Báo chí phải làm gì để sáng tạo, đổi mới trong bối cảnh chuyển đổi số?
Báo chí làm gì để sáng tạo, đổi mới, nâng chất trong bối cảnh chuyển đổi số?
Hải Phong
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 15:32 PM (GMT+7)
Đó là câu hỏi lớn nhất đặt ra trong hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia, được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay, 22/11 tại Hà Nội.
Tham dự và chủ trì hội nghị có, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các đại biểu đến từ các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương và 25 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phía Bắc…
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong giai đoạn quan trọng hiện nay, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng đất nước. Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Các giải pháp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ cho các phóng viên, nhà báo thực hiện nhiệm vụ của mình là rất cần thiết vào giai đoạn này, để các nhà báo có thể cho ra đời nhiều tác phẩm hay, góp phần trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, phụng sự nhân dân.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.
Trước đó, ngày 18/3/2004, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, căn cứ Chỉ thị 37 của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, bên cạnh Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương, địa phương giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021. Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 – 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí.
Đối với báo chí ở trung ương, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng cho 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo. Từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Đối với báo chí ở địa phương, trong 3 năm (2021- 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng; Hội Nhà báo các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Đối với báo chí ở trung ương, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng cho 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và sơ kết triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao được tổ chức vào năm 2023 tại Hòa Bình, Nghệ An và Tiền Giang, trên cơ sở tham mưu của Ban Nghiệp vụ và Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi vào đúng ngày 21/6/2024.
Từ năm nay, Điều lệ Giải đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là 02 nhóm Giải mới là Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo. Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.
Sáng tạo, đổi mới trong báo chí có khó không?
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận để giải đáp cho câu hỏi mang tính trăn trở cao của báo giới trong giai đoạn này Báo chí làm gì để nâng cao chất lượng, sáng tạo, đổi mới trong bối cảnh chuyển đổi số ?
Một số tham luận quan trọng như "Chuyển đổi số báo Kinh tế & Đô thị: Tăng hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả báo chí đối với sự phát triển Thủ đô" của nhà báo Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; tham luận "Đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả tác động xã hội của báo chí tại VTV" của nhà báo Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3 đã được trình bày trong sự hưởng ứng của đông đảo đại biểu và đã giải đáp được câu hỏi "Sáng tạo, đổi mới trong báo chí thời kỳ chuyển đổi số có khó không?".
Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân cũng chia sẻ về tham luận về "Báo chí sáng tạo: Ý tưởng và triển khai"; Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus chia sẻ kinh nghiệm về "Sáng tạo nội dung báo chí đa phương tiện"...
Tại phần trao đổi thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề nảy sinh trong quá trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia.
Các đại biểu cũng mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam xem xét việc xét tuyển lựa chọn tác phẩm báo chí chất lượng cao không nằm trong kế hoạch được duyệt ban đầu được thực hiện như thế nào? Bên cạnh đó các đại biểu cũng thảo luận về cơ quan báo chí tự tìm tòi có nguồn thu ổn dịnh, bền vững… quay trở lại đầu tư nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí.
Các câu hỏi đã được nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị thuộc hội tiếp thu và trả lời giải đáp một cách thẳng thắn, để đảm bảo nguồn hỗ trợ của nhà nước được đảm bảo, đúng theo quy định pháp luật.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh báo chí đối mặt với nhiều thách thức mới, việc hỗ trợ báo chí chất lượng cao càng trở nên cấp thiết. Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã phần nào đáp ứng được nhu cầu này, giúp các nhà báo có thêm điều kiện để sáng tạo. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, chương trình cần được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng.
"Hội nghị nhằm tìm các giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí để đáp ứng yêu cầu nguồn tác phẩm chất lượng cao dự Giải báo chí Quốc gia theo Điều lệ Giải mới. Các cơ quan báo chí có thể phối hợp sâu rộng với các Liên Chi hội, Chi hội Trung ương và các Hội Nhà báo địa phương trong việc thực hiện Chương trình, hỗ trợ triển khai và thẩm định chất lượng tác phẩm, từ đó định hướng, dẫn dắt và cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức làm báo hiện đại hơn nữa", nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu các tiêu chí về "Tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Điều lệ Giải báo chí quốc gia lần thứ XIX-2024".
Các tác phẩm báo chí cần tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp nhân dân thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Các tác phẩm báo chí có tính phát hiện, tính mới, tính điển hình, tính dự báo, dự đoán, tính thực tế, tính khách quan, chân thực, tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng được cả tính quốc tế, quốc gia và địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững địa phương, vùng và quốc gia.
Đối với tác phẩm, sản phẩm Báo chí đa phương tiện và Báo chí sáng tạo phải thể hiện được tính sáng tạo trong sản xuất và phân phối nội dung số, có giá trị nội dung, kỹ thuật và mỹ thuật cao, với các giải pháp, ứng dụng (app), chương trình tương tác… làm tăng chất lượng, sự lan quả và hiệu quả tác động của tác phẩm/ sản phẩm đến công chúng, thúc đẩy các giải pháp đột phá cho nền báo chí cách mạng Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.