Bản Tủ 2 năm sau lũ quét: Đứng lên từ nước mắt, tạo dựng cuộc sống mới và nỗi niềm về sinh kế - Ảnh 1.

Bản Tủ 2 năm sau lũ quét: Đứng lên từ nước mắt, tạo dựng cuộc sống mới và nỗi niềm về sinh kế - Ảnh 2.

Một ngày trung tuần tháng 7/2018, cả bản Tủ (xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái) chìm trong tiếng mưa tầm tã. Như thường lệ, bà Hà Thị Đoàn (56 tuổi) - nhà nằm ngay gần bên khe nước Suối Ma dậy sớm để chuẩn bị cho gà, lợn ăn rồi nấu ăn sáng cho chồng, con và 2 đứa cháu được người em trai gửi nhờ trông giúp mấy hôm nay. Bà định ra kiểm tra phía trước nhà vì mấy hôm nay mưa nhiều, nước từ vạt đồi cao phía trên theo khe chảy xuống đầy bùn nhão, rác rến trôi hết vào chỗ để máy xay sát phía dưới nhà. Bỗng bà nghe tiếng người gọi nhau thất thanh: "Chạy đi các anh chị ơi, lũ về rồi. Chạy đi...".

Từ phía đồi cao, dòng nước lớn cuồn cuộn, đỏ ngầu kéo theo nhiều bùn, đất đá ầm ầm đổ ập xuống. Bà Đoàn chỉ kịp gọi chồng, con, kéo vội mấy đứa cháu chạy bán sống bán chết thoát khỏi dòng nước lớn cao chừng 4 mét đang chực đổ ập xuống đầu, rồi bà ngất lịm đi vì quá sợ hãi. Khi tỉnh dậy, bà bàng hoàng trước khung cảnh đổ nát, tan hoang. Phía trước nhà bà, hai cây lớn thân to bằng một người ôm đổ phập xuống, đè bẹp phía nhà dưới, cây cối xung quanh cũng bật hết gốc đổ gục, đất đá ngổn ngang. Cả bản Tủ gồm 7 nóc nhà đã bị dòng nước cuốn phăng, tiếng người la hét, khóc gọi nhau lạc cả giọng... May mắn, cả gia đình bà thoát chết trong trận lũ kinh hoàng ngày hôm đó.

Đã hai năm trôi qua, nhưng dường như ký ức về trận lũ khủng khiếp ấy vẫn còn hằn sâu trong tâm trí bà và cả những người dân bản Tủ. Chỉ tay về phía khe nước nhỏ chảy róc rách trước nhà, bà nói với phóng viên Dân Việt: "Bình thường khe nước nhỏ hiền hoà là thế, chỉ đủ cung cấp nước vào ruộng thôi. Vậy mà nước dâng lên tận ngọn tre, đổ ập xuống xoá xổ cả bản làng trong chốc lát".

"Đến bây giờ tôi vẫn còn sợ. Ở đây bao nhiêu năm, tôi chưa từng chứng kiến một trận lũ nào kinh hoàng như vậy", bà Đoàn nói, nỗi sợ hãi còn vương trong ánh mắt, quá khứ ám ảnh lại ùa về. 

Bản Tủ 2 năm sau lũ quét: Đứng lên từ nước mắt, tạo dựng cuộc sống mới và nỗi niềm về sinh kế - Ảnh 3.

Không may mắn như gia đình bà Đoàn, gia đình anh Lò Văn Dung bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ quét kinh hoàng sáng sớm 20/7/2018. Ở bản nghèo này, anh Dung là lao động chính trong gia đình có người mẹ già gần 70 tuổi, vợ và hai đứa con còn thơ dại, đứa lớn 14 tuổi, còn đứa bé mới 3 tuổi. Cuộc sống "rổ rá cạp lại" của hai vợ chồng vô cùng khó khăn, anh Dung theo bạn đi làm thợ hồ dưới Hà Nam để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Khi trận lũ dữ tràn qua, nghe tin, anh vội vàng bắt xe về, mãi tới chiều tối mới về được đến bản. Tất tưởi vượt qua con đường nhầy nhụa bùn và ngổn ngang đất đá vào bản, anh Dung sụp xuống trước cảnh đổ nát tan hoang, nghe tin vợ cùng đứa con trai nhỏ bị dòng nước cuốn phăng.

Bản Tủ 2 năm sau lũ quét: Đứng lên từ nước mắt, tạo dựng cuộc sống mới và nỗi niềm về sinh kế - Ảnh 4.

Qua lời kể của người dân bản, khi mọi người hò nhau chạy lũ, bà Hà Thị Dừn - mẹ anh được hàng xóm giúp đỡ chạy lên hướng đồi thoát nạn, còn người vợ là Lường Thị Thuỷ luýnh quýnh, tay bế đứa con nhỏ, tay dắt đứa lớn tháo chạy khỏi dòng nước lớn nhưng không kịp. Cả căn nhà đổ ụp xuống trong giây lát, 3 mẹ con bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Đứa con lớn Lò Văn Tân may mắn được người dân cứu thoát, còn chị Thuỷ và đứa con nhỏ 3 tuổi bị dòng nước đầy đất đá cuốn trôi đi mất.

Sau cơn lũ dữ, mọi người lục tục kéo về tìm người thân, khuôn mặt ai cũng thất thần trước cảnh đổ nát,  hàng đống đất đá, bùn nhão và cây cối, đồ đạc ngổn ngang. Họ tìm kiếm, dọn dẹp, mong tìm thấy một chút tài sản, nhưng tất cả chỉ là đống đổ nát, tan hoang. Anh Lò Văn Dung cũng chuyển sang ở nhờ nhà người họ hàng trong bản. Người mẹ già của anh hàng ngày ra ngồi ngoài lán khóc than, thương đứa cháu nội bé bỏng mới tìm được xác, còn người con dâu lúc đó vẫn còn nằm đâu đó trong đống bùn lầy, thi thể chưa được tìm thấy. 

Anh Dung gương mặt thất thần, mắt đỏ hoe cố gắng đào bới từng tấc đất đá, lật từng gốc cây với hy vọng mong manh tìm thấy thi thể vợ trong đống đổ nát, bùn nhão. Thỉnh thoảng anh lại gục mặt xuống đôi bàn tay lấm lem bùn đất, trầy trật vết xước vì đào bới, lưng rung lên bần bật theo tiếng nấc nghẹn. Nỗi đau quá lớn đổ xuống đầu anh khi cùng lúc mất đi người vợ và đứa con trai út, toàn bộ nhà cửa, tài sản cũng trôi theo dòng nước. 

Cơn lũ đi qua, bản Tủ trở nên u ám, tang thương. Người dân tranh thủ nhặt nhạnh những gì còn sót lại, dựng lán, che tạm mảnh bạt để ở; người tá túc nhờ bà con, sống tạm qua ngày... Với họ, bản nhỏ vốn yên bình nằm dọc khe Suối Ma đã bị xóa sổ chỉ trong chốc lát.

img
img
img
img


Bản Tủ 2 năm sau lũ quét: Đứng lên từ nước mắt, tạo dựng cuộc sống mới và nỗi niềm về sinh kế - Ảnh 6.

Con đường vào bản Tủ, xã Sơn Lương được đổ bê tông sạch sẽ, xe ô tô có thể lên tới tận bản. Trên những thửa ruộng xanh ngút ngát, người ta không còn nhận ra dấu tích của trận lũ lịch sử tháng 7 năm 2018. Bản Tủ tan hoang sau cơn lũ dữ giờ đã thực sự hồi sinh, thấp thoáng nhiều nếp nhà sàn được núi đồi bao bọc.

Để đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ, chính quyền các cấp của huyện Văn Chấn, Yên Bái đã nhanh chóng chăm lo cho cuộc sống của người dân, cấp đất, cho xây dựng một khu tái định cư nằm trên một khu đồi cao được san bằng phẳng, cách vị trí trung tâm bản cũ đi vào sâu chừng 700 mét. Với sự giúp đỡ của chính quyền, bộ đội, các cá nhân, tập thể..., hơn 70 nóc nhà được xây dựng kiên cố, san sát nhau như phố, nhiều nhà lợp mái bằng, mái tôn, hầu hết có cổng và khoảng sân trước nhà. Tuy còn có nhiều khó khăn nhưng về cơ bản cuộc sống của người dân bản Tủ đã ổn định. 

img
img
img

Bản Tủ tan hoang sau cơn lũ năm 2018. Ảnh: Việt Linh

Trong cơn mưa dai dẳng của một chiều tháng 8, những đứa trẻ con bản Tủ vẫn đang được nghỉ hè nô đùa trước khoảng sân nhỏ. Mấy cụ già trong bản tụ tập nhau ngồi uống trà, hút thuốc, những người phụ nữ tranh thủ ngày nông nhàn ngồi đan các sản phẩm mây, tre, cói... Cuộc sống yên bình trong những nếp nhà đơn sơ.

Ngồi trong căn nhà rộng rãi có phòng khách và hai phòng ngủ được xây dựng khang trang, bà Đinh Thị Quý (56 tuổi) vẫn chưa tin nổi cuộc sống của mình đã thực sự thay đổi. Đến bây giờ, bà Quý vẫn còn nhớ rõ thời khắc kinh hoàng cơn lũ quét tràn qua nhà bà. 

Lúc đó trời mưa xối xả, nhìn qua cửa, thấy đất đá bắt đầu lở kéo theo hàng trăm cây cối đổ ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống dưới bản. Bà Quý chưa kịp định thần đã bị cơn lũ ập xuống, bà bị giật mạnh bởi dòng nước xiết, đang chới với giữa đám bùn đất thì được người hàng xóm chạy tới kéo bà vượt qua bức tường ngăn giữa nhà ông và khe nước, cứu thoát. Khi quay lại, ngôi nhà của bà đã bị sập hoàn toàn chỉ sau vài phút, chồng bà là ông Hà Sơn Hoà đã bị dòng nước cuốn trôi. 

img
img

"Mỗi lần nghĩ đến cảnh lũ đổ về, vẫn còn thấy sợ lắm. Được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm, gia đình tôi cũng dựng được căn nhà, giờ thì chúng tôi không còn lo lắng nữa", bà Quý nói, mắt hướng nhìn về phía bàn thờ chồng, bần thần một hồi lâu. Giờ cuộc sống của bà chỉ quanh quẩn bên nếp nhà, trông 2 đứa cháu, đứa bé nhất chừng độ 2 tuổi. Cô con dâu của bà cũng nhận đan mây, tre, cói thủ công từ hợp tác xã để kiếm thêm thu nhập. 

"Ngày nào chăm chỉ em cũng đan được 2-3 sản phẩm, thu nhập khoảng 100.000 đồng tiền công, cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn", con dâu bà Quý vừa nói, tay thoăn thoắt đan những chiếc giỏ cói xinh xắn. 

Dẫn phóng viên Dân Việt đi một vòng thăm khu tái định cư của bản Tủ, Chủ tịch UBND xã Sơn Lương Hà Văn Hưng phấn khởi cho biết, bản Tủ đang dần đổi thay từng ngày, màu xanh dần phủ kín trên những khu đất trống. Xã còn nhiều khó khăn do diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp quá lớn, nước quét đi mất trắng, diện tích bị thu hẹp khoảng 10ha, còn 13ha là đất không thể khôi phục lại được, hoặc số đất khôi phục lại được nhưng hiệu quả sản xuất lại kém. 

"Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái, họ rất chăm chỉ. Khó khăn nhất là vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động, bởi nếu chỉ trông chờ vào ít đất ruộng, đất màu thì không đủ đảm bảo thu nhập, kinh tế khó phát triển", vị cán bộ xã nói. 

img
img

Được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm, gia đình bà Đinh Thị Quý (áo kẻ) xây dựng được căn nhà khang trang. Cô con dâu bà tranh thủ đan các sản phẩm bằng cói kiếm thêm thu nhập những ngày nông nhàn. Ảnh: Anh Thư

Hiện bản Tủ có khoảng 760 người đang ở độ tuổi lao động, chính quyền xã cũng đã cùng các cấp chính quyền mở những lớp học mây tre đan đào tạo nghề cho người dân, xã cũng quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây dâu tằm, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp đến hỗ trợ, định hướng, tạo sinh kế cho bà con dân bản. Trước đây một kg kén có thể bán tới 100.000 -120.000 đồng, xã duy trì dược 4 tổ hợp tác xã, bao tiêu sản phẩm, rất thuận lợi. Nhưng dịch Covid-19 hiện nay khiến giá kén xuống chỉ còn khoảng 50.000-60.000 đồng/kg cũng khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng. 

Còn ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thì cho rằng, ngoài việc chăm lo cho người dân có chỗ an cư lập nghiệp, đảm bảo sự an toàn của người dân lên hàng đầu, huyện cũng sẽ nghiên cứu hướng đi, tìm kế sinh nhai lâu dài cho người dân nơi đây. 

"Chúng tôi cũng đang nỗ lực để tìm hướng đi kịp thời, hình thức sản xuất có hiệu quả để đảm bảo sinh kế lâu dài cho bà con dân bản", ông Tuân nói. 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem