Bảo vệ và nâng cấp đê biển: Những nhiệm vụ sống còn

Đê biển đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Hệ thống các tuyến đê biển của Việt Nam là một trong những công trình trọng yếu, luôn được quan tâm và bảo vệ ở mức cao nhất. Chính vì thế, công tác bảo vệ và nâng cấp hệ thống đê biển được coi là nhiệm vụ sống còn.

Bảo vệ và nâng cấp đê biển: Những nhiệm vụ sống còn - Ảnh 1.

Tiến sỹ Đặng Quang Tính, Nguyên Cục trưởng Cục đê điều phòng chống lụt bão - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyên Ủy viên thường trực kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương

Việt Nam là quốc gia biển, chiều dài bờ biển 3260 km. Vùng đặc quyền kinh tế biển 1 triệu km2 rộng gấp ba lần lãnh thổ trên đất liền với hàng nghìn hòn đảo.

Thiên tai, đặc biệt là thiên tai liên quan đến nước là yếu tố gây tác động tiêu cực đến an toàn sinh mạng và các hoạt động dân sinh kinh tế của xã hội. Trên phần đất liền, với hệ thống sông dày đặc gồm 2360 km sông có chiều dài từ 10km trở lên, với lượng mưa lớn tập trung thời hạn ngắn trong mấy tháng mùa mưa gây nên lũ sông xảy ra thường xuyên và rộng khắp. Vùng biển và ven biển thường xuyên chịu tác động của bão, Việt Nam được coi là nước nằm trong 5 vùng nhiều bão nhất trên thế giới. Bão gây gió mạnh, mưa lớn và sóng cao tác động đến một vùng rộng lớn!

Đối phó với thiên tai, nhân dân Việt Nam từ xa xưa đã áp dụng nhiều giải pháp phòng chống thiên tai để bảo vệ sinh mạng và phát triển sản xuất xây dựng đất nước. Như biện pháp bố trí mùa vụ cây trồng, đặc biệt là các vụ cấy trồng lúa nước ở các vùng miền là biện pháp hiệu quả được tổng kết, điều chỉnh trong thời gian dài để thích nghi với điều kiện địa hình và thiên tai vẫn còn áp dụng đến ngày nay. Để bảo vệ các vùng đồng bằng thấp trũng ven sông, ven biển biện pháp chủ động phòng chống thiên tai là xây dựng các tuyến đê ngăn nước được thực hiện. Ngày nay các tuyến đê được chia làm hai loại, đê sông dọc theo các triền sông và đê biển là đê ven cửa sông và đê biển trực tiếp dọc theo bờ biển. Theo sử sách ghi lại, các tuyến đê sông được hình thành rất sớm ở nước ta từ thời An Dương Vương dựng nước trước công nguyên[1]. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh là hình ảnh sinh động hào hùng về công cuộc phòng chống lũ của nhân dân Việt Nam từ xa xưa.

Vùng châu thổ ven biển nước ta có địa hình tự nhiên thấp trũng, lại thường xuyên chịu tác động của thuỷ triều có biên độ lớn, bão với nước biển dâng cao, sóng to, gió lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Do vậy, có thể nói hệ thống đê biển được hình thành từ nhu cầu tất yếu để bảo vệ dân cư và sản xuất của các vùng ven biển. Các tuyến đê biển xuất hiện muộn hơn, vào thời các vua Trần thế kỷ 13[2]. Đê biển phát triển chậm hơn do điều kiện ven biển khó khăn phức tạp hơn. Đê biển không chỉ chống với cột nước (do thủy triều và nước dâng do bão gây nên) như đê sông chống với mực nước lũ, mà chịu sự phá hoại của sóng biển, đây là tác nhân chính gây ra sự phá hoại đê biển. Kinh nghiệm đắp đê sông, thời gian tổ chức đắp đê, vật liệu sử dụng, kỹ thuật sử dụng,… không còn hoàn toàn phù hợp với đê biển nữa.

Các tuyến đê biển được đắp từ nhiều năm về trước và thường xuyên được củng cố hàng năm, đê biển vùng đồng bằng Bắc Bộ phần lớn được đắp từ đời nhà Trần, đê biển Thanh Hoá, Nghệ An được hình thành từ những năm 1930, phần lớn đê biển và đê cửa sông khu vực miền Trung được đắp trước và sau năm 1975. Các tuyến đê biển ban đầu được hình thành chủ yếu do nhân dân tự đắp để bảo vệ sản xuất, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đắp một số tuyến đê biển quan trọng.

Đê biển nước ta không liền tuyến do bị chia cắt bằng nhiều cửa sông lớn nhỏ, các tuyến đê biển thường nối tiếp với các tuyến đê cửa sông để tạo thành các tuyến khép kín bảo vệ các vùng ven biển, tổng chiều dài đê cửa sông cũng gần xấp xỉ với chiều dài đê trực tiếp biển. Hiện nay, các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 1729 km.

Do tính chất và biên độ thuỷ triều, mức độ ảnh hưởng của bão hàng năm và hình thái địa hình đối với từng vùng có khác nhau mà sự ra đời cũng như yêu cầu về quy mô của đê biển cũng có sự khác nhau. Đối với vùng ven biển miền Trung, những đụn cát hình thành ven biển như những đoạn đê tự nhiên để ngăn mặn. Ở vùng gần các cửa sông Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Ba Lạt, Ninh Cơ, Đáy bờ biển được bồi cao và lấn dần ra biển, nhân dân đắp đê quai lấn biển nên hình thành 2, 3 tuyến đê biển, có tuyến mới bảo vệ cho hàng ngàn hecta diện tích như đê biển Bình Minh (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), khu Đình Vũ (Hải Phòng), đê biển Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá). Ở vùng xa cửa sông, một số nơi bãi biển liên tục bị hạ thấp, biển lấn vào đất liền đe dọa đến an toàn của đê biển, đê cũng được đắp thành 2 tuyến (tuyến chính và tuyến dự phòng) như một số đoạn đê biển Hải Hậu; một số khu vực biển lấn do bãi bị hạ thấp, gây xói lở bờ như khu vực Hậu Lộc (Thanh Hoá), Xuân Hội, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình), Hoà Duân (Thừa Thiên Huế), Tam Thanh (Quảng Nam). Một số tuyến đê biển được đắp vòng khép kín bảo vệ dân sinh, kinh tế như tuyến đê biển Hà Nam (Quảng Ninh), đê biển đảo Cát Hải (Hải Phòng).

Khi nước Việt Nam mới ra đời, từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã coi phòng chống thiên tai là công việc trọng tâm, ưu tiên và xuyên suốt. Hệ thống đê, trong đó có đê biển, thường xuyên được đầu tư ngày càng vững chắc, mức chống chịu ngày càng cao.

Ngày nay, là một quốc gia biển, phát triển kinh tế biển ngày càng mạnh mẽ và đòi hỏi sự đảm bảo ngày càng cao của các giải pháp phòng chống thiên tai, trong đó có vùng ven biển, đê biển ngày càng được chú trọng nâng cấp củng cố để đáp ứng kỳ vọng đó.

Vụ việc sạt lở đê biển tây Cà Mau tháng 8/2019

Sự cần thiết thực hiện Chương trình

Hiện trạng đê biển trước khi thực hiện Chương trình

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành và chính quyền địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tuyến đê biển được đầu tư xây dựng và thường xuyên được tu bổ sau mỗi mùa mưa bão. Một số dự án đầu tư lớn cho đê biển đã được thực hiện như:

- Dự án khôi phục và nâng cấp đê biển thuộc 5 tỉnh Bắc Bộ (PAM 5325 - các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và 8 tỉnh Trung Bộ (PAM 4617 - các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) với mục tiêu trước mắt là trợ cấp lương thực, giải quyết việc làm cho các vùng nghèo đói thường bị thiên tai đe dọa, khôi phục và nâng cấp các tuyến đê ngăn mặn nhằm giảm thiệt hại do lũ, bão gây ra và mục tiêu lâu dài là tăng diện tích, tăng vụ và tăng năng suất, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội trong vùng được đê bảo vệ góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Có thể nói đây là dự án đầu tư lớn nhất, đạt được hiệu quả to lớn về mọi mặt, đặc biệt về mặt xã hội.

Các dự án PAM 5325 và 4617 đã đầu tư khôi phục, nâng cấp được các đoạn xung yếu thuộc 49 tuyến đê với chiều dài 764km/1454km trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, góp phần bảo vệ an toàn hơn cho gần 2,6 triệu người; xây dựng được khoảng 300 km kè bảo vệ mái đê phía biển tại một số vị trí xung yếu trực tiếp biển; 83 cống; 478 ha cây chắn sóng.

Về kỹ thuật dự án khôi phục, nâng cấp đê biển (PAM 5325 và PAM 4617) chủ yếu đầu tư cho việc đắp tôn cao đê để đảm bảo cao trình chống với cấp gió bão thiết kế cấp 8 hoặc 9, mức nước triều tần suất 5%.

Về mặt kinh tế, xã hội, sau khi dự án được hoàn thành đã tăng trên 11.300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 4.520ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, 62 ha làm muối, 47.400ha diện tích tăng năng suất, trồng đựoc 3.100ha cây chắn sóng, tạo công việc cho 670.000 người lao động góp phần nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo.

- Sau cơn bão số 4 năm 2000, một số tuyến đê biển, đê cửa sông thuộc tỉnh Hà Tĩnh bị hư hỏng nặng cũng đã và đang được đầu tư củng cố, nâng cấp bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, đầu tư của Trung ương và hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á nhằm khắc phục hậu quả bão lụt.

- Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án như CARE, CEC, OXFAM khoảng 200km đê biển, đê cửa sông thuộc khu vực miền Trung cũng đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo chống được với mức triều trung bình có sóng ứng với gió cấp 7, cấp 8.

Tuy nhiên, hệ thống đê biển vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề: 

- Do kinh phí còn hạn chế, mới chỉ tập trung đầu tư khôi phục, nâng cấp các đoạn đê xung yếu, nhiều đoạn đê chưa được đầu tư.

- Chưa quan tâm đầu tư xây dựng kè giảm sóng, giữ bãi để bảo vệ chống hạ thấp bãi. Hiện nay, nhiều đoạn kè bảo vệ mái đê biển đang bị sập chân, có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến sạt lở mái đê, vỡ đê biển bất cứ lúc nào.

- Đã đầu tư đắp áp trúc mở rộng mặt, thân đê, nhưng chiều rộng mặt đê đa số còn nhỏ (đoạn đã được đầu tư nâng cấp chỉ rộng khoảng từ 3,0 ÷ 4,0m, những đoạn chưa được đầu tư nâng cấp rộng khoảng từ 2,0 ÷ 3,0m, nhiều nơi nhỏ hơn 2,0m trong khi đó với yêu cầu giao thông hiện nay chiều rộng tối thiểu cần 5,0m) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạng lưới giao thông ven biển cũng như công tác kiểm tra, cứu hộ đê khi cần.

- Còn 719,1 km/1729 km đê biển, đê cửa sông thuộc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoặc chưa đảm bảo cao trình theo thiết kế, có những tuyến đê khu vực miền Trung còn ở dạng thô (như 51km đê thuộc tỉnh Quảng Nam mặt đê chỉ rộng 0,5 ÷ 2,0m, mái đê phía đồng và phía sông từ 0,5 ÷ 1,5, v.v..). Bên cạnh đó, một số đoạn đê mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đủ kiên cố lại chịu tác động thường xuyên của lũ, bão lớn nước tràn qua gây hư hỏng như một số đoạn đê biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh sau bão năm 2000, đê biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, v.v...

img
img

Hiện trạng đê biển Thanh Hóa và Hà Tĩnh năm 2006.

- Mặt đê chưa được cứng hoá, mái đê phía đồng hầu hết chưa được bảo vệ. Vì vậy, khi mưa lớn hoặc gió bão lớn vượt cấp 9 sóng tràn qua mặt đê gây sạt lở mặt, mái đê dẫn tới vỡ đê. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều đoạn đê biển thuộc Hà Tĩnh đã được đầu tư bởi PAM nhưng vẫn bị hưng hỏng sau trận bão số 4 năm 2000.

img
img

Hiện trạng mái trong đê biển bị xói lở

- Các cống dưới đê nhiều về số lượng nhưng đã được xây dựng từ vài chục năm về trước, một số không còn phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, hầu hết đã bị xuống cấp nghiêm trọng chưa được tu sửa, rất nhiều cống phải hoành triệt để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Vấn đề đặt ra là cần phải quy hoạch lại, xây dựng mới và cải tạo hệ thống các cống dưới đê để đảm bảo an toàn cho đê, kiểm soát mặn phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế vùng ven biển.

Bảo vệ và nâng cấp đê biển: Những nhiệm vụ sống còn - Ảnh 4.

Hiện trạng Cống qua đê năm 2007

Để chủ động đối phó với thuỷ triều, lũ, bão góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân và phát triển bền vững các vùng kinh tế ven biển thì việc tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông, củng cố các công trình giữ bãi nhằm nâng cao khả năng chống đỡ của các tuyến đê, kết hợp tạo tuyến đường giao thông ven biển là rất cần thiết. Đồng thời, cần có kế hoạch đầu tư dài hạn để chủ động trong công tác đầu tư.

  Như vậy, có thể thấy rằng việc đầu tư bảo vệ - chống vỡ, củng cố - chống xuống cấp và tiếp tục nâng cấp các tuyến đê biển hiện có là rất cần thiết và cấp bách. Đầu tư bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển không chỉ là nhằm bảo vệ các tuyến đê biển, đáp ứng yêu cầu chống lũ, bão trong hiện tại mà còn là yếu tố tạo đà cho sự phát triển về kinh tế vùng ven biển trong tương lai (phát triển giao thông, du lịch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, công nghiệp). Từ trước đến nay, ngoài dự án PAM được đầu tư mang tính tập trung, theo kế hoạch dài hạn, hầu hết việc đầu tư tu bổ, củng cố đê biển đều bị động, mang tính chắp vá, không đồng bộ - chủ yếu là khắc phục hậu quả các sự cố hư hỏng, sạt lở nên mặc dù tổng kinh phí đầu tư khá lớn nhưng chưa đảm bảo kiên cố, ổn định lâu dài, chưa mang lại hiệu quả cao.

Nội dung Chương trình

Mục tiêu:

- Chủ động phòng, chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển;

- Kết hợp giữa nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống lụt, bão, lũ một cách chắc chắn, lâu dài với yêu cầu phục vụ khai thác tối đa tiềm năng ven biển, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo;

- Về lâu dài: xây dựng hệ thống đê điều kiên cố, bảo đảm an toàn phòng, chống lụt bão, lũ. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2010 đầu tư hoàn thành những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng.

Tiêu chuẩn thiết kế:

Cũng như các nước trên thế giới, đê biển nước ta được xây dựng căn cứ vào tầm quan trọng của vùng được bảo vệ và phù hợp với khả năng kinh tế và kỹ thuật của đất nước từng thời kỳ. Tuy nhiên, để giảm rủi ro trước những diễn biến bất thường của thiên tai thì trong tương lai đê biển cần được xây dựng theo hướng phải đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và vùng được bảo vệ với mức thiết kế, đồng thời khi vượt mức thiết kế thì dù đê biển có bị hư hỏng nhưng không để vỡ đê đột ngột gây thảm hoạ, hạn chế tổn thất về sinh mạng và kinh tế. Căn cứ hiện trạng của đê biển, điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm về kỹ thuật và khả năng đầu tư, tiêu chuẩn thiết kế trước mắt đến năm 2010 đảm bảo hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%:

+  Đối với các tuyến đê bảo vệ trực tiếp các khu vực dân cư tập trung phải được thiết kế bảo đảm an toàn chống gió bão cấp 12 với mực nước triều trung bình tần suất 5%;

+  Đối với tuyến đê ngoài, đê bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản thiết kế chống gió bão cấp 9 với mức triều trung bình tần suất 5%, chấp nhận một phần sóng leo tràn qua đỉnh đê khi gió bão vượt mức thiết kế nhưng không gây vỡ đê.

Hệ thống đê, kè bảo vệ đê biển, theo từng giai đoạn được thiết kế theo các tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 130 - 2002; Tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế đê biển ban hành theo Quyết định số 1613/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, áp dụng cho Chương trình củng cố, bảo và và nâng cấp đê biển; Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 9901:2014 Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế đê biển. Đối với các đoạn đê kết hợp làm đường giao thông, ngoài tiêu chuẩn ngành, khi thiết kế còn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế giao thông.

Giải pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp đê biển:

- Củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông tạo thành các tuyến đê khép kín kết hợp với làm đường giao thông vành đai ven biển nhằm bảo vệ dân sinh, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng;

- Chiều rộng mặt đê tối thiểu từ 5,0 m đến 6,0 m, đê phải được kiên cố, gia cố đủ cao trình chống với mức gió bão thiết kế (cấp 9, cấp 10, khu vực dân cư cấp 12 với mức triều tần suất 5%), giảm thiểu được nguy cơ vỡ đê khi bão vượt mức thiết kế;

-  Trồng cây dọc theo tuyến đê nhằm tạo rừng ngập mặn chắn sóng trước đê biển, phải coi đây là biện pháp bắt buộc, kiên quyết đối với tất cả các khu vực, tuyến đê có thể còn trồng được cây chắn sóng; đồng thời cải tạo hệ sinh thái vùng ven biển;

- Đối với các khu vực biển tiến, xâm thực, cần nghiên cứu giải pháp công trình cắt sóng, tạo bãi bồi như xây dựng kè mỏ hàn, phun cát nuôi bãi… từng bước trồng cây chắn sóng để đảm bảo ổn định lâu dài;

- Các tuyến đê xung yếu trực diện với biển phải đắp thêm tuyến 2 dự phòng phía trong nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân, hạn chế thiệt hại khi tuyến 1 (tuyến trực diện với biển) bị vỡ khi gió bão vượt quá khả năng chống đỡ hoặc sóng tràn qua;

- Bố trí các tuyến đường ngang (đường xương cá) để vừa làm đường sơ tán dân, cứu hộ đê khi xảy ra sự cố đê điều; các tuyến đường này sẽ có tác dụng phân vùng ven biển thành các ô khép kín, độc lập, nhằm giảm thiểu diện tích bị ngập lụt, nhiễm mặn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố đê biển;

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ củng cố, bảo vệ các tuyến đê, kè biển và vùng cửa sông, xử lý xói lở, bảo vệ đê, bãi  phù hợp với điều kiện tự nhiên, thủy hải văn.

Thời gian thực hiện:

Chương trình được phê duyệt thực hiện bắt đầu từ 2006, trong đó, trước mắt phấn đấu đến năm 2010 đầu tư hoàn thành những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng.

Đến năm 2010, sau khi sơ kết 5 năm thực hiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015 (văn bản số 181/TB-VPVP ngày 07/7/2010 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng).

Ngày 26/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1507/TTg-KTN chỉ đạo tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020.

Nguồn vốn đầu tư:

Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có khối lượng công việc và kinh phí đầu tư lớn. Trừ một số địa phương có thể tự cân đối được ngân sách, hầu hết các địa phương ven biển còn khó khăn chưa thể cân đối được kinh phí, hàng năm Nhà nước đều phải cân đối cho địa phương. Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển cần có sự hỗ trợ của Trung ương là chính thông qua chương trình mục tiêu riêng, đồng thời huy động nhân lực, kinh phí đầu tư từ một số nguồn khác, cơ chế đầu tư được phê duyệt đã xác định:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ngân sách địa phương bảo đảm chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các giải pháp phi công trình;

- Lồng ghép các nguồn kinh phí khác để đầu tư như giao thông, đường quốc phòng ven biển, hỗ trợ phát triển nông thôn để thực hiện chương trình, di dân tái định cư và các Chương trình, mục tiêu khác trên địa bản;

- Ngoài ra, các địa phương phải huy động nhân lực, kinh phí đầu tư từ một số nguồn khác như: sử dụng quỹ ngày công lao động công ích của các địa phương theo quy định cho công tác đắp tôn cao, áp trúc hoàn thiện mặt cắt đê; kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi; kinh phí đầu tư của các công trình giao thông (đối với các đoạn đê kết hợp làm đường giao thông).

Tổ chức thực hiện:

Để đẩy nhanh công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn kinh phí riêng hàng năm đầu tư theo chương trình mục tiêu cho việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông và giao cho:

Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm:

- Làm chủ đầu tư  và quản lý, thực hiện dự án đầu tư bảo vệ, củng cố và nâng cấp đê biển ở địa phương mình theo các quy định hiện hành;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức lập dự án khả thi tổng thể về cải tạo, bảo vệ và  nâng cấp đê biển. Trước mắt, chỉ đạo lập, thẩm định các dự án chi tiết các khu vực xung yếu, cần bảo vệ cấp bách để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão;

- Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền các cấp thực hiện việc trồng và bảo vệ rừng cây chắn sóng ven biển; coi đây là một cơ sở để xem xét, hỗ trợ đầu tư;

- Sắp xếp danh mục các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với mức độ, cấp độ xung yếu trên địa bàn để lập kế hoạch đầu tư theo tiến độ hàng năm; đồng thời huy động nguồn lực của địa phương theo quy định để thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo sự phân công của Chính phủ:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch về công tác cải tạo, xây dựng các công trình đê biển phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch chung của hệ thống đê biển;

- Thoả thuận về phương án kỹ thuật để Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, bảo đảm  công trình thực hiện đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện xây dựng hệ thống đồng bộ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm  an toàn, hiệu quả đầu tư.

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc khuyến khích trồng và bảo vệ cây chắn sóng ven biển;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng đê biển sau đầu tư.

- Trong quá trình thực hiện chương trình theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đã chủ động, thống nhất với các địa phương về giải pháp kỹ thuật cụ thể cho từng dự án, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giải quyết vướng mắc cụ thể.

img
img
img
img

Công tác kiểm tra, bảo vệ và gia cố đê biển ở các địa phương luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền, người dân. 

Kết quả thực hiện

Theo báo cáo của các địa phương, kết quả thực hiện Chương trình tính đến hết tháng 12 năm 2017[3] như sau:

- Có 242 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng mức đầu tư 19.892,685 tỷ đồng để thực hiện củng cố, nâng cấp 996,0 km đê; xây dựng, tu bổ 268,2 km kè chống sạt lở; sửa chữa, xây mới 946 cống dưới đê và trồng 475,0 ha cây chắn sóng.

- Đã hoàn thành 183 dự án, 53 dự án đang triển khai thực hiện, 06 dự án chưa triển khai thực hiện, với 750,6 km đê được củng cố, nâng cấp; 190,0km kè được xây dựng, tu bổ; 774 cống dưới đê được sửa chữa, xây mới và trồng được 458 ha cây chắn sóng bảo vệ đê biển.

- Khối lượng đã thực hiện: 14.336.021 m3 đất đào, đắp; 2.202.222 m3 đá các loại; 1.970.332 m3 bê tông các loại và 458 ha cây chắn sóng.

Đánh giá hiệu quả Chương trình:

Hiệu quả rõ nét của chương trình là đã chống vỡ đê biển, trên thực tế từ khi thực hiện đến năm 2020 đã có rất nhiều cơn bão đổ bộ vào từ Quảng Ninh đến Quảng Nam trong đó có những cơn bão vượt mức thiết kế của chương trình (cấp 9 cấp 10) đạt đến cấp 11, 12 nhưng toàn tuyến đê biển không bị vỡ, chỉ có hư hại ở mức nhỏ.

Nhiều trọng điểm nghiêm trọng về đê biển đã được xử lý như: Tuyến đê biển Hà Nam – Phong Cốc (Quảng Ninh), tuyến đê biển 1 Đồ Sơn – Hải Phòng, tuyến đê biển Đông Tây Thanh Niên, tuyến đê biển Hải Hậu (Nam Định), tuyến đê biển Bình Minh 3 (Ninh Bình), tuyến đê biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), tuyến đê biển Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh), tuyến đê biển Bầu Tró (Quảng Bình), tuyến đê biển Hòa Duân (Thừa Thiên Huế)… trước đó đã từng xử lý trong nhiều năm, thậm chí cả chục năm không thành công nhưng nay đã ổn định, một vài trong số đó đã trở thành cơ sở trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.

Việc xóa trọng điểm đã giúp cho giảm được sự huy động nhân lực, vật tư, thiết bị rất lớn để ứng phó khi có bão. Như năm 2005 để đối phó với bão số 7 đã huy động gần 135.000 người bao gồm lực lượng quân đội, dân quân và thanh niên xung kích, trên 3.500 phương tiện các loại, 17.800 phao cứu sinh tham gia công tác hộ đê. Để tăng thêm khả năng chống đỡ của hệ thống đê điều, các địa phương đã phải huy động số lượng lớn vật tư để xử lý bao gồm: trên 663.000 m2 vải chống sóng, gần 2.210.000 bao tải, gần 116.000 m3 đá hộc, trên 25.000 m2 vải lọc, gần 300.000 m3 đất cùng nhiều loại vật tư khác.[4]

Qua thực hiện dự án cũng xác định được rõ hơn các thành phần cụ thể của đê biển, liên quan đến các giải pháp phù hợp tăng cường ổn định của các thành phần kết cấu đê dẫn đến ổn định tổng thể của đê; làm cơ sở qui định phạm vi đê biển đảm bảo về quản lý. Cụ thể xác định được phạm vi trước đê tính từ chân kè mái ngoài đến phạm vi cách tối thiểu từ 200m đến 500m phía trước đê tùy từng khu vực; phạm vi bảo vệ phía đồng giữ tương tự như với đê sông và có đường hành làng phía đồng. Kiểm định qua thực tiễn tính đúng đắn của các giải pháp kỹ thuật đã áp dụng để thực hiện tiếp tục hoàn thiện nâng cấp toàn bộ hệ thống đê và là mô hình nhân rộng cho các trường hợp tương tự.

Các vùng được đầu tư nâng cấp đê biển đã thay đổi đáng kể mang lại hiệu quả thiết thực, nhờ có tuyến đê được cải tạo, nâng cấp mà thu hút được các nhà đầu tư cũng như nhân dân yên tâm đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyến đê biển được nâng cấp góp phần ổn định sản xuất, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản cũng như làm muối, ngoài ra với việc trồng cây chống sóng, dải cây chắn cát ven biển cũng mang lại lợi ích về mặt môi trường sinh thái. Đê biển đã trở thành tuyến giao thông ven biển then chốt phục vụ sản xuất, phát triển du lịch, tăng cường về quốc phòng an ninh.

Chương trình phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế các vùng ven biển một cách bền vững, khai thác tiềm năng tại các vùng ven biển. Đảm bảo an toàn sản xuất ổn định, nhân dân yên tâm đầu tư cho sản xuất, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp chắc ăn cho trên 310.000 ha, 28.000 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời tăng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 10.500 ha, chuyển đổi trên 2.800 ha diện tích sang nuôi trồng thuỷ sản.

Chương trình cũng đã huy động và thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu khoa học, giảng dạy về đê biển, thúc đẩy được sự phát triển, nhận thức chung xây dựng tích cực hơn về việc bảo vệ hệ thống đê biển. Hướng dẫn nghiên cứu sau đại học, xây dựng các chương trình giảng dạy về công trình biển.

Qua quá trình thực hiện, đã phát triển được chương trình, phong trào về việc trồng cây chắn sóng và chắn cát cho các vùng ven biển, mái đê, chân đê làm tăng khả năng ổn định của đê, đồng thời tạo ra môi trường sinh thái và đa dạng sinh học (ví dụ bãi cây chắn sóng của huyện Diêm Điền, Thái Bình; đê Cầm Cập, Đồ Sơn, Hải Phòng; đê Hải Tiến, Hậu Lộc, Thanh Hóa; đê cửa sông Hương, Huế đã trở thành các vùng sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và vùng du lịch của địa phương).

Để Chương trình đạt các mục tiêu đặt ra, bắt kịp trình độ trong khu vực và trên thế giới, đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy và nghiên cứu về thiết kế, thi công đê biển ở Việt Nam tạo bước chuyển biến mới và góp phần làm ổn định đê biển; tạo cơ sở để nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế đê biển phù hợp hơn.

Những giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng trong chương trình trở thành mô hình áp dụng trong phạm vi cho cả nước. Thông qua các kết quả đạt được, Chương trình đã tạo lòng tin đối với cán bộ và nhân dân.

Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình[5]:

- Việc huy động nguồn lực của địa phương đạt thấp; hiệu quả lồng ghép một số chương trình trên địa bàn còn hạn chế.

- Một số địa phương chưa thực hiện đúng nội dung thoả thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT về giải pháp kỹ thuật công trình, một số dự án Tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện khi chưa có ý kiến về giải pháp kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra, việc phân cấp cho các địa phương phê duyệt dự án dẫn tới tình trạng các địa phương phê duyệt và triển khai các dự án tràn lan, không dứt điểm được dự án, nhiều dự án phải dừng kỹ thuật làm giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức Ban quản lý dự án ở các địa phương không thống nhất nên việc báo cáo, theo dõi tiến độ thực hiện để nắm bắt các thông tin xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện còn chưa kịp thời; khi phê duyệt dự án thường giao nhiều đơn vị khác nhau làm chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư; các Ban quản lý dự án; Ủy ban nhân dân quận, huyện…) nên khó đảm bảo tính chuyên môn và việc quản lý về mặt kỹ thuật, nhất là khi không có sự thỏa thuận kỹ thuật hay sự phối hợp quản lý của cơ quan chuyên môn về đê điều.      

- Công tác báo cáo kết quả thực hiện Chương trình chưa được các địa phương quan tâm thực hiện, gây khó khăn cho việc tổng hợp của Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảo vệ và nâng cấp đê biển: Những nhiệm vụ sống còn - Ảnh 6.

Công tác kè đê biển tại Nam Định.

Bài học kinh nghiệm:

- Chọn tuyến đê phù hợp, cần có bãi cây chắn sóng đủ rộng phía trước đê (chiều rộng bãi cây tối thiểu là 200m, theo Quyết định 58/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt cương trình bảo vệ, củng cố chương trình nâng cấp hệ thống đê biển hiện có từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; không xây dựng tuyến đê sát mép nước làm tăng suất đầu tư, khó thi công và dễ mất ổn định đê. Việc lựa chọn tuyến đê xây mới hoặc điều chỉnh tuyến đê khi nâng cấp đê biển là quan trọng mang tính quyết định đến tiết kiệm kinh phí đầu tư thuận lợi cho thi công và làm đường giao thông kết hợp. Tuyến đê chọn có bãi cao (khi thường xuyên ngập) hoặc có bãi cây đủ yêu cầu sẽ đảm bảo được ổn định đê với giải pháp chi phí rẻ, dễ dàng thủ công và quản lý. Thực tế cho thấy, sau khi di dời tuyến đê đến vùng nước sâu hơn (khi quai đê lấn biển như đê Đồ Sơn hoặc chọn tuyến đê ngoài trực tiếp biển, nước sâu như đê Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Định đều làm đê mất ổn định trong thời gian dài, sau này sử lý nâng cấp rất tốn kém. Do vậy khi chọn lựa tuyến đê biển để kiên cố hóa hoặc đắp tuyến mới, phải coi vấn đề chọn tuyến như đã nêu là rất quan trọng.

- Giải pháp tối ưu để nâng cấp sức chống chịu của đê biển: tăng khả năng giảm sóng của bãi cây trước đê, khi giảm sóng đến trước đê thì áp lực sóng và chiều cao sóng leo sẽ giảm dẫn đến nâng cấp được sức chống chịu của đê biển.

- Đê biển phải được bảo vệ đồng bộ cả ba mặt mái ngoài, đỉnh đê, mái trong và cơ đê phía đồng. Trên cơ sở phần lõi đê bằng đất phải đủ ổn định. Chuẩn hóa các cấu kiện bê tông đúc sẵn làm mái kè và chân kè đủ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, khi vận dụng cần tính toán cụ thể theo điều kiện sóng của từng khu vực, tránh áp dụng tràn lan một loại cấu kiện gây lãng phí.

- Đê biển không thể dùng phương pháp tôn cao áp trúc nên tạo thành nhiều tuyến đê hoặc sử dụng công trình kết hợp, Nhật Bản sau thảm họa sóng thần tại thành phố SENDAI phía trong tuyến đê cũ (cao trình +700m, bọc bê tông 3 mặt đê) xây thêm phía trong thành phố một tuyến đê mới.

- Đê biển không chống chịu tuyệt đối, không cho tràn như đê sông. Khi nước lũ tràn qua đê sông gây xói dần đến vỡ đê. Chiều cao đê biển được cộng các yếu tố mức thủy triều tính toán, mức nước dâng tính toán, mức sóng leo tính toán và độ cao gia thăng an toàn. Thực tế đê biển không ngăn được nước mặn tràn qua, do các mức đều là tính toán theo qui định chủ quan. Do vậy khi thiết kế đê biển chiều cao không là yếu tố quyết định, ổn định đê không vỡ hoặc hư hỏng là quyết định. Hơn nữa do đặc thù, vùng ven biển có thể chống một phần nước mặn xâm nhập khi tràn qua đỉnh đê. Chưa nói đến ngay phía sau đê là các vùng sản xuất liên quan đến nước mặn, những vùng sản xuất khác hoặc khu dân cư.

- Cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích và tổng hợp để nâng cao nhận thức, kỹ thuật xây dựng và quản lý để thực hiện chương trình đê biển trên phạm vi cả nước được tốt hơn, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và nguy cơ xảy ra siêu bão./.


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem