với kỳ vọng của người sáng lập và các cộng sự chưa? Còn điều gì khiến anh nhìn nhận là điều thiếu sót, vướng mắc cần phải điều chỉnh trong thời gian tới?
-Do được thực hiện bởi những người có tâm, nhiệt huyết với các hoạt động thiện nguyện nên Phiên Chợ Trái Tim có được thành quả rõ rệt sau 1 năm ra mắt. Chúng tôi đã thực hiện một cách bài bản, chu đáo từ những việc nhỏ nhất như dặn dò bệnh nhân đến nhận cơm mang cặp lồng thay vì đựng đồ ăn bằng hộp xốp, túi ni lông vì không tốt cho sức khỏe của người bệnh, đồng thời tạo ra lượng rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường. Với những gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đồ đựng cơm và thức ăn, chúng tôi đã tặng họ lên đến hơn 1.000 chiếc cặp lồng để đồ ăn luôn nóng hổi vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Bởi vậy, để nói rằng còn "hạt sạn" nào ở những chương trình hay không thì tôi nghĩ là không có. Hiện tại, khi số lượng cộng tác viên ngày càng tăng, tôi chỉ sợ rằng mình vì bận rộn với nhiều việc nên không thể gặp để gửi lời cảm ơn trực tiếp đến từng người. Tôi cũng mong mọi người thông cảm và tiếp tục ủng hộ đồng hành cùng Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê.
Giả sử có lời đề nghị mở thêm Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương "cơ sở 2", "cơ sở 3"… tại những bệnh viện khác trên địa bàn TP.Hà Nội thì anh nghĩ sao?
- Thực tế, trong nhóm thành viên, cộng tác viên Bữa Cơm Yêu Thương cũng băn khoăn rằng: "Việc tăng số lượng suất ăn sẽ lấy kinh phí từ đâu?". Sau đó, chúng tôi nghĩ ra việc tổ chức các tụ điểm bán nông sản, bán nước trái cây… để hy vọng có thêm lợi nhuận, kinh phí thực hiện Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương. Tôi cũng không ngăn cản mọi người tham gia những hoạt động đó vì chỉ có tình yêu thương thì những cộng tác viên, thành viên Phiên Chợ Trái Tim mới sáng tạo, tâm huyết, dành thời gian quý báu cho chương trình như vậy. Tôi cũng ủng hộ và sẵn sàng đầu tư để họ có cơ hội để trải nghiệm dù kết quả thu về nếu may mắn thì… hòa vốn (cười).
Thực tế, có những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình trò chuyện cũng bày tỏ mong muốn với đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim nên tổ chức thêm một Bữa Cơm Yêu Thương trong tuần cùng với những lời động viên: "Cơm ở đây ngon lắm!"; Bữa cơm ăn ngon như cơm nhà"; "Cô ăn cơm tại đây còn ngon hơn cỗ ở quê"...
Dù vậy để có thể mở rộng thêm "Bữa Cơm Yêu Thương "cơ sở 2", Bữa Cơm Yêu Thương "cơ sở 3"… tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP. Hà Nội, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn từ các cộng sự của Phiên Chợ Trái Tim và phải có sự chung tay hơn nữa của cộng đồng, xã hội. Bởi vì Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương hiện tại diễn ra 1 lần/tuần dù không phải "quá tải" nhưng chúng tôi thực sự đã phải rất cố gắng thực hiện.
Bác sĩ Trương Cao Luận luôn tham gia mọi hoạt động tại Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê.
Với mong muốn hướng đến sự bền vững trong việc giúp đỡ các bệnh nhân và người lao động nghèo trên địa bàn Hà Nội, Phiên Chợ Trái Tim đã ra mắt Quỹ hàng tháng "Bữa Cơm Yêu Thương". Ngoài ra, chúng tôi phục vụ các suất cơm miễn phí cho các học viên Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù (số 217 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Trong tương lai chúng tôi mong muốn có thể tổ chức 2 lần/tuần chương trình "Bữa Cơm Yêu Thương" cho phía Trung tâm người mù với 100 suất cơm/lần và bệnh nhân Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Có lý do gì đặc biệt khiến đội ngũ Phiên Chợ Trái Tim quyết định tặng thêm những suất cơm 0 đồng cho những học viên của Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù?
- Chúng tôi quyết định trao tặng những suất ăn miễn phí đến họ vào thứ Bảy hằng tuần vì địa điểm này khá gần với Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương (ngõ 9A đường Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Tôi từ lâu đã biết đến Trung tâm này nên mong là có đủ duyên để được tiếp xúc, tìm cách hỗ trợ những mảnh đời khó khăn nơi đây.
Cách đây mấy năm, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra với tôi trước thời điểm Bữa Cơm Yêu Thương tuần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm này (ngày 16/3/2024). Thời điểm đó, mắt của tôi bất ngờ gặp phải "sự cố" đau nhức đến nỗi không thể mở được ra. Lúc đó là gần 2h sáng, tôi thức dậy để xem bóng đá nhưng mắt tôi đau đớn khủng khiếp, tôi cố gắng cũng không thể nào mở được mắt như bình thường. Cảm giác đôi mắt đang sáng bỗng chốc bị đau, không thể nhìn thấy thứ gì, mọi thứ tối sầm khiến tôi lo lắng, hoang mang. Ngay sau đó, tôi gọi vợ và được người thân đưa đi cấp cứu. Sau mấy tiếng đồng hồ được các bác sĩ chuyên khoa mắt "vào cuộc" kịp thời, tôi mới có thể nhìn thấy được ánh sáng. Bác sĩ chẩn đoán mắt tôi bị con gì đó bay ngang qua và có thể mắt đã bị nó làm tổn thương.
Tôi tin đó cũng là cái duyên giữa mình với những thành viên, bệnh nhân của Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù.
Như anh chia sẻ về Quỹ hàng tháng "Bữa Cơm Yêu Thương" ra mắt đến thời điểm hiện tại đã đạt được kết quả ra sao?
- Trong quá trình kiểm kê Quỹ hàng tháng "Bữa Cơm Yêu Thương" sau khoảng hơn 1 tháng ra mắt, chúng tôi nhận thấy đến hiện tại chỉ có 1 trường hợp gửi vào quỹ số tiền 30.000 đồng trong khi các cá nhân, tổ chức chung tay ủng hộ Quỹ số tiền từ vài trăm nghìn đồng, hàng triệu đồng…
Hiện tại, cứ sau khi kết thúc Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương vào thứ Bảy hằng tuần, đội ngũ quản lý Quỹ sẽ có một danh sách tổng hợp những người đã ủng hộ bữa cơm 0 đồng của tuần này. Bên cạnh đó, các vấn đề xoay quanh việc sử dụng số tiền của Quỹ hàng tháng "Bữa Cơm Yêu Thương" cũng được phía đội ngũ quản lý kê khai minh bạch các khoản chi tiêu để mọi người theo dõi.
Bác sĩ Luận là người cũng rất hiếm hoi chia sẻ về những người thân yêu ruột thịt trong gia đình và cuộc sống đời thường. Những ký ức về thời thơ ấu, "tuổi thơ dữ dội" ở quê hương Bình Định chắc hẳn anh vẫn còn nhớ?
- Tôi là con thứ 3 trong gia đình khó khăn có 6 anh chị em, trong đó có 5 con trai, 1 con gái. Tôi nhớ khung cảnh căn nhà mình nằm chơ vơ giữa cánh đồng, đi học không có nổi đôi dép lành. Cuộc sống vất vả luôn ám lấy tâm trí của tôi khiến tôi quyết tâm phải thoát ra được sự thiếu thốn đó. Tôi từng đi bắt lươn, cá; hái ổi; mót lúa, lạc, đậu … bán được đồng nào phụ giúp bố mẹ, nhưng chủ yếu tôi là thường hái ổi, bắt cá đem cho bà con hàng xóm.
Bố mẹ tôi làm lụng vất vả lắm, "một nắng hai sương" mới có thể nuôi 6 người con đang tuổi ăn tuổi học. Từ sáng sớm, bố tôi đi chiếc xe máy Honda lên thị trấn bán thuốc Tây, bán báo đến chiều mới về. Thời thơ ấu, tôi ao ước được lên thị trấn cùng bố vì cuộc sống nơi đó trong mắt một đứa trẻ vùng quê như tôi thật sự khác lạ, nhộn nhịp, tân tiến... Bởi vậy, tôi có sự đồng cảm, thương yêu những em nhỏ tại vùng quê nghèo, nhất là các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Sau này, gia đình tôi được chuyển lên thị trấn, bố mẹ tôi cũng không khá khẩm hơn. Để có thể lo cho các con được ăn học đàng hoàng, mẹ tôi làm đủ nghề kiếm sống từ bán cà phê, bán vé số đến bán xăng… Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bố luôn động viên, dạy bảo các con rằng: "Con cứ học, học được sẽ cho con học"; "Nếu con không học thì sẽ chịu cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau"…
Hình ảnh người sáng lập Phiên Chợ Trái Tim bên cháu Quách Thế Hiếu sinh năm 2011 (trú tại xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Nhìn lại chặng đường qua, nhân duyên và hành trình "Bắc tiến" lập nghiệp của bác sĩ Trương Cao Luận đã bắt đầu như thế nào?
- Khi còn nhỏ, tôi đã được nghe bà nội nói: "Cụ sinh ra ông nội ở Hưng Yên trong khi nhà mình đông con, đông cháu nhưng không có ai ở ngoài Bắc để lo phần mộ cho các cụ". Thời điểm đó, dù không biết gì về vùng quê Hưng Yên, nhưng tôi biết bà nội vẫn luôn đau đáu hướng lòng về nơi chôn nhau cắt rốn. Cho đến khi tốt nghiệp chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt, Đại học Y TP. Hồ Chí Minh, tôi đã quyết định "Bắc tiến" lập nghiệp vào năm 2001. Tôi cũng biết khi ra đến Hà Nội mình sẽ không còn đủ tiền để trở lại TP.HCM vì tôi chỉ còn khoảng gần 700.000 đồng trong túi sau khi đã bán chiếc xe máy cũ được số tiền 1,3 triệu đồng vừa dùng mua vé tàu ra Hà Nội, đồng thời trả số tiền nợ một người bạn 100.000 đồng…
Đã có lúc tôi tự hỏi, liệu bản thân đã đủ hành trang về kiến thức hay chưa để ra ngoài đời bươn chải? Nhưng tôi cũng tự tin rằng mình đã tận dụng tốt khoảng thời gian trước đó để trau dồi kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình học tập. Vì vậy, tôi muốn tiếp tục sống bằng nghề của mình ở Hà Nội. Bề ngoài, mọi người nghĩ tôi ở TP.HCM ra Hà Nội sống chắc cũng "có điều kiện" nên thường rủ tôi đi đây đi đó, nhưng thực tế trong túi tôi không có tiền (cười).
Tôi ở thuê 1 phòng giá 200.000 đồng/tháng trong những ngày đầu ra Hà Nội lập nghiệp. Tôi còn nhớ căn phòng đó chật hẹp đến nỗi chỉ đẩy cửa vào là bước chân lên chiếc giường nhỏ. Tôi bắt đầu xin vào làm tại một phòng khám răng với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, trong khi đi làm tại TP.HCM tôi đã nhận được mức lương 2,4 triệu đồng/tháng. Dù đồng lương ít ỏi chẳng đủ sống, nhưng tôi nghĩ: "Có chỗ nhận, có tiền rồi tính tiếp".
Sau này, nhiều phòng khám đã ngỏ lời muốn tôi về làm việc cùng họ. Tôi cũng luôn tâm sự thật với người chủ rằng: "Có chỗ trả tôi lương như thế này, liệu anh có trả được tôi lương như vậy hay không vì tôi rất cần tiền để trang trải cuộc sống, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi sẽ làm cho đến khi phòng khám tìm được bác sĩ khác thay thế". Đến năm 2004, tôi đã tự mở được phòng khám riêng tại Hà Nội.
Nói vậy thì bà nội là người có sức ảnh hưởng nhất đến người sáng lập Phiên Chợ Trái Tim từ tính cách, quan điểm sống…?
- Đúng là tôi thấy tính cách của mình giống bà nội. Bà là người chia sẻ với tôi nhiều điều trong cuộc sống. Từ nhỏ, tôi được ở cùng bà nội, chứng kiến hành động đẹp của bà với những người khó khăn đang cần đến sự giúp đỡ. Tôi nhớ có những người ăn xin đến nhà trong khi gia đình tôi không có tiền, gạo cũng chẳng còn nhiều.
Lúc đó, bà dặn tôi: "Có bao nhiêu con cho họ bấy nhiêu, nếu không còn đầy nổi 1 bò gạo thì hãy san sẻ cho họ một nửa, nhà mình một nửa. Nếu mình có gì chia sẻ được thì hãy chia sẻ con nhé!".
Hiện tại, cuộc sống của bố mẹ, anh, chị, em trong gia đình bác sĩ Luận như thế nào? Phản ứng của họ ra sao khi biết anh sáng lập Phiên Chợ Trái Tim, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện?
- Tôi quan niệm, khi chưa ổn định trong nhà thì không thể ra ngoài giúp đỡ được người khác. Tôi gọi đó là sự "màu mè" không cần thiết phải như vậy. Tôi sống thật và ghét nhất sự giả dối. Khi giúp đỡ được cho người khác thì hẳn bố mẹ, các anh, chị, em trong gia đình tôi đều đã ổn định. Nếu không ổn thì rất khó tránh khỏi những "lời ra, tiếng vào" không hay.
Bố mẹ cũng hiểu rõ con người và tính cách của tôi từ thời thơ ấu, từ khi không có gì đã san sẻ, huống hồ hiện tại công việc của tôi cũng đã ổn định.
Có những lần trở về quê nhà, gặp gỡ những người thân thuộc trong gia đình hai bên nội, ngoại hoặc những hoàn cảnh khó khăn mà tôi được biết đến. Khi đó, tôi đến thăm và có trao tặng phần quà kèm theo phong bì tiền mặt. Khi đó, tôi tuỳ theo khả năng và những cảnh ngộ để tặng cho họ, có thể 500.000 đồng, 1 triệu đồng…
Dù làm những việc có thể bên ngoài được nhiều người ủng hộ, dành cho mình những lời khen, nhưng riêng bố mẹ tôi sẽ không nói gì. Thậm chí, trước đây khi anh cả của tôi - người cũng là bác sĩ được thăng chức Phó Giám đốc một bệnh viện nhưng bố tôi cũng không nói gì. Thời điểm đó, tôi nhớ có người đã nói với bố tôi rằng: "Ông không làm cỗ hay tổ chức ăn mừng con lên chức Phó Giám đốc à?". Lúc này, bố tôi trả lời: "Nhà nước tin nó thì giao nó làm, chứ có gì đâu mà phải liên hoan".
Khi biết tôi thường xuyên băng rừng, vượt suối lên vùng cao làm chương trình thiện nguyện, mọi người dặn dò tôi đi đường cẩn thận. "Con cái đông, giữ gìn sức khỏe" là lời nhắn nhủ ngắn gọn của bố tôi mà tôi luôn ghi nhớ.
Tình cờ tôi được gặp bà xã của bác sĩ Luận tại Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương. Tôi đoán có lẽ anh rất giỏi trong việc thuyết phục vợ đồng hành cùng mình tham gia các hoạt động thiện nguyện?
- Thật ra, tôi không giỏi thuyết phục gì ai đâu (cười). Khi Phiên Chợ Trái Tim ra mắt, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương, Chợ Quê hoạt động khiến tôi bận rộn hơn. Ngoài công việc riêng, phần lớn thời gian của tôi dành cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tổ chức hoạt động cùng các thành viên tại Phiên Chợ Trái Tim. Vì vậy thời gian để tôi có thể trò chuyện với người thân trong gia đình không còn nhiều như trước.
Tôi có một đặc điểm là không chủ động nói hay, nói tốt về những việc mình làm. Những người gần tôi nếu có hỏi những hoạt động, chương trình tôi đang làm thì khi đó tôi mới nói. Ví dụ như có chương trình thiện nguyện tại Lào Cai chẳng hạn, tôi sẽ nói vợ rằng ngày thứ mấy tôi đi và nếu bà xã sắp xếp được thời gian, công việc thì cả hai đi cùng nhau. Tôi không phải người sẽ rủ vợ tham gia chương trình cùng mình. Bởi vì tôi nghĩ khi họ chủ động thì bản thân họ sẽ biết cách sắp xếp sao cho hợp lý nên càng không có chuyện tôi "đả thông tư tưởng" cho vợ làm đâu.
Tôi nghĩ mình sống như thế nào thì vợ và các con đều biết. Tôi mong sao có sức khỏe tốt để có thể vừa làm tốt công việc, lo cho gia đình vừa góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng chia sẻ với vợ rằng, mình khi có thể giúp được ai thì hãy giúp vì cuộc sống vô thường lắm, mình chần chừ thì sau này muốn giúp họ cũng không còn cơ hội đâu. Khi cùng sống chung trong một mái nhà, có lẽ vợ và các con thấu hiểu điều đó nên đã chủ động đến tham gia Phiên Chợ Trái Tim, Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương khiến tôi rất xúc động.
Điều khiến tôi băn khoăn là việc một "chàng trai tỉnh lẻ" quê gốc Bình Định với vốn liếng trong tay chỉ có khoảng 700.000 đồng ra Hà Nội lập nghiệp lại có thể "cưa đổ" cô gái gốc Hà thành. Cơ duyên cả hai gặp nhau và tiến tới hôn nhân có gì đặc biệt không, thưa anh?
- Trong một lần tình cờ Vân (vợ bác sĩ Luận – PV) chở mẹ đến làm răng rồi chúng tôi quen nhau. Thời gian đầu, gia đình bên ngoại cũng có chút e ngại khi mọi người chưa thật sự biết rõ về tôi, không biết tôi có vợ, con ở trong TP.HCM hay chưa?… (cười).
Tôi cũng không dám nói trước chuyện có nhà, có xe ra sao vì tôi nghĩ đó là những chuyện của tương lai. Nếu bản thân không có sự cố gắng thì tất cả lời nói chỉ là vô nghĩa. Tôi chỉ muốn chứng minh bằng hành động thực tế, cố gắng, không để vợ khổ, con khổ. Nếu như để vợ khổ, con khổ thì đó hẳn là người đàn ông bất tài, bất lực.
Đến khi được sự ủng hộ của gia đình hai bên, đám cưới của vợ chồng tôi diễn ra vào tháng 11/2002.
Khi tham gia thường xuyên các chương trình từ thiện khó tránh khỏi việc bị nói là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Có khi nào anh khiến vợ không hài lòng vì chồng vắng nhà liên miên, lo lắng khi anh băng rừng, lội suối vất vả, nguy hiểm?
- Con người ai cũng có cảm xúc, khó tránh khỏi những chuyện như vậy. Bởi sự thật là tôi thường xuyên đi xa làm chương trình tại nhiều vùng miền trên khắp cả nước nên có thể khiến bà xã bận lòng. Nhưng tôi nghĩ, đó là cảm xúc ở một thời điểm thôi, còn khi nghĩ lại, vợ sẽ hiểu cho tôi vì tôi không làm điều gì sai trái. Chỉ là tôi đi giúp cho mọi người khó khăn thôi mà.
Trong lòng tôi luôn nghĩ mình đại diện cho vợ, con đến để trao cho người ta chút yêu thương khi họ đang cần sự trợ giúp vì vợ cũng bận đi làm, con đi học. Việc tôi đi sớm, về muộn để làm điều có ý nghĩa cho cộng đồng và đến thời điểm này, tôi vẫn còn sức khỏe thì là điều tốt chứ! (cười).
Trước đó, tôi cũng từng nói với vợ trước những chuyến đi xa rằng, nếu chẳng may tôi có bị làm sao thì có cái này, cái kia bán đi, đưa tôi về đâu… Tôi dặn dò vợ, con trước như vậy vì cuộc sống không ai nói trước được điều gì, có khi trong giấc ngủ thôi mình chưa biết chắc mình có tỉnh dậy được không, đi ra ngoài đường có còn quay trở lại được nhà hay không…
Được nhiều người gọi là "Ông Bụt" của đồng bào vùng cao, ở nhà, bác sĩ Trương Cao Luận là ông bố như thế nào?
- Tôi không dám nhận mình là "Ông Bụt". Trong quá trình đi làm chương trình thiện nguyện, có lẽ mọi người thấy mình gần gũi, cảm thông với nhiều người khó khăn nên gọi tôi như vậy thôi.
Với các con, tôi luôn giữ một quy tắc đó là không "cầm tay chỉ việc" bắt các con phải hoàn toàn nghe theo ý của mình. Tôi dù bận rộn với công việc nhưng luôn có sự quan sát, lắng nghe những chia sẻ của con. Ví dụ, khi con đang đi trên đường thẳng hãy cứ để con đi, nếu thấy con lệch hướng chút xíu thì tôi sẽ bảo con để con có thể tiếp tục đi trở lại con đường thẳng đó. Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn là việc kề kề bên con.
"Ở hiền gặp lành"; "Gieo nhân nào gặt quả nấy"… Bác sĩ Luận có nghĩ những việc thiện nguyện đã làm góp phần giúp cho cuộc sống gia đình nhỏ của anh hạnh phúc viên mãn hơn?
-Nhiều người cũng quan niệm việc mình làm sẽ tích phúc đức cho gia đình, cho con. Tôi nghĩ cũng có thể sẽ như vậy hoặc có thể do phúc phận của mỗi người đã có sẵn như vậy rồi.
Trong những chuyến đi làm chương trình từ thiện ở vùng cao của Phiên Chợ Trái Tim, chúng tôi luôn khảo sát thực tế để hỏi rõ ý kiến của bà con xem có bao nhiêu hộ khó khăn, họ đang thiếu gì và mong muốn chúng tôi giúp đỡ họ điều gì. Câu trả lời chúng tôi nhận được từ đông đảo bà con vùng cao là họ mong được ăn thịt lợn, thậm chí nhiều người dân tâm sự với tôi rằng, rất hiếm khi gia đình họ được ăn một bữa cơm có thịt lợn. Cuối cùng, Phiên Chợ Trái Tim và các nhà hảo tâm đã quyết định tặng cho người dân khó khăn thứ họ đang cần là thịt lợn cho dù việc mổ lợn, thịt lợn có thể bị coi là "sát sinh"; "mất lộc"; "tổn hại phúc đức"... Nhưng quan điểm của tôi khi đã làm từ thiện là vì người nhận chứ không phải để tạo phúc cho tôi hay cho ai đó.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu cho được mọi người điều gì thì hãy cứ cho đi. Khi không mong cầu được nhận lại thì có khi bản thân còn có thể có. Tuy nhiên, nếu mình cho mọi người thứ này xong bản thân nghĩ sẽ được ban cho thứ khác thì có thể kết quả sẽ không có gì luôn.
Cảm ơn bác sĩ Trương Cao Luận đã chia sẻ thông tin!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.